Chia sẻ

Tre Làng

LÊN ĐỒNG VỚI TIỆC TÙNG

TVN - Sau thời điểm giáp Tết với cuộc "lên đồng" chi tiêu, quà cáp, chúng ta tiếp tục bước vào dịp đầu xuân năm mới với triền miên lễ lạt, ăn uống.

Lãng phí từ nhà ra phố

Ngày xuân là khoảng thời gian của hội ngộ. Do đó, dễ hiểu khi đâu đâu cũng như bùng nổ tổ chức cưới hỏi, gặp mặt, chúc tụng... Và khi đang quá vui, người ta thường hào phóng, thậm chí hoang phí với túi tiền của chính mình.

Sau thời điểm giáp Tết với cuộc "lên đồng" chi tiêu và quà cáp, chúng ta tiếp tục bước vào những ngày đầu xuân năm mới với liên triền miên lễ lạt, ăn uống.

Tiệc tùng la đà đến nỗi nấu nướng, dọn dẹp ngày Tết thành nỗi kinh hoàng với nhiều phụ nữ. Cỗ bàn tràn từ ngày này sang ngày nọ, không phân biệt sáng trưa chiều tối, hết lớp khách này đến lớp khách khác.

Phải chăng chúng ta đang nhân danh phong tục để nài ép nhau ăn uống lấy may? Và tệ hơn, hầu như chẳng bữa nào hết thức ăn, và đồ ăn thừa đa phần bị thẳng tay đổ vào thùng rác, hoặc giữ lại vài hôm rồi... vứt.

Phổ biến không kém là các cuộc liên hoan, tụ tập bạn bè... , mà sau khi tàn cuộc thức ăn vẫn còn đầy ăm ắp. Nhưng vẫn phải vào những nhà hàng tươm tất, đặt những bàn tiệc đầy đủ.

Vào những lúc quá vui như vậy, chúng ta đã quên bẵng từng bực bội ra sao khi giá xăng, gas, điện, nước... tăng vùn vụt. Chúng ta cũng quên bẵng từng thất vọng thế nào khi lương cơ bản chỉ tăng một vài trăm ngàn đồng, không đủ bù trượt giá thị trường.

Rồi sau cơn bực bội, thất vọng, sau cảm giác như vừa bị ai móc túi, chúng ta vẫn đối xử với tiền bạc của bản thân một cách thiếu trân trọng. Nếu tính toán, số tiền "vứt đi" từ ăn uống có khi còn cao hơn nhiều so với số tiền tăng hay trượt giá, như thể các bữa ăn đó được người khác "bao" vậy.

Hiện hàng tỷ người vẫn đang thiếu ăn, nạn đói vẫn rình rập nhiều quốc gia từ châu Á đến châu Phi. Trong khi đó, mỗi năm, gần 1,5 tỷ tấn lương thực trên thế giới bị lãng phí, hao hụt thực phẩm trị giá 750 tỷ USD, tương đương với GDP của Thụy Sĩ. Có vẻ như chúng ta đang đóng góp đáng kể vào con số giật mình trên.

Lãng phí từ trong suy nghĩ

Nhiều người có suy nghĩ tiền do tôi làm ra, tôi có toàn quyền chi tiêu theo cách mình muốn. Và cũng không ít người mang tâm lý lâu lâu mới có một lần, hoặc cả năm làm việc đầu năm phải được ăn nhậu cho thoải mái để biện minh. Chính những quan niệm như vậy dẫn đến sự lãng phí vô thức.

Nhưng có lẽ ít ai nhận thức được rằng, lãng phí thức ăn không chỉ là "ném" tiền, mà còn đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực và môi trường sống.

Năng lực sản xuất nông nghiệp là có giới hạn, thậm chí các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước ngày càng bị thu hẹp và cạn kiệt. Thế những chúng ta vẫn phải còng lưng "cõng" cả lượng lương thực sản xuất ra chỉ để... lãng phí.

Có một nghịch lý, dường như lãng phí nhất lại là những người tầm hiểu biết cao hơn trong xã hội, mà chúng ta vẫn gọi là trí thức.

Phải chăng bởi giới trí thức thường kiếm tiền dễ và nhiều hơn giới khác? Hay với người trí thức, những chi tiêu cho các nhu cầu khác lớn hơn, thậm chí là rất nhiều lần so với nhu cầu ăn uống, nen họ xem nhẹ lãng phí từ ăn uống?

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao gồm cả các quy định về hoạt động tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đã nhiều năm hiện hành, nhưng để những quy định này vẫn chưa thể thực sự đi vào cuộc sống, trở thành thói quen văn minh.

Nhưng nếu chúng ta từng được chứng kiến những bữa ăn chỉ có cơm và muối trắng của trẻ em các miền quê nghèo. Nếu chúng ta từng thấy tình cảnh của những người đói rách phải nhặt nhạnh thức ăn trong thùng rác. Và nếu chúng ta từng xem những bức ảnh về nạn đói trần trụi nhất, theo đúng nghĩa đen, của nhiếp ảnh gia Kevin Carter ...

Khi ấy, hẳn chúng ta cũng nên tự nhận ra rằng rất cần phải thay đổi cách suy nghĩ, ứng xử với lương thực, thực phẩm - nguồn nuôi dưỡng thiết yếu nhưng có hạn với cuộc sống con người. Đó cũng là một văn hóa ứng xử rất quan trọng.

Nga Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog