Chia sẻ

Tre Làng

MỜI BỘ TRƯỞNG THĂNG VI HÀNH NÚT THẮT VÔ LÝ NHẤT THỦ ĐÔ

Cảnh tắc đường ở Nút thắt hầm đường bộ Kim Liên- Xã Đàn- Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Hải Nguyễn

Vẫn biết Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng những ngày này đang bận quá nhiều việc, mà thuần những việc trọng. Nhưng dù bận đến mấy thì cũng xin bộ trưởng bớt chút thời gian vi hành đến một địa điểm không xa xôi gì mà nó nằm chình ình ngay trên vành đai 1 của Thủ đô: Nút thắt hầm đường bộ Kim Liên - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch.

Hàng ngày, cứ vào giờ cao điểm (sáng từ 7- 8h, chiều từ 5-7 giờ), xin Bộ trưởng ghé qua, chỉ cần dăm bảy phút thôi, bộ trưởng sẽ thấy một sự vô lý đến không thể vô lý hơn, một sự bức xúc đến mức phẫn nộ, một nghịch cảnh (đúng hơn là một tức cảnh) đến bi hài! Hàng trăm phương tiện giao thông lớn nhỏ ken cứng, đông đặc, thậm chí có ngày kéo dài qua cả hầm đường bộ Kim Liên vắt sang đường Đại Cồ Việt. Khói bụi, mùi xăng dầu, mùi mồ hôi người, rồi âm thanh đinh tai nhức óc (nhất là với những người bị kẹt cứng trong hầm).

Bình tâm hơn chút, cứ thử làm phép tính nhẩm: Mỗi người qua đây chậm 10 phút (có ngày đến 20- 30 phút), mỗi ngày có vài ngàn lượt người qua đây nhân lên sẽ thấy hàng trăm giờ đồng hồ bị lãng phí, chôn cứng ở cái nút thắt kỳ quái này. Rồi bao nhiêu xăng dầu bị tiêu tốn vào các phương tiện do chết cứng tại đây? Rồi sức khoẻ do ô nhiễm, tâm lý căng thẳng của bao con người… Thiệt hại cũng có thể đong đếm được nhiều tỉ đồng và cũng không thể đong đếm được bở những thiệt hại vô hình.

Nguyên nhân của sự ách tắc này cũng thật bi hài và trớ trêu. Một hầm đường bộ Kim Liên tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng vốn được coi là hầm đường bộ hiện đại nhất VN, tính đến thời điểm này sắp kỷ niệm 5 năm ngày thông xe (tháng 6.2009). Qua nút thắt sang bên đường Xã Đàn - con đường cũng được mệnh danh là đắt nhất hành tinh với chi phí lên tới cả 1 tỉ đồng/1 mét đường (1.000 tỉ đồng cho con đường chưa đến cây số)! Hầm thì thông thoáng - đường Xã Đàn cũng thông thoáng. Vậy mà ở cái nút giao của hai sự thông thoáng này tồn tại một cái “gai” đến nhức mắt - chỉ vài hộ dân với quán rửa xe, quán ăn lúc nào cũng nhớp nháp, bẩn thỉu và vô cùng nhếch nhác!

Nút thắt hầm đường bộ Kim Liên- Xã Đàn- Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Hải Nguyễn 

Một đoạn đường chỉ vài chục mét mà lấn ra đến gần nửa lòng đường đang thông thoáng đẹp đẽ. Một số hộ dân còn dựng hàng rào tre, gỗ, thậm chí còn cố tình xếp xe máy tạo hàng rào vững chắc để… ngăn người đi đường! Vậy là hàng trăm phương tiện sau khi băng băng qua hầm đường bộ thông thoáng bỗng như bị siết vào cổ họng. Tất cả ùn ứ, đóng cục, nhích từng centimét một.

Báo Lao Động cũng đã nhiều lần vào cuộc tìm ra cái cơn cớ của sự vô lý này. Nhưng các cơ quan và chính quyền sở tại thì kêu khó. Các hộ dân thì đổ tại các cơ quan công quyền tắc trách, vô cảm với dân. Thành phố cũng đã có chỉ đạo phải giải toả dứt điểm. Nhưng rồi, cái vòng luẩn quẩn: “Dân khiếu nại- chính quyền chỉ đạo” cứ chạy quanh như cái đèn cù. Thời gian cứ trôi đi hết ngày này sang tháng kia, hết năm này qua năm no. Nỗi khổ thì dân đi đường gánh đủ!

Hầm đường bộ Kim Liên từ hướng Đại Cồ Việt ra Xã Đàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Thưa Bộ trưởng Thăng! Vẫn biết việc “nhỏ” này mà làm phiền đến Bộ trưởng thì quả rất không nên. Và hình như cái nút này cũng không phải thẩm quyền của Bộ giải quyết. Nhưng thực tế vừa qua có những việc nhỏ, thậm chí rất nhỏ (và hình như cũng không phải thẩm quyền của Bộ). Nhưng khi Bộ trưởng ra tay thì sự việc được giải quyết chóng vánh và người được nhờ nhiều nhất vẫn là người dân. Thì đó cầu Chu Va 6, thì đó thầy trò một bản ở Điện Biên qua sông bằng túi nilon, thì đó vụ đắm canô ở Nhà Bè… Những địa danh không vui này sau khi có bàn tay vào cuộc của Bộ trưởng thì kết cục ra sao dân đều biết. Nay “nút thắt cổ chai”, hay đúng hơn phải gọi là nút thắt cổ họng", hầm đường bộ Kim Liên - Xã Đàn này, cũng rất mong Bộ trưởng một lần nữa bớt chút thời gian vi hành (vào giờ tan tầm) để cho dân được nhờ.

Vẫn biết “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng biết đâu sau chuyến vi hành của Bộ trưởng, suy nghĩ của người dân về Hà Nội sẽ khác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog