Chia sẻ

Tre Làng

SƯ NHẮM TIẾT CANH VÀ NIỀM TIN ĐÁM ĐÔNG

"Sư nhắm tiết canh" và niềm tin đám đông

Phạm Trung Tuyến

(Dân Việt) Những ông sư ở Hưng Yên, trước hết là công dân bình thường, chuyện ăn uống, sinh hoạt của họ không trái pháp luật.

Chỉ với một tài khoản facebook, bất cứ ai cũng có thể nói ra suy nghĩ của mình cho toàn thế giới. Internet đang khiến cho mong ước “làm cho dân được mở miệng” trở nên dễ dàng khi nó trao cho mọi người một sự bình đẳng về quyền không im lặng. Song, không phải ai cũng nghĩ như thế.

Mới đây, do than phiền trên facebook về việc bị gây khó dễ trong công tác khoa học, một giảng viên của trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã bị kỷ luật, điều chuyển sang làm công việc hành chính.

Trước đó, một cô giáo khác ở An Giang cũng bị xử phạt tiền vì đăng nhận xét cá nhân về tướng mạo của người khác.

Sư Thái Lan "lướt" smartphone, uống starbucks (Ảnh minh họa: Soha.vn)

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội khi một sinh viên bị kỷ luật vì bình luận trên facebook.

Tất cả những câu chuyện trên đều có một điểm chung là đối tượng được cho là bị nói xấu dùng quyền lực để trừng phạt người nói xấu mình mà không chứng minh được lỗi của đương sự một cách thuyết phục. Dĩ nhiên, tất cả những quyết định xử lý kỷ luật trên đều không đủ điều kiện để thi hành, và những người ra quyết định trừng phạt tội mở miệng của người khác đều trở thành nạn nhân của chính mình.

Nhưng, những câu chuyện như vậy vẫn xảy ra, điều đó cho thấy việc làm quen với quyền được mở miệng của người khác là chuyện chẳng dễ dàng.

Cũng liên quan tới quyền không im lặng, trên báo Lao Động có loạt bài về những ông sư “uống rượu tây, nhắm tiết canh” ở Hưng Yên. Những ông sư đã rất thẳng thắn bày tỏ quan niệm của bản thân về lối sống. Ngay lập tức, rất nhiều lời bình luận thóa mạ của độc giả xuất hiện bên dưới bài báo đó. Những lời bình luận hoàn toàn có thể cấu thành tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.

Những ông sư ở Hưng Yên, trước hết là công dân bình thường, chuyện ăn uống, sinh hoạt của họ không trái pháp luật. Trên cương vị là người tu hành, họ cũng không vi phạm pháp luật. Luật pháp không điều chỉnh việc ăn uống sinh hoạt của các nhà sư.

Trong một xã hội mà khái niệm thượng tôn pháp luật vẫn còn xa lạ với số đông, khi người ta nuôi dưỡng một niềm tin lâu ngày, cho dù niềm tin đó đúng hay sai, thì bất cứ điều gì khác với niềm tin đó cũng sẽ bị coi là một sự phản bội.

Những ông sư được định hình trong tiềm thức dân gian được mặc nhiên coi là những đấng, bậc phi phàm. Vậy nên, khi những ông sư sinh hoạt như người thường có nghĩa là họ đã chứng minh niềm tin của đám đông là sai lầm. Đó là một tội tày trời! Khác gì Galileo dám nói rằng trái đất quay khi tòa án dị giáo thời trung cổ chưa muốn tin vào điều đó?

Nhân danh niềm tin của mình để làm nhục, hoặc kỷ luật người khác quan điểm là một sự vô lối. Tôn trọng phát ngôn, quan điểm của người khác là tâm thế của con người có trình độ nhận thức đủ để không tự ti trước những tư tưởng mới, khác biệt với nhận thức, thói quen của bản thân. Nhưng khi những câu chuyện lẽ ra chỉ tầm phào trên mạng xã hội được cụ thể hóa bằng văn bản hành chính, và trở nên nghiêm trọng thì cái tâm thế đó vẫn còn ở rất xa.

8 nhận xét:

  1. Đúng là xã hội Việt Nam vẫn bị chi phối bởi những phong tục cổ hủ, những cái được cho là niềm tin đang là cái mối ràng buộc cuộc sống giữa con người với con người nhiều quá mức, trong khi thể chế pháp luật lại không mấy có hiệu lực đúng với câu "phép vua thua lệ làng"

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là các nhà sư ăn tiết canh hay uống rượu thì không có gì trái với pháp luật cả. Nhưng trong tiềm thức người Việt Nam thì những vị sư là những người phi phàm, không ham mê dục vọng,ăn chay,từ bi hỉ sả, không sát sinh...Nó đã quá ăn sâu vào tiềm thức người Việt chúng ta. Giờ nhìn thấy một ông sư ngồi ăn tiết canh làm gì mà không sốc!

    Trả lờiXóa
  3. chẳng riêng gì Việt Nam, bất cứ nơi nào thì con người cũng có tín ngưỡng, tôn giáo, ít nhất ai cũng cần phải có niềm tin về một thứ nào đó, cho dù nó mơ hồ, nhưng đôi khi là cứu rỗi chính họ. Từ bao đời nay, người ta ra rả việc sư à phải ăn chay, không sát sinh, không ăn động vật, vậy nên khi thấy sư ăn tiết canh hay sư làm chuyện tầm bậy thì ai cũng phản ứng thôi, bởi vì đó là phản ứng bình thường của sự thất vọng. Khoan hãy trách những người đó, cái bây giờ là phải thay đổi cách suy nghĩ của người dân về SƯ hay là NI CÔ.
    Mà nhắc lại, rượu Tây hay rượu ta thì là từ thực vật nhé, uống cái đó chả có ảnh hưởng mẹ gì.

    Trả lờiXóa
  4. Quan niệm của đa số Phật tử Việt Nam là người tu hành không được ăn thịt, nếu ăn thịt thì không phải kẻ tu hành. Người ăn chay thì hãnh diện cho mình tu thật. Còn người ăn mặn nhưng ngày ăn một bữa thì cho mình tu đúng lời Phật dạy. Dù ở bất kỳ đất nước nào theo đạo, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau họ đều có niềm tin về một cái gì đó và Việt Nam cũng vậy.

    Trả lờiXóa
  5. Thực ra thì mình nghĩ nhà sư cũng là con người, mà chúng ta lại không có quy định gì về việc ăn uống của các nhà sư thì sao phải để ý xem họ ăn gì, uống gì, miễn là trông công việc họ chỉn chu, làm đúng là làm được các việc được giao. Chỉ có điều, đây có lẽ là do tiềm thức, trong suy nghĩ của dân ta. Kiểu như mặc định đã là sư thì không được sát sinh. Có lẽ chúng ta cũng nên nới lỏng cái quan niệm của mình một chút.

    Trả lờiXóa
  6. Mọi người cứ nghĩ đã là sư thì phải thanh tịnh, cao siêu hay phải giản dị, ăn uống khổ hạnh như biểu hiện của đức Phật vậy. Nhưng sự thật đó chỉ là những quan niệm từ ngàn xưa rồi, bây giờ nếu thấy sư dùng smartphone, sư ăn thịt mà đã lên tiếng sỉ nhục chửi bới người ta là sai rõ ràng, đó chỉ là sự quy chụp mù quáng. Nhà sư họ cũng là người, sống và làm việc theo pháp luật, họ không làm điều mà pháp luật cấm, họ không sống sai với quy định nhà Phật, thì ta chả có cớ gì mà chê trách họ.

    Trả lờiXóa
  7. Sư uông rượu và ăn tiết canh không vi phạm pháp luật.Nhưng họ vị phạm về đạo giới mà chính họ đã thề sẽ thực hiện và bảo vệ.Vậy là đúng hay sai???

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh11:55 17/12/15

    Phật giáo Nam Tông thì không quy định sư ăn chay, có gì ăn nấy, nhưng không tự tay sát sinh. Về Trà Vinh, Sóc Trăng gặp sư vào quán gọi món gà bò heo là chuyện thường ngày. Chuyện ông sư ở Hưng Yên ăn mặn, trước hết phải xét nguồn gốc nhà sư này : Nhà sư xuất gia thực sự hay chỉ là ông từ giữ chùa ? Miền Bắc thiếu sư xuất gia lắm, nhiều chùa không có sư trụ trì, làng thôn mới cử ông từ vào ở giữ chùa. Ông từ thì sống như một Phật tử tại gia, vợ con và uống rượu ăn mặn là chuyện khỏi bàn. Nếu ông này xuất thân là sư thực sự thì ông ta đã vi phạm giới luật(Bắc Tông)mà ông ta đã tự nguyện tiếp thụ. Ông sư có lỗi với bản thân, với sư phụ và với giáo hội. Ông sư đâu có lỗi gì với giới phàm phu như chúng ta, chúng ta có chê ông sư thì đừng đến chùa đó lễ bái, thế thôi. Chúng ta với tư cách gì? đạo hạnh đến đâu ? mà lại lên mặt thoá mạ ông sư ?

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog