Chia sẻ

Tre Làng

TÔI LÀ MỘT TRƯỜNG HỢP CỘNG ĐIỂM ƯU TIÊN CAO


Tôi là một trường hợp được cộng điểm ưu tiên cao!

Hơn hai mươi năm trước, kỳ thi đại học năm 1992, tôi chỉ được có 8,5 điểm, cho 3 môn toán + lý + hóa. Năm đó ĐHSPHN I điểm chuẩn là 12,5 điểm. Vậy là tôi được cộng tới 4 điểm!

Ngày đó quê tôi chưa có điện, và may mắn là mạng xã hội cũng chưa có, nên tôi không thấy được làn sóng giận dữ trên mạng như năm nay.

Khi nhận giấy báo, lại ghi rõ là xét tuyển bổ sung hệ B, nhà tôi đã họp bàn. Nhiều người bảo đừng, học lắm khó lấy chồng. Một ông chú nói: "Cho con gái đi học ĐH chứng tỏ là ông bà rất huếnh!"

Năm 1992, cả cái huyện miền núi của tôi, khối lớp 12 chỉ có 3,4 HS đậu ĐH. Cũng là Thanh Hóa, nhưng nhiều huyện khác đã học hết chương trình lớp 12 từ giữa năm lớp 11, và dành nguyên một năm rưỡi để luyện bộ đề. (Ngày đó thi ĐH bằng bộ đề, gồm 100, 150 đề sẽ thi, luyện nhiều, luyện kỹ thì điểm cao). Trong khi lớp tôi, lớp 12 chuyên chọn khối A cuả toàn huyện, chưa làm xong cái đề số 1. Gặp câu khó, GV Toán giở cuốn hướng dẫn giải đề ra, cô cũng chả hiểu sao họ lại giải như thế. Thế là tất cả tụi tôi dừng lại ở đề số 1 và đi thi.

Nhưng nhờ số hên, tôi vẫn được bố mẹ "huếnh" cho đi học ĐH, rồi ngay HK2 năm nhất tôi đã dành được học bổng. Hồi đó có HB loại A, loại B, loại C, và hệ phải đóng học phí, tôi đạt HB loại A. Bố mẹ chỉ phải gửi tiền nuôi tôi năm đầu tiên, năm thứ 2 là thưa dần ít dần, vì tôi đã đi làm gia sư, đi bốc hàng cho sạp hàng khô ngoài chợ, đan len, làm thêm linh tinh nhiều việc vặt khác...

Rồi tôi tốt nghiệp loại Khá, ra làm việc ở HN, rồi vào Nha Trang, rồi vào SG. Tôi chưa bao giờ phải nhờ bố mẹ chạy chọt, hay phải luồn lách xin xỏ quỵ lụy ai. Tôi thi tuyển vào làm CTV, rồi PV, rồi BTV, và giờ là Thư ký Tòa soạn tờ báo tuổi teen số 1 Việt Nam. (Số 1, chứ không phải hàng đầu ạ!)

Có người bảo cuộc thi ĐH là nơi cạnh tranh khốc liệt, "cộng điểm ưu tiên là dễ dãi trong đầu vào theo kiểu ban phát điểm, là chúng ta đang xẻo thịt đem bán rẻ nguồn nhân lực cho tương lai. Mục đích của đại học là đào tạo nhân lực chứ không phải từ thiện, tế bần"... "Cũng giống như một lò bánh mì vậy, bạn cần bột ngon thì bánh nướng mới ngon, bột thiu, phẩm cấp kém hơn thì bánh sẽ không thể nuốt được".

Một ý kiến nhận ngàn like trên VN Express rằng "để lên được từ 21 lên 24 điểm, bạn cần học 500 giờ thì từ 24 điểm lên 27 điểm, bạn sẽ cần không dưới 1000 giờ học. Bây giờ cho không một người 1000 giờ học, và đổ 1000 giờ học của người kia xuống dưới biển liệu có công bằng?"

Vậy bạn có biết giá cà chua tại vườn của các nông trại trên Đà Lạt có khi chỉ 1.000 đồng/ ký, bán 74 ký cà chua trồng cấy chăm bón suốt mất tháng liền chỉ bằng một ly nước ép trong Highland Coffee? Một ký lúa khoảng 3.000 đồng, vậy thì 30 ký lúa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời suốt 4 tháng ròng, chỉ được một phần cơm gà của McDonald? Và một yến cà phê Buôn Mê Thuột cũng chỉ bằng tiền một ly cà phê trong Starbucks?

Bình đẳng không phải là Công bằng, nhất là với những người không đứng cùng vạch xuất phát! 

Chả ai chọn được nơi mình sinh ra. Tôi không chọn để sinh ra ở vùng miền miền núi khỉ ho cò gáy, tôi không chọn lủi thủi trèo bộ trên những con dốc hiểm trở để đi học. Tôi không chọn ngôi trường suốt 12 năm không học ngoại ngữ, ngôi trường chỉ có GV Toán tắc ngay từ đề số 1 (dù đã có cuốn hướng dẫn gỉai trong tay). Nhiều bạn khác cũng thế, họ không chọn sinh ra trên cao nguyên đá hay hải đảo, ko chọn chui túi ni-lông, đu dây để qua suối đi học. Các bạn ấy cũng chả không mong bố mẹ mình là thương binh, liệt sỹ đâu ạ.

Đường đi học của bạn có thể kẹt xe, có thể bạn phải đứng trên xe bus 3 tiếng đồng hồ, nhưng dù sao bạn cũng còn được nhìn thấy xã hội phát triển mỗi ngày. Bạn thấy xe cộ, đường cao tốc, cầu vượt, thấy người nước ngoài, thấy các tiệm kinh doanh của người Hoa người Việt người Mỹ người Hàn, bạn biết rằng thế giới thật là kỳ thú, và chính nó châm ngòi cho khát khao học hỏi thêm của bạn.

Tôi ít khi tặng tiền tặng gạo, vì tôi đã nhìn thấy những gia đình càng lười biếng hơn, chỉ vật vờ đợi lĩnh tiền trợ cấp. Tôi tin rằng cách tốt nhất là chỉ giúp những người có khát khao. 

Và trợ giúp về giáo dục là cách gốc rễ nhất để chính họ thay đổi, rồi tự họ vượt qua đói nghèo. Và khi họ thành công, họ sẽ giúp lại những người trong cộng đồng, vì họ hiểu quê mình đang cần gì. Hoặc chí ít là họ nhóm lên ước mơ cho ai đó, dù chỉ là ước mơ bắt chước. Có ước mơ, sẽ có ý chí. Có ý chí, sẽ có con đường.

Không phải ngu mà Mỹ và Phương Tây cứ đi viện trợ hoài, hàng ngàn tỷ đôla cho châu Phi, Châu Á!

Khoảng cách giàu nghèo quá xa, sẽ nảy sinh những mâu thuẫn xã hội gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không trừ một ai. Như chuỗi phản ứng domino, nếu nông dân, công nhân bị bỏ lại trên đường phát triển, xã hội sẽ bất ổn.

Cuộc bạo động Bình Dương và Vũng Áng, có ảnh hưởng tới gia đình bạn không? Có! 

Khi người miền núi chặt cây phá rừng, bạn ở đồng bằng có thể bị lũ quét ko? Có! 

Một thanh niên nghèo thất nghiệp có thể điều khiển cả một tỷ phú không? Có, chỉ cần giơ 1 cái kim tiêm ra thôi!

Chỉ lo cho mình là không đủ! Dù toa đầu tầu có khả năng đi nhanh tới bao nhiêu, thì vận tốc của nguyên đoàn tàu vẫn bằng với vận tốc của toa chậm nhất. Chỉ số GDP luôn tính bình quân trên toàn bộ dân số, đất nước không thể gọi là phát triển khi vẫn còn những vùng đói nghèo, lạc hậu.

Tôi nhớ có lần gặp một giám đốc tuyển sinh của một đại học Mỹ tại Việt Nam, tôi hỏi: Nước bà dành học bổng để mời gọi HS nước tôi qua học, có phải vì từ thiện không? 

Bà ấy nói: Không phải từ thiện, đó là việc có lợi cho chính các sinh viên bản xứ. Khi có SV từ nước bạn sang, SV chúng tôi được hưởng sự đa dạng về văn hóa, đa dạng về quan điểm và góc nhìn. Đó là cơ hội và cũng là động lực để SV chúng tôi học tốt hơn.

Do đó, việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vùng sâu vùng xa miền núi hải đảo có lợi cho chính bạn, những thí sinh thành phố ạ! Bạn có nghe về hiệu ứng cánh bướm rồi đấy, tưởng nhỏ bé, tưởng xa xôi, tưởng thiếu công bằng, nhưng không vô lý đâu ạ!

Việc học quan trọng như khí oxy, và thế nên, cơ hội học tập cũng nhiều như không khí. Chẳng có ai lại nói: "Không, mày không được hít mất không khí của tao!". Kỳ lắm à nha!

Giả sử ngày đó tôi không được cộng điểm ưu tiên để xét tuyển bổ sung, thì bây giờ có lẽ tôi đã yên vị cưới với một anh trai bản nào đó, với 1 bầy con lít nhít chuyên đi đốt phá rừng trồng bắp... không có chém gió trên FB thế này đâu nhỉ?

22 nhận xét:

  1. văn lâm11:29 1/9/15

    Thi thố là phương thức chọn nhân tài chứ đâu phải là chỗ chia chác cơm áo gạo tiền mà ưu tiên.

    Ưu ái không phải chỗ chỉ gây hại cho xã hội.

    Trả lờiXóa
  2. Mấy ngày gần đây đúng là vấn đề điểm cộng nó nổi như cồn, còn đọc đâu đó thấy có bạn trẻ được 26,5 mà trượt thế là viết cái bảng kêu cứu, chả hiểu tại sao lại kêu, ai bảo nộp trường điểm cao. Năm nay thi cử kiểu mới, mà điểm các học sinh vẫn cứ gọi là tăng vòn vọt, có thấy trường nào hạ điểm chuẩn đâu, vậy mà sao người ta vẫn cứ kêu, chẳng phải là do họ quá kén chọn, chọn toàn những trường điểm 29,30 rồi trượt lại kêu.

    Trả lờiXóa
  3. Không đồng quan điểm với bạn. Đành rằng đất nước cũng như một đoàn tàu, đầu tàu dù có khỏe, có nhanh đến mấy mà các toa tàu nặng nề, ì ạch thì cũng không thể tiến được. Nhưng vấn đề của giáo dục Việt Nam chính là cứ phải gồng mình kéo theo những toa tàu như vậy. Đại học là một cánh cửa chọn lọc, cần phải công bằng với tất cả mọi người. Những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học đại học, đất nước đã tạo những điều kiện ưu ái khác để họ có thể chọn những môi trường khác phù hợp hơn với mình. Tại sao lại cứ phải cố cộng điểm này nọ để nhồi nhét vào đại học làm gì chứ?

    Trả lờiXóa
  4. Nếu bộ giáo dục cứ tiếp tục cho cộng điểm ưu tiên, vẫn cứ tạo ra một sân chơi mất công bằng như vậy thì nguồn nhân lực bậc đại học của chúng ta sẽ khó có thể làm đất nước phát triển được. Thử hỏi như chính người viết bài, bộ GD cộng điểm ưu tiên và có những chính sách khuyến khích học như vậy cho người viết, nhưng cuối cùng khi tốt nghiệp ra trường, chị đã về đâu? Hà Nội, Nha Trang rồi SG? Nên nhớ rằng chị được cộng điểm vì chị ở vùng cao, vậy tại sao sau khi học được những kiến thức ở trường ĐH, chị lại không trở về mảnh đất quê hương để dạy những đứa trẻ khó khăn đó? Thật nực cười.

    Trả lờiXóa
  5. văn lâm09:18 2/9/15

    Vùng sâu vùng xa như Tây bắc,Tây nguyên nên có trường dạy nghề,dạy nghiệp vụ ,công nghệ ,kỹ thuật riêng cho học sinh những vùng này với yêu cầu về điểm vào trường phù hợp để đào cán bộ tại chỗ .

    Những trường cao đẳng đại học khác chỉ chọn những học sinh đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa ,không yêu tiên bất kỳ trường hợp nào trừ khi họ có điểm thi ngang nhau.

    Như thế chất lượng đào tạo đại học mới có cơ hội ngang bằng khu vực và thế giới .

    Trả lờiXóa
  6. mấy thánh trước khi phán cái gì, đứng ở đâu mà phán thì hãy hiểu chính sách phát triển về mọi mặt trong đó có lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam như thế nào đã. tại sao các nước nó không làm như mình, tại sao nước mình lại làm thế để bây giờ giáo dục vẫn phải liên tục cải cách. Xin thưa các thánh chỉ nghĩ cho các thánh ở thành phố, được điểm cao là phải đi học. Cái đinh công mạnh, ích kỷ vừa con mẹ nó thôi. Đừng có tưởng ở thành thị bình yên học hành mà khinh thường rồi phân biệt nhé. Để cho miền biên giới, miền núi bất ổn thì cái định mệnh éo biết mấy thím phản đối việc cộng điểm ăn bom ăn đạn lúc nào đâu nhé.
    Mịa, học được tí chữ bắt đầu xem thường người khác, cái thứ gì mà ích kỷ, không có tính đồng bào gì cả.
    Tờ ô tôi chửi thẳng vào mặt những ai phản đổi cộng điểm đấy.
    Đât nước thì đang nghèo, muốn bằng thế giới thì trong nước phải có đủ tiềm lực đã, vừa hội nhập, vừa phát triển đồng đều thì mới ngang bằng được chứ. Mở mồm ra là phải thế nọ phải thế chai.
    comment mang tính chất muốn nhận gạch đá để ném nhau cho sướng, ai thích nhảy hết vào đây.

    Trả lờiXóa
  7. thẳng thắn mà nói thì việc cộng điểm cũng khiến nhiều người bực mình thật, mà chủ yếu là những người rớt đại học bực mình, đơn giản vì nếu được cộng chắc họ cũng đậu. Nhưng mà cũng chỉ đến năm nay chuyện này nó mới nóng thế này, đơn giản vì đề thi dễ quá, không phân loại được học sinh, điểm cao qua mà, dẫn đến nguy cơ trượt cũng cao, vậy nên ai có điểm cộng là an tâm. hì, nhưng ai mà lên án việc điểm cộng mà đưa ra mấy cái lý lẽ như ở trên thì không thuyết phục lắm, về nhà tìm thêm lý do phản biện, rồi lúc đấy hãy phán đối không thì đừng phản đối kiểu vu vơ như tôi thấy không công bằng, đây là cuộc thi, không phải ban phước cho ai cả,...toàn lý lẽ rỗng tếch à. Nói chung là phải tạo điều kiện và khuyến khích cho đồng bào dân tộc đi học, hiểu chưa mấy người Kinh!

    Trả lờiXóa
  8. Năm nay đề thi dễ, không phân loại được học sinh, nên mới có những tình trạng 27, 28 điểm vẫn trượt đại học, xong vì đó mà đâm ra tức tối, lây sang các bạn được cộng điểm ưu tiên, nhưng ít nhất thì các bạn đó không cùng vạch xuất phát với các bạn không được cộng, ở một nơi khỉ ho cò gáy, tất cả các vật chất hạ tầng dạy và học đều kém thì chắc chắn không bằng thành phố được rồi, rồi có ai muốn bố mẹ mình liệt sĩ hay là thương binh tàn tật để chỉ được cộng 1 2 điểm thi đại học làm gì chứ.

    Trả lờiXóa
  9. Đừng vơ đũa cả nắm thế chứ bạn Hà Lê, dân tộc kinh thì cũng có những người này người giàu người nghèo, có người được cộng điểm ưu tiên cũng chẳng kém gì người dân tộc đâu bạn ạ, mà nhiều bạn dân tộc nhưng ở thành phố, thị trấn thì cũng chả kém gì người kinh đâu, có khi họ còn phát triển với ăn chơi hơn ý. Những năm trước cũng được cộng mà có thấy ai nói gì, mà năm nay mọi người lên án thế.

    Trả lờiXóa
  10. Nói mà không biết nghĩ tới mình, thử hỏi các bạn được học được hành, có mấy người muốn về lại quê hương mình, nếu quê mình có cơ hội phát triển thì không nói chứ về quê mà lại chỗ khỉ ho cò gáy, giỏi cũng không có đất dựng võ, lại làm giáo viên mà phải được đi đào tạo liên tục, hay tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới thì mới nâng cao được trình độ, chứ về đó mãi thì kiến thức nó cũng thành chậm tiến cổ hủ đi. Ai mà chả muốn sống đỡ khổ. Người ta vươn ra chỗ sướng không được mình đi đâm đầu vào chỗ khổ thì học làm gì.

    Trả lờiXóa
  11. @anh tran: điều kiện nào nhà nước tạo ra để tạo công ăn việc làm cho các bạn dân tộc thiểu số vùng cao không thi đỗ đại học thế bạn, chả có cái nào cả, chính cái cộng điểm đã tạo ra sự công bằng và tạo cơ hội cho các bạn được đến trường học lấy cái chữ, kiến thức để đổi đời đấy bạn ạ. Đừng có ném đá, mình là người kinh nhé, khu vực 3 nông thôn cộng 1 điểm nhé.

    Trả lờiXóa
  12. Toàn những suy nghĩ thiển cận của mấy người có điều kiện mà còn ganh tỵ với những người thiệt thòi hơn, mà đấy là chính sách của nhà nước khuyến khích con em dân tộc thiểu số đi học đại học, họ không đi không biết chữ, không biết văn minh, về nói chuyện trong bản làng thì lại bị mấy tên phản động nó xúi giục làm bậy ngay. Mà có ai được lựa chọn nơi sinh ra, bố mẹ mình thế nào, ai chả có ý chí phấn đấu học để thoát khổ, chứ mấy bạn thành phố thì sướng rồi, có khi trước đây bố mẹ các bạn cũng phải cày cục học cũng được cộng điểm ưu tiên rồi đi học rồi ở lại thành phố để các bạn giờ được ở thành phố học đấy các bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  13. Việc cộng điểm cho các thí sinh ở khu vực miền núi là đúng đắn, tôi rất đồng tình với ý kiến của tác giả. Chính sách của Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm khuyến khích các đối tượng miền núi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vật chất và tinh thần nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong học tập. Vẫn biết công bằng không có nghĩa là ngang nhau, ở mỗi vùng miền, địa phương có nền kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau thì có những chính sách hỗ trợ là khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta mỗi người nên có cái nhìn khách quan, không nên tị nạnh, đến một mức nào đó nó sẽ trở thành lòng ích kỷ.

    Trả lờiXóa
  14. Bản thân tôi thấy việc cộng điểm là chính sách động viên, khích lệ và cũng là một hành động giảm bớt sự thiệt thòi cho những người ở vùng sâu vùng xa. Ở đây chẳng có gì là mất công bằng cả. Ở vùng xuôi nơi tập trung nhiều người, trình độ văn hoá cao thì người dân ở đó được tiếp cận nhiều hơn với môi trường giáo dục tốt. Thử hỏi các bạn lên núi có muốn học cũng không có người dạy ý chứ. Việc cộng điểm là việc hết sức nhân văn, công bằng. Tuy nhiên phân chia vùng miền thật chính xác để cộng mới là việc quan trọng.

    Trả lờiXóa
  15. Nặc danh22:12 4/9/15

    Mấy ông phản bác việc cộng điểm đúng là loại cả đời sống sung sướng không biết khổ là gì. Cứ thử lên núi sinh con đẻ cái xem con các vị có xuống dưới xuôi thi nổi không? Sợ vẫn cưỡi trâu và không biết đọc ý chứ. Việc cộng điểm mới là việc làm tránh mất công bằng điều kiện giáo dục giữa các vùng miền.

    Trả lờiXóa
  16. Tôi rất tâm đắc với bài viết của tác giả, đúng là tất cả chúng ta không ai chọn cho mình chỗ sinh ra, ai cũng muốn mình sinh ra trong gia đình giàu có, sống ở các thành phố lớn, chả ai muốn mình sinh ra vùng sâu vùng xa, vượt núi băng rừng. Chúng ta ở thành phố chúng ta lớn lên trong sự sung sướng và đủ đầy, chúng ta lên vùng núi cũng chỉ để hưởng thụ cái lạ cái độc của núi rừng mà thôi, thử hỏi rằng bạn đang sống ở thành phố cho bạn đi lên núi sống cuộc sống như trẻ em vùng cao bạn có chịu được không. Tại sao chúng ta lại có suy nghĩ nó ích kỷ đến như vậy, cộng điểm là chính sách hoàn toàn hợp lý, khích lệ tinh thần học tập của các em vùng cao, vùng sâu vùng xa. Người ta từng nói rằng chúng ta không nên cho họ con cá mà hãy cho họ cần câu, cho họ cơ hội để họ tiếp xúc với tri thức, để họ góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng quê hương, đất nước.

    Trả lờiXóa
  17. Cộng điểm là chính sách hoàn toàn hợp lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, người ta gọi đó là điểm khuyến khích thì cũng chỉ dừng lại ở việc tạo động lực cho các em mà thôi, chứ không nên cộng quá nhiều như thế gây ra bất công cho người học. Tôi nghĩ rằng Bộ nên quy định mức điểm cộng hợp lý cho các thí sinh để chúng ta lựa chọn ra những nhân tài thực sự cho xã hội.

    Trả lờiXóa
  18. Cộng điểm là một sự khích lệ tinh thân cũng như giảm bớt đi khoảng cách vùng miền. Như vậy mới là công bằng cho những người không có điều kiện. Không hiểu mấy bác phản biện nghĩ gì nữa. Có lẽ ngày xưa các bác được học hành ở thành phố mà thi Đại học vẫn trượt đúng khống? :))

    Trả lờiXóa
  19. Bạn ở thành phố thi được điểm cao hơn 3 hay 4 điểm có chắc là bạn tài năng hơn người ở những miền khó khăn hơn không. Tôi hoàn toàn ủng hộ với tác giả. Tôi ủng hộ việc ưu tiên điểm cho đúng đối tượng cũng giống như việc giúp người biết khát khao.

    Trả lờiXóa
  20. Đối với từng cá nhân ko được cộng điểm ưu tiên bị trượt thì là bất công (chỉ là trong suy nghĩ cá nhân) nhưng bình đằng cho những người ko cùng vạch xuất phát.

    Trả lờiXóa
  21. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  22. Mình thấy chính sách cộng điểm cho các thí sinh khu vực nông thôn miền núi là đúng đắn vì những khu vực này các bạn học sinh không có điều kiện học tập tốt như các bạn ở thành phố chứ không hải vì các bạn ý dốt, tuy nhiên bộ giáo dục cũng cần xem xét xem cộng như thế nào, cộng bao nhiêu là hợp lý.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog