Chia sẻ

Tre Làng

GÓC NHỎ HÀ NỘI

Mùa này ở Hà Nội, loa kèn đã trắng lóa từng cụm, từng vầng theo các chuyến xe thồ vào phố.
Tiêu Phong

"Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi"
(Tứ thời - Thôi Hiệu đời nhà Đường).

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Có lẽ bài thơ cổ này của Thôi Hiệu là kinh điển của Đường thi, tác giả ''Hoàng Hạc lâu'' nổi tiếng. Trong một buổi chiều đầu tháng 4, khi xuân vẫn còn loang trải trên khắp các cỏ cây và không gian, với tiết dễ chịu và ấm áp, trên những con phố, người ta cứ thồ, cứ chở hàng thúng những sắc hoa, bừng lên và rực rạo một niềm gì đó, không định nghĩa được, thì chợt nhận ra, mình đang lẩm nhẩm những câu thơ trên...

Tôi cứ viết, viết ra những suy nghĩ, những ý niệm bất chợt này. Tháng 4, mùa bắt đầu của hoa gạo, còn gọi là hoa mộc miên. Rồi sẽ có những tán vầng ối đỏ trên những thân cây cao vút, khi rộ nở sẽ đẹp lắm, thân thương và gần gũi. Tôi nhớ khi xưa có đọc ở đâu đó, Lý Thường Kiệt có nói: "Nơi nào có cây hoa gạo, nơi đó là lãnh thổ đất Việt". Ý ông nói về ranh giới khi xưa của cương thổ quốc gia. Những cây hoa gạo khi nở, luôn đem lại cho tôi một cảm giác ấm áp và yêu thương...

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Mùa này ở Hà Nội, loa kèn đã trắng lóa từng cụm, từng vầng theo các chuyến xe thồ vào phố. Loa kèn, hay còn gọi là huệ tây, một giống hoa di thực do người Pháp mang sang trong công cuộc thực dân xứ Đông Dương. Thứ hoa trắng, đẹp dung dị nhưng kiêu sa, tỏa những bông vươn trong bình lớn. Trong một thúng đầy, những bông nụ xếp lớp vẫn không hề lép vế với những sắc hoa khác, để khi mãn khai, một vẻ đẹp tinh khôi bừng trắng trong nhãn thức...

Ảnh: Blog Tiêu Phong.

Ảnh: Blog Tiêu Phong.

Ảnh: Blog Tiêu Phong.

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Những sắc hoa phi yến, phăng, hồng... đa sắc trên phố vào mùa này, từ những cánh đồng Tây Tựu, Nhật Tân... và bật lên sắc trắng loa kèn, như món quà xuân cho Hà Nội. Quả đúng với câu "Xuân du phương thảo địa..."

Những đầm sen mạn Tây Hồ cũng bắt đầu trổ lá. Một mùa đông lạnh đã qua. Những mặt nước đông giá trong eo sèo của cụ Trần Tế Xương, những lạnh lẽo ngơ ngắt phẳng veo ràn rạt gió đông quét thành lăn tăn gợn sóng giờ đã non xanh mặt lá sen mới, sắp thành hạ thưởng lục hà trì. Các nữ tú sẽ thay nhau áo yếm quần nâu mà chụp ghi những hình ảnh bên đầm sen xanh ngát...

Mùa này, cá rô phi hồ Tây là ngon nhất. Béo và thơm thịt. Bởi chúng chưa phải nuôi con. Cá rô phi đực rán giòn, chấm với nước mắm tỏi ớt thật cay, một vị thơm không đâu lẫn được trong từng miếng thưởng thức.

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Mùa này, cá rô phi đực chỉ quanh quẩn bên những hang mà chúng đã chuẩn bị sẵn cho mùa sinh sản. Cá cái đẻ và cá đực nuôi. Chúng sẽ ngậm đàn con trong mồm và bơi đi kiếm ăn. Lúc đó, chúng sẽ gầy và không ngon thịt nữa. Mùa này, cũng là mùa cá kim hồ Tây, thứ cá nhỏ, bé, thường đi đôi một và không có nhiều. Nhưng thật sự là một đặc sản của Tây Hồ đất Thăng Long. Cá kim cũng chiên giòn, và không thể thiếu rượu sen. Thứ rượu làm từ các nụ sen Tây Hồ. Óng như mật ong và khi đưa lên miệng, mùi sen thơm lan tỏa thứ hương dịu nhẹ, ngây ngất. Rượu sen cất lên cũng cầu kỳ gần bằng với trà sen, thứ trà có giá tối thiểu là 6 triệu đồng/kg. Người ta phải ra đầm từ khi chưa có mặt trời mọc, thu hái những nụ sen còn đẫm sương. Một điều kiện bắt buộc, là những bà làm sen phải là những bà đã qua hết thời kỳ phụ nữ. Có lẽ, sự thanh tao của sen đòi hỏi vậy chăng, không ai biết và cũng chưa ai đi tìm hiểu là tại sao, chỉ biết, nếu không sạch, sen sẽ hỏng hết...

Hồ Tây, những sản vật của hồ đã nuôi sống cả 13 làng trại quanh đó. Ao đầm quanh hồ như một quần thể hữu cơ, tạo nên một nét văn hóa ẩm thực rất sâu lắng. Cá hồ bắt lên, bọc lá sen nướng mọi. Xé thịt chấm muối ớt hay nước mắm cay, vị sen ngấm thịt, ngọt thỉu. Một ẩm thực khác, là cá ăn sen. Cá ăn sen là một cách gọi thôi. Bởi thân sen mọc dưới bùn nhưng chen nhau dày đặc lẫn thân gai. Những con cá sống trong đầm sen phải luồn lách bơi qua, tránh những đốt gai, vì vậy chúng vận động gần như là liên tục. Những con cá đó thịt rất chắc và dai. Những chén cứ rót theo tấm tắc của vị giác, đưa lên trong nồng tỏa hơi men ấm...

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Bây giờ, hồ Tây không còn nhiều tôm để mà bắt như xưa. Bánh tôm hồ Tây cũng đã khác. Ký ức tôi, những thơ bé rất, rất thỉnh thoảng mới được ăn bánh tôm ở nhà hàng nằm bên bờ hồ Trúc Bạch, vốn cũng là thuộc hồ Tây nhưng được chia ra bởi con đường Cổ Ngư xưa, là đường Thanh Niên bây giờ. Cảnh quan cũng đã khác nhiều. Rặng trúc trắng từ xa xưa để hình thành nên tên gọi của hồ, khi dân các làng Yên Hoa (giờ gọi là làng Yên Phụ) đắp một con đê để khỏi đi vòng xuống Yên Ninh, và cũng bởi góc hồ này sóng lặng nên cá tụ về, họ vừa đắp đê thành đường, vừa để giữ cá. Và sóng đánh, nên họ phải vừa đắp vừa gia cố, nên gọi là Cố Ngự (tức là giữ cho vững). Sau người Pháp chiếm đóng Hà Nội, đọc trệch đi thành Cổ Ngư.

Thế kỷ 17, một số cung nữ của chúa Trịnh phạm lỗi bị đưa ra đây, và họ phải tự sinh sống bằng cách lấy trúc ven hồ mà chế biến và dệt thành lụa, thứ lụa rất đẹp màu trắng nên hình thành tên gọi Trúc Bạch. Giờ quanh hồ vẫn còn làng đúc đồng Ngũ Xã. Nhưng cũng mai một nhiều, chả còn mấy nhà giữ nghề xưa nữa...

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Sâm cầm hồ Tây. Giờ chỉ còn là thảng hoặc đôi khi. Thứ chim mà làng Nghi Tàm bị vua Tự Đức sức chiếu, bắt tiến cúng mỗi mùa chim về 10 đôi. Đình làng Nghi Tàm giờ vẫn còn giữ sắc chiếu của Tự Đức khi xưa về việc tiến vua thứ chim quý này.

Hà Nội. Mỗi mùa mỗi cảnh. Chả biết ai có sáng kiến trồng loạt hoa ban ở vườn Hồng, trông sang lăng Bác. Mỗi độ xuân về, những nở bung hồng sắc trong se lạnh làm tâm ý người qua cứ vấn vương, vương vất...

Ảnh: Blog Tiêu Phong.

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Những góc phố, những hàng cây. Sự thân thương qua từng vùng, từng khu của Hà Nội. Trong tâm thế của người cảm nhận, mỗi vẻ sẽ mỗi khác. Tản văn này, xin chia sẻ với những bạn bè Hà Nội, và với những ai đã qua đây, và sẽ qua đây...

Vài nét về tác giả:

Buồn cái sự đời nhâm nhi cái vui buồn thường nhật - Tiêu Phong.

24 nhận xét:

  1. Non Sông Gấm Vóc.rất đẹp,nhưng bác VHS nhầm tác giả của bài thơ Hoàng Hạc Lâu không phải là Tô Hiệu; cái này em trích dẫn các pác xem thử có đúng không
    " Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu (崔顥), một nhà thơ thời nhà Đường. Tương truyền rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:

    Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
    Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...


    Dịch nghĩa:
    Trước mắt thấy cảnh không tả được
    Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu "

    Trả lờiXóa
  2. Hà Nội mùa này đẹp nhất về đêm. Nắng tháng năm rơi trên đầy phố, những cánh hao bằng lăng rung rinh sắc tím gần gũi mà kiêu sa. Tiếng ve sầu vang lên làm vỡ tan khoảng không yên ắng. Hè Hà Nội trở nên náo nhiệt và ồn ào hơn hẳn. Ban đêm không kém gì ban ngày, vẫn náo nhiệt, ồn ào, đông đúc.

    Trả lờiXóa
  3. Hè Hà Nội có cái nắng vàng sánh như mật oi ả trên mặt hồ Tây. Những tia nắng phản chiếu từng gợn sóng như dát bạc tạo ra một vẻ đẹp huyền ảo lung linh đến khó gần. Nắng hè có chút gì mang nét đặc trưng riêng của Hà Nội. Nắng thơm mùi bằng lăng tím, thơm mùi hồ Tây trong buổi chiều lộng gió.

    Trả lờiXóa
  4. Mùa hè Hà Nội không phải mùa đẹp nhất trong năm, nhưng mùa hè Hà Nội có nét đặc trưng riêng mà các mùa khác không có. Hè Hà Nội trở nên náo nhiệt và đông vui hơn hẳn. Mùa hè có những loài hoa mà nó khiến chúng ta phải dậy thật sớm, và hít bầu khí trong lành của buổi sớm mai. Những tia nắng đầu tiên lấp ló sau những tán cây báo hiệu cho một buổi sớm đã đến.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh18:22 20/6/13

    Cám ơn bạn Hạnh đã phát hiện.
    VHS se liên hệ vơi tác giả để chỉnh sửa.
    Đây là bài của Tiêu Phong, VHS không dám chỉnh sửa.
    Một lần nữa cám ơn bạn Hạnh.

    Trả lờiXóa
  6. Đẹp quá nhề các bạn ! đi đâu vẫn thấy Hà Nội là đẹp nhất hay tại mình mắt thẩm mỹ kém nhề ! Hà nội có những lúc ồn ào bận rộn nhưng cũng có những góc phố yên bình tĩnh lặng đậm chất hà nội xưa ! tiếng người bán dong và tiếng thuốc lào của ông già ngồi quán nước ! đúng là yên bình quá ! dù sao thì mình cũng muốn được khoảng lặng như thế !!!

    Trả lờiXóa
  7. cảm ơn tác giả đã viết nên bài viết để tôi và nhiều độc giả biết thêm về hà nội vào tháng tư những tháng hè oi ả,chắc tác giả là người có những kỷ niệm sâu lắng về hà nội.qua bài tôi mới biết hồ tây lại có nhiều thứ sâu sắc về hà nội như vậy có nghe qua đường thanh niên hay những đầm sen bạt ngàn ,rồi những món ăn từ tôm của hồ tây nhất định tôi sẽ đi chơi hồ tây lần này ra hà nội

    Trả lờiXóa
  8. Bọn rận Sàm Chi Lập Tạo Diện đâm đầu đâu đó chết mẹ đi để vào mạng thoải mái thư giản với những bài đại loại như trên thì tốt biết mấy!

    Trả lờiXóa
  9. Hà Nội luôn cho chúng ta những cái nhìn đầy mới mẻ, mỗi góc phố là một bức tranh hữu tình, không có một nơi đâu có được vẻ đẹp thuần túy như Hà Nội, một vẻ đẹp rất riêng có, đây chính là những sự khác biệt với các quốc gia khác, vẻ đẹp của sự thanh bình, phong cảnh hữu tình, nên thơ.

    Trả lờiXóa
  10. Sự gần gũi đến lạ kì, chưa có một nơi đây có được vẻ đẹp bình dị mà nên thơ như Hà Nội, đây sẽ mãi là một nguồn cảm hứng cho các tác giả, các nhà thơ, nhà văn , nhà nhiếp ảnh gia thỏa sức sáng tạo cùng với vẻ đẹp nơi đây.

    Trả lờiXóa
  11. Thụy nghĩ là Tiêu Phong gỏ nhầm Thôi Hiệu ra Tô Hiệu thôi, vì Bác ấy cũng khẳng định " là kinh điển Đường thi " mà ...

    Trả lờiXóa
  12. Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, mùa nào thức ấy, bất kì quãng thời gian nào trong năm ta đều bắt gặp những hình ảnh thật tuyệt vời về con người, cuộc sống nơi đây, rất thơ mộng. Ngắm nhìn những bức ảnh về Hà Nội và thấy thêm yêu quê hương đất nước, tự hứa sẽ cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh22:36 20/6/13

    Vâng, cám ơn bạn Thụy,

    Trả lờiXóa
  14. Bài này đúng là Tiêu mỗ gõ nhầm. Cũng lạ. Đã đọc đi đọc lại bài của mình mấy lần mà ko phát hiện ra lỗi đó. Chủ trang cho gửi tới bạn Hạnh lời cảm ơn về sự '' biên tập '' nhé.
    Bài này chắc VHS lấy về từ trang mạng nào đó đăng lại, chứ bài gốc của Tiêu mỗ ghi rõ Lý Thường Kiệt đánh Tống và ranh giới cương thổ xa xưa của tộc Bách Việt... Chắc họ ngại va chạm chuyện tế nhị chính trường gì đó.

    Trả lờiXóa
  15. Nặc danh23:00 20/6/13

    Vâng, cảm ơn Tiêu Phong.
    Hi vọng se chôm được của bác về cho anh em đọc. Bác viết rất hay.
    Chúc bác khỏe và cống hiến nhiều hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  16. Góc nhỏ Hà Nội nhưng làm cho ta bao nhiêu xao xuyến rồi, Hà Nội xứng đáng với thủ đô ngàn năm văn hiến đẹp cả về phong cảnh mà ẩm thực còn thật tuyệt vời, ai mà đến Hà Nội một lần đều chẳng muốn về nữa vì vẻ đẹp thanh bình của nó

    Trả lờiXóa
  17. hà nội mùa hè có nét riêng của hà nội mùa hè,cái nóng cháy da cháy thịt của buổi trưa oi ả,nhưng quán trà đá rẻ tiền mà lại vui và mát mẻ.nhưng cơn gió mát tung tà áo thổi tóc em bồng bềnh của hồ gươm thơ mộng hay hồ tây lãng mạn.những ánh nắng chiều rát vàng một góc hồ nơi có những lá bàng vàng ươm rụng rơi trong gió.

    Trả lờiXóa
  18. Bài viết thật hay , tôi tuy chưa ở Hà Nội nhiều nhưng tôi có một cảm nhận rất đặc biệt nơi mà không ở vùng nào trên đất nước có được , một thủ đô trung tâm náo nhiệt sầm uất lớn nhất của cả nước nhưng không vì thế mà thiếu đi nét đẹp cổ xưa sâu lắng , Hà Nội về đêm mang tới cho tôi một cảm giác yên lắng và xa xăm một nét đẹp gì vừa cổ kính vừa hiện đại thật khó tả qua các mùa trong năm , vì thế mà chúng ta nên biết chân trọng và giữ gìn những nét đẹp này để Thủ Đô Hà Nội vẫn đẹp mãi xứng đáng là một nơi hội tụ đầy đủ tinh hoa văn hóa của cả nước các bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  19. Hà nội với bao nhiêu kỉ niệm , Hà Nội ngàn năm, Hà Nội đích thực của chúng ta ở trong chính những con người bình thường Hà Nội, trong lời ăn tiếng nói và cách ứng xử ân cần, niềm nở, chân thật .một góc nhỏ hà nội dưới cách nhìn và miêu tả của tác giả làm cho ta thấy được bao nhiêu cảm xúc rồi , thế nên hà nội đã có từ cách đây hàng nghìn năm chắt lọc bao nhiêu tinh túy và trải qua bao nhiêu thời gian với những thay đổi từng ngày thì hà nội ta ngày nay để lại cho thế hệ chúng ta vẫn là một nét đẹp tiềm ẩn và chứa nhiều cảm xúc trong mỗi người khi đến đây.

    Trả lờiXóa
  20. Với gần 1000 năm tuổi, Hà Nội có rất nhiều chùa chiền và thắng cảnh cổ kính thiêng liêng. Hà Nội cũng là mảnh đất anh dũng, hào hùng đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ. Chính vì thế mà Hà Nội cũng là một thành phố có vẻ đẹp kiến trúc cổ điển kiểu Pháp, hiện đại kiểu Mỹ. Hãy lắng nghe và ngắm nhìn Hà Nội trong chương trình thăm quan vòng quanh Hà Nội. Hà nội lại ghi dấu ấn đậm nét trong tâm hồn của tôi hơn mùi hoa sữa ở quê tôi. Đó có thể do mùi hoa sữa ở Hà nội là tập hợp của những gì tinh túy nhất, đặc sắc nhất của vương quốc hoa sữa mà bà mẹ thiên nhiên đã hào phóng tặng riêng cho hoa sữa Hà nội để níu bước những người con Việt nam khi đi xa luôn nhớ về mảnh đất quê hương.

    Trả lờiXóa
  21. Hà Nội có những gì khác biệt mà làm cho mọi người khi đi đến những thủ đô của những đất nước phát triển hơn như Washington DC, London, Tokyo … lại không thể quên được? Đó là câu hỏi mà không có câu trả lời, đơn giản bởi vì hình ảnh Hà nội đã trở thành máu, thịt, và tâm hồn của những người con VN được sinh ra hoặc không được sinh ra ở mảnh đất thủ đô mến yêu khi đi xa Tổ quốc. Tuy tôi không được sinh ra ở Hà nội nhưng với hơn 4 năm sống, học tập ở thủ đô đã giúp tôi cảm nhận được những điều gì được xem là độc đáo và đặc trưng của nhất thủ đô ngàn năm văn hiến chúng ta.

    Trả lờiXóa
  22. Hồ Tây là nơi đến thư giãn của người Hà Nội và cũng là nơi ở lý tưởng của những người nước ngoài đang sống và làm việc ở chốn Hà Thành, với hàng trăm ngôi biệt thự phía Tây. Ðộ hơn mươi năm về trước, người ta chỉ lên phía Tây Hồ Tây để vào các làng hoa, làng đào, để đi chùa, đi phủ Tây Hồ… Những năm gần đây, nhà nhà đua nhau mở quán ăn, nhiều dần rồi thành từng khu ẩm thực với phong cảnh trữ tình cho những người muốn “đổi gió” sau những giờ làm việc mệt mỏi.
    Hồ Tây đẹp không chỉ bởi mặt nước xanh mênh mông, không chỉ có sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ mỗi độ hè về, cái buồn man mác của không gian, của rặng liễu rủ những chiều đông, cái lung linh của ban mai tinh khiết… mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người.

    Trả lờiXóa
  23. năm tháng học ở hà nội giờ thấy nhớ và thương Hà Nội vô cùng, thích quán nước ven đường, thích cái xe cộ ầm ầm, thích cảnh người đông trên đường thích những món ăn đặc trương của Hà Nội, mà bây giờ ăn gì ngoài Hà Nội cũng thấy quen và đặc trương hết,hi về quê thấy yên ắng quá, buồn quá, có lẽ đang còn trẻ nên mới vậy, nhưng đúng là ở Hà Nội vẫn hay!

    Trả lờiXóa
  24. Hà Nội thật là đẹp với 36 phố cổ một trải nghiệm tuyệt vời của đời người . Nếu ai đã được đặt chân tới Hà Nội thì không thể quên được một đẹp vẻ cổ kính mà cũng rất thiêng liêng đối với con người Việt Nam . Một sự tấp nập nhộn nhịp của người dân Hà Nội cùng với những phong cảnh hữu tình tại nơi đây luôn là điểm thu hút hấp dẫn của khách du lịch . Đến với Hà Nội là đến với những vẻ đẹp tự nhiên thuần túy , đến với lịch sử của dân tộc ta ... Tại sao lại không bỏ chút thời gian để đến thăm Hà Nội nhỉ

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog