Chia sẻ

Tre Làng

CỨU HỘ THÀNH CÔNG - ĐIỀU KỲ DIỆU ĐÃ ĐỄN...

Điều kỳ diệu đã đến…

Niềm vui vỡ òa khi nhận tin những đồng đội vẫn an toàn.

NDĐT - “Sống cả rồi! Sống cả rồi anh em ơi…!”. Tiếng reo mừng rõ to của anh Giản Viết Dũng, công nhân công ty Sông Đà 505, người tham gia cứu hộ các nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vang lên ấm nồng giữa đêm lạnh. Tôi nhìn quanh, mọi người đang ôm chầm lấy nhau, bởi điều kỳ diệu đã đến…

Đêm…

Đúng 19 giờ 30 phút, ngày 16-12, sau hơn 12 giờ vật lộn với các phương án cứu hộ, tin vui đã đến với những người ngóng trông, chờ đợi từng giây, từng phút phía ngoài miệng đường hầm thủy điện. Trong niềm xúc động trào dâng, Giản Viết Dũng nói với hơi thở dồn dập: “Tui đã nói chuyện được với nhiều người đang mắc kẹt bên trong. 12 người đều bình an cả. Vui sướng quá anh ơi!”. Nhiều người vây lấy Dũng chia sẻ niềm vui và hỏi dồn dập… Tôi nhìn sang, trên gương mặt của đại tá Hoàng Công Thạo, trưởng phòng cảnh sát PCCC, Công an Lâm Đồng, chỉ huy trưởng công tác cứu hộ đã tỏa niềm vui. Và ông bắt đầu công việc mới, triển khai phương án cứu nạn nhân ra khỏi đường hầm.

Trời vẫn lất phất những hạt mưa. Những hạt mưa hư không, những cơn gió ràn rạt, quất rát mặt người. Họ vẫn đứng đó, những cái ôm thật chặt, những đôi tay quấn quyện và những khuôn mặt nhẹ tênh… như vừa xua đi những u tối trong suy tư, sự trĩu nặng trong lòng. Đang ngồi lặng lẽ, co ro trong góc tối tại hiện trường, ông Đặng Hồng Chiến như choàng tỉnh, đứng phắt dậy nhảy lên chiếc xe chuyên dụng đang đưa lực lượng cứu hộ vào đường hầm…

Đứng cạnh tôi, chị Cao Thị Li, người dân Păng Tiêng, sống gần thủy điện thỏ thẻ: “Mừng quá chú hè. Rứa là…”. Tôi không nghe trọn câu nói của chị. Một chiếc xe máy khoan đặc dụng từ miệng hầm đi ra. Nhảy phắt xuống xe, tài xế Ngô Văn Xuân, công ty Sông Đà 10.6, nói ngay: “Tôi đã nói chuyện được với họ. Thế là yên tâm rồi. Trong đó vẫn có điện để giúp họ sưởi ấm qua đêm nay”. Đúng. Đêm nay, có lẽ là cái đêm lạnh nhất, hoặc là ấm nồng nhất của những người con từ tứ xứ miền quê mưu sinh ở vùng non cao trập trùng này, bởi họ vẫn bên nhau và được sưởi bằng hơi ấm tình người. Tôi chợt nghĩ, không biết trong 12 giờ bị “cô lập” ấy, họ nói với nhau những gì? Hoặc là những ước mơ còn dang dở, hoặc là những đứa con, người vợ, người chồng và người yêu, biết bao lời hò hẹn…

Ông Đặng Hồng Chiến chạy như băng ra khỏi đường hầm: “Tui đã nói chuyện với thằng Nam. Mọi người đều khỏe cả. Tui phải báo ngay cho gia đình…”. Rời quê nhà Thanh Chương (Nghệ An) vào tận vùng núi mưu sinh, trên khuôn mặt rám nắng, khắc khổ của người đàn ông ấy dường như dấu kín nếp nhăn, khi người em gái của ông, chị Đặng Thị Hồng Ngọc được “sống lại” với ông, với gia đình, với đứa con thơ đang ngong ngóng chờ mẹ.

Anh Phạm Viết Hiền, người may mắn thoát nạn trong ca thi công công trình (32 người) hôm nay, vẫn chưa hết thẫn thờ. Có thể, tin vui đến trong sự tuyệt vọng cực độ làm anh không kịp định thần. “Thế là thằng Lành (em trai) đã ở lại với tôi. Nó mới 20 tuổi… Ơn trời!” - Anh Hiền thỏ thẻ.

Mưa. Gió. Nhưng đêm Păng Tiêng đã trở nên ấm nồng. Những đôi chân đã thoăn thoắt, tiếng cười, nói đã trở về… Xong cuộc điện thoại về gia đình, ông Đặng Hồng Chiến kể: Ca bọn tôi bắt đầu vào làm lúc 6 giờ 30 phút, đến khoảng 7 giờ thì xảy ra sự cố. Tốp ngoài và tốp trong phút chốc bị ngăn cách bởi lớp đất đá dày hơn 30m, không nghe một tiếng động. Trời đất dường như đổ sụp, đen ngòm. 20 người thất thần chạy ra ngoài… “Đêm nay, những người con đa số ở vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định phải cùng nhau trải qua đêm kinh hoàng trong đó, không biết họ có lạnh không?” - Câu hỏi chưa có lời đáp của ông Chiến làm không gian cay nồng. Tôi nhìn quanh, những giọt nước mắt đã lăn trên má nhiều người…

Đến rạng sáng 17-12, trong đường hầm, tiếng máy khoan vẫn rền vang, xen lẫn tiếng anh em cứu hộ trao đổi phương án cứu người. Công tác tiếp tế lương thực, dưỡng khí, sữa, nước gừng… vẫn đang được triển khai khẩn trương. Những tiếng “lấy được chưa?” - “Rồi…” thoát ra từ đường hầm, không gian thêm nồng, thêm ấm.

Sáng…

Những cơn mưa rừng vẫn rây rắc. Không gian nặng trĩu, u ám. Những đôi mắt thẫn thờ của người chờ đợi, mong ngóng và những bước chân nhanh nhẹn của lực lượng cứu hộ, với hơn 100 người. Trước miệng đường hầm, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt chỉ đạo các lực lượng khẩn trương đưa ra phương án tối ưu để cứu người bị nạn. “Trước mắt, ưu tiên phương án bơm dưỡng khí vào trong, sau đó sẽ tập trung mọi giải pháp, mọi lực lượng và các phương tiện có thể để đưa các nạn nhân ra ngoài” - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.

Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra lúc 7 giờ sáng 16-12, khi các công nhân đang thi công trong đường hầm thì bất ngờ hầm bị sập. 12 người bị “tách biệt” với thế giới bên ngoài. Theo đơn vị thi công - công ty CP Sông Đà 505, công trình thủy điện này được khởi công cách đây 11 năm và qua nhiều lần thay đổi chủ. Đây là hệ thống thủy điện liên hoàn, trong đó thủy điện Đạ Dâng có công suất 14MW và Đạ Chomo có công suất 19MW. Theo thiết kế, đường hầm dẫn nước (tuyến năng lượng) này có chiều cao và rộng 4,7m, dài gần 712m, hiện đã thi công đến 600m thì xảy ra sự cố.

Nhanh chóng nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng công tác cứu hộ, đại tá Hoàng Công Thạo cho biết: đã huy động lực lượng hơn 100 người, gồm cảnh sát PCCC, quân đội, điện lực, cấp thoát nước, công an địa phương, đơn vị thi công công trình… tham gia giải cứu những người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, giải pháp khoan để đưa dưỡng khí vào trong gặp nhiều khó khăn, rất nhiều mũi khoan thất bại do gặp đá và chướng ngại vật.

Trời vẫn mưa, lạnh, những cơn gió trườn qua sườn đồi. Không gian đặc quánh, trĩu nặng sau mỗi thông tin mũi khoan thất bại. Mỗi khi có người đi ra từ miệng đường hầm, nhiều người lại chạy xổ đến ngóng thông tin. Sự hồi hộp ngày càng trào dâng trên khuôn mặt những người ngóng đợi.

Thêm nhiều chiếc xe chuyên dụng từ công ty Điện lực Lâm Đồng, công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, Viễn thông Lâm Đồng, các thiết bị hỗ trợ hiện đại… và hàng chục người được điều động đến hiện trường, phục vụ công tác cứu nạn. Một giờ… hai giờ… 10 giờ… trôi qua chầm chậm, thoi thóp. Chờ! Không còn cách nào khác. Ông Phan Công Ngôn, thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, người từng nói “ngồi cả ngày, thức xuyên đêm với công tác cứu hộ là chuyện bình thường”, cũng cùng chung cảm giác. “Bởi đây là sự cố lần đầu xảy ra tại Lâm Đồng. Phập phồng, lo âu. Sợ họ lạnh, đói và ngộp thở…” - Ông Ngôn nói.

Từ trong đường hầm đi ra, quần áo tả tơi, ướt sũng, Chỉ huy công trình đổ bê-tông đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, ông Phạm Đình Hiếu cho biết, hiện vẫn chưa liên lạc được với những người bị mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ đã đưa máy khoan công suất lớn đến vị trí hầm sập để đưa ống sắt đường kính 60cm vào. Và mũi khoan lần này rất có hi vọng…

Thằng bé người dân tộc bản địa lay lay vào tay tôi: “Chưa cứu được hả chú? Rồi lặng lẽ bước đi…”. Và điều kỳ điệu đã đến, “họ sống cả rồi!” - Khi đồng hồ chỉ sang giờ thứ 13 của công tác cứu hộ. Không gian bừng tỉnh…

Và… chờ

Không như dự kiến, sáng 17-12, sau trọn một ngày, một đêm ăn chung, uống chung đường ống và sống chung đường hầm, 12 người con từ tứ xứ miền quê vẫn đành “ở lại” chốn bịt bùng. Chờ…

Phụ trách nhóm đào hầm cứu hộ, ông Lê Việt Quang, Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết: “Sẽ mất khá nhiều thời gian mới đào thông qua được lớp đất đá dày 35m này. Sớm nhất là hai ngày, làm liên tục”.

Păng Tiêng đã ngớt mưa, nhưng trong vị trí mắc kẹt, các nạn nhân vẫn bì bõm trong mực nước đến quá đầu gối. Thức ăn, ô xy vẫn được chuyển vào qua đường ống. Thị sát hiện trường, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, lực lượng cứu hộ đã bắt đầu khoan các mũi khoan khác để thuận tiện trong tiếp tế lương thực, dưỡng khí và thông tin liên lạc. Hiện sức khỏe của 12 người vẫn bình thường.

Ngày thứ hai sau sự cố sập đường hầm, lực lượng cứu hộ được huy động tăng gấp đôi, gần 200 người của mười đơn vị. Trong đó, có lực lượng công binh của Quân khu 7, Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và công ty TNHH Nhôm Lâm Đồng để triển khai phương án đào hầm, đưa các nạn nhân ra ngoài.

Gió núi thét gào. Những người thân của các nạn nhân vẫn hồi hộp chờ đợi phía miệng đường hầm.

Họp nhanh tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo: “Các lực lượng phải phối hợp nhịp nhàng, túc trực sẵn sàng làm nhiệm vụ; triển khai ngay phương án cứu hộ tối ưu nhất, an toàn nhất, nhanh nhất để đưa các nạn nhân ra ngoài”.

Trước mắt, ưu tiên phương án rút nước trong đường hầm, tại khu vực 12 nạn nhân đang mắc kẹt. Cùng với đó, triển khai ngay phương án đào hầm sát vách đường hầm. Đào đến đâu, đưa ống sắt (đường kính 60cm) vào đến đó, các nạn nhân có thể ra theo đường này.

Chiều cùng ngày, tại hiện trường, sau khi nghe chỉ huy trưởng công tác cứu hộ báo cáo, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo, bằng mọi cách, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, tập trung phương án đưa những người bị nạn ra ngoài trong thời gian sớm nhất.

Những cơn gió núi vẫn gầm gào. Nước trong đường hầm - vị trí bị nạn vẫn đang dâng. Các phương án cứu hộ đang được triển khai khẩn trương. Và những người thân, bạn bè, đồng đội… hồi hộp chờ phút giây được ôm chầm lấy họ, những người trở về từ lòng đất.

MAI VĂN BẢO

15 nhận xét:

  1. Ngày đêm mong ngóng, hồi hộp chờ đợi, cầu mong các công nhân được bình an.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc được tin mà chúng ta vui mừng khôn tả, các anh không sao là được rồi, mong các anh sớm đực đưa ra ngoài.

    Trả lờiXóa
  3. Mừng quá, vui quá, các anh em công nhân không sao, đúng là không phụ công sức mọi người tìm kiếm ngày đêm.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh13:12 18/12/14

    Đúng là thời tiết đang lạnh buốt giá, nhưng biết được tin này thì chắc ai cũng cảm thấy ấm người lên, các anh em công nhân cố lên.

    Trả lờiXóa
  5. Bao nhiêu ngày trông đợi hôm nay cũng có kết quả, thật đúng là điều kỳ diệu đã xảy ra, mọi người hãy cố gắng vượt qua lạnh giá, sẽ nhanh được cứu ra ngoài thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Dù không phải ngời thân của mình nhưng mình vẫn rất lo! Cầu trời phật phù hộ cho họ bình an ra ngoài.

    Trả lờiXóa
  7. Mong anh em ở trong cố gắng bình tĩnh và quyết tâm bám trụ chờ lực lượng cứu hộ giải cứu!

    Trả lờiXóa
  8. Tôi cảm giác chúng ta rất bị động trong phương án giả cứu. Có vẻ như các lực lượng ứng cứu chưa hình dung được hết các vấn đề. Việc ứng cứu đòi hỏi cần chuyên nghiệp và các phương án cần chuẩn bị kỹ. Tôi rất lo, cầu mong mọi điều tốt lành.

    Trả lờiXóa
  9. Chúc cho câc anh, các chú sẽ nhanh chóng được giải cứu, chúc cho mọi sự sẽ bình an..

    Trả lờiXóa
  10. Đọc được tin này vui quá. Cầu chúc bình an đến tất cả mọi người

    Trả lờiXóa
  11. Mình không biết nhiều về chuyên môn nhưng mỗi ngày lực lượng cứu hộ đào được 8 mét thì có vẻ như tính hiệu quả không cao. Với lực lượng hơn 500 người tham gia với máy móc tương đối hiện đại đủ sức thổi bay một ngọn núi trong vòng 3 ngày.

    Trả lờiXóa
  12. đối mặt với nước ngầm , thiếu không khí , đêm lạnh nhưng các công nhân thiếu may mắn vẫn chịu đựng được và chờ đợi những người đồng đội đến cứu , và quả thật những nỗ lực tuyệt vời của lực lượng cứu hộ đã đem được các anh về từ tay thần chết

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh11:16 20/12/14

    @ tít tâm: bạn nên nhớ là mọi người đang ở trong hầm, không phải thích đào thế nào thì đào, thích khoan thế nào thì khoan đâu bạn ạ, nói không phải chứ làm không cẩn thận động chạm vào chỗ nào dễ sụt lở thì ảnh hưởng rất lớn đến những người bên trong hâmf.

    Trả lờiXóa
  14. Đây đúng là điều tuyệt vời nhất trong năm, chẳng có ai bị thương cả, chẳng có gia đình nào sẽ bj khuyết người trong tết năm nay, sẽ là những niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội, cảm ơn những người cứu hộ đã mang đến điều tuyệt vời này.

    Trả lờiXóa
  15. Thực sự hạnh phúc khi mọi người đều bình an, dù trong đó không có ai là người thân nhưng tôi đã theo dõi từng giờ và cầu bình an đến với họ, dù không là thân nhân nhưng họ là đồng bào của chúng ta, may mắn làm sao khi họ đều bình an trở về.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog