Chia sẻ

Tre Làng

CHUYỆN GIAO THÔNG NƯỚC MỸ: LẠ MÀ CHẲNG KỲ (KỲ 2)

Người tham gia giao thông Mỹ không những có ý thức mà còn chấp hành Luật rất tốt.

Tham khảo Kỳ I ở đây

Xứ Mỹ tự do. Điều này ai cũng biết. Có những cái thoải mái tới vô lý, nhưng ngẫm kỹ lại thấy chả vô lý tí nào. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân tới nước Mỹ không phải là những toà nhà chọc trời, san sát, hay môi trường “sạch đẹp”, mà là chuyện đi lại.

Đang ngày nào cũng nhích từng bước, thoi thóp trong khói bụi giờ tan tầm, tự nhiên được đi hẳn hơn trăm cây số/giờ, loáng cái đã vượt gần 50 km từ sân bay về tới nhà, làm gì chẳng khoái. Ở cái nơi có tới hơn 250 triệu ô tô, trung bình mỗi người một chiếc, mà đi lại cứ trôi tuồn tuột.

Xe không sang tên, tự lĩnh hậu quả

Mua bán xe phải chuyển chủ. Quy định này chắc nước nào cũng có. Nhưng ở Mỹ lại có vẻ hơi thừa. Bán xe xong, chẳng cần ai bắt cũng sốt sắng tự đi sang tên ngay. Nếu không, nhỡ chủ mới phạm luật giao thông, chưa nói gây tai nạn, thì chủ cũ lĩnh đủ. 

Xe ô tô luôn đi đúng làn đường (ảnh: Nhật Quỳnh/VOV)

Sở quản lý xe cơ giới không cần biết ai đi xe, cứ gửi giấy phạt về địa chỉ chính chủ cái đã. Chậm 1 tháng phạt gấp đôi, 2 tháng gấp 3. Theo quy định, mỗi khi chuyển chỗ ở, chủ xe phải thông báo với Sở về địa chỉ mới trong vòng 5 ngày. Có chạy đằng giời. Kiểu gì vé phạt cũng đến tận tay. Tất nhiên là cố tình "xù" tiền phạt thì người ta cũng chẳng hơi đâu đi tìm tận nhà, có khi cách vài chục cây số, để đòi vài chục USD, chả bõ tiền xăng xe. Nhưng vé phạt đó mãi mãi nằm trong sổ đen. Vấn đề ở đây là đăng ký xe không cấp 1 lần mà tối đa 2 năm lại phải xin gia hạn, mỗi lần gia hạn là 1 lần tiền. Đăng ký được cấp thành 2 bản, ghi rõ ngày tháng hết hạn, một bản lưu, một bản chủ xe phải dán lên kính trước để người ta kiểm tra. Thế nên, trừ phi anh không sống ở Mỹ hoặc không bao giờ lái xe nữa thì thoát tiền phạt.

Trăm cái khổ không bằng tìm chỗ đỗ xe

Vào một buổi sang, vừa xong cuộc hẹn, bước ra ngoài định lấy xe, tôi giật mình bởi mẩu giấy đang bay phấp phới chỗ gạt nước. Thôi hỏng, vé phạt. Sao lại thế được? đã cảnh giác lắm rồi mà. Định thần lại, mẩu giấy đó màu vàng. Tờ rơi quảng cáo, vé phạt màu hồng cơ. Mấy tháng trước vừa dính 1 phiếu nên tôi nhớ lắm. Bây giờ cứ thấy cái gì nhỏ nhỏ cuộn tròn trước kính xe là hãi. Chỉ đỗ quá có 2 phút mà mất toi 35 USD.

Đỗ xe ở Mỹ đắt kinh hoàng. Trong bãi thì rẻ cũng 10-15 USD/giờ, có nơi thu 50 USD một lần gửi, tính ra cả triệu đồng tiền Việt. Hôm nào có việc phải đi lại nhiều, mất vài triệu như chơi. Thế nên ai cũng cố chen vào lề đường để đỗ cho rẻ. Mỗi xe một cột tính tiền, 2 USD/h, không được quá 2 tiếng. Nhưng khổ nỗi không phải đường nào cũng được đỗ và không phải giờ nào cũng đỗ được. Mà chả ai muốn mất tiền cho mấy cái máy chém trong bãi giữ xe nên chuyện tìm được chỗ trống bên đường có khi còn khó hơn lên trời. Những nơi có thể đỗ đều bị cư dân hoặc nhân viên văn phòng gần đó chiếm hết. Hôm nào hoạ hoằn lắm tìm được chỗ thì lại canh cánh canh giờ. Đồng hồ trên cột tính tiền đỗ xe đếm ngược đến 0 mà chủ xe chưa có mặt thì tới 90% là lĩnh vé phạt. 

Vé phạt sẽ được gắn ở cần gạt nước đối với những xe vi phạm

Ở DC có vài trăm nhân viên Sở công chính chỉ ăn lương để làm mỗi cái việc này. Mỗi người phụ trách vài dãy phố. Cứ thế cả ngày tua đi tua lại, cặm cụi ghi biển số, ngó đồng hồ, kiểm tra đăng ký xe và phạt vi phạm. Vé phạt được cuộn vào cần gạt nước, có chụp ảnh làm bằng chứng.

Năm 2012, Sở công chính DC ghi 1,6 triệu vé phạt đỗ xe, thu 92,5 triệu USD, tương đương 1.850 tỷ đồng. Theo Uỷ ban Giao thông và Môi trường DC, 30% nguyên nhân gây ùn tắc trong khu vực nội đô là do lượng xe chạy lòng vòng tìm chỗ đỗ.

Cư dân sống trong nhà riêng sát mặt đường được ưu tiên đỗ xe không hạn chế thời gian trước cửa nhà hoặc khu vực gần nơi cư trú. Những chỗ này đều có biển ghi rõ, người ngoài chẳng may đỗ vào nhẹ thì bị phạt, nặng thì bị cẩu xe. Đã bị lôi xe đi rồi thì cầm chắc mất đứt ít nhất 200 USD. Để xe quanh năm suốt tháng ngoài đường, kể cả Audi, BMW, Lexus hay Mercedez, mà chẳng thấy ai mất gương, bị cạy logo hay tháo lốp bao giờ. Không phải vì ở Mỹ không có ăn trộm. Đơn giản là có lấy được cũng chả biết bán cho ai. Ở đây cũng có chợ mua bán đồ cũ nhưng ai dám mua mấy cái đồ đó. Ngoài ăn trộm ra, làm gì có người nào tự dưng mang đồ xe của mình đi bán. Cảnh sát tóm được là sạt nghiệp, đi tù ngay.

Mỹ có tắc đường không?

Phải nói rằng Mỹ có tắc đường. Cứ tưởng chỉ các nước đang phát triển mới có đặc sản tắc đường mà ở Mỹ, nước giàu nhất thế giới, cơ sở hạ tầng cũng thuộc hàng nhất nhì, đường cũng tắc. Kể cũng lạ. Thực ra thì tắc đường tại Washington DC chỉ xảy ra vào giờ cao điểm và mang tính cục bộ, ít khi quá 10 phút.

Không phải đường xá Mỹ quá rộng. Trừ đường cao tốc, đường trong khu trung tâm DC chỉ nhỉnh hơn đường Hà Nội tí chút, mật độ xe lại dày đặc. Không tắc chủ yếu là bởi ý thức giao thông của người dân. Chạy lấn làn, hiếm lắm. Làn nào làn ấy cứ thế mà đi, dù cùng chiều có làn trống nhưng cũng chả mấy người chuyển. Muốn rẽ bên nào thì chuyển dần sang làn gần bên ấy nhất mà rẽ, lỡ chuyển không kịp thì đi tiếp, chờ tới ngã rẽ sau, không có chuyện tạt đầu. Cũng vì ý thức tốt nên người ta mới làm được chuyện chia làn vào giờ cao điểm.

Đại lộ Connecticut, con đường huyết mạch nối khu trung tâm DC và bang Maryland có một quy định khá thú vị. Đại lộ này có 6 làn đường nhưng không có dải phân cách cứng. Từ 7 đến 9 rưỡi sáng, dòng xe từ khu vực ngoại ô vào khu trung tâm được sử dụng tới 4 làn. Buổi chiều thì ngược lại, từ 4 giờ đến 6 rưỡi, xe ra sẽ được hưởng quyền ưu tiên này. Suốt dọc con đường đều có biển ghi rõ và bảng điện tử báo giờ, cứ thế mà chấp hành.

Mỗi lần đi đến đây lại nghĩ đến Hà Nội. Tôi hay có việc phải đi qua đường Tôn Thất Tùng giờ tan tầm buổi chiều. Chẳng lần nào thoát tắc, đoạn trước cổng trường Khương Thượng, dù đường này không phải quá nhỏ. Đành rằng một bên là trường học, một bên là lối ra vào khu tập thể, ách tắc khó tránh, nhưng cả tiếng đồng hồ chôn chân trên đoạn đường chỉ vài chục mét thì thật ức chế phát điên. Thủ phạm chả gì khác ngoài thói bon chen, lấn làn, hơn người khác được 20 cm là hỉ hả lắm. Thường thì dòng người chủ yếu đổ vào con đường này theo hướng ra Trường Chinh nên nhiều khi xe chạy hướng ngược lại chỉ còn 1 khoảng đúng bằng chiều rộng 1 ô tô. Ngược chiều cũng được, sai làn cũng chẳng sao, cứ có chỗ là phải len. Thế là bịt nốt đầu ra của bên kia, cùng nhau tắc cho có bạn. Chả khác gì 2 con dê qua cầu.

Thế nên, cơ sở hạ tầng có tốt đến mấy, với ý thức giao thông thế này thì dù, Mỹ hay Australia gì cũng tắc tất. Nhưng ý thức tốt không phải tự nhiên mà có. Mấy bác Việt kiều bên này bảo hồi mới sang nhiều người cũng ẩu lắm, không chỉ chạy xe mà cả trong sinh hoạt hàng ngày. Rồi thì cũng thành nếp. Giáo dục quan trọng, nhưng cũng chỉ phần nào, cốt yếu là chấp pháp. Phạt nặng, xử nghiêm, bất luận thân sơ. Biết sợ pháp luật thì ý thức sẽ dần tự hình thành, giống như quán tính. Con người ta ai chả muốn tiện lợi cho mình trước, kêu gọi tự giác suông thì có mà đến Tết Congo./.

Nhật Quỳnh/VOV-Washington

10 nhận xét:

  1. Câu chuyện văn hóa giao thông là câu chuyện muôn thuở, nó phản ánh nền văn minh của một quốc gia. Để xây dựng văn hóa giao thông không chỉ một người làm được mà phải được sự hưởng ứng của cả cộng đồng, vì nếu tham gia giao thông chỉ số ít người thôi chưa đủ, phải tạo thành ý thức của cả cộng đồng.

    Trả lờiXóa
  2. Văn hóa giao thông phản ánh nền văn minh công nghiệp của một quốc gia, phản ánh ý thức xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, có lẽ Việt Nam cần nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để có được văn hóa giao thông như bài viết..

    Trả lờiXóa
  3. Để xây dựng được ý thức giao thông, ý thức kỷ luật, chấp hành pháp luật cũng như có kiến thức, hiểu biết pháp luật như vậy, có lẽ người Mỹ mất rất nhiều thời gian, còn với Việt Nam chúng ta cần sự nỗ lực cố gắng của tất cả người tham gia giao thông và có lẽ cả thời gian nữa..

    Trả lờiXóa
  4. Có lẽ cần cả một thế hệ mới hình thành được một văn hóa giao thông như vậy, với đất nước Việt Nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa, cùng với quá trình hiện đại hóa, ý thức tham gia giao thông của người dân chắc chắn sẽ được nâng lên hơn nữa, để văn hóa giao thông luôn hiện hữu hàng ngày.

    Trả lờiXóa
  5. Ý thức tốt là điều quan trọng nhất và nó không phải tự nhiên mà có. Giáo dục quan trọng, nhưng cũng chỉ phần nào, cốt yếu là chấp pháp. Phạt nặng, xử nghiêm, bất luận thân sơ. Biết sợ pháp luật thì ý thức sẽ dần tự hình thành, giống như quán tính. Và những chuyện như vậy nước nào cũng có, chẳng qua ít hay nhiều mà thôi

    Trả lờiXóa
  6. Có lẽ cần có cái nhìn tổng thể về văn hóa giao thông, từ văn hóa quy hoạch giao thông, văn hóa thi công trên đường giao thông, văn hóa của người tham gia giao thông, và cả sự nhường nhịn, thân thiện khi tham gia giao thông nữa, có như vậy nếu tắc đường cũng bớt bức xúc hay nổi nóng hơn

    Trả lờiXóa
  7. Chuẩn không cần chỉnh! Mỹ cũng có tắc đường chứ đâu. Đừng nghĩ Mỹ chỉ có những con đường thênh thang vài làn xe chạy không tăc đường bao giờ. Quan trọng vẫn là vấn đề chấp pháp. Làm gì có kêu gọi suông, phải xử phạt phạt thật nặng như thế

    Trả lờiXóa
  8. Hạ tầng cơ sở vật chất và luật pháp xử nghiêm là cơ sở để giải quyết vấn đề giao thông. Vấn đề này vẫn đang được các cấp lãnh đạo quản lý đặc biệt quan tâm giải quyết. Nền tảng của ta (đặc biệt là cơ sở vật chất kỹ thuật) cần phải hoàn thiện dần

    Trả lờiXóa
  9. chẳng hiểu một số người nghĩ sao. họ là những người có hành vi vi phạm giao thông, lại cố tình chống đối người thực thi pháp luật bằng việc bỏ trốn, phóng nhanh trên đường gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trên đường. vấn đề này cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. vậy mà lại lên các trang mạng kêu ka, đả kích lực lượng cảnh sát giao thông. việc làm này lại được mấy tay dân chủ rởm lợi dụng xuyên tạc nói xấu chính sách pháp luật của nước ta. ở nước nào cũng vậy thôi, tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm luật lệ.

    Trả lờiXóa
  10. Trước tiên Phải Phạt nặng, xử nghiêm, bất luận thân sơ. Biết sợ pháp luật thì ý thức sẽ dần tự hình thành, giống như quán tính. Chứ tham gia giao thông ở Hà Nội vào giờ cao điểm cũng gây tổn thất về thời gian, tiền bạc của tất cả mọi người.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog