Chia sẻ

Tre Làng

BÁ QUYỀN KIỂU TRUNG QUỐC

Với vị trí là nền kinh tế số 2 thế giới và đang tiến những bước dài trong cuộc đua với Mỹ, việc Trung Quốc bá quyền chắc chắn không thể tránh khỏi. Tương tự như những gì Mỹ đã từng làm tại châu Mỹ, nhưng Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc sẽ như thế nào?

Những gì diễn ra tại Đông Á, đang dần đúng với thuật ngữ “lưỡng cực” trong quan hệ quốc tế. Phép so sánh này cho thấy một thực tế, hai quốc gia lớn nhất đang ngày lớn mạnh, chồng chéo khu vực ảnh hưởng và cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực.

Sẽ còn lâu lắm thế giới mới quên được cuộc đối đầu dai dẳng, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Một chiến ngầm quy mô toàn cầu, buộc nhiều nước phải đưa ra lựa chọn, hoặc Mỹ hoặc Liên Xô.

Trong suốt nhiều năm qua, các nhà phân tích đã nhiều lần ngập ngừng khi áp dụng những từ ngữ mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa các nước Đông Á, nhưng rõ ràng, điều đó đang ngày càng được chấp nhận.

Một cuộc đấu tranh lâu dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản, với sự hậu thuẫn của Mỹ, đang có nhiều nguy cơ sắp diễn ra. Nói một cách khác, một cuộc Chiến tranh Lạnh quy mô nhỏ đang dần hiện hữu trước mắt.

Một châu Á lưỡng cực đã từng được nhắc đến rất nhiều trong thời gian trước đây, khi không một quốc gia nào đủ tiềm lực và khu vực ảnh hưởng để chiếm ưu thế.

Nhưng hoàn cảnh bây giờ đã khác.

Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới và mặc dù đang rơi vào thời kì tăng trưởng chậm, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn gấp 3 lần Mỹ và gấp 6 lần Nhật Bản. Theo tính toán, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Mỹ, trở thành nền kinh tế số 1 của thế giới.

Dân số của Trung Quốc, 1.35 tỷ người cho một đất nước, thật sự quá khủng khiếp. Cứ 7 người trên Trái Đất thì có 1 là người Trung Quốc. Chính vì dân số quá đông nên mặc dù là gã khổng lồ thứ 2 của kinh tế thế giới, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.

Theo tính toán, nếu mức thu nhập bình quân của người Trung Quốc ngang bằng với Mỹ và Nhật Bản, tổng GDP của Trung Quốc sẽ bằng cả thế giới gộp lại. Những con số này truyền cảm hứng cho rất nhiều người về một “giấc mơ Trung Hoa”, thời kì Trung Quốc trở lại vị thế “Trung Nguyên”, đất nước trung tâm của cả thế giới.

Một nền kinh tế mạnh và ổn định là yếu tố thúc giục Bắc Kinh gia tăng các hành động cũng như tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tích cực theo đuổi chiến lược “trỗi dậy hòa bình” nhằm trấn an cộng đồng thế giới và tránh khỏi nguy cơ bị bao vây bởi một liên minh chống Trung Quốc.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc chưa bao giờ làm các nước xung quanh cảm thấy yên tâm. “Trỗi dậy hòa bình” chỉ là cách Trung Quốc che đậy những bước đi gây chia rẻ sự đoàn kết, từng bước phá vỡ chuỗi đảo thứ nhất do Mỹ xây dựng.

Lấy ví dụ mỗi nước là một mắt xích thì sự liên kết những quốc gia không yên tâm về sự “trỗi dậy hòa bình”, đủ sức khóa chặt Bắc Kinh.

Thế nhưng, không ít các quốc gia đã dính bẫy và chiến lược “trỗi dậy hòa bình” đã phát huy tác dụng, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Vấn đề biển Đông, vốn có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Trung Quốc và gây tranh cãi với nhiều nước, đã không được quốc gia chủ nhà đưa vào chương trình nghị sự.

Kể từ khi Olympic Bắc Kinh được tổ chức vào năm 2008, thế giới càng chú ý và thấy rõ dấu hiệu của một sức mạnh đang lên. Trung Quốc bắt đầu liều lĩnh và cứng rắn hơn trong các hành động của mình, nhất là tại các vùng biển đang tranh chấp.

Tại biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, xua đuổi tàu thuyền của các quốc gia trong khu vực. Nổi bật nhất chính là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila tại bãi cạn Scarborough. Có thể nói, tại khu vực Đông Nam Á, không một quốc gia nào đủ sức đương đầu một mình với gã khổng lồ phương Bắc.

Thế nhưng, tại Đông Á thì khác. Các quốc gia Đông Á rõ ràng mạnh và vượt trội xa hơn những người láng giềng phía nam của Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn biết rõ điều đó nhưng vẫn tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và thách thức quyền lực Nhật Bản cũng như sự hậu thuẫn của Mỹ.

Một cuộc đối đầu lưỡng cực giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang có nguy cơ diễn ra hơn bao giờ hết, trong bối cảnh một Trung Quốc đang tự tin với sức mạnh đang lên trong khu vực.

Bá quyền Trung Quốc?

Sự bá quyền trên phạm vi châu lục, như cách mà Đức, Pháp và Liên Xô từng làm, có thể là một giấc mơ mà Trung Quốc đang hướng đến. Nhưng sự thất bại của Đế quốc Nhật Bản hay Napoleon là minh chứng rõ nhất cho một sự ham muốn quyền lực vượt quá giới hạn.

Gần đây, những nhà phân tích Nhật Bản và Mỹ dần đi đến một đồng thuận rằng Trung Quốc có khả năng sẽ thực hiện tham vọng bá quyền khu vực trước.

Một sự bá quyền của Trung Quốc trên toàn châu Á, sẽ mang nhiều nét tương đồng với những gì Mỹ đã từng làm tại khu vực Mỹ Latinh.

Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc đã vẽ nên rất nhiều viễn cảnh:

- Mỹ rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc

- Triệt thoái sự hiện diện hải quân của Mỹ tại Đông Nam Á. Hải quân Mỹ lùi xa Trung Quốc, ít nhất là đến tận Hawaii.

- Thái Bình Dương bị chia làm 2 phần: phía Đông Trung Quốc và phía Tây là của Mỹ. Hạm đội biển xanh của Trung Quốc thoát khỏi vòng kềm kẹp của chuỗi đảo thứ nhất.

- Sự phổ biến và chiếm ưu thế của đồng Nhân dân tệ tại Đông Nam Á và thậm chí là Hàn Quốc.

- Khu vực tự do thương mại xuất hiện

- Chính sách đối ngoại của các quốc gia láng giềng theo hướng mở rộng và đồng bộ với Trung Quốc

- Đài Loan sẽ bị cô lập nếu không chấp nhận sát nhập vào Trung Quốc

Những gì mà chúng ta thấy, sẽ không nhanh chóng diễn ra. Đó là một kế hoạch trong nhiều thập kỉ tiếp theo. Tuy nhiên, có một thực tế cần phải thừa nhận, thời đại hoàng kim của ưu thế Mỹ đang dần đến hồi kết thúc.

Bảo Duy (Theo The Diplomat)

1 nhận xét:

  1. Đó là bản chất tham lam bá quyền bẩn thỉu của một Trung Quốc sẽ đối đầu với cả thế giới, nếu giới cầm quyền nước này không thay đổi thì sớm hay muộn Trung Quốc sẽ có kết cục bi thảm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog