Chia sẻ

Tre Làng

HỒ SƠ CUỘC CHIẾN CHỐNG FULRO # 5


Chiều 11-7-1980, trong một căn phòng tại trụ sở Ty CA Lâm Đồng, một cuộc họp bí mật bàn kế hoạch triển khai chuyên án F101 diễn ra với các thành phần cốt cán của ban chuyên án. Thật lạ, chuẩn bị cho trận quyết chiến với bộ phận đầu não của “TW Fulro” có hàng trăm đối tượng rất manh động, hung hãn, lâu nay ai cũng thấy là rất... “xương” vậy nhưng hôm nay trông ai cũng lộ rõ vẻ háo hức quyết tâm, chắc thắng. Song, những nét ưu tư vẫn len lỏi vào từng khuôn mặt của mỗi người khi bàn tới kế hoạch cụ thể bởi sẽ có đổ máu, hy sinh, mất mát!
Kỳ 5: CÔ Y TÁ THU PHƯƠNG VÀ ÔNG “MỤC SƯ” BÍ ẨN
Nguồn tin trinh sát của ta cho thấy có sự mâu thuẫn giữa bọn cầm đầu Fulro người K,Ho và Ê Đê. Cụ thể là mâu thuẫn giữa hai ông đệ nhất và đệ nhị phó thủ tướng Fulro. Những mâu thuẫn này ngày càng gay gắt sau khi “TW Fulro” cử phái đoàn do Nay Rong (tổng trưởng ngoại giao) và trung tá Cil Be liên lạc với tàn quân Pôn Pốt để tìm đường sang nước thứ 3, hoặc xin viện trợ để nuôi quân Fulro, nhưng không có kết quả gì. Thời điểm này, bọn Pôn Pốt cũng đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Vì vậy, chúng cũng chẳng giúp được gì cho Fulro Tây Nguyên. Số Fulro người Ê Đê (tập trung ở hai tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai) chiếm hầu hết các chức danh trong TW Fulro và manh động hơn số Fulro người K,Ho. Bộ phận Fulro ở Lâm Đồng do Ya Đuk cầm đầu có ý đồ riêng và bí mật tìm đường trốn ra nước ngoài mà không cho TW Fulro biết. Mặc dù vậy, Paul Yưh cũng biết ý đồ này của Ya Đuk và ra chỉ thị ngăn cấm với các thuộc cấp. Nhưng lúc này, tiếng nói của Paul Yưh không có “trọng lượng” bởi một số Fulro “lý sự” rằng, nếu cứ tiếp tục sống chui lủi trong rừng thế này, thiếu ăn, thiếu mặc, không có viện trợ thì lấy sức đâu mà “chiến đấu”. 

Qua một cô gái người Kinh tên Nguyễn Thị Thu Phương, làm y tá tại xã N,Thol Hạ (huyện Đức Trọng), nhóm Ya Đuk đang tìm đường để ra nước ngoài. Phương “bắt mối” được với một mục sư tên Tri Lâm, là đại diện một tổ chức từ thiện quốc tế, sẵn sàng tài trợ mọi chi phí để đưa nhóm Fulro xuất ngoại, tiếp tục huấn luyện, đào tạo họ trở thành các “sĩ quan” Fulro để sau này trở về “giải phóng Tây Nguyên”. Thế nhưng, Ban chuyên án phối hợp với lực lượng an ninh CATP Hồ Chí Minh đã tiến hành xác minh và cho kết quả: mục sư Tri Lâm hiện định cư tại bang Texas - Hoa Kỳ, 6 năm rồi không về Việt Nam. Lá thư gần đây nhất, Phương chuyển đến Ya Đuk là từ đâu? Rất có thể, “ngài mục sư Tri Lâm đang ở TP. Hồ Chí Minh” chỉ là “đổ giả”. Vì thế, đường dây xuất ngoại này của Phương không hề chắc chắn. Thế nhưng, Phương vẫn sốt sắng, hứa hẹn đủ điều với thầy trò Ya Đuk qua tên To Na, “trung tá” - liên lạc đặc biệt của Ya Đuk, kèm lời thúc hối họ phải chuẩn bị tiền. Bản thân tên “trung tá” Lơ Mu Yem - Tổng trưởng ngoại giao và Ya Đuk cũng “bán tín bán nghi” về đường dây xuất ngoại của Phương. Nhưng do quá khao khát về chuyến đi nên sau một thời gian, họ quyết định gạt bỏ hết mọi ngờ vực và tỏ ra tin tưởng Phương tuyệt đối. Nhưng với bộ óc “có sạn” của mình, “ông lớn” Ya Đuk không đơn giản thế. Ông ta đã quyết định chỉ đạo hai sĩ quan cận vệ của mình là “đại úy” Ha Póh và “thiếu tá” Ya Theng tìm mọi cách bám theo Phương để liên lạc cụ thể với mục sư Lâm nhằm bảo đảm một đường dây xuất ngoại chắc chắn và tránh bị Phương lừa gạt. Bằng biện pháp nghiệp vụ, chỉ đạo này của “tổng tư lệnh” Ya Đuk đã được ta nắm chắc. Kế hoạch bắt giữ Phương và hai tên Fulro Ha Póh, Ya Theng để làm mồi nhử Ya Đuk được tính đến. Một yêu cầu nữa của Ban chuyên án là xác minh làm rõ, “mục sư Tri Lâm” thực ra là ai? Vì sao lại lấy tên trùng với ông mục sư từng sống tại TP. Hồ Chí Minh? Một phần quan trọng của nhiệm vụ này, Ban chuyên án quyết định giao cho đồng chí Nguyễn Văn Độ. Anh lập tức được cử lên đường đón lõng Phương và tìm câu trả lời về “mục sư Lâm”.
Đã một tuần trôi qua vẫn không thấy Ha Póh và Ya Theng xuất hiện, trong khi Phương thì vẫn một mình đi lại giữa Đà Lạt - TP. Hồ Chí Minh, Đức Trọng - Đơn Dương... như con thoi, mặc dù cô ta đang mang bầu 6 tháng. Lệnh bắt giữ Phương được thực hiện khi Phương đang ngồi trên chuyến xe đò từ TP. Hồ Chí Minh về Đức Trọng. Sau một hồi phản ứng, vẫy vùng trong vòng vây của các trinh sát, Phương bị đưa về trụ sở CA tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, sau một ngày được làm công tác tư tưởng, Phương đã thừa nhận việc mình giúp đỡ tổ chức phản động Fulro là sai lầm, là có tội lớn với dân tộc. Song, việc cô làm hoàn toàn chỉ vì tiền, không có liên quan đến hoạt động chính trị của Fulro. Phương đã có chồng và đang mang thai đứa con đầu lòng. Cô tham gia vào việc tổ chức cho đường dây xuất ngoại của Fulro xuất phát từ công việc làm y tá của cô ở N,Thol Hạ. Tại đây, cô gặp một mục sư người DTTS tên Y Sao và được ông này cho biết từng là người quen với Naria Ya Đuk. Ông Y Sao giới thiệu Phương xuống TP. Hồ Chí Minh gặp mục sư Lâm, cũng là người quen của Ya Đuk để mục sư Lâm giúp Fulro Ya Đuk tìm đường đi nước ngoài. Đổi lại, Phương sẽ có rất nhiều tiền và đồ ngoại từ phía Ya Đuk và mục sư Lâm. Nhờ lá thư của ông mục sư Y Sao, Phương gặp được “mục sư Lâm” và từ đó trở thành cái cầu liên lạc giữa Ya Đuk và ông “mục sư” này. Tuy nhiên, trong khi cô đang tìm cách “bắt mối” với số Fulro dưới quyền của Ya Đuk thì nghe tin mục sư Y Sao đã chết vì bệnh. Phương khai rằng, cô thực sự đã ngồi nói chuyện với “mục sư Tri Lâm”, còn việc ông này có phải là “hàng thật” không thì cô hoàn toàn không biết. Tuy nhiên, bản thân cô cũng đã có những nghi ngờ, khi thấy rất khó để gặp được “mục sư Lâm”. Mà nếu có liên lạc được thì toàn thấy ông ta hỏi tiền Fulro đóng góp, trong khi cô chưa nhận được gì từ hai phía. Có chăng chỉ là số tiền lẻ mà bọn Ha Póh, To Na đưa cho, thậm chí không đủ để thanh toán tiền xe đi lại.

- Vậy sao cô không dừng lại?
- Tôi không chỉ móc nối với bộ phận Fulro chỗ Ya Đuk đóng quân. Tôi còn báo cho nhiều căn cứ của Fulro biết và thấy họ háo hức lắm. Ai cũng nói đang chuẩn bị tiền. Nếu họ được đi thật, họ sẽ thưởng nhiều tiền cho tôi. Sau này, còn gửi đôla và đồ ngoại cho tôi xài nữa. Họ hứa thế rồi. Với lại, bây giờ mà tôi dừng ở đây, bọn Fulro sẽ nghĩ tôi lừa dối họ, sẽ giết cả nhà tôi...

- Cô đã đến đúng địa chỉ nhà mục sư Tri Lâm... trước đây. Nhưng người nhận và đọc thư giới thiệu của mục sư Y Sao là một tên lừa đảo. Qua lá thư giới thiệu, hắn chắc cô sẽ là người mang nhiều tiền đến cho hắn. Bởi nếu theo yêu cầu của hắn, cứ một tên Fulro đăng ký đi phải nộp 2.000 đồng. Cả ngàn tên muốn đi thì số tiền này thật khổng lồ!
Nhận thấy việc làm của mình là sai trái và hết sức nguy hiểm, Phương thực sự tỏ ra ân hận và mong muốn được “lấy công chuộc tội”. Sau đó, cô đã hợp tác với CA một cách nhiệt tình. 

Chỉ vài ngày sau đó, đúng như Ban chuyên án đã dự đoán, không thấy Phương liên lạc để nhận thư Ya Đuk gửi ngược lại cho “mục sư Lâm”, đám “tổng trưởng” của Ya Đuk sốt sắng tìm cách liên lạc với Phương và tha thiết kiến nghị “tổng tư lệnh” cử ngay hai tên Ha Póh và Ya Theng lên đường để liên lạc cụ thể với “mục sư Lâm”. Nhờ số Fulro về hàng giúp trinh sát ta nhận diện hai tên “tá, úy” cận vệ của Ya Đuk. Trong hai ngày 25, 26-7-1980, ta đã lần lượt bắt giữ được Ya Theng và Ha Póh khi bọn chúng cải dạng dân thường để đến bến xe Đà Lạt. Bọn chúng đi cách xa nhau và vờ như không quen biết. Sau khi lên xe, đến TP. Hồ Chí Minh, gặp Phương rồi sẽ có kế hoạch tiếp. Tên Ha Póh bị bắt khá bất ngờ khiến hắn không kịp trở tay. Còn tên Ya Theng thì giả bộ đưa tay xốc lại áo khoác rồi lần vào khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn để chống trả lại lực lượng của ta hòng chạy thoát, nhưng hắn tập tức bị khống chế. 

Khu vực chợ, bến xe và trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt lúc này cũng có mấy tên Fulro được cử đi theo dõi, bảo vệ Ha Póh và Ya Theng đến bến xe thật an toàn rồi về báo lại với các “tổng trưởng”. Chỉ một phút lơ là, chúng đã để mất dấu hai cận vệ thân tín của “ông lớn”. Do số này vẫn đang lởn vởn quanh khu vực trung tâm TP. Đà Lạt, trinh sát ta buộc phải tách riêng và đưa tên Ha Póh về trụ sở CA tỉnh theo đường Trần Hưng Đạo. Tại đây, lợi dụng lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ chốt chặn, kiểm tra giấy tờ những người vào trung tâm thành phố; ngồi trên xe ôtô của CA, Ha Póh giả bộ tò mò nhìn ra ngoài rồi bất ngờ đạp cửa, nhoài người định phi xuống thoát thân. Nhưng hành động của hắn vẫn chậm hơn hai trinh sát đang ngồi “kè” hắn. Cay cú vì bị “chộp” quá bất ngờ và bây giờ khó mà vùng vẫy, Ha Póh tức tối chửi một tràng dài bằng tiếng K,Ho rồi lại tự “phiên dịch” bằng tiếng Kinh. Kế hoạch ghi công với Ya Đuk để được thăng hàm “thiếu tá” của Ha Póh coi như sụp đổ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog