Chia sẻ

Tre Làng

CHÚNG TA ĐÃ ĐI QUÁ XA KHỎI TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP

Khoai@

Trên Báo Tuổi Trẻ online có bài rất hay: ​Chúng ta đã đi quá xa khỏi truyền thống tốt đẹp. Xin phép được chép lại giới thiệu cùng bạn đọc.

1. 
Rượu bia có phải là nguyên nhân chính, chắc là có nhưng không phải là trọng yếu bởi lẽ trên thế giới thiếu gì quốc gia bia rượu nhiều hơn ta.

Đánh nhau khi va quẹt xe ở Đồng Tháp - Ảnh: T.T.D.

Những ai từng ở Nga đều thấy người Nga uống vodka rất nhiều và rất nặng, nhưng người Nga đâu đánh nhau vì rượu nhiều như ta.

Mỗi khi say họ kiếm một góc nào đó để nằm, hay cùng lắm là hát rống lên. Tương tự người Ba Lan, Đức... cũng uống bia, có khi nhiều hơn người Việt Nam nhưng mấy khi choảng nhau đâu, vậy rượu bia chỉ là cái cớ cho người ta gây sự, chưa chắc phải là tất cả.

Có một sự thật rất hiển nhiên là so với các cộng đồng trong khu vực thì người Việt Nam tỏ ra thiếu kiềm chế nhất. Những ai đi nước ngoài nhiều sẽ thấy người Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Malaysia rất lành, ít khi thấy họ đánh nhau ngoài đường hay to tiếng với nhau.

Trong khi đó ở ta động tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Hai xe va chạm, thay vì xin lỗi thì rút dao ra xỉa vào bụng nhau. Không vui trong bữa nhậu cũng choảng ly vào đầu nhau. Đánh nhau rất nhiều vì những lý do trời ơi không sao hiểu nổi như “bị nhìn đểu”, va chạm nhau chỗ đông người, mời uống bia bị từ chối do không quen...

Kể cả một chuyện cực hiếm ở nước ngoài là thoải mái hành hung cảnh sát, từ đàn ông đến bà già, phụ nữ chân dài ai cũng có thể chửi bới, ai cũng phang cảnh sát được!

Quê tôi ở một vùng trung du cách Hà Nội chừng 50km, trước là vùng sâu nay nghiễm nhiên trở thành ngoại thành Hà Nội. Buổi tối thấy mấy trẻ ra đường hay mang theo vũ khí. Chúng có hai loại vũ khí “trường” và “đoản”.

Trường là mã tấu, côn, ống nước, kiếm Nhật, gậy tre già, loại này thường giấu kỹ vào một chỗ nào đó, chỉ dùng trong những trường hợp đối đầu tập thể. Còn đoản là dây xích xe đạp, dao Thái Lan, dao găm Trung Quốc, nắm đấm sắt, đá xanh gói trong vuông vải, thắt lưng da có khóa móc...

Đứa cháu tôi được tiếng là hiền lành nhưng cũng thủ sẵn trong người vài món vũ khí để đề phòng trai làng bên, hoặc đơn giản là một thằng bất kỳ gây chuyện. Làng quê bây giờ không còn bình yên như xưa nữa.

Có bao nhiêu lý do để kể ra, nhiều, nhiều lắm. Nào là do giáo dục kém, do phim ảnh bạo lực, do văn hóa phương Tây... nhưng chắc chắn một điều là hiện tượng này không phải tự nhiên có mà là hệ quả của một quá trình ủ bệnh rất dài nhiều chục năm nay.

Một điều cực kỳ hệ trọng cần chỉ ra là nhiều người hiện nay mất niềm tin, mất phương hướng. Một số người thường không tin vào lực lượng bảo vệ dân bởi có nhiều sự bất công, sự oan sai và sự hiếp đáp.

Con cái không tin vào cha mẹ bởi cha mẹ cũng làm những điều trái với lời răn dạy. Học trò không tin vào nhà trường bởi nhà trường cũng mua bằng bán chữ. 

Không phải vô cớ khi các nhà nghiên cứu nói người ta lao vào ma túy, rượu bia, sex, tự tử, tự phá hỏng cuộc đời mình là khi niềm tin đã hết, khi ấy cuộc sống bản thân họ chả có ý nghĩa gì cả, chỉ có dịp là bùng nổ, phá phách. Thêm vào nữa xã hội quá nhiều bất ổn, nhiều rủi ro và những nỗi sợ hãi thường trực.

Hằng ngày nhiều người co rúm lại vì hàng trăm nỗi lo bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng ập đến không hẹn trước: mất việc, mất nhà, tai nạn, ngập nước, hỏa hoạn, bệnh hoạn, nợ nần, ngộ độc, chèn ép, hành hung, gia đình tan vỡ... làm con người ta rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn, căng thẳng quá mức.

Người tử tế tự vệ bằng cách cố gắng thu nhỏ mình lại, còn có người giải phóng bằng cách cho bùng ra, do vậy chỉ cần một cú hích nhẹ nào đó cũng đủ làm người ta nổi khùng lên, thực hiện hành động bột phát không cần suy nghĩ, cốt sao cho hả cơn đau bị dồn nén, và khi ấy rượu bia là cái cớ tháo chốt, ai đó sẽ là nạn nhân, và rất nhiều người bị vạ lây.

Xin lỗi thì đã muộn

Hai người tài xế xông vào nhau. Cuộc cãi vã kéo dài 15 phút, suýt trở thành cuộc ẩu đả nếu hành khách trên cả hai chiếc xe khách không lũ lượt kéo xuống can ngăn trong sự ngán ngẩm. Đó là chuyện tôi chứng kiến trong chuyến về quê ăn giỗ cuối tuần rồi. Tôi là hành khách trên chiếc xe đã chạy cắt đầu chiếc xe kia gây va quẹt nhẹ. Khi tài xế xe tôi vừa dừng lại, mở cửa, người tài xế xe kia đã xông đến trước cửa xe văng tục. Dĩ nhiên, tài xế xe tôi cũng “không phải dạng vừa”.

Một ngày chúng ta gặp biết bao chuyện vì một chút va chạm, chửi bới rồi động tay chân là “công thức” quen thuộc đến mức dễ đoán biết. Những cái kết thảm thương kéo theo cũng là chuyện không gây bất ngờ.

Tôi hay đọc mục Ký sự pháp đình của báo Tuổi Trẻ và đọc những dòng “chỉ vì lúc đó bị cáo nóng quá”, “bị cáo không kiềm chế được cơn giận”... mà cay xé lòng. Một phút thôi nhưng cả đời cũng không chuộc lại được.

Mấy ngày nay cộng đồng mạng dậy bão vụ người mẫu Trang Trần. Thông tin trên báo chí cho thấy cô ấy đã xin lỗi. Dân gian cũng có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, lỗi của cô ấy không gọi là lớn, nhưng cả luật pháp và lòng người đều không thể vì một lời xin lỗi mà một cái phẩy tay bỏ qua.

Tôi nhớ ngày nhỏ từng nghe mẹ nói chuyện: khi ta làm gì sai, gây thương tổn cho ai cũng giống như đóng một cây đinh vào tường. Đến khi ta ăn năn hối lỗi, gỡ cây đinh ra thì trên tường vẫn còn một cái lỗ đinh.

Sự thất vọng của cộng đồng vào cô Trang Trần, sự mất mát uy tín của cô ta chính là cái lỗ đinh ấy. Cũng như con số hơn 6.000 người nhập viện do ẩu đả trong dịp tết là hơn 6.000 cái lỗ đinh để lại.

Trám kiểu gì cũng không thể liền lạc hoàn toàn được những mối quan hệ rạn nứt, những giá trị sống, quy tắc ứng xử đã bị giày xéo.

Nên tốt nhất đừng đóng cây đinh nào vào tường. Khi thấy máu nóng dồn lên, hãy dành một phút tự hỏi: chuyện mình sắp gây ra có thể vì một câu xin lỗi mà xí xóa được không?


Tôi, một người rất nóng tính, cũng có khi muốn động tay động chân nhưng kịp thời nghĩ: thắng thua gì thì cũng một là đi tù, hai là đi bệnh viện. Vì thế mà buộc phải kiềm chế.

Nguyễn Minh Hòa - Dạ Quỳnh
______________

Bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, vui lòng gửi ý kiến về hộp thư: Trelangblogspotcom@gmail.com.vn. Xin cảm ơn.

15 nhận xét:

  1. Trám kiểu gì cũng không thể liền lạc hoàn toàn được những mối quan hệ rạn nứt, những giá trị sống, quy tắc ứng xử đã bị giày xéo.

    Nên tốt nhất đừng đóng cây đinh nào vào tường. Khi thấy máu nóng dồn lên, hãy dành một phút tự hỏi: chuyện mình sắp gây ra có thể vì một câu xin lỗi mà xí xóa được không?

    Trả lờiXóa
  2. Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, để tránh sai lầm, thì trc khi nói hay làm gì hãy suy nghĩ cho kĩ xem phải trái ntn, đừng để phải hối hân vì những việc làm của mình

    Trả lờiXóa
  3. Dù sao cũng cảm ơn Trang khàn đã cho lũ rận 1 cái tát, một bát nước lạnh vào mặt

    Trả lờiXóa
  4. Giá mà VN ko bjo còn tình trạng say xỉn, tai nạn, nói bậy vì rượu bia nữa

    Trả lờiXóa
  5. Hối hận không phải là đã muộn nhưng không phải lúc nào xin lỗi cũng lấy lại được mọi thứ đã xảy ra. Vì vậy, trước khi làm hãy suy nghĩ kĩ đến hậu quả, đừng để một phút nông nổi mà hỏng cả cuộc đời

    Trả lờiXóa
  6. Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa đi quá xa khỏi những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, tôi vẫn còn thấy ở các miền quê, ở những người xung quanh tôi những nét truyền thống rất tốt đẹp bên cạnh một số có vẻ như đã dần mất đi nó, nhưng xâu thẳm trong tim tôi tin rằng họ vẫn có cái gốc gắc, cái căn nguyên tốt đẹp và chỉ cần ai đó tác động hướng lái nó chỗi dậy mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Giờ con người ta dễ dàng nổi nóng, dễ dàng sử dụng bạo lực với nhau hơn. Cái hiền lành chân chất của người Việt mình đi đâu mất.

    Trả lờiXóa
  8. Nhiều người nói, người việt mình do tiếp xúc với các văn hóa phẩm mang tính bạo lực nhiều, sử dụng các chất kích thích như biia rượu nhiều nên bị ảnh hưởng. Nhưng dường như điều đó chưa hoàn toàn đúng. Cảm giác như đạo đức và văn hóa cư xử của chúng ta đang có vấn đề thì đúng hơn

    Trả lờiXóa
  9. Đáng phải suy ngẫm. Đúng là chúng ta đã đi quá xa những giá trị truyền thống mà cha ông để lại

    Trả lờiXóa
  10. Là quốc gia đi sau trong áp dụng cơ chế kinh tế thị trường nhưng VN hiện chưa xây dựng được văn hóa kinh tế thị trường ,văn hóa tôn vinh khách hàng là thượng đế:

    -Theo đó nhân dân là vừa là khách hàng ,vừa là chủ thể của công chức viên chức .Nhân dân đẻ ra Chính phủ (chứ không phải nòng súng đẻ ra chính quyền hay chuyên chính vô sản đẻ ra chính quyền) và nhân dân có quyền đuổi nếu Chính phủ không làm được việc như Cụ Hồ đã nói.

    Khi quan chức lạm quyền làm dân bức bí không tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình , mất lòng tin vào pháp luật và luật rừng được giở ra dù bầu bí cùng chung giàn.

    -Sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh tế thị trường không chỉ dừng lại ở các tập đoàn,cty hay tổ chức kinh tế mà ảnh hưởng đến từng công dân mà Nhà nước chưa quan tâm luật hóa hay phổ quát như một văn hóa ứng xử theo nguyên tắc lợi ích chính đáng của công dân phải được pháp luật bảo vệ,trong đó có lợi ích về bản quyền ,khuyến khích tài năng,không cào bằng năng lực ,hưởng thụ (lương thưởng ngôi sao thể thao,văn nghệ có thể gấp 10 lần lương tổng thống ở các nước phát triển) .

    Mọi sự cào bằng theo kiểu bao cấp XHCN ,cốc mò cò xơi ,bất công bằng xã hội,thằng còng làm cho thằng ngay lưng ăn đều có thể gây bức xúc,thù hận dễ biến cả một thế hệ không thể tự kiềm chế , trở nên hung bạo ....

    -Bên cạnh đó,sự chạy theo lợi nhuận bất chấp ảnh hưởng môi trường xã hội như tham nhũng phí phạm riệu bia hội hè đãi đằng hút hít gái gúng tràn lan...luật pháp không nghiêm minh cũng góp phần đáng kể gia tăng tội phạm bạo lực....Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và môi trường bon chen thành thị.

    Khi cái văn hóa theo tiêu chuẩn cũ đã qua mà chưa có cái văn hóa theo tiêu chuẩn mới mới thay thế ,khủng hoảng sẽ xảy ra cũng là lẽ thường tình.Lỗi không ở nơi dân mà ở các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp.

    Trả lờiXóa
  11. Kinh tế ngày càng phát triển, giá trị vật chất ngày càng lên cao thì nhân nghĩa đạo đức, lối sống tốt đẹp ngày càng xuống thấp. Còn đâu tôn sư trọng đạo, vâng lời cha mẹ luôn hiếu để với bậc sinh thành, luôn biết ơn thầy cô dạy dổ dù bị ăn đòn roi hà rầm bầm mông, đỏ tai vì bị véo. Còn đâu kính trên nhường dưới lễ phép thưa gửi khi tiếp xúc người lớn hơn.
    Ngày xưa, đó dù chỉ cách vài mươi năm thôi ngày tết viếng chùa, viếng nhà mừng tuổi người cao niên trong họ vào ông bà thì phân ngôi lớn nhỏ thưa trình chứ đâu có tụ họp bia bọt, lớn tiếng vô vô, ngày giỗ cha ông thì lễ phép thưa “ngày mai nhà con có cúng cơm ông bà cha mẹ con kính mời cô bác đến dùng rượu" chứ đâu có chuyện “ a lô, chiều mai rảnh không đến nhà tớ làm vài chai nha, ừ... đám giỗ ông già, …nhớ nha, không có bạn mất vui”.

    Trả lờiXóa
  12. Nặc danh17:21 29/4/15

    Vấn đề giáo dục hiện nay đang là một mối đe doạ của đất nước. Đạo đức ngày càng xuống thấp, thanh niên chỉ nhìn nhau và nếu không thích cái nhìn đó là cho rằng thằng kia nhìn đểu tương nhau luôn có khi mất cả tính mạng. Các cháu học sinh nữ thì đánh nhau hội đồng các bạn đứng ngoài cổ vũ quay phim chụp ảnh đưa lên mạng. Một vấn đề nhức nhối cần chúng ta phải ngồi lại và xem xem nền giáo dục nước nhà đang ở đáy nào rồi. BUỒN

    Trả lờiXóa
  13. Các cụ vẫn thường có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" ấy vậy mà thanh niên thời nay cứ mở mồm là văng tục, chửi bới. Giá trị đạo đức xuống dốc không phanh nổi luôn. Tự hỏi nguyên nhân từ đâu. Tôi thấy rất đáng buồn và đáng lo cho thế hệ trẻ.

    Trả lờiXóa
  14. Nhưng các bố đã say rồi còn biết gì nữa mà nhường nhỉ. Nhưng có lẽ với những người say thì không đáng nói mà đằng này phải xem xét lại những người không say mà hành xử còn hơn cả người say. Kinh tế ngày càng phát triển, giá trị vật chất ngày càng lên cao thì nhân nghĩa đạo đức, lối sống tốt đẹp ngày càng xuống thấp. Còn đâu tôn sư trọng đạo, vâng lời cha mẹ luôn hiếu để với bậc sinh thành, luôn biết ơn thầy cô dạy dổ dù bị ăn đòn roi hà rầm bầm mông, đỏ tai vì bị véo. Còn đâu kính trên nhường dưới lễ phép thưa gửi khi tiếp xúc người lớn hơn.

    Trả lờiXóa
  15. Không phải chúng ta đi qua xa mà là đi chệch khỏi đường ray truyền thống đạo đức. Sự xuống dốc đến báo động. Xuất phát điểm là từ đâu. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề từ gốc chứ đừng ngồi chửi và chỉ giải quyết hời hợt phần ngọn, phần bề nổi của vấn đề.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog