Chia sẻ

Tre Làng

Tê liệt sân bay: KHÔNG THỂ LÀ SỰ CỐ KỸ THUẬT

'Tê liệt sân bay': Không thể là sự cố kỹ thuật

TP - Trao đổi với Tiền Phong vào ngày 22/11, TS Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử- Tin học EEI cho rằng vụ trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh mất điện hàng giờ vào trưa 20/11 không phải là sự cố kỹ thuật.

Sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Phúc nói, đây là một sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng, hy hữu. Các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ để khắc phục, tránh tái diễn trong thời gian tới. 

Cơ sở nào để khẳng định sự việc đáng tiếc vừa qua không phải là sự cố kỹ thuật?

Cung cấp điện cho trung tâm điều khiển không lưu trên thực tế không phải ba mà có tới bốn nguồn, gồm nguồn chính, nguồn dự phòng từ lưới điện quốc gia, động cơ điện và bộ lưu điện UPS. Trung tâm kiểm soát không lưu là đối tượng được ngành điện xếp vào diện hộ tiêu thụ loại 1, bao giờ cũng có hai đường dây, hai nguồn cung cấp điện từ điện lưới quốc gia. Nguồn thứ nhất bị sự cố, gián đoạn việc cung cấp điện thì nguồn thứ hai lập tức hoạt động. Việc chuyển đổi giữa hai nguồn nói trên hoàn toàn tự động. Cái này có trong hợp đồng giữa cơ quan quản lý trung tâm kiểm soát không lưu và ngành điện, nếu không có, ngành điện sẽ bị phạt rất nặng. 

Chẳng hạn doanh nghiệp luyện thép cũng được xếp vào hộ tiêu thụ loại 1, bao giờ cũng có hai nguồn, đề phòng trường hợp việc cung cấp điện bị gián đoạn khiến nguyên liệu trong lò bị đông cứng, phải đập bỏ lò, thiệt hại rất lớn. Vì vậy, khó có khả năng cả hai nguồn từ điện lưới quốc gia đều gặp sự cố.

Nhưng thưa ông, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin chính thức nguyên nhân là do các thiết bị tích điện trong bộ lưu điện UPS cung cấp cho trung tâm kiểm soát không lưu gặp sự cố, gây mất điện? 

Giả sử cho rằng cả hai nguồn cung cấp điện từ điện lưới đều mất thì nguồn cung cấp thứ ba là động cơ diezen sẽ lập tức hoạt động, đảm bảo việc cung cấp điện cho trung tâm kiểm soát không lưu. Quy trình này hoàn toàn tự động, không cần mất nhiều thời gian. Các nhà hàng, khách sạn, thậm chí một chung cư hạng trung bình tại TPHCM cũng được thiết kế như vậy để đề phòng mất điện đột ngột, cư dân bị kẹt trong thang máy sẽ gặp nguy hiểm, huống hồ đây lại là trung tâm điều khiển không lưu cho một sân bay lớn. 

Nguồn thứ tư là hệ thống tích điện UPS. Bình thường, UPS nạp và lưu điện từ điện lưới. Khi hệ thống mất điện đột ngột thì UPS tự động chuyển sang chế độ cung cấp điện, đảm bảo hoạt động trong một thời gian. UPS không phải là thứ gì quá cao siêu. Nhà tôi cũng xài UPS cho mấy cái máy vi tính, đề phòng cúp điện đột ngột, dữ liệu vừa cập nhật trên máy sẽ không bị mất. Trung tâm điều khiển không lưu sử dụng điện năng không nhiều. Những nhà máy tiêu thụ điện gấp nhiều lần còn sử dụng UPS.Nếu đã sử dụng đến UPS cũng có nghĩa là cả ba nguồn kia đã bị hỏng. Nếu tính cả USP thì cả bốn nguồn cung cấp điện đều gặp sự cố. Làm kỹ thuật điện từ 53 năm nay, tôi khẳng định chưa bao giờ có chuyện như vậy, kể cả trên thực tế hay lý thuyết. Càng kỳ lạ hơn là sự cố mất điện vừa qua xử lý rất đơn giản nhưng không hiểu sao phải mất đến hơn một giờ.

Cảm ơn ông.

9 nhận xét:

  1. Các ông Trần Công, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam; ông Lê Văn Tính, Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam; và ông Nguyễn Quốc Phú, Phó Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam, bị đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 23/11/2014), để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm.

    Trước đó, ngày 21/11, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam đã quyết định đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày để phục vụ việc điều tra sự cố đối với ông Lê Trí Tình, kíp trưởng và ông Phạm Văn Dũng, nhân viên kíp trực điện nguồn thuộc Đội bảo đảm môi trường kỹ thuật, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam

    Trả lờiXóa
  2. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thừa nhận: "Qua đánh giá nội bộ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) để tiến hành huấn luyện lại nguồn lực thì chất lượng kiểm soát viên không lưu của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Tỷ lệ trung bình, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này vẫn chiếm rất cao."

    Đánh ra này được đưa ra trước việc những sự cố của ngành hàng không xảy ra gần đây có liên quan đến kiểm soát viên không lưu và có nhiều ý kiến cho rằng do nhiều kiểm soát viên không lưu có năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

    Cụ thể, theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, qua đánh giá nội bộ của VATM thì có 40% kiểm soát viên năng lực trung bình yếu, trong đó 8% là yếu xét theo nhiều tiêu chí.

    Có 30% kiểm soát viên không lưu không đạt trình độ tiếng Anh level 4 (tiếng Anh level 6 là những người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã quy định.

    "Chúng tôi sẽ tiến hành đào tạo lại chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành quản lý bay để thông thạo trong giải quyết, xử lý tình huống. Với 30% không đạt trình độ sẽ không được sử dụng vào công việc chính là quản lý bay theo tiêu chuẩn của ICAO, sẽ điều chuyển làm công việc khác không điều hành bay trực tiếp, như nhân viên hiệp đồng, thiết bị. Tuy nhiên về lâu dài, tất cả 100% nhân viên kiểm soát không lưu phải đạt trình độ tiếng Anh level 4. Bây giờ không còn tình trạng nhận vào làm việc những nhân viên kiểm soát viên không lưu không đạt level 4," ông Lại Xuân Thanh khẳng định.

    Trả lờiXóa
  3. Cần làm rõ nguyên nhân và đây sẽ là một căn cứ quan trọng để xác định lỗi trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các hãng hàng không

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Dù chưa thể thống kê hết những ảnh hưởng do sự cố, nhưng chắc chắn thiệt hại cho các hãng hàng không, hành khách . Đây cũng là báo động đỏ cho hệ thống điều hành bay của hoạt động kiểm soát không lưu tại Việt Nam

    Trả lờiXóa
  6. Sự cố xảy ra bất cứ lúc nào . Nhưng cần những người có năng lực để giài quyết khắc phục sự cố nhanh đến mức có thể để giữ an toàn không lưu , an toàn tính mạng hành khách. Để làm được chuyện này, ngoài yếu tố con người được tuyển chon khách quan còn cần chú ý nâng cấp cơ sở hạ tầng trong sân bay

    Trả lờiXóa
  7. Hơn nhau ở chỗ dự phòng. Ở qui mô càng lớn, trình độ quản lý phải càng cao. Đừng nói ko có thiệt hại, phải nói chưa có tai nạn nghiêm trọng chết người nào xảy ra hoàn toàn nhờ may mắn

    Trả lờiXóa
  8. Mặc dù đã có kết luận về sai phạm của kíp trực, nhưng cũng cần phải đánh giá, nhìn nhận thẳng thắn sự thật để có hướng khắc phục trong trường hợp kíp trực tiếp tục sai phạm bởi không thể tự tin nói rằng kíp trực không bao giờ sai phạm được.

    Trả lờiXóa
  9. với những vị trí quan trọng như thế này thì việc đảm bảo an toàn trong mọi tình huống luôn được lường trước, đặt ra và tìm cách xử lý, khắc phục chứ không thể để xảy ra hậu quả rồi mới kiểm điểm được.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog