Chia sẻ

Tre Làng

THÁNG 2 NĂM 1979, TRUNG QUỐC TẤN CÔNG XÂM LƯỢC VIỆT NAM

Trung Quốc Hèn Hạ Phát Động Chiến Tranh Tấn Công Việt Nam Từ Hai Hướng

Phía bắc, những người cầm quyền Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại của hầu khắp các quân khu của Trung Quốc, điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979 trên toàn tuyến biên giới dài hơn 1.000 km. Quân của bọn phản động Trung Quốc đi đến đâu là tàn sát dân thường, kể cả phụ nữ và trẻ sơ sinh, người già, phá huỷ triệt để các bản làng, chùa chiền, nhà thờ, trường học, vườn trẻ, bệnh viện, nông trường, lâm trường…

Cắt viện trợ, rút chuyên gia

Trong lúc bọn bành trướng Bắc Kinh ráo riết dụ dỗ, cưởng ép người Hoa ở Việt Nam đi Trung Quốc. họ dùng “cái gậy” viện trợ để đồng thời đánh Việt Nam về kinh tế. Chỉ trong hơn một tháng, bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, họ đơn phương tuyên bố chấm dứt toàn bộ viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam, gọi về nước tất cả chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang công tác ở Việt Nam. Đây là một đòn cực kỳ thâm độc, đưa ra đúng lúc nhân dân Việt Nam đang phải hàn gắn những vết thương chiến tranh, đồng thời vừa phải đối phó với cuộc chiến tranh biên giới ở phía tây nam, khắc phục những khó khăn kinh tế do việc gần 20 vạn người Hoa đột nhiên bỏ ruộng đồng, nhà máy đi Trung Quốc, vừa phải đối phó với những thiệt hại nghiêm trọng do những trận bão lụt nặng nề nhất ở Việt Nam trong hàng trăm năm qua gây ra. Đi đôi với việc cắt viện trợ, rút chuyên gia, tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc còn ngang nhiên vận động các nước, các tổ chức quốc tế ngưng viện trợ cho công cuộc xây dựng lại Việt Nam. Lòng dạ họ xấu xa, thâm độc đến thế là cùng! Họ đẩy mạnh việc vu cáo Việt Nam để vừa che đậy ý đồ bành trướng của họ ở Đông nam châu Á, vừa cản trở quan hệ bình thường giữa Việt Nam và các nước thuộc tổ chức ASEAN, kêu gọi các nước đó lập “mặt trận chung với Trung Quốc” chống Việt Nam. Với cuộc vận động đó, họ hy vọng trên thực tế sẽ thực hiện được chính sách bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, tiến công về quân sự như bọn đế quốc và thực dân vẫn làm bấy lâu nay đối với một số nước. Đây là một hành động thô bạo không những xâm phạm độc lập chủ quyền của Việt Nam, mà còn can thiệp vào công việc của nước khác và các tổ chức quốc tế.

Duy trì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Nam

Song song với các hoạt động phá hoại về kinh tế, chính trị, những người cầm quyền Trung Quốc ráo riết tăng cường sức ép quân sự đối với nước Cộng hoà chủ nghĩa Việt Nam từ mọi phía. Ở phía bắc, họ đưa thêm quân ra vùng biên giới Việt Trung, tăng cường những vụ khiêu khích vũ trang lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo nên tình hình thường xuyên căng thẳng ở vùng biên giới. Nếu số vụ khiêu khích lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của họ năm 1975 là 234 vụ, gấp rưỡi năm 1974, thì năm 1978 tăng vọt lên 2.175 vụ gấp gần 10 lần. Ở phía tây nam, theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, bè lũ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xary khước từ các đề nghị của Việt Nam về việc hai bên thành lập một khu phi quân sự ở gần biên giới, cách ly quân đội của mình và ký một hiệp ước hữu nghị không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, để kiếm cớ duy trì cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam đồng thời chuẩn bị những cuộc phiêu lưu quân sự qui mô lớn sau này. Ở phía tây, những người cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngày càng tăng cường gây sức ép đối với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, một nước nhỏ hơn Trung Quốc, luôn luôn theo đuổi chính sách hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Họ nuôi dưỡng bọn tàn quân của lực lượng đặc biệt người Mẹo do CIA tổ chức và chỉ huy trước đây, thông qua đạo quân làm đường của họ để tìm cách can thiệp sâu vào các tỉnh Bắc Lào, vu cáo Việt Nam “thôn tính” Lào, chia rẽ Lào với Việt Nam, đưa nhiều sư đoàn quân áp sát biên giới Lào Trung. Mục tiêu của họ là để tăng thêm sự uy hiếp Việt Nam về quân sự từ phía tây, đồng thời làm suy yếu và khống chế từng bước Lào.

Tấn công Việt Nam từ hai hướng

Những mưu đồ trên đây rất thâm độc và có gây khó khăn cho nhân dân Việt Nam nhưng đều đã thất bại, cho nên cuối năm 1978 và đầu năm 1979, những người cầm quyền Trung Quốc đã phải tính đến việc tấn công quân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ hai hướng. Ở phía tây nam, theo kế hoạch của Bắc Kinh, sau khi tập trung 19 sư đoàn bộ binh (trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh) đến sát biên giới Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 1978 bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary đã sử dụng những sư đoàn tinh nhuệ nhất của chúng, có xe tăng và pháo binh yểm trợ đánh vào khu vực Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh (cách Sài Gòn hơn 100 km), với ý đồ đánh chiếm chớp nhoáng thị xã Tây Ninh, mở đường tiến sâu vào miền nam Việt Nam, đồng thời làm yếu Việt Nam để quân Trung Quốc dễ đánh vào Việt Nam từ phía bắc. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, nhân dân Việt Nam đã làm thất bại hoàn toàn kế hoach quân sự đó. Đồng thời quân và dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, được sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt Nam, đã vươn lên đập tan chế độ diệt chủng tàn bạo Pôn Pốt Iêng Xary và cái gọi là “Chính phủ Campuchia dân chủ”, và ngày 10 tháng 1 năm 1979 lập nên chế độ Cộng hoà nhân dân Campuchia thật sự đại diện cho nhân dân Campuchia. Ở phía bắc, những người cầm quyền Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại của hầu khắp các quân khu của Trung Quốc, điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979 trên toàn tuyến biên giới dài hơn 1.000 km. Quân của bọn phản động Trung Quốc đi đến đâu là tàn sát dân thường, kể cả phụ nữ và trẻ sơ sinh, người già, phá huỷ triệt để các bản làng, chùa chiền, nhà thờ, trường học, vườn trẻ, bệnh viện, nông trường, lâm trường…Chúng đã hành động với sự man rợ của một đạo quân ăn cướp thời trung cổ kết hợp với những thủ đoạn tinh vi của các đạo quân xâm lược của đế quốc ngày nay. Để lừa gạt dư luận Trung Quốc và dư luận thế giới, những người cầm quyền Bắc Kinh đã tuyên bố rằng đây chỉ là một cuộc “phản kích để tự vệ “ bằng những đơn vị biên phòng. Sự thật đây là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện bằng lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu của Trung Quốc, có chuẩn bị kỹ càng về các mặt, từ việc xây dựng những công trình quân sự, đường sá, hầm hào, sân bay dọc biên giới Việt Trung đến việc vu cáo Việt Nam, phá hoại tình hữu nghị Việt Trung, kích động tư tưởng đại dân tộc trong nhân dân Trung Quốc hòng biện bạch và che dấu hành động xâm lược của họ. Về mặt đối ngoại, họ cũng chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là họ đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược sau khi phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ và Nhật bản về, thực tế là sau khi tranh thủ được sự đồng tình của Mỹ và Nhật. Mục tiêu đầy tham vọng của họ là: tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang của Việt Nam, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế, chiếm đất đai của Việt Nam, kích động bạo loạn. Hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà những người cầm quyền Trung Quốc gây ra từ hai hướng là bước leo thang cao nhất trong cả một quá trình hành động tội ác chống độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam từ trước đến nay nhằm làm suy yếu, thôn tính và khuất phục Việt Nam. Trái với mọi tính toán của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh xâm lược của họ đã thất bại thảm hại, đã bị toàn thế giới lên án và một bộ phận nhân dân Trung Quốc phản đối. Ngày 5 tháng 3 năm 1979 họ đã buộc phải tuyên bố rút quân và sau đó đã phải nhận ngồi đàm phán với phía Việt Nam.

Những người cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố rút quân về bên kia đường biên giới, nhưng thực tế cho đến nay quân của họ tiếp tục chiếm đóng hơn mười điểm trên lãnh thổ Việt Nam, xây dựng thêm công sự ở các nơi đó, vi phạm trắng trợn đường biên giới do lịch sử để lại mà cả hai bên đã thoả thuận tôn trọng. Suốt dọc biên giới Việt Trung, họ tiếp tục bố trí nhiều quân đoàn có pháo binh và thiết giáp yểm trợ, tăng cường các phương tiện chiến tranh, ra sức xây dựng các công trình quân sự, thường xuyên diễn tập quân sự, tung các đội thám báo biệt kích xâm nhập nhiều khu vực của Việt Nam. Không ngày nào họ không gây những vụ khiêu khích vũ trang, nổ súng, gài mìn, bắn giết nhân dân địa phương. Có nơi, họ cho bắn súng cối hạng nặng suốt ngày, có nơi họ cho một tiểu đoàn quân chính quy tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 4 km, bắn giết dân thường, đốt phá nhà cửa và phá hoại hoa màu. Có nơi từng tốp máy bay Trung Quốc bay sâu vào vùng trời Việt Nam từ 8 đến 10 km. Họ bí mật đẩy trở lại Việt Nam những người Hoa đã bị họ cưỡng bức di cư đi Trung Quốc. Những hành động có tính toán đó cùng với các thủ đoạn khác của họ nhằm duy trì tình hình căng thẳng ở vùng biên giới, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục uy hiếp an ninh của nước Việt Nam. Những người cầm quyền Trung Quốc còn nhiều lần đe doạ “cho Việt Nam một bài học thứ hai”, thậm chí “nhiều bài học nữa”. Trên danh nghĩa nào và dựa vào luật pháp nào mà những người cầm quyền Bắc Kinh có quyền cho Việt Nam và dạy cho Việt Nam bài học? Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước độc lập có chủ quyền. Hiến chương Liên hợp quốc, công pháp quốc tế cũng như tập quán quốc tế tuyệt đối không cho phép Trung Quốc làm bất cứ điều gì phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của bất kỳ nước nào khác. Phải chăng vì Trung Quốc nước rộng người đông mà bọn bành trướng Bắc Kinh tự cho phép làm ra luật, đe doạ, khuất phục các nước nhỏ hơn, ít người hơn? Những người cầm quyền Trung Quốc đã nhận ngồi vào đàm phán với phía Việt Nam để bàn những biện pháp cấp bách bảo đảm hoà bình và an ninh ở vùng biên giới và các vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước. Nhưng ở vòng một tiến hành tại Hà Nội, cũng như ở vòng hai tiến hành tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc vẫn lẫn tránh những đề nghị hợp lý, hợp tình của phía Việt Nam, từ chối bàn đề nghị của phía Việt Nam về những biện pháp cấp bách nhằm chấm dứt các hoạt động khiêu khích vũ trang và bảo đảm hoà bình, ổn định ở vùng biên giới hai nước, tiền đề cấp thiết cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề khác thuộc quan hệ giữa hai nước. Mặt khác, họ đặt điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải từ bỏ đường lối độc lập tự chủ của mình, từ bỏ chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ mới đi vào bàn bạc các vấn đề khác. Đây là thái độ bá quyền nước lớn: họ đến đàm phán không phải để bàn bạc một cách bình đẳng và xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp, mà chỉ để buộc đối phương phải chấp nhận lập trường của mình. Việc những người cầm quyền Trung Quốc đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Lào, thậm chí nêu ra “nguyên tắc chống bá quyền” chẳng qua là để che dấu việc họ đưa quân xâm lược Việt Nam, uy hiếp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và can thiệp vào công việc nội bộ của nước Cộng hoà nhân dân Campuchia, che dấu bộ mặt bá quyền bỉ ổi của họ nhằm thôn tính ba nước ở Đông Dương, dùng Đông Dương làm bàn đạp bành trướng xuống Đông nam châu Á. Gần đây, những người cầm quyền Trung Quốc giương cao chiêu bài “nhân quyền” của tổng thống Mỹ Catơ, lợi dụng vấn đề người Việt Nam đi ra nước ngoài làm một vũ khí mới để chống Việt Nam. Những người Việt Nam đi ra nước ngoài phần lớn là những nhà buôn giàu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn, những người Hoa do Bắc Kinh dụ dỗ, cưỡng ép ra đi; một số là những người trước đây sống trong xã hội tiêu thụ kiểu Mỹ và nay không chịu nổi những khó khăn do cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và sự phá hoại của bọn bành trướng Bắc Kinh gây ra. Chính phủ Việt Nam vốn có chính sách nhân đạo, tôn trọng nhân quyền, không những đối xử nhân đạo với những người Việt Nam đã hợp tác với kẻ thù trong thời gian chiến tranh, mà còn khoan hồng cả đối với những binh sĩ của các đội quân xâm lược bị bắt trong hơn 30 năm qua. Chính phủ Việt Nam hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của vấn đề những người Việt Nam đi ra nước ngoài, đồng thời rất thông cảm các khó khăn của các nước láng giềng trước dòng người di cư đó. Chính vì thế, từ tháng 1 năm 1979, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố cho phép những người có nguyện vọng ra nước ngoài để sum họp gia đình hoặc làm ăn sinh sống được xuất cảnh một cách hợp pháp sau khi đã làm đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết. Mặt khác, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã cùng cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về vấn đề người tỵ nạn thoả thuận một chương trình 7 điểm được công bố ngày 30 tháng 5 năm 1979, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho những người nói trên ra đi một cách có trật tự và an toàn, đồng thời làm giảm bớt các khó khăn cho các nước ở Đông nam châu Á. Song cả Bắc Kinh và Oasinhtơn đều huy động bộ máy tuyên truyền khổng lồ và mọi phương tiện chính trị, kinh tế, tài chính của họ, lợi dụng khía cạnh nhân đạo của vấn đề, sử dụng mọi thủ đoạn gian dối, xuyên tạc, kích động để bóp méo sự thật về vấn đề những người Việt Nam đi ra nước ngoài, phát động một chiến dịch quy mô và cực kỳ ghê tởm chống Việt Nam. Nhưng thủ phạm đích thực của dòng người “di tản” là ai? Người ta chưa quên rằng Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược có tính chất huỷ diệt chống Việt Nam và khi phải rút đạo quân viễn chinh của họ, họ để lại ở miền nam Việt Nam một đất nước bị tàn phá, một nền kinh tế tê liệt với trên 3 triệu người thất nghiệp, trên 1 triệu người bị tàn phế, 80 vạn trẻ em mồ côi, trên 60 vạn gái điếm, trên 1 triệu thanh niên nghiện ma tuý… Còn những người cầm quyền Bắc Kinh thì sao ? Chính họ đã trắng trợn gây ra cái gọi là “nạn kiều”, cưởng ép, dụ dỗ người Hoa bỏ nhà bỏ cửa, ruộng đồng, nhà máy để đi Trung Quốc, dùng những tổ chức của Cục Tình báo Hoa Nam để quấy rối về chính trị, đầu cơ tích trữ, nâng giá hàng, in bạc giả nhằm phá hoại nền kinh tế của Việt Nam, chồng chất thêm khó khăn cho người dân miền nam Việt Nam. Trong lúc các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đang cùng cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về vấn đề người tỵ nạn tổ chức việc ra đi có trật tự và an toàn, những người cầm quyền Bắc Kinh cho tay sai tổ chức việc ra đi bất hợp pháp, để kêu la rằng Việt Nam “xuất cảng nạn dân” , mặc dù chính họ cho hàng nghìn người Trung Quốc hàng ngày sang Hồng Kông để từ đó đi các nước Đông nam châu Á, và hoàn toàn không đếm xỉa đến số phận 26.000 Hoa kiều bị bọn Pôn Pốt Iêng Xary trục xuất khổi Campuchia. Rất tiếc rằng có những chính phủ, những tổ chức vì không hiểu sự thật ở Việt Nam hoặc vì muốn lấy lòng những người cầm quyền Trung Quốc để buôn bán làm ăn, đã phụ hoạ với chiến dịch kích động và vu cáo của Bắc Kinh! Chính những kẻ cướp lại đang la làng, những kẻ chà đạp lên nhân quyền và luật pháp quốc tế lại đang giương cao chiêu bài “nhân đạo” để thực hiện mục đích chính trị đen tối của họ. Mục đích của Bắc Kinh là xoá nhoà những tội ác tày trời của họ ở Campuchia và trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, che đậy việc họ kích động người Hoa ở Việt Nam ra đi và “xuất cảng” hàng chục vạn người Trung Quốc ra nước ngoài, gây khó khăn cho các nước ASEAN, chia rẽ các nước ASEAN với Việt Nam, đánh lạc hướng về nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc và vai trò của “đạo quân thứ năm” người Hoa ở Đông nam châu Á. Nhưng đối với những người có lương tri, sự thật vẫn là sự thật. Hiện nay ngày càng có nhiều người thấy được thủ đoạn bẩn thỉu của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh, tỏ ra thông cảm với những khó khăn và hoan nghênh lập trường đúng đắn của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các thế lực đế quốc và phản động, chủ yếu là Oasinhtơn và Bắc Kinh đã thất bại trong âm mưu biến Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ tháng 7 vừa qua về vấn đề người Đông Dương đi ra nước ngoài thành một diễn đàn để vu cáo chống Việt Nam. Những đề nghị của Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tỏ rõ thái độ xây dựng và hợp tác trong việc giải quyết vấn đề những người di cư, đã được sự đồng tình rộng rãi của đại biểu nhiều nước tôn trọng sự thật và công lý, và đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị là đặt được nền tảng của một giải pháp cho vấn đề như ông Tổng thư ký Liên hợp quốc K. Van hem đã kết luận. Nhưng thực tế còn nhiều khó khăn và phức tạp do những hoạt động phá hoại của các thế lực đế quốc và phản động, trước hết là của Oasinhtơn và Bắc Kinh. Hiện nay trong lúc Bắc Kinh lớn tiếng đe doạ chiến tranh, trắng trợn đòi “chủ quyền” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đế quốc Mỹ đưa hạm đội vào hoạt động ngoài khơi Việt Nam không những để khuyến khích những người ra đi bất hợp pháp, mà còn để phối hợp với Bắc Kinh tronh những âm mưu đen tối của họ ở khu vực biển Đông và Đông nam châu Á.

Trong 5 năm qua, bằng mọi thủ đoạn quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao trực tiếp và gián tiếp, tinh vi và trắng trợn, giấu mặt và công khai, những người cầm quyền Trung Quốc đã không ngừng phá hoại công cuộc xây dựng của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Họ càng thất bại thì càng điên cuồng chống Việt Nam hòng khuất phục nhân dân Việt Nam. Đây là sự phản bội thứ ba của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.

Nguồn: VHNST/ amaritx

2 nhận xét:

  1. Dường như chưa bao giờ giới chức cấp cao Trung Quốc từ bỏ mông bành trướng lãnh thổ mà nước này duy trì từ thời phong kiến tới hiện nay. Biểu hiện của nó quá cụ thể, giống như lời mà tác giả đã đề cập trong bài viết này. Quá rõ ràng khi mà Trung Quốc liên tục có những động thái gây hấn với nước ta trong thời gian qua. Năm 1979, nước này đã ngang nhiên công khai đánh chiếm biên giới nước ta bằng lí do hết sức hoang đường nhưng mà cái nguyên nhân chủ yếu thì ai cũng có thể nắm được. Nó không gì ngoài thôn tính nước ta thành thuộc địa của chúng trong tình hình khi đó Liên Xô suy yếu và đứng trước nguy cơ tan rã. Thế nên, người dân Việt Nam nên nêu cao tinh thần cảnh giác trước các hoạt động gây hấn của nước này, để tránh trở thành ngòi nổ để Trung Quốc viện cớ chiến tranh thêm lần nữa !

    Trả lờiXóa
  2. Cuộc chiến tranh Biên Giới năm 1979 là minh chứng rõ nhất cho chính sách bành trướng của giới chức Trung Quốc. Và hiện nay một vấn đề nóng bỏng không kém là chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền lãnh thổ với hai quần đảo này và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng điều đó. Và cái gì cũng có giới hạn của nó cả thôi, với quốc gia mà năm lần bảy lượt phản bội sự tin tưởng của nước ta thì khó có thể nói trước được nước này còn làm gì tồi tệ tiếp theo cuộc chiến biên giới năm xưa ?

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog