Chia sẻ

Tre Làng

RA ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI


Thông Tin Dành Cho Các Tân Ứng Cử Viên Tự Do

Hoàng Hữu Phước, MIB

Trả lời phỏng vấn đầu năm 2011 khi ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, tôi cho biết tự ra ứng cử lần này và kết quả ra sao vẫn tốt như nhau, nghĩa là nếu tôi không đắc cử (tiếng Việt hiện nay gọi là trúng cử) thì xem như đó là dịp tốt để tôi khẳng định rõ ràng người dân rất yên tâm khi Đại biểu Quốc hội là chức sắc đã quen với hành chính công quyền hoặc có công trạng lớn trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực có liên quan; còn nếu tôi đắc cử thì xem như đó cũng là một dịp tốt để tôi vừa lấy chính mình làm gương động viên thật nhiều người dân tự ra ứng cử kể từ khóa sau nhằm gia tăng số lượng người ngoài Đảng tự ra ứng cử, vừa đồng thời lấy kinh nghiệm thực tế kinh qua để có những hướng dẫn thích hợp và hiệu quả cho công chúng cho dù chưa hề có tiền lệ như vậy tại Quốc hội Việt Nam”. Nay nhân Quốc Hội đang thảo luận dự thảo dự án Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân để thông qua trong Kỳ Họp 9 năm 2015, làm cơ sở cho kỳ bầu cử Quốc Hội (và Hội Đồng Nhân Dân các cấp) năm 2016, tôi kể từ hôm nay thực hiện lời hứa sẽ dần ghi ra những thông tin cần thiết liên quan đến ứng cử tự do từ thực tế kinh nghiệm sinh hoạt ở nghị trường. Bài đầu tiên liên quan đến khâu chuẩn bị trước khi quyết định tự ra ứng cử.

Là ứng cử viên tự do – tức tự ra ứng cử mà không do đoàn thể chính trị xã hội hay cơ quan nào của nhà nước giới thiệu – tôi đã đến Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để đăng ký nhận hồ sơ. Sau khi tôi trở lại nộp đầy đủ theo yêu cầu, Mặt Trận Tổ Quốc nghiên cứu, kiểm tra, xác minh, v.v., rồi lập danh sách những ứng cử viên đạt yêu cầu theo quy định. Đây là chuỗi quy trình mang tên gọi “hiệp thương”. Nói một cách đơn giản thì đối với các ứng cử viên tự do như tôi, Mặt Trận Tổ Quốc sẽ đứng ra tổ chức một buổi họp để ứng cử viên tiếp xúc với cử tri nơi sinh sống, sau đó là một buổi họp khác để tiếp xúc cử tri nơi làm việc (những ứng cử viên do các tổ chức chính trị xã hội và cơ quan Nhà nước, v.v., giới thiệu thì chỉ cần một buổi tiếp xúc cử tri nơi cư trú). Dựa vào kết quả tỷ lệ đồng tình của cử tri ở hai buổi tiếp xúc này, Mặt Trận Tổ Quốc sẽ thực hiện các bước tiếp theo mà bộ Luật sắp được thông qua sẽ cung cấp nhiều chi tiết cụ thể hơn.

Một vấn đề bạn ắt thường hay nghe từ những người không có thiện cảm với Việt Nam hoặc chống Việt Nam là về sự “cơ cấu” với ngụ ý rằng kết quả đã được Đảng Cộng Sản ấn định sẵn từ trước và rằng tại vì bầu cử theo cơ cấunhư vậy nên người trúng cử không thể gọi là đại biểu dân cử. Tôi khẳng định: đó là sự xuyên tạc hoặc đơn giản là sự nghĩ sai do vô tình hay hữu ý diễn giải bất thường quy trình “hiệp thương bầu cử” thành “thỏa hiệp thương lượng bầu cử”. Thực chất sự việc như sau đối với bầu cử Đại biểu Quốc hội:

1) Dựa theo tổng số dân cư của mỗi tỉnh thành mà quy ra số lượng tổng số Đại biểu Quốc hội sẽ được bầu cho mỗi tỉnh/thành ấy (thí dụ: Thành phố Hồ Chí Minh có 30 Đại biểu Quốc hội cho Khóa XIII của nhiệm kỳ 2011-2016)

2) Dựa theo tổng số dân cư của mỗi quận/huyện của mỗi tỉnh/thành mà có tổng số đơn vị bầu cử cho mỗi tỉnh/thành đó. Thí dụ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có 10 đơn vị bầu cử Quốc Hội Khóa XIII gồm Đơn vị 1 (các Quận 1, 3, 4), Đơn vị 2 (Quận 7 và các Huyện Cần Giờ, Nhà Bè), Đơn vị 3 (các Quận 6 và Bình Tân), Đơn vị 4 (các quận 5, 10, 11), Đơn vị 5 (các Quận Tân Bình, Tân Phú), Đơn vị 6 (các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận), Đơn vị 7 (các Quận 2, 9, Thủ Đức), Đơn vị 8 (các Quận 12 và Gò Vấp), Đơn vị 9 (các Huyện Củ Chi, Hóc Môn), và Đơn vị 10 (Quận 8 và Huyện Bình Chánh), đáp ứng yêu cầu bầu ra tại mỗi đơn vị 3 Đại biểu Quốc hội, đạt tổng số 30 vị theo quy định. Khi nộp đơn xin tự ứng cử, bạn có quyền đánh dấu lựa chọn quận nào là đơn vị bạn quan tâm ứng cử tại đó nhất, rồi đơn vị nào tiếp theo, v.v. Tôi đã đánh dấu vào Quận 3 (nơi sinh sống của Ba Má tôi cùng chị em chúng tôi từ những năm 50 của Thế kỷ trước), Quận Bình Thạnh (nơi tôi có nhiều người quen), và Quận Tân Bình (nơi tôi đăng ký kinh doanh), và khi thành công trong hiệp thương, tôi thấy tên mình thuộc Đơn Vị 1 (Quận 1, 3, và 4 – không có Bình Thạnh và Tân Bình).


3) Để bầu ra 30 vị Đại biểu Quốc hội trên cơ sở chung là mỗi đơn vị có 5 ứng cử viên (để cử tri bỏ phiếu bầu chọn ra 3 vị có số phiếu cao nhất), tổng số ứng cử viên tại Thành phố Hồ Chí Minh như vậy tối thiểu có thể sẽ là 50 người. Các ứng cử viên bao gồm những người được đề cử (do Trung Ương giới thiệu vào tranh cử và các cơ quan/tổ chức địa phương giới thiệu người tại chỗ ra tranh cử) và những người tự ứng cử (sinh sống tại địa phương). Sự hiệp thương đặt trên cơ sở “cơ cấu” để bảo đảm sự công bằng, nghĩa là thí dụ với số lượng ứng cử viên lên đến 100 người chẳng hạn, thì sau khi kiểm tra hồ sơ có thể số người đạt yêu cầu còn lại là 80. Sự “cơ cấu” sẽ bắt đầu nhằm chọn lựa để loại tiếp 30 người để còn 50 ứng viên thuộc đầy đủ các thành phần như Đảng viên, người ngoài Đảng, bình đẳng giới, dân tộc, lĩnh vực hoạt động, v.v.. Như vậy, sẽ có những ứng viên tuy đạt yêu cầu ngang nhau về trình độ và năng lực, uy tín, nhưng có thể bị loại khỏi danh sách vì không thuộc diện xem xét lựa chọn “cơ cấu” như: phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, v.v. Đó là tất cả ý nghĩa của từ “cơ cấu”. Cơ cấu là để cử tri có nhiều sự lựa chọn – nếu không nói chính xác hơn là: có đầy đủ các lựa chọn. Kết quả bầu cử Quốc Hội Khóa XIII cho thấy một số ứng viên chức sắc thuộc tầng lớp chính trị truyền thống do Trung Ương/địa phương giới thiệu tranh cử tại Thành phố Hồ Chí Minh đã không trúng cử do nhận được ít hơn số phiếu bầu lựa chọn của cử tri, chứng minh “cơ cấu” hoàn toàn không có nghĩa “sắp đặt sẵn”, mà chỉ là bảo đảm một công bằng cho mọi thành phần xã hội được giới thiệu ứng cử vào Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân các Tỉnh Thành, để cử tri có nhiều sự lựa chọn.

Đặt trường hợp bạn đạt cả 4 yêu cầu (đạt tiêu chuẩn theo quy định của hồ sơ, được cử tri nơi cư trú đồng thuận, được cử tri nơi công tác nhất trí, và đạt yêu cầu sàng lọc của “cơ cấu”) được Mặt Trận Tổ Quốc chính thức giới thiệu trong danh sách cuối cùng của Thành phố Hồ Chí Minh để được bố trí vào nhóm 5 ứng viên của một đơn vị bầu cử nào đó, bạn sẽ có danh công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng là “được Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam giới thiệu ra ứng cử” y như các ứng cử viên khác, dù cho bạn ban đầu thuộc diện người tự ra ứng cử.

Nói tóm lại, bầu cử Quốc Hội ở Việt Nam là bầu cử công bằng, thể hiện cao nhất tính dân chủ, công khai, minh bạch của một thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, và vì dân.

Đối với tình huống đắc cử thì vấn đề thứ nhất mà một ứng cử viên tự do nên quan tâm là phải đảm bảo có điều kiện việc làm và có thu nhập cá nhân (do làm Đại biểu Quốc hội sẽ không có lương, trừ phi thuộc diện “chuyên trách” tức phải từ bỏ tất cả các chức danh công việc và việc làm khác ngoài xã hội) và được nơi làm việc nhất trí cho bản thân dành ra mỗi năm 1/3 tổng thời gian để phục vụ nhân dân qua công tác người Đại biểu nhân dân tại Quốc Hội và tại một Ủy ban nào đó của Quốc Hội mà mình là thành viên. Việc bạn có vẫn được hưởng nguyên lương cùng các phúc lợi khác theo hợp đồng lao động đã k‎ý với cơ quan nơi bạn làm việc (cũng là nơi đồng ý cho phép bạn tự ra ứng cử Quốc hội) thì tùy vào thỏa thuận riêng giữa bạn và lãnh đạo cơ quan ấy.

Điều thứ nhì và cũng là vấn đề cuối cùng mà một ứng cử viên tự do nên quan tâm là bạn có thể sẽ “lạc lõng” – nhất là nếu bạn thuộc type người hướng nội không thích ồn ào – trong một tập thể những nghị sĩ cùng đắc cử với bạn nhưng do họ đều là đảng viên đã có nhiều chục năm sinh hoạt và học tập cùng nhau cũng như giữ những chức sắc cao trong khu vực hành chính công quyền nên rất quen thân trong trò chuyện, công tác, sinh hoạt, và cả trong mối quan hệ giữa họ với đa số các nghị sĩ thuộc các đoàn khác, những người mà họ đã có rất nhiều dịp công tác cùng nhau trước đó qua luân chuyển cán bộ hoặc cùng tham dự các khóa cao cấp chính trị, v.v., nghĩa là bạn phải làm từ đầu những khởi sự của mỗi một quan hệ cá nhân với cá nhân trong tập thể khoảng 500 nghị sĩ của một khóa Quốc Hội. Sẵn sàng hòa nhập nhưng không bao giờ có thể hòa tan vào sinh hoạt chung của cả một tập thể Đoàn và của cả Quốc Hội là điều bạn phải có vì đây là thử thách lớn nhất về bản lĩnh đối với một nghị sĩ ngoài Đảng, ngoài khu vực hành chính công quyền, và thậm chí ngoài cả các sinh hoạt đoàn thể xã hội bất kỳ.

Khi bạn trúng cử trở thành Đại biểu Quốc hội, bạn sẽ làm quen với những sinh hoạt tại Quốc Hội, trong đó, phần phát biểu ở nghị trường ắt là điều bạn cũng cần quan tâm đến trước tiên. Phần này sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết tiếp theo. Kính mời các bạn đón đọc.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

1 nhận xét:

  1. ra ứng cử là một cái gì khá là xa xôi đấy, từ trẻ mấy ai dự định con đường mình lên cao thế đâu, cũng chẳng có ước mơ nốt, ứng cử làm việc chính trị cũng có phải là ai cũng làm được đâu, khá là rắc rối trong cái tư tưởng của tôi về nó, ngoài quyền lợi ra còn có nhiều trách nhiệm hơn, không được như Mỹ mà đổi đời đâu, ở Việt Nam cũng chỉ là một người đại diện ý kiến thôi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog