Chia sẻ

Tre Làng

TRUNG QUỐC ĐANG ÂM THẦM LẤN TỚI Ở TRƯỜNG SA

Trung Quốc 'âm thầm' lấn tới ở Trường Sa

Theo giới chuyên gia, các nước trong khu vực cần cảnh giác trước nguy cơ Trung Quốc thông qua vụ giàn khoan để lấn sâu xuống nam biển Đông.

Tàu công trình hiện đại của Trung Quốc tại Gạc Ma - Ảnh: Mai Thanh Hải chụp vào tháng 4.2014 

Trong lúc giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và đội tàu hung hăng vẫn đang hiện diện phi pháp trong vùng biển Việt Nam (VN), Trung Quốc (TQ) cùng lúc tiến hành hàng loạt động thái phi pháp khác trên vùng biển Trường Sa của VN nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền trên phần lớn biển Đông. Tuy nước này không tuyên bố rùm beng như vụ giàn khoan nhưng giới quan sát cảnh báo những diễn biến mới ở Trường Sa cũng không kém phần nguy hiểm. Sự thật là những hành động của TQ đang ngày càng buộc những nước có tranh chấp trực tiếp nhưng trước giờ ít lên tiếng như Malaysia hay tưởng là ngoài cuộc như Indonesia không thể không quan ngại.

Nguy cơ giàn khoan xuống Trường Sa

Ngày 14.5, Philippines lên tiếng tố cáo TQ xây dựng trái phép một đường băng trên đá Gạc Ma thuộc Trường Sa. Đến ngày 27.5, Thời báo Hoàn Cầu “lặng lẽ” đưa tin nước này đang lên kế hoạch xây dựng một đảo nhân tạo gần Gạc Ma để triển khai cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và một cảng hải quân. Mới đây nhất, Reuters dẫn lời một số chuyên gia ngành dầu mỏ TQ tin rằng sau khi “hoàn tất khai thác” trong vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa giàn khoan Hải Dương-981 đi khắp biển Đông, bao gồm cả khu vực Trường Sa.

Ông Richard A.Bitzinger, chuyên gia an ninh khu vực thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định với Thanh Niên: “Cho tàu đâm chìm tàu cá VN, cho dù có dùng tàu dân sự hay thương mại đi chăng nữa, đã là một hành động cực kỳ nguy hiểm từ phía TQ. Cũng có thể nói như thế về các hoạt động xúc tiến xây dựng ở Gạc Ma. Những hành động mới đây nhất chỉ xác tín một điều: Bắc Kinh luôn là bên hung hăng nhất trong việc khẳng định cái gọi là chủ quyền của mình trên biển Đông”.

Ai cũng phải lo

Nhận định với Thanh Niên, các chuyên gia phân tích cho rằng với khả năng sẽ đưa giàn khoan Hải Dương-981 đến cả quần đảo Trường Sa, TQ ngày càng muốn cụ thể hóa chính sách đường lưỡi bò phi lý.

Điều này đã khiến Indonesia, trước đây còn đóng vai trò là bên trung lập, cấp tập chuẩn bị lực lượng đối phó. Ngay cả quốc gia lâu nay ít lên tiếng dù có tranh chấp trực tiếp tại biển Đông là Malaysia cũng không thể không quan ngại. Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc ĐH Simmons (Mỹ), nhận định: “TQ sẽ không ngừng chiếm đoạt các đảo san hô, xây dựng căn cứ và thiết lập hiện diện vĩnh viễn trên đó. Dĩ nhiên, Malaysia không thể cứ tiếp tục ngồi yên trước những toan tính của TQ”.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Ei Sun Oh (ĐH Công nghệ Nanyang), nhận định: “TQ là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và Malaysia cũng là đối tác thương mại lớn nhất của TQ tại Đông Nam Á. Giao thương giữa hai nước vô cùng lớn và điều này khiến cho Malaysia phải rất thận trọng trước khi lên tiếng về vấn đề tranh chấp tại biển Đông. Nhưng dĩ nhiên, Kualar Lumpur rất quan ngại về yêu sách đường lưỡi bò và thực tế là những tuyên bố chủ quyền của TQ đã lấn vào cả vùng biển của Malaysia”.

Giới chuyên gia nhận định thông qua các hành động của mình, TQ còn muốn gửi tín hiệu đến Mỹ và Nhật, những nước đang bày tỏ quan ngại vì những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên biển Đông. Giáo sư Abuza nói: “Chỉ lên án thôi thì sẽ không đủ để ngăn chặn các hành vi của TQ. Cái Bắc Kinh quan ngại nhất là một hành động cụ thể do các nước như VN, Philippines, Indonesia hay Malaysia cùng liên kết để chống lại tính phi lý của những tuyên bố chủ quyền đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu không bị cản bước, Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấn tới và có những hoạt động tương tự ngày càng sâu xuống phía nam biển Đông”.

Về chiến thuật theo kiểu cố tạo ra “chuyện đã rồi” của TQ, tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh hải quân - Mỹ) nhận định: “TQ luôn có tham vọng viết lại luật pháp quốc tế nhằm phục vụ cho những tuyên bố chủ quyền của mình. Bằng những động thái như hạ đặt giàn khoan, TQ đang cố tình tạo ra một hiện trạng mới, giả vờ mặc nhiên thừa nhận đây là một động thái bình thường của Bắc Kinh”.

Tiến sĩ Holmes cảnh báo: "Nếu sức kháng cự của các nước nhỏ hơn không đủ mạnh, những luật lệ Bắc Kinh tự đặt ra sẽ vô hình trung dần dà được thừa nhận. Tôi không tin luật pháp quốc tế hiện nay công nhận những tuyên bố chủ quyền của TQ nhưng Bắc Kinh luôn có tham vọng tạo riêng cho mình một vùng ngoại lệ”.

An Điền

1 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog