Chia sẻ

Tre Làng

MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT

Người Việt ta vốn trọng lễ nghĩa, dù là lễ Tết hay giỗ chạp thì nghi lễ cúng bái tổ tiên vẫn luôn được coi trọng. Nhất là trong những ngày Tết, nhà nào cũng có mâm ngũ quả để dâng lên tổ tiên, ông bà.

Mâm ngũ quả tượng trưng cho thành quả lao động miệt mài của người dân trong một năm, cộng với ước nguyện về một cuộc sống an nhàn, sung túc của người dân Việt trong ngày Tết dành dâng lên trời đất, ông bà. Đó chính là một nét văn hóa độc đáo mang tính nhân văn, không chỉ biểu hiện cho tấm lòng thành kính tri ân của con cháu dành cho trời đất và ông bà tiên tổ mà nó còn thể hiện ý chí vươn lên vì một cuộc sống ấm no, giàu mạnh của con người trong mọi thời đại, dù ở thành thị hay thôn quê thì ai cũng đều mong cầu một cuộc sống như vậy.

Thông thường, trên mâm ngũ quả, có một nải chuối, phía sau nên dựng một quả bưởi, dừa, dưa hấu hoặc thơm để làm điểm tựa rồi chen những quả quýt, cam, mận, mãng cầu tây hoặc mãng cầu ta xung quanh cho chắc, sau đó trang trí các loại trái cây nhỏ lên trên và phải chèn cho chắc để tạo sự đan kết vững vàng, không rời rạt cho mâm trái cây. Muốn mâm ngũ quả đẹp thì nên xen kẽ màu sắc của từng loại trái cây và đặt mỗi thứ ở một vị trí thích hợp, chắc chắn. Bên cạnh mâm ngũ quả cũng có những lễ vật khác như bánh chưng, bánh tét, trà, rượu, bánh, mứt, một bình hoa, đặc biệt không thể thiếu một cành mai vàng hay một nhánh đào đỏ là linh hồn của ngày Tết cổ truyền.

Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh ngày Tết thêm sinh động, không khí trong nhà thêm ấm áp, đượm đầy sắc xuân. Nó mang triết lý cuộc sống, tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền của người Việt. Đặc biệt mâm ngũ quả còn mang tính kế thừa và giáo dục về nguồn cội, về tổ tiên ông bà cho các thế hệ mai sau được biết và học tập theo những việc làm mang tính nhân văn của thế hệ đi trước. Do đó, mâm ngũ quả chính là một yếu tố văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc và trong mỗi gia đình Việt Nam.

Ngày nay, do trái cây phong phú, nhiều loại, con cháu muốn thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, tổ tiên, đồng thời cũng thể hiện tính trình bày thẩm mỹ, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn. Người ta không câu nệ cứng nhắc là 5 quả nữa mà có thể bày đến 8, 9 hay thậm chí 10 quả, không kén chọn số chẵn hay lẻ. Và dù có bày nhiều hơn nhưng người ta vẫn gọi là mâm ngũ quả.

Tuy nhiên một mâm ngũ quả cũng cần cân nhắc đến màu sắc và hợp với phong thủy, có nghĩa là phải đủ các yếu tố cấu thành nên trời đất, biểu tượng cho trời đất là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Màu xanh của bưởi, dưa hấu, dừa, mãng cầu trộn lẫn với màu đỏ của mận, quýt, sung và xem lẫn màu vàng của xoài, đu đủ sẽ tạo nên nét đẹp sống động cho mâm trái cây chưng trên bàn thờ trong ba ngày tết.

2 nhận xét:

  1. Live More20:06 28/1/13

    mình cũng rất thích nhìn mẹ mình trang trí mâm ngũ quả ngày tết !

    Trả lờiXóa
  2. In Cô Vơ20:07 28/1/13

    một cái tết sẽ không thể là tết được nếu thiếu đi mâm ngũ quả trên bàn thờ

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog