Chia sẻ

Tre Làng

CHÚNG TÔI ĐI GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA

(PetroTimes) - Chúng tôi gồm 3 lực lượng: Đội 1 Đặc công nước (Đoàn 126); Biên đội tàu Không số (Đoàn 125 Hải quân) và 42 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5). Những người thuộc các đơn vị khác nhau, được biên chế thành một cánh quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Mai Năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đoàn trưởng Đoàn đặc công 126 hình thành mũi tiến công duy nhất trên biển đi giải phóng quần đảo Trường Sa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năng lượng Mới số 414

Đại tá Đặng Trung Hội (Nguyên Trưởng Văn phòng thường trú Báo Quân đội Nhân dân tại Đà Nẵng)

Từ cảng Tiên Sa

Ngày 29-3-1975 từ rừng phía nam Hải Vân xuống, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ cảng Tiên Sa, chúng tôi lên thuyền đánh cá của ngư dân đã được bố trí sẵn tại bãi biển Nam Ô, vượt biển sang hướng Sơn Trà.

Vừa giải phóng nên cảng Tiên Sa im ắng đến lạ thường, thi thoảng có chiếc thuyền gỗ của ngư dân thả lưới gần đó. Đêm ấy, đúng phiên tôi gác thì có 3 chiếc tàu lừng lững tiến vào cảng. Chưa kịp báo cáo với chỉ huy thì đã thấy cán bộ tiểu đoàn cùng một số cán bộ khác trên chiếc xe Zeep chiến lợi phẩm chạy ra phía cầu cảng. Lúc ấy là 21 giờ ngày 9-4-1975. Lính tráng bọn tôi đoán già, đoán non, nhưng không thể đoán ra đấy là tàu gì. Chiều hôm sau, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp những đơn vị trực thuộc cùng đoàn 126 đi làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, với mật danh là “C75”.

Đêm 10-4, chúng tôi xốc balô, súng đạn lặng lẽ lên 3 con tàu bên cầu cảng. Biên đội tàu Không số, gồm những tàu: Tàu 673, 674, 675 do các đồng chí Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng, dưới sự chỉ huy chung của Biên đội trưởng Dương Tấn Kịch. Được “hành quân” trên những con tàu do những thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm điều khiển, chúng tôi thấy vững tin lạ thường. Nhìn họ, chẳng ai ngờ được rằng, những con người bình dị ấy lại là những người mưu trí, dũng cảm, đã nhiều lần qua mặt sự vây ráp của cả tàu chiến, máy bay và hệ thống lùng sục của bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ - ngụy, đưa những chuyến hàng vô giá vào trong lòng địch. Ba con tàu lặng lẽ rời cảng Tiên Sa vào khoảng 3 giờ sáng.

Sau khi lên tàu, trừ những người “đóng vai” ngư dân ở lại trên boong, còn lại tất cả xuống dưới hầm tàu. Mọi tình huống xảy ra trong suốt hải trình đã có những con người “bình dị” ứng phó. Ba ngày đêm hành quân trên biển, vượt gần 500 hải lý (gần 1.000km). Tất cả đều được triển khai khá nhịp nhàng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Mai Năng. “Thế” lừa địch trên biển được coi là đòn cân não. Vì để địch nghi ngờ thì “hỏng” chuyện lớn. Mà “hỏng” chuyện trên đường hành quân tức là không hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đảo.

Trên mặt biển thì biên đội tàu chúng tôi bị tàu địch quây, chúng đến gần tàu ta đến mức nhìn rõ mặt những tên lính súng ống lăm lăm, cặp mắt soi mói không bỏ sót bất cứ thứ gì. Hoặc có chặng chúng lẵng nhẵng bám theo giám sát mọi hoạt động; trên đầu thì máy bay địch quần thảo… Đã được quán triệt từ trước, mặc mọi sự khiêu khích, hăm dọa, chúng tôi coi như “không có chuyện gì xảy ra”, ai cũng miệt mài chài lưới… Cứ như vậy trong suốt hải trình, cuộc thi gan đầy căng thẳng, ý thức kỷ luật của những người lính và sự mưu trí của người chỉ huy đã làm cho đối phương nản chí.

Đồng chí Phạm Duy Tam, nguyên Thuyền trưởng tàu 675 chở bộ đội đặc công đi giải phóng Trường Sa

Các đảo trên quần đảo Trường Sa tuy là mục tiêu cố định, nhưng chưa hề được trinh sát, chúng tôi chỉ nhận diện được đảo trên bản đồ. Trong khi đó, một số đảo nổi trong quần đảo Trường Sa lúc này có quân đội của Philippines và Đài Loan đang chiếm giữ. Hơn nữa, độ cao của các đảo tương tự như nhau (trừ đảo Ba Bình, do Đài Loan chiếm giữ là cao nhất). Thời kỳ đó trên các đảo rất ít cây cối, mỗi đảo có vài căn nhà tôn thấp lè tè, nằm lọt thỏm trong hệ thống hàng rào bùng nhùng. Đây là khó khăn lớn nhất đặt ra, làm cách nào để tiếp cận đúng các đảo mà lính Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ để giải phóng. Ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm lại càng khó hơn, “đổ bộ” nhầm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Với đặc công, tác chiến trong điều kiện này là vô cùng hy hữu. Cuối cùng phương án được “chốt” là: Vừa trinh sát, vừa đánh. Đây là cách đánh, nói theo thuật ngữ quân sự là đánh cường tập, bởi không còn thời gian để trinh sát mục tiêu. Với đặc công, phương án này chỉ vận dụng trong trường hợp đặc biệt cấp bách, có nghĩa là không đánh không được, dù có hy sinh cũng phải đánh. Nói như vậy để thấy hết những khó khăn đặt ra với cánh quân đi giải phóng Trường Sa. Đồng thời thấy hết sự mưu lược của người chỉ huy, lòng quả cảm của các chiến sĩ được vinh dự đi làm nhiệm vụ ở trận chiến đấu cuối cùng này.

Tấn công giải phóng Trường Sa

Phát súng mở màn, mục tiêu đầu tiên chúng tôi tấn công được xác định là đảo Song Tử Tây. 19 giờ 30 phút ngày 13-4-1975, biên đội tàu phân công tàu 674 và 675 án ngữ phía tây bắc, cách đảo chừng 15 hải lý, làm nhiệm vụ nghi binh, đồng thời sẵn sàng ứng phó với hai tàu chiến của quân ngụy đang ở khu vực đảo Nam Yết còn tàu 673 lặng lẽ đưa bộ đội tiếp cận đảo.

Chỉ riêng việc tiếp cận đảo trong vùng biển bao la mênh mông trong điều kiện không đèn, không có thiết bị hàng hải dẫn đường, không radar, không máy định vị, máy đo độ sâu… cũng là cực kỳ khó khăn. Duy nhất có chiếc la bàn chỉ hướng cho con tàu này. Tàu 673 lầm lũi đưa chúng tôi tiếp cận đảo. Vì thiếu các thiết bị nên đến 3 giờ sáng ngày 14-4-1975 mới chạm vào dãy san hô, từng chiếc xuồng cao su loại nhỏ dùng chở quân nhanh chóng được thả xuống. Chúng tôi quần đùi, áo lót, súng đạn đầy người rời tàu lên những chiếc xuồng bí mật tiếp cận đảo. Nhiều đoạn xuồng mắc cạn, chúng tôi lại phải nhảy xuống nước bơi vào đảo. Đúng 4 giờ 30 phút, sau khi đã gỡ xong những quả mìn mà địch cài ở mép hàng rào ngoài cùng, phát súng hiệu mở màn, chúng tôi đồng loạt nổ súng, bộc phá ống thổi tung lớp hàng rào, mở đường cho bộ đội tấn công. Bọn địch ở trên đảo bám công sự chống trả quyết liệt. Sau hơn 30 phút chiến đấu, chúng tôi hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt tại chỗ 6 tên địch, bắt sống 33 tên. Bộ đội ta 2 đồng chí bị hy sinh.

Khi bàn giao tù binh, chúng tôi kiểm đi, kiểm lại vẫn thiếu 1 tên. Sở dĩ biết thiếu 1 tên, bởi trước khi tấn công đảo, chúng tôi được cấp tin tình báo cho biết tại đảo này có 40 tên đóng giữ. Như vậy 6 tên bị tiêu diệt, bắt sống 33 tên, thì rõ ràng thiếu 1 tên. Khai thác nhanh tên đảo trưởng mới hay, “đảo trưởng” lúc bấy giờ là viên Trung úy đảo phó lên thay, còn Đại úy đảo trưởng đã rời Song Tử Tây trước đó 2 ngày, nghe nói về Sài Gòn. Sau này chúng tôi được biết, Song Tử Tây bị ta tấn công đánh chiếm là điều hoàn toàn bất ngờ đối với địch. Hướng phòng thủ quần đảo Trường Sa từ phía bắc đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi.

Đại tá Đặng Trung Hội

Ngay sau khi giành thắng lợi, chỉ huy phân công tàu 674 chở tù binh về giao cho Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Hai tàu 673 và 675 cùng chúng tôi ở lại bảo vệ đảo và rút kinh nghiệm chuẩn bị cho các trận đánh giải phóng các đảo còn lại. Có thể nói, tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc này là khá chênh lệch. Theo thông báo của trên, Đảo Nam Yết được coi là “sở chỉ huy” của quân đội Việt Nam Cộng hòa tại quần đảo Trường sa có 60 tên; đảo Song Tử Tây có 40 tên (đã bị ta tiêu diệt, bắt sống); đảo Sơn Ca có 20 tên; đảo Sinh Tồn có 20 tên; đảo An Bang chỉ có bia chủ quyền và đảo Trường Sa Lớn có 40 tên, trên đảo này có sân bay dài đến 600m. Quân địch án ngữ trên các đảo với hệ thống hầm hào, công sự kiên cố và nhiều loại vũ khí có tầm sát thương cao. Ngoài ra lại có tàu chiến bảo vệ. Ta chỉ còn lại hai con tàu “giả dạng” và lực lượng đặc công, vũ khí chủ yếu là AK, B40, B41…

Không chỉ lo đối phó với tình huống địch phản công chiếm lại đảo mà còn phải xây dựng quyết tâm ứng phó với lực lượng của nước thứ ba lúc đó cũng đã sử dụng tàu chiến đến vùng biển này với âm mưu “tranh tối tranh sáng” chiếm các đảo do ngụy quân đang chốt giữ. Quyết tâm lúc này là quyết bảo vệ đảo, tăng cường quan sát và nghi binh đánh lừa địch. Chuẩn bị mọi mặt khi có thời cơ là giải phóng ngay các đảo còn lại, kiên quyết không để mất chủ quyền của Tổ quốc vào tay thế lực khác.


Trước tình thế trên, chúng tôi được xác định quyết tâm với tinh thần quyết tử, còn một viên đạn cũng đánh, còn một người cũng chiến đấu, bảo vệ đảo đến hơi thở cuối cùng. Quả là lúc ấy, nhất là đối với các đồng chí chiến sĩ mới tham gia tác chiến lần đầu, lại ở giữa trùng khơi mênh mông, đều cảm thấy lúc nào cũng “lạnh lưng”, bởi ba bề, bốn bên đều là nước. Có chiến sĩ đêm gác ngoài mép nước đã hớt hải báo động vì có “xe tăng cá nhân” của địch đổ bộ. Những chiếc “xe tăng cá nhân” ấy chính là những chú rùa biển (có nơi gọi là Vích, nơi gọi là Hải Quy) đến kỳ sinh sản bò lên bãi để đẻ trứng. Những con rùa nặng cả vài tạ, to như cái nong phơi lúa, làm cho anh lính mới lần đầu nhìn thấy chúng từ dưới biển bò lên, “thần hồn nát thần tính” mới “sáng tác” ra thuật ngữ quân sự mới như vậy.

Để nghi binh địch, chúng tôi đã làm những trận địa pháo binh giả, một số cây dừa hiếm hoi trên đảo được đốn hạ để làm “pháo giả”. Trận địa được xây dựng “nửa hư nửa thực”, cốt là để địch từ trên tàu quan sát biết được trên đảo có trận địa pháo. Có lẽ vì quan sát thấy trên đảo có “trận địa” pháo binh mà hai tàu hải quân ngụy, cũng như mấy chiếc tàu chiến của nước ngoài, chỉ lởn vởn gần đó chứ không hề có động thái gì. Và rồi thời cơ giải phóng các đảo còn lại đã đến khi Đoàn 125 cử thêm tàu 641 chở thêm bộ đội đặc công tăng cường và tàu 674 chở thêm bộ đội Sư đoàn 2 (Quân khu 5) ra tiếp nhận chốt giữ các đảo do chúng tôi giải phóng.

1 giờ 30 phút sáng ngày 25-4-1975, biên đội tàu tổ chức thành 3 mũi đánh chiếm đảo Sơn Ca. 2 giờ 30 phút trận đánh mở màn bằng một tiếng nổ long trời của quả bộc phá ống, hai tên lính ngụy bị tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu, số còn lại lùi vào cố thủ ở các công sự chống trả, nhưng chỉ sau 30 phút, toàn bộ số ngụy quân trên đảo xin hàng. Lúc này đồng hồ chỉ 3 giờ, kết thúc trận đánh, bên ta bị thương 2 đồng chí. Ngay sau khi mất đảo Sơn Ca, quân địch ở các đảo khác hoảng loạn, đã phải điều hai tàu HQ12 và HQ16 tổ chức bốc toàn bộ quân ở 3 đảo còn lại tháo chạy. Nhận được lệnh từ Tổng hành dinh, đồng chí Mai Năng ra lệnh cho Biên đội tầu và lực lượng giải phóng đảo thừa thắng xốc tới, ngoài tàu 641 chở tù binh về Cam Ranh, ba tàu còn lại thẳng tiến về các đảo.

Ngày 27-4-1975 giải phóng đảo Sinh Tồn. Hôm sau 28-4 ta giải phóng tiếp đảo Nam Yết. Ngay trong lúc bộ đội ta vừa đặt chân lên đảo Nam Yết thì nhận được lệnh triển khai ngay đội hình chiến đấu với tàu nước ngoài có thể đổ quân chiếm đảo. Khoảng tầm giữa trưa, chúng tôi phát hiện có 2 tàu lạ xuất hiện ở phía bắc đảo, bộ đội đã sẵn sàng chiếm lĩnh trận địa, chỉ chờ lệnh là nổ súng. 2 chiếc tàu lạ lởn vởn chừng hai tiếng đồng hồ rồi quay đầu rút hẳn, có lẽ họ quan sát thấy cột cờ trên đảo tung bay cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng, buộc họ không dám manh động. Ngay chiều ngày 28-4-1975, mũi cuối cùng do đồng chí Trung úy Bùi Quang Giang, Chính trị viên đại đội chỉ huy tiếp tục cuộc thần tốc đến đảo Trường Sa Lớn và đúng 9 giờ sáng ngày hôm sau 29-4-1975, hòn đảo cuối cùng, đảo Trường Sa Lớn phấp phới cờ Tổ quốc.

Như vậy, cánh quân duy nhất trên biển trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 đã làm tròn trách nhiệm với lịch sử, góp phần quan trọng giành thắng lợi trọn vẹn trong trận chiến đấu cuối cùng giải phóng miền Nam, giải phóng quần đảo Trường Sa quy non sông về một mối, làm cho bản hùng ca chiến thắng của dân tộc thêm hào hùng ngân mãi.

14 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 471 thuộc cánh quân đi giải phóng Trường Sa trong ngày gặp mặt 40 năm giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiếu

Khúc vĩ thanh

Ngày 28-3-2015, nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng và 45 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Đặc công nước 471. Ban Liên lạc đơn vị tại Đà Nẵng còn hơn 20 người đã tổ chức một buổi gặp mặt với đồng chí, đồng đội đã nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành ở khắp miền đất nước.

Cuộc hội ngộ này, nói như các đồng chí tuổi đã “ngoại bảy mươi” là cuộc gặp “dối già”. Đồng đội sau 40 năm gặp mặt, ngồi lại với nhau, chuyện xưa, chuyện nay ào ào tuôn trào. Mỗi câu chuyện gợi lại một thời hào hùng, gợi lại những kỷ niệm không thể nào quên và nước mắt của những người lính già chảy dài trên khuôn mặt nhàu nhĩ mưu sinh. Đồng đội xúc động khi chính trị viên Bùi Quang Giang, Đại đội phó Nguyễn Viết Thừa, những cán bộ trẻ trung, dũng cảm của 40 năm trước cùng bộ đội quần đùi, áo lót ôm AK giải phóng Sơn Ca, Sinh Tồn… giờ khuôn mặt đầy tàn nhang, bước đi đã có phần chậm chạp. Nước mắt của chúng tôi chất chứa sự ân hận và bất lực khi không thể giúp gì hơn bằng lá đơn chứng nhận cho Trung sĩ Nguyễn Hữu Bùng làm chế độ thương binh.

42 con người thuộc đội hình Tiểu đoàn Đặc công nước 471 được phân công phối thuộc đi giải phóng Trường Sa, giờ đếm trên đầu ngón tay còn không đầy “hai chục”. Người thiệt thòi như thương binh Nguyễn Hữu Bùng không hiếm, trong số vắng mặt ngày “hội quân”, nhiều người đã về với thế giới bên kia, trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn ôm hy vọng làm được chế độ thương tật, chế độ nhiễm chất độc da cam để đời con đỡ thiệt thòi. Ai đó nhắc đến Hoàng Vân Nam, quê xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, một thượng sĩ già đang bị bệnh tật do chất độc da cam hành hạ. Mấy anh cùng quê bảo, Nam yếu lắm rồi, anh em góp tiền mua vé cho nhưng không đi nổi, mấy đứa con dở dại, dở khôn ảnh hưởng di chứng từ bố, lớn tồng ngồng cả nhưng chẳng biết gì…

Đồng đội nhìn nhau, chỉ biết sẻ chia cho nhau bằng tấm lòng, bằng những lời an ủi, động viên. Chuyện đời, chuyện buồn rồi cũng lắng xuống khi “chủ đề” chuyển hướng sang Hoàng Sa, Trường Sa. Cái “máu” người lính trỗi dậy, mắt ai cũng lóe sáng lạ kỳ. Xin được chép ra đây bài thơ viết vội thay cho lời kết của bài viết này:

Bạn bè lâu ngày mới gặp
Mừng mừng, tủi tủi khôn nguôi
Chân chim đậu nơi khóe mắt
Còn nguyên tươi rói nụ cười

Bốn chục năm rồi đấy nhỉ
Từ ngày giải ngũ về quê
Mưu sinh không mờ nỗi nhớ
Gặp nhau vui cười hả hê

Bạn bè lâu ngày mới gặp
Chẳng ai quên tên, quên quê
Nhớ nhau, nhớ từng kỷ niệm
Năm tháng rừng núi ập về

Tranh nhau như thời trai trẻ
Chuyện cũ, chuyện mới ào ào
Đang cười bỗng nghe tiếng nấc
Thương về cánh rừng xôn xao

Tảng đá mồ côi ven suối
Cây mồ côi mọc ven đồi…
Là nơi mấy đứa nằm lại
Tìm hoài chẳng thấy bạn ơi

Nhói lòng tìm người đã khuất
Rưng rưng thương đứa chết mòn
Chất độc da cam gậm nhấm
Từ đời cha đến đời con…

Vẫn biết thiệt thòi là vậy
Mà không buông lỏng tay chèo
Vẫn gắng gồng mình chống chọi
Trên con đường đời gieo neo

Gặp nhau mừng mừng, tủi tủi
Chẳng phân cao thấp, giàu nghèo
Vận nước biển đông có giặc
Trái tim người lính lửa reo!

Đ.T.H
http://petrotimes.vn/news/vn/chinh-tri/chung-toi-di-giai-phong-truong-sa.html

12 nhận xét:

  1. thế này thì có thể đập tan những suy nghĩ, những bài viết của một số kẻ cơ hội, khi nào ucngx nói việt nam bán nuwocsn ày nọ, nhiều lcus cũng không thể nào hiểu nổi những con người đó, họ sống trên man\hr đất việt nam mà làm việc một cách vô trahs nhiệm thật

    Trả lờiXóa
  2. Bao thế hệ cha anh đi trước đã đổ máu để chiến đấu bảo vệ quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng ta tầng lớp trẻ sau này lúc sinh ra được sống trong hòa bình biết ơn biết bao thế hệ đi trước.

    Trả lờiXóa
  3. Những thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh thân mình thì hiện nay chúng ta mới có cuộc sống hòa bình, tự do dân chủ. Vậy mà bao người đã đổ máu bỏ lại một phần thân thể trên chiến trường không được cấp chứng nhận là thương binh?

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn những thế hệ cha anh đi trước đã dũng cảm quên mình, chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc thân yêu.

    Trả lờiXóa
  5. Hoàng Sa, Trường Sa là máu là thịt của Việt Nam. Thế hệ ông cha đã ngã xuống để giành đảo lại về tay ta, thế hệ các anh đã kiên trì bám đảo và thế hệ chúng ta hôm nay cần chung sức bảo vệ thành quả đó.

    Trả lờiXóa
  6. Dựng nước là nguồn sức mạnh để giữ nước. Giữ nước là điều kiện để dựng nước. Dựng nước và giữ nước là hai mặt hoạt động đồng thời gắn bó nhau trong suốt quá trình phát triển của lịch sử dân tộc ta. Bởi thế, khi nói đến trách nhiệm của thế hệ Việt Nam mới đối với lịch sử, đặc biệt là lực lượng vũ trang, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các vua Hùng đó có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

    Trả lờiXóa
  7. Trong hoàn cảnh nước ta, đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quốc phòng lại hạn chế, lại phải thường xuyên chống lại với giặc ngoại xâm lớn mạnh, cho nên lúc nào ta cũng phải cố gắng hết sức vừa dựng nước vừa giữ nước. Phải biết ơn những anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo quê hương

    Trả lờiXóa
  8. Hàng bao đời nay, với truyền thống và đạo lý cao đẹp của dân tộc ta là “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ ngừời trồng cây”, Thế hệ trẻ ngày nay không bao giờ được quên ơn những anh hùng đã ngã xuống bảo vệ cho đất nước. Lợi dụng lòng yêu nước của những người VN chân chính, lợi dụng sự hi sinh của các anh,lũ kền kền lại tạo ra kịch bản tri ân các chiến sĩ để trá hình trong đó là mưu đồ chính trị hèn hạ

    Trả lờiXóa
  9. Mình đọc bài viết này mà mắt ngấn lệ. Vì sao ư? Vì quá tự hào những người lính đã dũng cảm quyết tâm để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Một phần nữa là thấy buồn vì chính sách của nhà nước đối với những người lính này. Họ đã chiến đấu hết mình vì quê hương tổ quốc. ấy vậy mà cái chính sách đương nhiên họ được hưởng mà không giải quyết. Các nhà lãnh đạo, những người có trách nhiệm về vấn đề chính sách với người có công cần xem lại mình có đủ tư cách để xét họ không? XIN MỌI NGƯỜI HÃY CÔNG TÂM HƠN ĐỪNG LÀM NGƠ TRƯỚC NHỮNG VẤN ĐỀ NÀY

    Trả lờiXóa
  10. Một sự hy sinh quá lớn, một sự dũng cảm tuyệt vời. Những trang sử thật hào hùng và vẻ vang. Những người lính cụ Hồ. Thật không hiểu nổi tại sao những con người này mà phải đi xin để được hưởng chính sách nhỉ???? Nếu không có họ liệu chúng ta có được hưởng cuộc sống ổn định, ấm no như ngày nay hay không? Và tôi cũng tự hỏi những con người đó còn có mấy người mà sao nhà nước không giải quyết những chính sách, chế độ cho họ nhỉ. Thật kỳ lạ. Cứ như vậy bảo sao dân không bất mãn, các thế lực thù địch lại mượn cớ để xuyên tạc, bôi nhọ....

    Trả lờiXóa
  11. "Nam yếu lắm rồi, anh em góp tiền mua vé cho nhưng không đi nổi, mấy đứa con dở dại, dở khôn ảnh hưởng di chứng từ bố, lớn tồng ngồng cả nhưng chẳng biết gì…" Đọc đoạn này mắt tôi nhoè đi vì sự cảm động và thông cảm cho những người lính đã hết mình vì tổ quốc. Và bây giờ họ được cái gì????????? Chính quyền địa phương cần phải xem xét giải quyết ngay những trường hợp đặc biệt này.

    Trả lờiXóa
  12. đó là công việc vô cùng thiêng liêng, quan trọng và cấp bách lúc bấy giờ, chúng ta giải phóng được hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước nhưng đâu đó một phần lãnh thổ của tổ quốc vẫn đang bị chiếm đóng vì thế nhiệm vụ đó thật là cao cả giành lại mảnh đất của tổ quốc mà VNCH đã cũng lũ tư bản đế quốc dâng hiến cho ngoại bang.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog