Chia sẻ

Tre Làng

NHỮNG TỜ GIẤY NHÁP

LâmTrực@ 

Nhặt từ Net

1. Sách giáo khoa 30 năm cải cách.

Đất nước thanh bình. Sự nghiệp trồng người được quan tâm nhiều. Ở đây tôi không có ý định đả phá ai cả. Mọi vấn đề đều có tính hai mặt của nó. Mặt tích cực (được cho là như thế) của việc cải cách SGK và những cuộc thử nghiệm đã được trình bày trong các nghiên cứu tầm vĩ mô. Một phần mặt còn lại tôi chép ra đây theo ý hiểu hạn hẹp của mình.

Ba mươi năm qua, hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân đã được đổ ra cho việc cải cách SGK. Cuộc cải cách SGK đầu tiên xảy ra vào năm 1981. Ấn tượng của lần cải cách này là nhiều thế hệ học sinh phải viết một loại chữ Việt theo kiểu chữ in. Chữ viết khô cứng và nát vụn. Từ đó đến nay việc cải cách được thực hiện hàng năm, nhiều tỷ đồng được tiếp tục đổ ra. Những tưởng cải cách SGK để cập nhật những kiến thức mới, phù hợp với thực tế. Nhưng không hẳn như vậy, lượng kiến thức mới cập nhật chẳng được bao nhiêu, cũng chỉ là lần cải cách sau sửa sai lần cải cách trước! Nhìn thấy rõ ràng nhất là cuộc cải cách năm 2002 người ta lại quay về với chữ viết trước năm 1981!

Khoảng những năm cuối của thế kỷ 20 người ta bắt đầu đưa vào thử nghiệm sách chuyên ban, sách không chuyên ban. Sau đó là sách nâng cao, sách không nâng cao, từ đó duy trì cho đến ngày hôm nay. Đi kèm với cải cách SGK cho học sinh là cải cách sách cho giáo viên và những cuộc tập huấn (thường là 4 ngày)sách mới cho giáo viên, tiền lại tiếp tục đổ ra. Người ta hô hào giảm tải SGK cho con em mình đỡ khổ, nhưng người ta không nói đến đã giảm được những gì? 

Liên quan đến SGK, những cuộc công du nước ngoài người ta cũng học được vài thứ. Phương pháp dạy học lấy trò làm trung tâm được đưa vào áp dụng và SGK được cải tiến theo hướng đó. Nhưng đó chỉ là giáo điều, hạ tầng kém không áp dụng được. Các thế hệ vẫn tiếp tục “ thầy đọc trò ghi”. Tôi băn khoăn tự hỏi, liệu trên toàn cõi Việt Nam có chỗ nào mà áp dụng thành công “Phương pháp dạy học lấy trò làm trung tâm” chưa? Tôi cũng băn khoăn tự hỏi tại sao người ta không dành tiền đó để trang bị cho giáo cụ, cho các phòng thí nghiệm? Các phòng thí nghiệm trong các trường phổ thông thì chẳng nói đến làm gì, hãy đến phòng thí nghiệm của trường đại học danh tiếng như trường Đại học bách khoa Hà Nội. Ở đó vẫn còn những thiết bị thí nghiệm được sản xuất từ những năm 60! 

Một năm học mới lại bắt đầu, lại có một bộ SGK lớp 12 mới. 

2. Những cuộc thử nghiệm. 

Những tờ giấy nháp! Có ai đó đã nói như vậy khi nói về các em học sinh trong cuộc thử nghiệm của các người Lớn. Cuộc thử nghiệm về sách xuyên suốt trong sự nghiệp trồng người, không nói nữa. Sự học, thi cũng nhiều thử nghiệm. Chuyên ban – không chuyên ban – lại chuyên ban. Cái vòng luẩn quẩn đó thật hay! 

Ý tưởng về thi trắc nghiệm sớm ra đời, bất chấp những môn học cần sự tư duy, sáng tạo khi làm bài. Một mệnh lệnh hành chính là xong và không cần bàn cãi nữa. Người ta nói rằng sẽ cấu trúc đề thi thế nọ, thế kia để khắc phục. Nhưng đề và đáp án của các kỳ thi lớn chục năm trở lại đây có năm nào không sai không nhỉ?  

Lại bắt đầu cuộc thử nghiệm mới, kỳ thi quốc gia cho năm học 2009. Có quá nhiều ý kiến. Nhận thấy rằng mình có thể chưa hiểu hết vấn đề, tôi quan sát thấy những người cổ vũ cho ý tưởng này là những người làm công tác quản lý vĩ mô. Giáo sư họ Bành còn quyết tâm làm bằng được. Các thầy cô trực tiếp giảng dạy (từ các thầy cô làm hiệu trưởng các trường trở xuống) đều phản đối. Phần tôi cho đó là một ý tưởng điên rồ. Người ta đã phổ cập xong cấp 1,2 tại sao không phổ cập nốt cấp 3 đi nhỉ? Cái bằng cấp 3 thực tế có giá trị gì ghê gớm đâu? Có điểm trên trung bình các môn thì cấp cho Nó một cái chứng chỉ là xong! Cái quan trọng muốn chọn người tài giỏi thì tổ chức kỳ thi tuyển sinh tốt hơn đi! 
Hôm qua đọc cái đề án này mà không nhịn được cười, học sinh chỉ cần đạt 18 điểm/6 môn là đỗ tốt nghiệp. Sự thi cũng lắm cái buồn...cười. 

3. Về những sản phẩm.

Có lẽ cũng cần nhắc lại, tôi chỉ nói về một phần mặt thứ hai của những sản phẩm. Sản phẩm của giáo dục thì nhiều, ở đây cũng chỉ đề cập chủ yếu là thanh thiếu niên. Tôi không có ý định so sánh thanh niên thế hệ 8x, 9x với lớp thanh niên thế hệ 6x,7x vì như vậy là không hợp lý và có phần ngây thơ.

Bắt đầu từ những con số thống kê đầy ấn tượng. Trên toàn cõi Việt Nam hiện nay có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học, 18.000 thạc sỹ và 16.000 tiến sỹ. Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê sẽ làm hài lòng không ít người, nhất là những người quản lý giáo dục. Nhưng nhiều người khác sẽ nghĩ tới câu hỏi: những sản phẩm kia chỉ có tấm bằng hay có trình độ thực sự? Tất nhiên, câu trả lời là cả hai. Một lượng trí thức được coi là hùng hậu kia đã có những phát minh, sáng chế như thế nào nhỉ? Cá nhân tôi rất ấn tượng với đề án dựng bia tiến sỹ để lưu cho hậu thế xem! Đồ án, luận văn tốt nghiệp của sinh viên, sau khi đã thu được một số điểm, phần còn lại có được vài nghìn đồng, tiền bán giấy lộn?

Trong hợp tác giáo dục Việt - Mỹ, đoàn cố vấn của Mỹ sau một thời gian làm việc, họ đưa ra nhận xét: nền giáo dục của ViệtNam đang ảm đạm! Một nền giáo dục ảm đạm liệu có nhiều sản phẩm tốt? Tốt hay không, mỗi chúng ta đều có thể tự kiểm chứng được. Có một thực tế, hiện nay rất khó để nhận ra những chuyên gia đầu ngành và lớp kế cận họ ngày càng thưa thớt. Sinh viên ra trường được trang bị nhiều thứ, nhưng khả năng thực hành là không đáng kể! Trong các kỳ thi quốc tế, đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng đạt thứ hạng cao. Phải chăng giáo dục đang đào tạo “gà nòi”? Vâng, không thể phủ nhận, có nhiều học sinh, sinh viên giỏi nhưng họ đang ở đâu? Đa số đã ra đi theo dòng chảy chất xám hay nói chính xác hơn là vì cuộc sống của họ! Câu hỏi, vì sao họ ra đi cứ dai dẳng mãi… 

Về các mối quan hệ trong nhà trường. Các mối quan hệ này có nhiều yếu tố tác động và yếu tố nhà trường chiếm một phần không nhỏ. Cũng như các mối quan hệ khác ngoài xã hội, quan hệ thầy trò, quan hệ bạn bè ngày càng trở lên lỏng lẻo. Hiện tượng trò đánh thầy, thầy xâm hại trò, bạn bè đánh nhau thậm chí chém giết lẫn nhau không phải là chuyện hiếm. Chạy trường, chạy lớp, chạy điểm ngày càng phổ biến. Hình như các giá trị đang được định giá bởi tiền! 

Lâu nay người ta ít nói đến lý tưởng, hoài bão của thanh niên. Đó là một cái gì xa xỉ và không thực tế. Dường như vấn đề này không được đề cập trong các nhà trường. Theo một điều tra xã hội: khoảng 82% thanh niên được hỏi, có ý thức về dân tộc và khoảng 29% không có khái niệm này. Cứ cho là số liệu chấp nhận được thì 29% kia có phải là ít không? Nếu được hỏi, hoài bão, lý tưởng của bạn là gì? Tôi tin rất ít người nói rằng: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (Hồ Chí Minh). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog