Chia sẻ

Tre Làng

CON ĐÊ

Người Việt Nam mình có ngàn ngàn cây số con đê. Đê sông, đê biển, đê ngòi… Tuổi thơ ai mà chả có những kỷ niệm về những triền đê và con đê. 

Tôi là ai là ai mà yêu quá đời này (Trịnh Công Sơn)...

Triền đê tuổi thơ tôi. Cái con đê và triền đê kéo dài từ Trung Hà đến triền đê Thăng Long Hà Nội. Đã có thời tôi như một trẻ vô phúc chả làm sao đi lại trên triền đê của tuổi ấu thơ. Đến khi không nghèo như những người công nhân đứng máy, những nhà máy dệt may, nhà máy giày da, nhà máy kính đáp cầu, nhà máy Nai, nhà máy a di đát… Cũng không nghèo như người dân quê tôi giữa những năm hai nghìn - thôn Bài Nha, xã Cam Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây - mà nay di về Thăng Long - Hà Nội. Cũng không giàu có như các đại gia, xanh có, đỏ có, xanh vỏ đỏ lòng cũng có. Đủ tiền tôi gọi một cuốc xe đến thắp nhang bốn mươi chín ngày của cụ bà, quê Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội.

Người lái xe lầm lì và kiệm lời lắm. Nhờ có duyên trời cho, anh thổ lộ bảo em người núi Voi, Hải Phòng, là họa sĩ, lái tắc xi chỉ để chơi thôi. Tôi bảo thế cuốc xe này bao nhiêu tiền. Hai triệu. Trời ơi là trời. Có trên dưới bốn chục cây số mà những hai triệu. Họa sĩ lái cái giá nó khác đấy ông anh ạ. Hết biết rồi. Tôi trả anh triệu rưỡi.

Vàng hương xong, chúng tôi xuôi theo triền đê sông Hồng trở về Hà Nội. Tôi bảo chỉ đi trên đê, không đi trên đường thiên lý, trên đường cái quan. Ô kê đi. Họa sĩ nói thế.

Từ Tản Hồng, họa sĩ dừng xe đột ngột. Bảo rẽ vào đình Chàng (đình Chu Quyến) đi bác. Tôi bảo: Ừ. Cái ngôi đình này là cả tuổi thơ tôi. Ông bà già tôi. Ông cố nông - không một thước đất cắm dùi. Lấy mẹ tôi, con cụ tiên chỉ của làng. Hai người sau khi sinh ra tôi về ngụ cư trên chính vùng đất quê mình - chợ Chàng, Chu Quyến, Quảng Oai, Tùng Thiện, Sơn Tây.

Thế là tôi học A, B, C ở đình Chàng cho đến lớp hai. Đình Chàng có những cột đình to đùng, to đoàng. Vào tuổi ấy phải bốn đến sáu đứa trạc tuổi tôi mới ôm khít một cột đình. Còn nhớ chỉ học A, B, C mà ông giáo làng đã viết một tờ giấy dó mấy chữ Tổ quốc trên hết. Cứ mỗi ban mai, chúng tôi hái những bông hoa, họa dại có, hoa người ta trồng có, kết một vòng hoa xung quanh mấy chữ Tổ quốc trên hết của ông giáo làng.

Rời đình Chàng, chàng họa sĩ lại bon bon trên triền đê sông Hồng. Rồi chàng họa sĩ lại thắng gấp đánh hự một cái, rẽ trái một cái. Chúng tôi đứng trước cái cổng sắt nhà cụ tiên chỉ. Cổng đóng then cài. Mợ tôi (chủ nhà) đang mưu sinh trên đường thiên lý. Nhìn qua cánh cổng sắt tôi mơ màng thấy cái cuống rốn tôi bay bay trên vườn nhà ông ngoại.

Chúng tôi lại bon bon trên triền đê sông Hồng xuôi về Hà Nội. Trời vẫn mưa. Ổ trâu, ổ gà, ổ voi, cơ man nào là ổ. Chàng tắc xi - họa sĩ bảo, bác có biết lái không. Tôi bảo, cứ thử xem. Tôi cầm vô lăng chở chàng họa sĩ bon bon trên triền đê sông Hồng xuôi về Thăng Long Hà Nội. Bụng cứ bảo dạ, hai anh em mình về Hà Nội thôi. Hà Nội có những người chị, những người em, có cả Thắng ngớ đang chờ ta.

Khự một phát, người ta đắp ụ chắn đê, đành rẽ vào phố phường. Qua triền đê Liên Hà, Liên Mạc, tôi nằm phịch trên chiếc giường sau cùng, ngôi nhà sau cùng. Chắc sẽ cho đến lúc về chầu ông bà ông vải.

*Tác giả Phạm Chuyên, Thiếu tướng, nguyên GĐ Sở Công an Tp Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog