Chia sẻ

Tre Làng

KHÔNG CHỈ LÀ CHUYỆN CẢNG KÊ GÀ

Thông tin đang rộ lên về chuyện thực hiện chỉ thị của Thủ tướng phải ngừng dự án xây dựng cảng Kê Gà phục vụ khai thác bauxite Lâm Đồng.

Có báo giật tít lớn “Trật một ly, đi ngàn tỉ” để miêu tả thiệt hại quá lớn từ vụ này. Những người có trách nhiệm thực hiện chọn phương án khác đã tỏ ra thận trọng “chọn sai một lần với cảng Kê Gà, việc chọn cảng nào thay thế cần phải được tính toán cẩn thận”.

Nếu nghiêm túc hơn, có lẽ nhân dịp này những người lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nên dũng cảm nhìn lại từ đầu, vì sao mà họ không chịu nghe những lời khuyên đầy tâm huyết của rất nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế và nghiên cứu xã hội là nên dừng lại bởi “phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn như dự án bauxite”. Họ cam kết là đã tính toán rất kỹ mọi mặt, đây sẽ là tương lai của nền kinh tế, đảm bảo nhất định có lãi và lãi lớn, hoàn toàn bảo đảm về môi trường (!). 

Ngay khi Nhà máy Tân Rai bắt đầu hoạt động, đã đẻ ra bao nhiêu mối lo: Gây hư hỏng đường sá và tai nạn giao thông; không tính toán chi phí làm đường vận chuyển vào dự án để có thể chứng minh rằng kinh doanh nhất định có lãi… Nay thì họ đã phải thừa nhận rằng do nhà máy chỉ chạy được từ 20 đến 40% công suất, do sản phẩm chưa có đầu ra, khiến chi phí khấu hao tăng cao và lỗ cũng tương ứng. Nếu chạy 100% công suất thì giá xấp xỉ 375USD/tấn. 

Trong khi đó, giá xuất khẩu theo đàm phán với Trung Quốc và Malaysia chỉ đạt 340USD/tấn. Như vậy, càng xuất khẩu càng lỗ! Đây mới là nguyên nhân chính khiến cho không thể nào xây dựng đường vận chuyển và cảng Kê Gà. Nếu như mọi việc trôi chảy như cam kết của họ thì xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển và cảng Kê Gà là phương án rẻ nhất. 

Vậy nói cảng Kê Gà là một chọn lựa sai lầm là “ vu oan cho Kê Gà”, hoặc nói cho đúng là trốn tránh trách nhiệm về một cái sai lớn hơn! Nếu không chỉ đúng cái sai lớn ấy thì việc sửa sai sẽ chỉ là chắp vá, tiếp tục sai lầm, không thể tìm ra giải pháp hợp lý có lợi cho nền kinh tế đất nước. Dự định vận chuyển alumin sang qua cảng Vĩnh Tân đã có rất nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại sẽ không thuận lợi.

Theo tính toán của nhiều nhà kinh tế thì trong tình hình sản xuất và bán ra không thuận lợi, nếu tạm dừng các nhà máy đã xây dựng và vận hành, chẳng những không gây thiệt hại đáng kể mà còn như trút đi một gánh nặng. 

Chúng ta hiện chưa đủ điện đề sản xuất nhôm, mà xuất khẩu thì giá rẻ; làm đường vận chuyển quá đắt, trong khi tiềm lực vốn liếng hiện nay có hạn, nên dành cho những dự án có hiệu quả chắc chắn. Bao giờ thực lực nền kinh tế đủ mạnh, các điều kiện khởi động lại dự án thích hợp với yêu cầu phát triển thì làm lại. 

Trở ngại chính hiện nay là vấn đề tâm lý, nếu không dẹp bỏ niềm riêng để vì lợi ích chung thì việc công nhận một cái sai lớn là điều khó, dễ bị “trót đâm lao phải theo lao”. Bàn việc này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có một ý kiến rất hay: “Tạm dừng để xem xét lại cũng đồng nghĩa với niềm tin được củng cố”. Vâng, niềm tin được củng cố chính là cái “được” lớn nhất! Từ đó sẽ có vô vàn sáng tạo, chẳng những đủ đền bù cho tổn thất mà còn sẽ tìm ra nhiều, rất nhiều điều kỳ diệu!

Theo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog