Chia sẻ

Tre Làng

Nói chuyện với mấy nhà zân chủ

Tôi cứ phân vân và lần lữa mãi rồi đành phải viết ra những suy tư trăn trở. Xã hội đang lúc rối ren lại thêm quý ngài “dân chủ” quậy lên tưng bừng gây sự hoang mang cho không ít người khiến xã hội càng thêm rối loạn. Bài học thập niên những năm 1980, theo làn gió “pêrestrôika” người ta đòi “công khai, công khai hơn nữa – dân chủ, dân chủ hơn nữa” để rồi một liên bang vĩ đại đổ cái rầm, kéo theo một dây chuyền “domino” bi thảm!

Có quốc gia được thống nhất mạnh lên cùng lúc nhiều quốc gia bị xé nhỏ ra luôn chứa nhiều bất ổn. Tất nhiên nguyên nhân dẫn tới hiện trạng đó không chỉ là “bởi âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch bên ngoài”. Đòi hỏi con người cần phải tỉnh táo và thật sự cầu thị mới vạch ra được những căn nguyên sâu xa để định hướng đi tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong cơn biến động ấy, nhân lúc “đục nước béo cò” số lượng khổng lồ của cải xã hội đã lọt vào tay nhúm người đi đòi “dân chủ” và thoáng chốc họ trở thành những nhà đại tư bản lũng đoạn toàn xã hội. Còn những người dân lương thiện thật thà nhẹ dạ cả tin bị chìm trong cảnh nheo nhóc khốn cùng. Phải tới 20 mươi năm sau xã hội mới dần ổn định nhưng vẫn ẩn chứa những mầm mống bất an. Tuy nhiên sự việc ấy xảy ra ở nước Nga với một dân tộc vĩ đại, có truyền thống văn hóa lớn, có tiềm năng lớn về mọi mặt mới dần đi vào quỹ đạo của một xã hội tiến bộ văn minh. Trước đó người ta cứ rêu rao rằng bởi chế độ độc đảng, độc tài, “quyền con người” bị tước đoạt mới bùng nổ sự bất bình phản kháng. Nhưng khi chế độ cộng sản không còn nữa thì nước Nga vẫn bị xâu xé bởi nhiều thế lực đâu có được yên bình và luôn nằm trong tầm ngắm của hệ thống tên lửa hiện đại phương tây như nằm trên thớt đồng thời phong trào hòa bình và giải phóng dân tộc toàn thế giới mất đi một chỗ dựa vững chắc!

Dần dà, con người nhận ra rằng ước mong một xã hội cứ bình lặng chảy trôi êm đềm là điều không tưởng. Xã hội yên rồi lại biến, biến rồi lại yên, tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan, loài người từng thấy. Tuy nhiên trong một xã hội văn minh, con người giỏi hơn, khôn hơn là phải biết tự làm mới mình cho xã hội đẹp hơn, con người sướng hơn chớ không dại nghe ai, theo ai rủ rê dẫn dắt mình quàng xiên làm những điều điên rồ mà chẳng biết kết cục sẽ là gì.

Cụ Hồ nói: “Một người tốt chưa hẳn tốt mãi nếu không luôn biết sửa mình. Một tổ chức mạnh chưa hẳn mạnh mãi nếu không còn được lòng dân”. Bởi thế nhìn sự đổi thay của nhà cầm quyền là nhìn vào sự chuyển mình của xã hội có ngày một cởi mở hơn, tiến bộ hơn không để người dân có cơ sở đặt vào đó niềm tin tưởng. Nhìn vào những người nhân danh một điều gì đó tốt đẹp đang nhảy ra hò hét đòi thay đổi đủ thứ, đòi đủ thứ “quyền”, tung đủ thứ tin làm nhiễu loạn xã hội thì mỗi người trước hết cần tìm hiểu lai lịch xem họ là ai, đã làm được những việc gì xứng đáng cho dân và nếu nghe họ, làm theo họ sẽ đưa mình tới đâu và xã hội sẽ ra sao? Hãy nhìn vào hiện tình thế giới càng thấy rằng cái quyền thiết yếu nhân dân ta mong mỏi lúc này là được sống trong hòa bình yên ổn, được ăn no, mặc ấm, được học hành, có việc làm ổn định và được hưởng sự chăm sóc tử tế về an sinh xã hội. Mọi thứ quyền tự do dân chủ sẽ từ đó được mở rộng dần ra chứ quyết không để cho kẻ nào được quyền tự do tham nhũng lũng đoạn xã hội cũng như quyết không cho ai được quyền quấy rối làm xã hội nhiễu nhương them.

Trong số 72 nhân vật được thổi lên hàng “chiến sỹ dân chủ” nói rằng đại diện cho hàng ngàn người dù chưa biết thật ảo thế nào, đều là những người có học nhiều hay ít, từng một thời có danh có giá và được hưởng lộc xã hội chán chê dù chưa hẳn đã xứng với tầm của họ, trong khi nhân dân cả nước chịu nhiều gian khổ khó khăn. Người ta gọi họ là trí thức với đủ các chức danh bằng cấp cả thực lẫn hư. Thực ra tất cả họ không phải đều là ngụy tạo. Có người tài thật sự và thành tâm muốn mang lại điều tốt hơn cho xã hội. Nhưng có không ít người muốn đánh bóng tên mình trong khi tài đức chỉ đến thế thôi. Tuy nhiên họ tự trộn lẫn với nhau để tạo số đông gây áp lực tất nhiên thành một mớ hổ lốn khó nhận vàng thau, chỉ có thể lôi kéo được một số người nhẹ dạ cả tin thôi. Khổng Tử phân biệt sự khác nhau giữa bậc “nho quân tử” với hạng “nho tiểu nhân” là: “Nho quân tử” là người học đạo thánh hiền để sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quí, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo. “Nho tiểu nhân” là người mượn tiếng học đạo thánh hiền để cầu danh cầu lợi, miệng nói những điều đạo đức mà bụng nghĩ làm những việc bất nhân bất nghĩa. Nho xưa và trí thức nay đều thế. Thử điểm danh vài “chiến sỹ” hăng hái nhất và được các phương tiện truyền thông hay trưng ra để làm oai tạo thế.

Đầu sổ là ông Nguyễn Phước Tương (Tương Lai). Với cương vị từng là Viện trưởng Viện khoa học xã hội tạo cho ông có mối quan hệ rộng lắm, ảnh hưởng xã hội lớn lắm và được lòng người nhiều lắm. Khối người “văn kỳ thanh” ông từ lâu mà đến dịp đám ma cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt mới được “kiến kỳ hình”. Khi thấy cảnh một lão già tóc bạc phơ khóc rống lên nức nở lắm, ai oán lắm, đau đớn lắm, hơn cả những người thân thích ruột rà với người quá cố đang túc trực bên linh sàng kia dù rằng người phải rứt áo ra đi cũng đã được hưởng quá nhiều lộc trời lộc nước. Đến khi nghe người ta kháo tên ông ra thì ai cũng lắc đầu “hỡi ôi” về ngài đứng đầu một Viện hàn lâm danh giá nhất nước. Hẳn cha ông cũng không được nhận những giọt nước mắt rứt ra từ tim gan phèo phổi của thằng hiếu tử! Đấy mới là điều thật đáng thương cho con dân của đất nước này! Có người tò mò lần tìm tung tích của ông. Thì ra ông chẳng có được sự cảm phục của mấy ai từng cộng tác dù là người lớn bé trẻ già. Người ta nói cái ghế ấy quá tầm của ông cả về tài lẫn đức. Lại có người tắc lưỡi nói ra: “Bần cùng sinh đạo tặc” rồi bỏ lửng. Xem ra ngay cả lúc đất nước khó khăn nhất ông chưa từng lâm vào cảnh gian khó bần cùng hẳn là phải có ẩn tình chi đó? Thế là cả người đời và nhà nước đều ăn ở rộng lòng quá với ông. Vậy mà ông chẳng lấy đó làm điều răn để uốn nắn việc mình làm! Về học thuật, ông nói nhiều, viết nhiều nhưng chẳng mấy ai nhặt ra được điều hay mà chỉ nhớ nhiều câu chữ dở. Hãy nghe vài chính kiến của ông:

Khi nhận xét về vương triều Nguyễn, với quyền chức của mình ông nói ra không biết ngượng mồm những lời bịp lừa thiên hạ: “Triều Nguyễn đã để lại một di sản khổng lồ vĩ đại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể so sánh được”! Kiến thức sơ đẳng của người võ vẽ về khoa học xã hội cũng biết rằng có di sản vật chất và có di sản tinh thần. Về di sản vật chất, cứ cho rằng các đời chúa Nguyễn đã có công mở mang bờ cõi nhưng đến các triều vua con cháu đã xóa sạch công lao 300 năm “hãn mã” của tổ tiên! Tệ hơn nữa quốc danh Việt Nam đã bị xóa toẹt đi trên bản đồ thế giới! Người ta chỉ còn biết đến giữa biển Ấn Độ và biển Trung Hoa có một địa danh gọi là Indochine còn gọi là xứ Đông Dương hay là Đông Pháp với năm vùng lãnh thổ: Cochinchin, An Nam, Tonkin, Laos và Campot dưới sự thống trị của người Pháp với những hình thức cai trị khác nhau. Về di sản tinh thần, ngoài tấm gương yêu nước mới le lói từ các ông vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân liền bị thực dân phế truất và tống đi đày biệt tích, ông Tương Lai có thể đưa cái gọi là hòa ước Nhâm Tuất 1862 của triều đình Tự Đức là di sản tinh thần vĩ đại nhất và tạo ra cái “hào khí” của các ông vua Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại để dân ta có thể tự hào?!

Hai là ông Tương Lai cao giọng thuyết giảng rằng: “Khi một cái giả biến thành cái thật được đem cho thế hệ trẻ thì khác nào chất axit gậm nhấm tâm hồn lớp trẻ”. Câu hỏi đó phải để dành cho ông mới đúng. Ai từng đọc thư ngỏ của ông gửi tới TBT Nguyễn Phú Trọng đều nghĩ khẩu khí đó không thể phát ra từ miệng một người có học chứ chưa cần nói là ở người đứng đầu ngành khoa học xã hội quốc gia. Hẳn ông biết thông tin về một du khách phương tây đến Thái Lan nói điều gì đó tỏ ý bất kính nhà vua liền bị bắt và lôi ra tòa án xử 5 năm tù. Đại sứ của họ không thể làm gì. Nhưng ở ngay tại nước nhà mình các ông tức thì lu loa lên là vi phạm nhân quyền, sẽ có người bu đến gây khó dễ nhiều bề, chỉ càng làm khó khăn cho đất nước. Tại sao khi nước ta được bầu vào Hội đồng nhân quyền của LHQ lại có những kẻ là người Việt Nam chạy đi vận động phá đám và được các ông vỗ tay cổ vũ nhiệt tình? Tại sao khi nguyên thủ nước nhà qua thăm Hoa Kỳ các ông lại kiến nghị họ phải làm thế này thế khác để giảm uy tín quốc gia mình? Tái thiết quan hệ với Việt Nam không phải do họ thương xót dân ta đã nghèo lại không được hưởng tự do dân chủ, mà nó nằm trong quốc sách toàn cầu của họ. Họ làm vì lợi ích quốc gia dân tộc họ. May ra để vuốt ve nuôi dưỡng mấy con bài, họ bày trò mè nheo sách nhiễu vài điều chớ những tiếng nói lạc lõng ấy chỉ như “chó sủa trăng” thôi. Các ngài dân chủ định lấy đó làm bậc thang leo đến tận trời? Dân chủ tự do là một nhu cầu không giới hạn, mỗi nước có những bước đi tới dài ngắn nhanh chậm tùy theo thực tế khách quan, cũng không loại trừ những yếu tố chủ quan trì trệ.

Các ngài dân chủ cuồng lên đòi thay đổi Hiến pháp theo ý các ngài. Ngày 28/11/2008 Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua thì các ngài phải nghĩ lại cách hành xử lố lăng của mình. Trái lại các ngài giãy lên đành đạch lu loa khóc lóc, rủ nhau rời bỏ Đảng chẳng khác Chí Phèo ăn vạ giữa làng! Thực ra những người như thế giữ lại trong Đảng mới khó dù biết rằng họ chẳng còn tác dụng gì; chứ tống cổ họ ra khỏi Đảng thì dễ ợt mà chẳng còn phải bận tâm. Vì cái “tôi” quá to làm mờ mắt và mê mụ nên các ngài không biết rằng ngày nay các vị mang chức danh dân biểu không ai dễ sai khiến họ được đâu. Trước hết bởi đa phần họ đều có học vấn căn bản, biết nhiều thông tin và có năng lực phân tích tổng hợp, không bị lệ thuộc vào sự “bao cấp tồi tệ” và nhất là họ biết danh dự của người dân biểu nằm trong trách nhiệm.

Trước những chuyển động trên chính trường thế giới, mấy ai nghĩ rằng cứ có Hiến pháp là mọi sự thay đổi được ngay không? Coi chừng còn rắc rối. Tuy nhiên sửa đổi được Hiến pháp vào lúc này coi như là thắng lợi của toàn xã hội. Cần có một quá trình tập luyện cho các cơ quan hành pháp và ở từng người dân nữa. Xem các hiện tượng xảy ra hàng ngày thì thấy dân ta vận dụng quyền dân chủ tùy tiện lắm, ngay cả ở mấy ngài gọi là trí thức đang đi đòi dân chủ. Ông Nguyễn Khắc Viện từng nói: “Nước ta chưa có truyền thống dân chủ”. Đó là sự thật nhưng một thời ông bị hiểu lầm! Tất nhiên không ai ngây thơ nghĩ rằng đây là Hiến pháp cuối cùng. Xã hội đi lên, thiết chế xã hội phải thích ứng theo, hoàn thiện dần. “Dục tốc bất đạt” (Nhanh quá khó thành), lời dạy của người xưa ngẫm ra vẫn đúng. Nhưng điều tiên quyết là trên cơ sở phải có hòa bình ổn định. Còn như các vị cứ khuấy động lên tụ tập lôi kéo thành phe này phái nọ, dựa dẫm bên ni để trêu chọc khích bác bên tê, gây nên những sự xào xáo nội bộ, bất ổn về chính trị và an ninh xã hội, tất nhiên nhà cầm quyền buộc phải xiết lại kỷ cương trật tự, thế là các ngài cũng chẳng được yên thân và dân chúng cũng chịu vạ lây. Đa phần các ngài đều là người có học và dày dạn chính trường, hiểu rõ điều này.

Thứ đến là ông Dương Trung Quốc. Giới học sinh sinh viên Hà thành lứa U60 chẳng lạ gì ông. Ông học hành láng cháng chẳng ra đầu ra đũa. Lúc đang tuổi học ông nặng ham vui, cuối cùng sư chẳng phải, sỹ cũng không. Ông nghị Phước gắn cho ông cái nhãn “tứ đại ngu” chẳng sai đâu nhưng bởi cách nói nghe khó lọt tai nên ông ta bị giới truyền thông đánh hội đồng. Đúng là con người ta có số. Nhờ hơi hướng liệt sỹ của cha, ông được lôi ra từ cái xó văn phòng Hội nghiên cứu sử. Những ngày lê la lề hè góc phố cho ông cái tính láu cá với khẩu khí khác người: nửa trí thức nửa bụi đời, ứng biến lươn lẹo. Kiểu cách ấy đang rất hợp thời và được các nhà dân chủ coi như người phát ngôn của họ. Ông nói một đằng, làm một nẻo, lại đi hàng hai, lúc bên này khi bên nọ nên cứ bị“ném đá” dài dài. Hôm nào ông đem phiên bản trống đồng ra trưng ở đảo Trường Sa với lời kêu gọi: “Cần khơi dậy ý thức giữ gìn biển đảo của cha ông”, người ta hỏi sao ông không đem cả tượng Phan Thanh Giản và những “ranh ngôn” của lão quan già bạc nhược ươn hèn dụ dân “hãy bẻ gãy súng gươm” hàng giặc để “động viên” lớp trẻ, như ông đã từng làm ở tỉnh Bến Tre? Tự nhận là nhà nghiên cứu sử, hẳn ông nhập tâm Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch” trong ngày đầu toàn quốc chống Pháp 19/12/1946: “… Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Vì “nhất định không chịu mất nước” nên phụ thân ông cùng với những chiến sỹ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã ngã xuống giữa chợ Đồng Xuân trong trận chiến đấu không cân sức ngày ấy. Lịch sử giữ nước của dân tộc ta là thế, bao giờ cũng cắn răng nhẫn nhịn đến thế cùng mới đành phải cầm tầm vông, đòn gánh… đứng lên. Bọn cướp nước mọi thời phải hiểu sức nén của lòng yêu nước, chí căm thù giặc của người Việt Nam bật dậy phi thường tới mức độ nào và không chỉ có một lần. 

Cổ nhân nói “Ngôn dực trường phi” (Lời nói có cánh bay xa). Đầu năm 2011, nhân vị Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của nước VNDCCH Vũ Đình Hòe qua đời, ông bốc đồng lên ca ngợi một “thế hệ vàng” rồi không ngượng mồm cao giọng hùng hồn: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”! Đúng là đang có những kẻ bằng mọi cách bôi nhọ và xuyên tạc lịch sử của tổ tiên mình, dân tộc mình trong khi nhân dân ta chiến đấu quyết liệt, kiên trì vượt qua mọi gian khổ khó khăn kể cả hy sinh bao nhiêu xương máu để giữ gìn non sông đất nước, bảo tồn bằng được cái gốc Việt của mình. Thực tế có những người ít học mà không mất gốc trong khi người có học lại mất gốc hoàn toàn. Những kẻ “ăn quả không nhớ đến người trồng cây” thì đừng mong họ có trách nhiệm với tổ quốc, đồng bào. Người ta nói “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” cho nên cổ nhân mới dạy “tu thân tại chính kỳ tâm”. Gốc của một con người là cái tâm, của một dân tộc là truyền thống giữ nước và dựng nước – gọi là hồn nước. Những truyền thống tốt đẹp ấy được bồi đắp suốt từ đời nọ qua đời kia, bất luận ở giới thượng lưu hay hàng dân dã. Sự thật rõ ràng là nước Việt Nam ta đã có một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Tất nhiên là có tự hào nhưng còn hổ thẹn với người vì nội tình ta còn nhiều rối rắm trong đó các ngài cũng góp phần vào. Tuy nhiên không vì thế mà có thể nói “Thế hệ ta mất gốc hòan tòan”. “Ngôn vi tâm thanh” (Lời nói là tiếng lòng mình). Rõ là không ai khảo mà xưng. Cũng không có ai vu vạ đặt điều ra. Chẳng lẽ ông Dương Trung Quốc một người tự nhận là nhà “nghiên cứu sử”, với vai trò Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, chủ biên một tạp chí lớn chuyên đề Sử học, vị dân biểu liền mấy khóa lại là người mất gốc hòan tòan?!

Trong số những người được bốc thơm là “chiến sỹ dân chủ” hiện nay, có hai nhân vật mà tôi vừa quý lại vừa buồn. Một là anh Trần Việt Phương. Người anh bà con của tôi cùng học Tú tài ban Triết với anh ở trường Bưởi và cùng trong đội quân Nam tiến những ngày đầu chống Pháp. Anh tôi đi thẳng vào Nam Bộ, nhập vào Chi đội Sáu chiến đấu ở miền Đông, không may bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Genève, anh không có trong số người được hai bên trao trả mà bị giữ lại đưa về quản thúc ở Mỹ Tho. Có vốn chữ nghĩa, anh sống qua ngày bằng nghề thầy giáo dạy trường tiểu học tư thục, rồi lập gia đình. Trong khi bạn anh tới Khu Năm thì gặp ông Phạm Văn Đồng và cuộc đời thuận buồm xuôi gió. Sau năm 1975 anh tôi về thăm quê Hà Nội, gặp lại một số bạn bè trong đó có anh Việt Phương. Dù mỗi người một thân phận khác nhưng bạn bè vẫn quý mến nhau và anh tôi khen tài anh lắm. Giới học sinh sinh viên Hà Nội lứa tôi, vào những năm 1950-1960 rất ái mộ anh Trần Việt Phương với cách nói chuyện rất hấp dẫn. Ngừơi nghe cứ dỏng tai lên nuốt từng lời. Sau này nghĩ lại đó là thời vàng son của những người làm chính trị. Điều mơ ước đánh đuổi được giặc ngoại xâm xóa nỗi nhục là dân nô lệ, đòi lại chủ quyền đất nước tuy chưa thắng lợi hoàn toàn nhưng niềm tin là chắc chắn. Cái xấu thấp thoáng chưa dám lộ hình. Cái hay còn ở tương lai dù là nó mơ hồ nhưng đầy mới lạ. Cuối thập kỷ 1960, chiến tranh càng ác liệt, những cái xấu bộc lộ ra càng rõ. Thơ “Cửa mở” của anh gãi đúng vào chỗ ngứa. Cũng chỉ anh mới dám hé cánh cửa quan ra vì anh biết quá nhiều và chỉ lộ ra một phần sự thật. Vì là người “vua biết mặt chúa biết tên” nên anh chẳng phải chịu hình phạt gì ghê gớm. Nhưng tất nhiên là anh không còn được tin tưởng nữa, chỉ còn cái chức danh là chuyên viên cao cấp, đi làm vẫn có xe đưa đón đàng hoàng. Nếu các ông lớn không có việc gì cần đến thì anh được giao việc nhào luyện cho ra lò đám chính khách đàn em! Nghe nói anh vẫn làm thơ nhưng giữ lưu trong tủ, lâu lâu tung ra vài bài vô thưởng vô phạt bóng gió xa xôi. Người ta vẫn tin vào cốt cách của anh được tôi luyện ở cái lò đặc biệt. Bỗng dưng thấy tên anh xuất hiện ngày một nhiều ở những sự kiện gọi là nóng bỏng. Không hiểu người ta lợi dụng tên anh hay là anh thấy đã đến lúc phải cất lên tiếng nói. Anh tôi giờ đã già, chẳng có thần thế gì nên con cái cũng làng nhàng, cuộc sống vẫn phải bon chen bương chải, thông tin chỉ biết qua TV hoặc dăm tờ báo, lâu lâu nghe con thuật lại mấy tin trên mạng. Có nhắc tới anh thì anh tôi chỉ nói một câu vô nghĩa: “À, thằng Lý Việt Phương!” rồi lắc đầu lảng chuyện. Tôi cứ tưởng ông anh đã lẫn. Già rồi ai chẳng lẫn ít nhiều. Nhưng thực ra là anh tôi chưa lú, bởi có lần ông anh buột miệng bảo con: “Chọn mặt gửi vàng con ơi! Sao lại tin những thằng như Lý Tống? Như thằng Lý Đình Lộc “vừa ấy vừa run” còn bày trò gì nữa?”. Tôi chợt hiểu ra anh tôi vẫn tỉnh. Tự dưng tôi thấy thương quá người anh tội nghiệp, cuộc đời dở dang giữa đường đứt gánh mà vẫn nặng nghĩa nặng tình...

Một người không quen không biết tôi và tôi cũng chỉ biết danh anh trên lĩnh vực văn chương mà lúc nào cũng “lòng riêng riêng những kính yêu” là nhà văn Nguyên Ngọc, được biết chính danh anh là Báu. Thuở ấy, mấy đứa học sinh Hà Nội chúng tôi thật tâm yêu Đảng, yêu Bác Hồ, yêu miền Nam, cảm phục các anh bộ đội lắm, như là hiện thân của lòng yêu nước. Trước đây chúng tôi cứ nghĩ Tây Nguyên là vùng rừng xanh mênh mông, núi đỏ bạt ngàn hiểm trở lắm, chỉ có khỉ ho cò gáy, quanh năm nắng gió không khác gì xứ Châu Phi xích đạo xa lạ và bệnh tật với “mọi cà răng căng tai” đầy bí hiểm… Qua “Đất nước đứng lên” chúng tôi thấy yêu Tây Nguyên quá, càng yêu những người con Tây Nguyên chất phác thật thà, hiền hậu mà gan góc, thủy chung, son sắt… Chúng tôi rủ nhau vào Trường Dân tộc ở Thanh Xuân, xin bằng được thầy Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thúy cho gặp anh hùng Đinh Núp bằng xương bằng thịt… Lớn lên, vào bộ đội, hành quân trên đường Trường Sơn, qua Tây Nguyên nắng cháy với những rừng khộp, rừng le, đây đó những cây cầy (kơnia) cao vút, dừng chân phút chốc trước những pho tượng gỗ đơn sơ bên ngôi nhà mồ hoang vắng, nghe tiếng cồng từ đâu đó vọng lại trong bóng chiều chạng vạng, thấp thoáng những bóng người đàn ông, đàn bà ở trần, cái gùi đè nặng trên tấm lưng còng bước đi vội vã lẫn nhanh vào cánh rừng đang dần tối, thương quá là thương. Lại nghe nhà văn Nguyên Ngọc đã trở về đây với bút danh Nguyễn Trung Thành mà ước gì được như anh. Sau hòa bình, giá như tổ chức xếp anh ở vị trí như nhà thơ Giang Nam thì biết đâu anh cũng được cái gì đó cho riêng mình và viết thêm được vài tập truyện ngắn truyện dài ở cái kho tàng huyền thoại ấy mà không có nhà văn nào may mắn được như anh, sẽ chẳng đến nỗi bị viếng sống đôi câu đối: “Trưởng ban sáng tác không sáng tác / Ngọc chẳng còn nguyên báu nỗi gì”!

Cái nghề quản lý văn nghệ nó bất nhẫn khôn lường lắm. Con người thì bất nhất mà văn chương là cái thứ để làm đồ chơi cũng được mà để làm đồ thờ cũng tốt, hay dở vô chừng. Không ít người tài đã sống dở chết dở ngồi trên cái ghế ấy rồi. Anh lại chưa phải là tay “nài” giỏi để chăn dắt bầy ngựa bất kham, lại thêm cái đặc tính di truyền người “Quảng Nam hay cãi” nên khó được ai ưa. Bỗng thành người vô dụng, từ bất bình anh sinh bất mãn. Dựa vào ít vốn liếng văn chương và thành tích kháng chiến, anh “ngang cành bứa”. Có người nói bởi huyễn hoặc được gắn cho cái nhãn“nhà văn hóa” nên anh bị “quáng gà” và “nói bừa phụt bậy”! Những câu liệt vào loại “ranh ngôn” của anh thì nhiều nhưng tôi xem một bài viết anh kể chuyện có một người bà con theo kháng chiến, bị lũ tay sai của giặc bắt, dùng cây đũa tre vót nhọn đóng thẳng vào tim mà mỗi lần nghĩ tới tôi không thở được trong khi xem ra thái độ anh rất dửng dưng nên mới có những lời phát ngôn gần như là tráo trở. Thậm chí anh còn ví giành được mảnh đất cỏn con mà đổi bao nhiêu sinh mạng thì thắng lợi cái nỗi gì?!

Nhân đây tôi sưu tra một dẫn chứng lịch sử để các bạn trẻ ít có thời gian tra cứu biết thêm. Cuộc chiến tranh hợp nhất lại Liên bang của nước Mỹ diễn ra trong 4 năm (1861-1865) giữa 23 bang phía Bắc có số dân 22 triệu người chống lại 11 bang phía Nam có số dân 9 triệu người. Tương quan lực lượng chênh lệch không nhiều và các phương tiện chiến tranh lúc đó tầm sát thương có hạn mà có tới 550.000 quân nhân chết trận (300.000 người phía Bắc và 250.000 người phía Nam). Trong khi cuộc chiến tranh giải phóng tổ quốc của nhân dân ta liên tục 30 năm, một nước nhỏ nghèo nàn lạc hậu, vũ khí lúc đầu là tầm vông giáo mác chống lại hai cường quốc hết Pháp đến Mỹ, có vũ khí tối tân hiện đại hàng đầu thế giới mà họ lại chủ trương chiến tranh hủy diệt! Tất nhiên con số thương vong về phía chúng ta không thể tính chính xác được và cũng không thể phân biệt rõ được số thường dân với số quân nhân. Xin để bạn đọc tự mình suy luận. Anh Nguyên Ngọc ơi, nhà trí thức lớn rất nổi danh mà giới trí thức cả nước đều kính phục là Giáo sư Bác sỹ Hồ Đắc Di. Như một nhà hiền triết Cụ nói những câu rất dí dỏm mà thâm sâu lắm: “Trời cho ta đôi hàm răng và cái lưỡi để tự chôn mình!”. Có người chết vì răng, người chết vì lưỡi anh à!

Một “chiến sỹ dân chủ” rất trẻ là Phương Uyên. Hơn một lần tôi nghe cô ta nói trên các mạng, đài. Khẩu khí lắm, tự tin lắm, kiên cường lắm. Sự đúng sai trong những quan điểm xã hội không thể nhìn vào tuổi tác càng không thể đem áp đặt cho ai. Tuy nhiên điều không cần bàn cãi đã là công dân phải tôn trọng luật pháp của quốc gia nơi mình cư ngụ huống chi là tổ quốc của mình. Theo cáo trạng thì cô ta tung truyền đơn phản kháng trong đó lẫn cả cờ vàng ba sọc đỏ. Có không? Chống bành trướng mà lại trương lên lá “cờ te tua” đó để làm gì? Nhân đây tôi giới thiệu với cháu và bạn đọc về nguồn gốc xuất xứ của lá cờ ba sọc sau khi đã tham khảo Hồi ký của Thiếu tướng QLVNCH Đỗ Mậu, người vào hàng khai quốc công thần của cái gọi là chính thể quốc gia, Hồi ký của nhà cách mạng Trần Văn Giàu, đặc biệt là đọc Hồi ký và được diện kiến hỏi chuyện vị Thiếu tướng QĐNDVN Mai Xuân Tần, sinh năm 1923, quê Hà Nội mà lớn lên ở Huế, học trường Quốc học, tốt nghiệp Tú tài toán, tham gia ngay từ đầu những ngày tháng Tám ở Huế và là chứng nhân của nhiều sự kiện khởi đầu từ “Trường võ bị thanh niên tiền tuyến” đến ngày kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở phía Tây-Nam.

Trước cách mạng tháng Tám 1945, không kể những lá cờ đạo, nước ta chỉ có một màu cờ tam tài của Pháp. Riêng ở Trung Kỳ gọi là xứ tự trị, triều đình An Nam được lấy biểu trưng là lá cờ “quẻ ly” (tượng trưng cho lửa, ý chỉ sự sáng suốt của bậc minh quân). Lá cờ ấy nền vàng có ba sọc đỏ mà sọc giữa thì đứt ra làm hai khúc như hình “quẻ ly” trong bát quái càn khôn theo Kinh Dịch. Vào thời điểm Thế chiến Hai sắp kết thúc, phát xít Nhật lâm vào thế cùng, trong không khí chuẩn bị khởi nghĩa rất sôi nổi trên cả nước, những trí thức yêu nước ở Sài Gòn dưới sự chỉ đạo của xứ ủy Nam Kỳ như Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Huấn, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng… lập ra “Thanh niên Tiền phong” với biểu trưng là lá cờ vàng sao đỏ thì ở Huế mở “Trường võ bị Thanh niên tiền tuyến” do các ông Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Phan Tử Lăng sáng lập ra. Sau này mở rộng thành tổ chức “Thanh niên tiền tuyến”, lấy biểu trưng là cờ vàng có ba sọc đỏ liền, giống“quẻ Kiền” tượng trưng cho người quân tử. Sau gần ba năm phát động chiến tranh tái xâm lược Việt Nam, chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” thất bại, thực dân Pháp đổi sang chiến lược“đánh lâu dài” nghĩa là phải “dùng người Việt đánh người Việt” nên nặn ra cái gọi là “Hiệp định Hạ Long”, dựng phế đế Bảo Đại phản bội lên làm Quốc trưởng. 

Cái “chính phủ Việt Nam thống nhất lâm thời” đầu tiên thật nhố nhăng: Nguyễn Văn Xuân vào làng tây, lấy vợ đầm, không biết nói tiếng Việt, đang là Trung tá quân đội Pháp được phong vọt lên Thiếu tướng để kịp ngồi lên cái ghế Thủ tướng! Ông Thủ tướng tây mũi tẹt da vàng này chọn ngay một ông tây mắt xanh mũi lõ chính hiệu làm Đổng lý văn phòng! Trong việc chọn biểu tượng quốc gia, đám lính quân sư bí kế xúi ông Thủ tướng dùng ngay lá cờ “quẻ Kiền” gợi nhớ tới “quẻ Ly” và tán dóc rằng nó tượng trưng cho dòng máu của người dân ba xứ Bắc-Trung-Nam. Trong đám quân sư có một cha tuyên úy nhạy cảm gợi tưởng ngay tới “ba ngôi” trong kinh Thánh! Chưa hết, họ còn xúi ông Thủ tướng vong quốc bỏ đi bài quốc ca của “chính phủ Nam kỳ” phổ thơ Chinh phụ ngâm nghe ai oán não nề bằng bài ca Thanh niên hành khúc nghe hùng hồn khí thế. Mỉa mai thay bài ca ấy từng vang lên từ hồi tiền khởi nghĩa tháng Tám, khơi dậy lòng yêu nước của thanh niên và tác giả của nó là nhạc sỹ Lưu Hữu Phước cùng với luật sư Phan Anh, giáo sư Tạ Quang Bửu đang trong hàng ngũ những người hăng hái tham gia kháng chiến! Đấy là tiền triệu tối đen cho cái“quốc gia” khởi đầu từ quốc kỳ đến quốc ca và cả chính danh đều ngụy. Nhân dân ta gọi đó là cờ “ba que” rất đúng như bản chất của những người chủ xướng. Suốt mấy mươi năm trên đất nước này, lá cờ đó luôn đi sau lá cờ tam tài và lá cờ chi chít những sao dày xéo tổ quốc ta, tàn sát nhân dân và nó đã chìm sâu dưới đáy dòng sông lịch sử non nửa thế kỷ nay rồi.

Người có học và trọng liêm sỷ đều hiểu rằng cả về lý lẫn tình, lá cờ ấy không được phép tái hiện trên tổ quốc ta bởi nó xúc phạm tới anh linh của bao nhiêu thế hệ đã hy sinh giữ gìn vẹn toàn non sông tổ quốc Việt Nam. Cho nên nếu cháu Phương Uyên có làm việc ấy thì nhà trường đuổi học là rất đúng. Khi nào cháu nhận ra điều sai và chịu sửa thì cánh cửa nhà trường lại rộng mở đón cháu vào học bình đẳng với các bạn bè. Điều đáng trách và đáng xấu hổ là nhiều bậc cha bác nhân danh này nọ lại dẫn cháu tới trường bắt bẻ những người thầy có trách nhiệm dạy bảo học trò thành những công dân chân chính, để cháu càng tin là mình đúng. Tưởng rằng họ bảo vệ cháu nhưng thực ra từ những việc làm đó càng làm cho cháu khó nhận chân sự thật, càng hại thêm cho cháu! Được biết trong số những “chiến sỹ dân chủ” này có không ít người từng một thời đứng trong hàng ngũ những người kháng chiến. Thực ra chẳng có gì là lớn lao vì suy cho cùng trong hoàn cảnh đất nước lúc ấy mỗi người dân phải làm tròn trách nhiệm của mình thôi. Hãy nhớ lại trong những năm chiến đấu gian khổ khó khăn, tất nhiên ta phải dựa vào sự giúp đỡ của bầu bạn khắp năm châu và đối phương ra rả tung tin ta là tay sai của Nga Xô và Trung Cộng. Đến khi Liên Xô tan vỡ thì ta vẫn là ta, cái tiếng tay sai Nga Xô cũng hết. Và khi Trung Quốc giở mặt đánh ta, ta cũng trả miếng đuổi họ về bên kia biên giới và cái tiếng tay sai Trung Cộng lộ rõ mặt những ai. Đành rằng chúng ta phải đề cao cảnh giác và cảnh báo kịp thời. Nhưng thời điểm hiện nay bạn thù, địch ta lẫn lộn thật khó phân minh. Lại càng phải bình tĩnh và tỉnh táo.

Lứa tuổi U70 đều nhớ ít nhiều thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Tôi tâm đắc bài thơ “Sư tử mê gái” (Le lion amoureux) lắm. Thơ kể rằng từ thuở muôn loài đều biết nói. Người vật giao hòa. Một hôm mãnh sư quí phái xuống đồng chơi, gặp cô gái chăn chiên đẹp quá sư ta muốn hỏi nàng làm vợ. Ông bố vào thế kẹt, chối sợ chẳng yên thân mà ừ thì lo cho phận thuyền quyên vào tay kẻ dữ. Ông nghĩ cách khéo để từ hôn: gạ sư gọt xén cái vuốt đi kẻo lúc âu yếm vuốt ve phận đào tơ liễu yếu không chịu nổi. Rồi mài giũa luôn bộ răng nanh đi kẻo lúc ái ân nồng nàn sẽ làm khổ vợ. Mê vì sắc, đắm vì tình, si quá hết khôn, sư thuận lòng ngay. Kết cục là “Mất hết cả vuốt nanh / Như lũy thành phá đổ / Người thả vài con chó / Sư đành chịu chết thôi”! Ngụ ngôn có giá trị vượt thời gian, thời nào cũng đúng nếu biết lồng vào. Với người cách mạng, sức mạnh vô địch của họ là lòng yêu tổ quốc và gắn bó với nhân dân. Đó là nanh là vuốt. Một khi nanh mòn vẹt, vuốt lụt cùn thì còn gì để trọng? Xem tấm gương Bùi Tín đã qua và Lê Hiếu Đằng trước mắt!

Tuần báo Văn nghệ TPHCM
Số 285 Thứ năm ngày 26/12 2013

3 nhận xét:

  1. Bọn khốn kiếp rận chủ, suốt ngày cứ to toe, mượn danh dân chủ nhân quyền rồi bơm vào dư luận, suy nghĩ của người dân như chúng ta biết bao nhiêu là thứ tạp nham, luận điệu sai trái do chúng nghĩ ra, chúng xuyên tạc ra. Hành động của chúng chẳng khác nào là của bọn dư luận viên, làm việc cho bọn phản quốc, bọn phá hoại nước ta. Mỗi một người dân cần thận trọng với chúng, chứ lơ đãng một chút thì bị chúng thôi miên, lôi kéo ngay, như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha đấy, bị chúng hại đến nỗi phải nhận tù tội, bị đuổi học, mất hết cả tương lai, rồi con cháu mai sau nữa chứ.

    Trả lờiXóa
  2. Năm cũ đa qua đi, năm mới lại đến rồi, những nhà rận chủ qua một năm bị dư luận chỉ trích không biết đã không hơn được tí nào chưa nhỉ, không biết đã nhận ra được điều gì mới là điều cần phải làm cho bản thân, gia đình, xã hội chưa nhỉ.
    Nói thật là tôi rất bức xúc với những kẻ được gọi là rận chủ kia, nhưng thôi, nếu các rận chủ mà biết ăn năn hối cải, trong năm mới này sẽ sửa chữa lỗi lần thì mọi người sẽ bỏ qua cho cá ông hết đấy.
    Vì thế hãy hành động làm sao để mọi người có thể khoan dung cho các ông, các rận chủ ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Bọn rận chủ lợi dụng dân ta nhiều người còn thiếu hiểu biết, dùng mồi lợi mà câu kéo, hoặc nhằm vào những trí thức ti toe mới lớn tưởng mình nhiều kiến thức để châm ngòi thổi gió. Sự sụp đổ của xã hội chủ nghĩa Nga chính là minh chứng cho cái vô nghĩa của thay đổi thể chế hiện tại, cũng là sự thật phũ phàng của cái tương lai tốt đẹp mà các nhà rận chủ vẽ ra bằng lời hoa mĩ.
    Năm mới đến đánh dấu một cuộc đầu tranh mới của Tổ quốc đánh đuổi bọn phản động đục khoét, mong nhiều thành công sẽ đến trong năm nay!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog