Chia sẻ

Tre Làng

BỆNH GIÀ

CuTeo@

Bố vợ mình ốm từ năm 93, nằm một chỗ, chân tay kém, mồm miệng líu lo nhưng ăn vẫn khoẻ và uống rượu tì tì. Hai tuần nay ông cứ đòi đi viện. Cả nhà đều bận, sợ không ai bám viện chăm ông nên cứ lần khân. 

Hôm trước vợ đã đưa ông khi Việt Pháp khám. Người khỏe đến viện còn thấy mình có bệnh nữa là người già. Bác sỹ bảo: “Bệnh già thôi mà”.

Về nhà ông không chịu, một mực đòi đến Việt Xô chữa bệnh. Ông bảo không đưa ông đi, sáng mai là ông chết. Vợ mình kệ.

Sáng dậy, thấy vợ hỏi oshin: “Ông thế nào?” Oshin cười rinh rich: “Ông vẫn sống”. Ông lại vọng ra: “Hôm nay chưa chết thì sáng mai sẽ chết”. 

Sáng nay mình còn đang nằm trên giường, vẫn đang trạng thái nửa tỉnh nửa ngủ vì thức đêm bế con, thấy nhà ngoài tiếng người xôn xao như có chuyện. Mình chột dạ. Vừa lúc ấy thấy vợ đi vào, mặt mày căng thẳng. Mình chồm dậy hỏi: “Ông đi thật à”. Vợ bảo: “Có mà đi viện”. Mình hỏi thêm: “Sự tình thế nào rồi”. Vợ vừa vạch áo cho con bú vừa bảo: “Ông bị bí đái từ hôm qua. Vừa gọi xe cấp cứu. Đang đợi”. Nghe vậy mình vùng ra khỏi giường, tỉnh hẳn. Sự việc thế này là nghiêm trọng rồi. Mình thắc mắc: “Nhà có 2 xe, 2 tài, gọi cấp cứu làm gì”. Vợ vẫn thủng thẳng: “Ông thích xe cấp cứu cho có còi ủ”.

Xe cấp cứu hết, phải chờ 2h nữa mới có. Nước sôi lửa bỏng thế này thì đợi làm gì nữa, dùng luôn xe nhà cho xong.

Phải nói thêm là bà mẹ vợ mình cũng yếu, ốm mấy năm nay, trí nhớ gần như mất hẳn. Vợ thì mới sinh, nên việc đưa ông vào viện trách nhiệm đổ lên vai mình. Cũng chính vì thế nên vợ mới ngại.

Mình bảo: “Việc thế này rồi thì để anh đưa ông đi”.

Mất hơn một tiếng vòng vèo các phố trong giờ cao điểm mới tới được Việt Xô. Mình quen miệng gọi thế thôi, chứ ngoài cổng có cái biển rất to BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ. Mình không phải người nhà nước, nên không am tường lắm về chế độ đãi ngộ. Chỉ lờ mờ nhớ là cán bộ cỡ tiêu chuẩn nào đó mới được vào bệnh viện này. Điều này nhận thấy ngay khi ô tô mình cứ điềm nhiên phi qua cổng mà không bị chặn lại hỏi han như các bệnh viện khác. Quá nhiều cụ đi ô tô nên bảo vệ không dám hách .

Lái xe hỏi: “Vào phòng khám hả anh”. Mình bảo: “Vào phòng cấp cứu đi”.

Hơn 20 năm trước mình đã từng có mặt ở phòng cấp cứu. Cô bé hàng xóm chả hiểu yêu đương tình ái thế nào uống một vốc thuốc ngủ tự tử, báo hại mình phải đưa đi rửa ruột. Nói chung phòng cấp cứu chỉ dành cho những đối tượng thập tử nhất sinh. Đó là nơi các bác sỹ giành giật sự sống với thần chết, cướp lại sự sống trên tay thần chết. Có lẽ tính chất công việc của phòng cấp cứu nó như vậy, cho nên không khí ở đây rất hối hả, gấp rút và căng thẳng.

Nhưng phòng cấp cứu ở Việt Xô không như vậy. Cô bác sỹ trẻ đeo kính trắng nhẹ nhàng bảo: “Anh đưa bác vào phòng kia nhé. Em sang làm thủ tục ngay đây”.

Trong phòng cấp cứu đã có hai cụ nằm. Cụ thứ nhất mặc quần âu, giầy đen, áo bỏ trong quần ngay ngắn, đang thở đều đều trên một chiếc giường trong góc phòng. Cụ thứ hai đóng nguyên một bộ quân phục mới kính coong, mới từ cái áo lót bên trong đến đôi tất vẫn còn chưa bay dấu quân nhu đóng nơi cổ chân. Mình đặt ông lên chiếc giường thứ 3. Cô đeo kính chạy vào bảo: “Anh đợi tí nhé, bác sỹ đang giao ban”. 

Ngoài cửa thấp thoáng mấy mụ nạ dòng, nói vọng vào: “Anh ơi để em thay cho ông cái bỉm mới cho sạch sẽ”, “Anh ơi em chăm sóc bệnh nhân 24/24, việc chăm ông anh cứ để em”.

Bác sỹ giao ban xong, đủng đỉnh thăm khám bệnh nhân cấp cứu. Thái độ khoan thai, hoà nhã, nhẹ nhàng khiến mình hơi lạ. Mình hình dung là xe cáng chạy ầm ầm, bác sỹ hớt hải hô “Sốc điện”, người nhà nháo nhác chạy đi chạy lại mà không biết làm gì ngoài việc khuôn mặt biểu lộ sự lo lắng hoặc xót thương. Ấy vậy mà…

Bác sỹ hỏi cụ mặc quần âu: “Cụ bị sao”. Cụ mặc quần âu, vẫn đi nguyên cả giầy lên giường, hé một mắt ra bảo: “Tôi bị khó thở, hình như là tắc thở”. Bác sỹ lại hỏi, giọng vẫn nhẹ nhàng: “Cụ bị bao lâu rồi?” Cụ già vẫn nhắm một mắt , mở một mắt, trả lời: “Bị một tuần nay rồi”. Bác sỹ hỏi xong, rút tai nghe ra nghe nghe một chút, bảo y tá: “Đo huyết áp cho cụ và làm điện tim đồ”. 

Nói rồi quay sang cụ mặc quân phục: “Cụ bị sao”. Cụ mặc quân phục đang nằm ngửa mặt lên trần nhà, nhỏm dậy, cởi áo đại cán, bảo: “Người ngợm ê ẩm như có ai đánh”. Bác sỹ hỏi thêm: “Cụ có đau cụ thể chỗ nào hơn không?” Cụ nhăn mặt, trề môi, vặn người lục khục, quả quyết: “Đau cả người”. Bác sỹ lại nghe nghe, gõ gõ, viết viết gì đó và nhắc y tá: “Đo huyết áp và điện tim đồ”.

Đến lượt ông nhà mình. Chưa đợi câu hỏi cụ bị sao mình đã nhanh nhảu: “Ông bí đái từ hôm qua”. Bác sỹ nghe vậy, thôi không rút tai nghe ra nữa mà thò tay nắn nắn bụng dưới ông cụ rồi bảo với mình: “Mềm lắm, không thấy hiện tượng tích nước ở bàng quang”.

Ông nhà mình nghe thấy thế líu lô một hồi dài toàn ô với ê. Bác sỹ nghiêng tai nghe, rồi nhìn mình hỏi: “Cụ nói gì thế”. Thường ở nhà chỉ có một người nghe và hiểu cụ nói gì là cô bé giúp việc, chứ bản thân mình cũng nghe như tiếng Lào. Mình dịch bừa: “Cụ bảo cụ bí đái, cụ sắp chết rồi, phải cứu cụ”. Bác sỹ nhìn mình lạ lẫm, rồi nói nhỏ hơn, chỉ đủ mình nghe thấy: “Nhưng bàng quang của cụ khô anh ạ”. Mình thấy vậy cũng nói nhỏ, ánh mắt đầy ngụ ý: “Bác sỹ cứ làm tất cả những gì cần thiết”.

Bác sỹ nói lớn hơn với y tá” Chuẩn bị ống xông. Đưa găng tay cho tôi”.

Mình chỉ thoáng nhìn thấy bác sỹ đang nhét cái ống bằng que đũa vào chỗ đi tiểu cho ông. Mình thấy ông nhà mình hét lên: “Ối ối a, ối ối…a a…au wá”. Mình chạy ra sân hút thuốc, đợi cho bác sỹ nong xong thì vào.

Bác sỹ nhìn mình, mắt cười cười: “Xông tiểu xong rồi anh, không có một giọt nào”. Ông nhà mình nằm trên giường, có vẻ căng thẳng, mặt quay vào trong tường. Mình lại đề nghị: “Chắc phải để ông nằm việc theo dõi thêm”. Lúc này thấy ông quay mặt ra, ô ê cái gì nghe như chim hót.

Mình làm thủ tục nhập viện nội trú cho ông, vào khoa cấp cứu luôn vì chính bác sỹ còn chưa biết đưa ông vào khoa nào. Tuyển ngay một bà sồn sồn chăm sóc ông với giá 150k/ngày. Mình dặn dò chăm sóc cẩn thận rồi về.

2h chiều đợi thằng cu ngủ xong mình và vợ vào thăm ông, tiện thể mang thêm mấy bộ quần áo. Trên xe vợ bảo: "Sáng bị bác sỹ đè ra thông cống, đau quá có khi tí lại đòi về đấy".

Ông ngồi trên giường, tựa lưng vào tường, vui vẻ ô a với bà phục vụ. Mình hỏi: “Bác sỹ có khám gì nữa không”. Bà phục vụ bả lả: “Vừa đo huyết áp và điện tim đồ”. Mình hỏi: “Trưa ông ăn uống thế nào”. Bà phục vụ kể công: “Cháu mua 15k cơm ông ăn hết, giờ ông lại bảo ra mua cái gì vào để ăn”. Mình bảo vợ: “15k cơm thì ông liếm cái hết”. 

Mình sang gặp bác sỹ. Cô bác sỹ trẻ đeo kính nhìn mình thăm dò rồi hỏi: “Mai em chuyển khoa cho bác nhé, hay anh muốn đưa bác về”. Mình hốt hoảng: “Đừng đừng, để cụ nằm viện mấy hôm đã. Vào khoa nào hả em”. Cô bác sỹ dường như đã quá quen với các ca cấp cứu kiểu này, xốc lại cặp kính, bảo: “Anh muốn cụ vào khoa nào? Bệnh già thôi mà anh”.

Mình và vợ phải về kẻo thằng cu dậy khát sữa. Mình lại dặn bà phục vụ: “Nhớ cho ông ăn uống đầy đủ”. Bà ta te tái: “Ông bảo cháu mua bia, nhưng cháu chưa dám. Ai lại cấp cứu mà uống bia”. Mình cười, rồi ghé tai bảo: “Tối đợi bác sỹ về, mua cho ông chai rượu nhá. Há …há…há”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog