Chia sẻ

Tre Làng

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: TRUNG QUỐC HẰN HỌC VÌ VIỆT NAM THẮNG MỸ !

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Trung Quốc hằn học vì Việt Nam thắng Mỹ!

Hải Châu (lược ghi) 

Cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” do NXB Sự thật xuất bản tháng 10/1979 (Ảnh: HC)

37 năm trước, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh, tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc song họ lừa gạt dư luận rằng đây là cuộc “phản kích để tự vệ". Vậy đâu là sự thật?

LTS: Tháng 10 năm 1979, Nhà xuất bản Sự Thật (nay là NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật) đã cho xuất bản cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, trong đó công bố rất nhiều những thông tin quan trọng và đáng chú ý về mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc kể từ khi nhà nước Trung Hoa chính thức ra đời (1949).

Đáng chú ý, cuốn sách còn công bố khá nhiều tư liệu lịch sử quan trọng liên quan đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam (tháng 2/1979).

Điều đáng tiếc là đến nay vẫn còn khá nhiều người chưa biết đến cuốn sách cũng như các thông tin quan trọng về cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên cương phía Bắc, của quân và dân Việt Nam.

Báo điện tử Infonet xin trích đăng một số nội dung của cuốn sách để độc giả hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước CNXHCN Việt Nam được công bố ngày 4/10/1979, không chỉ nêu rõ về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đầu năm 1974 để từng bước kiểm soát Biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông Nam Á, khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông, mà còn “vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài” (chú dẫn của NXB Sự thật, tháng 10/1979).

Việt Nam trong chiến lược toàn cầu và chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc

Theo sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" (1979), trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếucần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính đế dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ.

Đông Nam Á là hướng bành trướng cổ truyền trong lịch sử Trung Quốc, là khu vực mà từ lâu những người lãnh đạo nước CHND Trung Hoa ước mơ thôn tính.

Ý đồ bành trướng của Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963: "Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á"!

Cũng trong dịp này, Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở.

Đối với nước Lào đất rộng, người thưa, Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở.

Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8/1965: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore...

Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy...

Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô - Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây".

So với các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á là khu vực mà Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, có nhiều phương tiện và khả năng nhất (hơn 20 triệu Hoa kiều, các chính đảng lệ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, có đường đất liền với Trung Quốc…) để thực hiện chính sách bành trướng và bá quyền nước lớn của mình.

Cho nên hàng chục năm qua, những người lãnh đạo CHND Trung Hoa đã dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện chính sách bành trướng ở khu vực này, tạo điều kiện cho chiến lược toàn cầu của họ.

"Họ xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược, phát triển lực lượng kinh tế, đe dọa bằng quân sự và hứa hẹn viện trợ về kinh tế để mua chuộc, lôi kéo hoặc gây sức ép với các nước ở khu vực này, hòng làm cho các nước đó phải đi vào quỹ đạo của họ.

Họ xâm phạm lãnh thổ và gây ra xung đột biên giới, dùng lực lượng tay sai hoặc trực tiếp đem quân xâm lược, hòng làm suy yếu để dễ bề khuất phục, thôn tính nước này, nước khác trong khu vực.

Họ không từ bất kỳ một hành động tàn bạo nào, như họ đã dựng lên tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia. Họ dùng nhiều công cụ ở các nước Đông Nam Á: lực lượng Hoa kiều làm “đạo quân thứ năm”, các tổ chức gọi là “cộng sản” theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, các dân tộc thiểu số ở các nước thuộc hu vực này có ít nhiều nguồn gốc dân tộc ở Trung Quốc, để phục vụ cho chính sách bành trướng và bá quyền của họ." (Sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua - 1979).

Cũng theo sách này, Việt Nam có một vị trí chiến lược ở Đông Nam Á. Trong lịch sử, phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược hòng thôn tính Việt Nam, dùng Việt Nam làm bàn đạp để xâm lược các nước khác ở Đông Nam Á.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, những người lãnh đạo Trung Quốc âm mưu nắm Việt Nam để nắm toàn bộ bán đảo Đông Dương, mở đường đi xuống Đông Nam Á.

Trong cuộc gặp gỡ giữa đại biểu 4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Lào tại Quảng Đông tháng 9/1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: "Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam Á"!

Sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" (1979) nêu rõ: "Để làm suy yếu và nắm lấy Việt Nam, họ ra sức phá sự đoàn kết giữa ba nước Đông Dương, chia rẽ ba nước với nhau, đặc biệt là chia rẽ Lào và Campuchia với Việt Nam.

Đồng thời họ cố lôi kéo các nước khác ở Đông Nam Á đối lập với Việt Nam, vu khống, bôi xấu, hòng cô lập Việt Nam với các nước trên thế giới…

Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc đã không thành công trong các kế hoạch đen tối này… vì họ vấp phải đường lối độc lập, tự chủ trước sau như một của Việt Nam”.

Giấu mặt sau lưng bè lũ Pol Pot - Ieng Sary hòng làm suy yếu Việt Nam

Theo cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, xuất phát từ lợi ích dân tộc của mình, những người cầm quyền Trung Quốc có giúp Việt Nam khi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ và trở nên mạnh, mà chỉ muốn Việt Nam yếu, lệ thuộc Trung Quốc.

“Họ muốn Việt Nam bị chia cắt lâu dài, nhưng nhân dân Việt Nam đã đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất nước nhà.

Họ lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ, nhưng sự cấu kết của họ với Mỹ không ngăn được nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và dựng lên nước CHXHCN Việt Nam…

Thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam không chỉ là thất bại lớn của đế quốc Mỹ xâm lược, mà cũng là thất bại lớn của bọn bành trướng Bắc Kinh.

Họ hằn học nhìn thắng lợi của nhân dân Việt Nam, cho nên, từ khi nhân dân Việt Nam giành được toàn thắng, họ ngày càng công khai và điên cuồng thực hành một chính sách thù nghịch toàn diện và có hệ thống chống nước CHXHCN Việt Nam” – cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết.

Ngay từ giữa những năm 1960, những người lãnh đạo Trung Quốc đã mưu tính nắm trọn vấn đề Campuchia, trước mắt nhằm phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân các nước ở Đông Dương, làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, có thế đàm phán với Mỹ; và lâu dài là nhằm bắt Campuchia lệ thuộc và trở thành một bàn đạp của Trung Quốc để bành trướng xuống Đông Dương và Đông Nam Á.

Sau ngày 17/4/1975, Campuchia hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của bè lũ Lon Non, tay sai của Mỹ; Trung Quốc dùng bọn tay sai Pol Pot - Ieng Sary chiếm quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Campuachia, gạt Quốc trưởng Sihanouk và những người thân cận của ông ta để xây dựng nên một chế độ phát xít diệt chủng có một không hai trong lịch sử loài người và thông qua chế độ đó hoàn toàn kiểm soát Campuchia, biến Campuchia thành một nước chư hầu kiểu mới và căn cứ quân sự của họ để tiến đánh Việt Nam từ phía Tây Nam.

Dưới sự đạo diễn của Bắc Kinh, tập đoàn cầm quyền phản động Phnom Penh lúc đó đã tiến hành liên tục chiến dịch tuyên truyền rộng khắp vu khống Việt Nam “xâm lược Campuachia”, “âm mưu ép Campuchia vào liên bang Đông Dương do Việt Nam khống chế”, ráo riết hô hào chiến tranh chống Việt Nam.

Chúng đã phá hoại cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới để có cớ duy trì một tình hình ngày càng căng thẳng ở vùng biên giới Việt Nam – Campuchia.

“Ngay từ tháng 4/1975, chúng đã đưa quân lấn chiếm, bắn phá nhiều điểm trên lãnh thổ Việt Nam và từ đó ngày càng gây thêm nhiều vụ xung đột ở biên giới, đột kích nhiều đồn biên phòng, lành xóm Việt Nam, làm cho tình hình ở vùng biên giới không ổn định, ngăn cản nhân dân Việt Nam khôi phục và xây dựng kinh tế.

Từ những cuộc khiêu khích vũ trang, chúng tiến đến gây ra một cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam từ tháng 4/1977 suốt dọc hơn 1.000km với những cuộc tiến công quy mô, huy động hàng vạn bộ binh có xe tăng, trọng pháo yểm trợ, có khi vào sâu lãnh thổ Việt Nam hơn 30km, giết hại dã man dân thường, tàn phá nhà cửa, hoa màu, gây nên biết bao tội ác không thể dung thứ được” – cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” thuật lại.

Xem tiếp: Sự thật về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 (2): Dùng vấn đề người Hoa chống Việt Nam từ bên trong.

Theo Infonet

17 nhận xét:

  1. Đúng là một cuốc sách quý giá mà nhà xuất bản Sự Thật cho ra đời vào năm 1979, trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức thực hiện những dã tâm của mình với ước vọng làm bá chủ thế giới. Những chúng đâu biết rằng, để đạt được mục đích là điều không hề dễ dàng bởi luôn có những dân tộc anh hùng, mưu trí đã nắm được từ lâu những âm mưu của bọn chúng và thật sự là Trung Quốc chưa bao giờ là một đội quân được kính trọng bởi sự bẩn thỉu trong lời nói và hành động của họ

    Trả lờiXóa
  2. Từ xưa đến nay rồi, có lẽ chưa bao giờ trong giới cầm quyền Trung Quốc không muốn thôn tính Việt Nam, nếu trước kia các nhà cầm quyền muốn xâm lược, chiếm đóng và thực hiện các chính sách để đồng hóa người Việt ta, tuy nhiên đều thất bại thì giờ đây họ chuyển sang âm mưu muốn gây ảnh hưởng, buộc chúng ta phải lệ thuộc, phải đi vào quỹ đạo của Trung Quốc để tăng khả năng chiến thắng Mỹ - Nga của chúng.
    Trung Quốc nham hiểm là vậy, ai ai cũng rõ, nên cần phải có cách đối phó khôn khéo, chứ dựa vào bất kỳ một lực lượng nào để chống lại Trung Quốc thì đều chỉ là mơ mộng hão huyền thôi..

    Trả lờiXóa
  3. quan hệ Việt Trung chưa bao giờ là yên ổn cả, từ quá khứ cho đến hiện tại chúng ta luôn phải đấu tranh trước những âm mưu bành trướng của Trung Quốc, đã bao lần chúng muốn xâm chiếm chúng ta, đã bao lần chúng bôi xấu chúng ta làm chúng ta bị suy yếu, bị cô lập, chúng dùng mọi biện pháp kể cả là vũ lực, cậy là nước lớn mà đi ức hiếp nước nhỏ, ngày nay tình hình biển Đông đang rất nóng và Trung Quốc đang từng bước chiếm hoàn toàn biển Đông, những hành động của chúng là không thể chấp nhận được, chúng ta cần kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cả nước trên dưới một lòng bảo vệ lãnh thổ biển đảo quê hương.

    Trả lờiXóa
  4. Từ ngàn xưa đất nước ta đã bị giặc phương Bắc đô hộ suốt ngàn năm lịch sử, nỗi đau đó vẫn quằn quại trong lòng mỗi người con đất Việt cho đến ngày hôm nay. Nhớ lại ngày này 37 năm về trước Trung Quốc đã cho quân đổ bộ xâm lược Việt Nam suốt dọc biên giới phía Bắc trải dài từ Lai Châu đến tận Lạng Sơn. Trước đó là sự thao túng, đứng sau quân diệt chủng Pol Pot tiến hành chiến tranh phá hoại Biên giới phía Tây Nam của VIệt Nam. 2 cuộc chiến tranh liên tiếp, hàng trăm nghìn đồng bào, chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ giang sơn, bảo vệ chủ quyền dân tộc, quyết không cho kẻ thù thực hiện tham vọng bành trướng, bá quyền của mình. Cuối cùng trước sức mạnh từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh từ chính nghĩa quân và dân ta đã đánh bại kẻ thù xâm lược đông hơn chúng ta nhiều lần và dạy cho chúng một bài học, giáng đòn đau vào tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Lịch sử Việt Nam muôn đời ghi nhớ cuộc chiến đấu chống giặc Trung QUốc xâm lược là cuộc chiến Vệ QUốc vĩ đại, đồng thời chiến thắng đó cũng viết thêm một chương đen tối nữa vào trong lịch sử Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  5. Từ xưa chúng ta đã nhận thức được "Cái giặc phương Bắc là cái họa ngàn đời", Trung Quốc có ngày hôm nay thì từ xưa chủ yếu là dựa vào đi ăn cướp được mà có, từ đó làm cái đà phát triển ban đầu. Mỗi khi Việt Nam khó khăn chúng giúp đỡ không để Việt Nam sập sệ quá, còn khi nào Việt Nam tăng trưởng mạnh thì chúng lại tìm cách gây khó khăn, kìm hãm lại Việt Nam. Âm mưa của Trung Quốc cực kì bền bỉ đối với Việt Nam; muốn Việt Nam là cái bàn đạp của chúng, là vệ tinh bảo vệ lãnh thổ cho chúng từ phía Nam.

    Trả lờiXóa
  6. TQ từ lâu đã toan tính về cuộc chiến tranh ở VN. Ý đồ của TQ là muốn một VN chia cắt, không quá mạnh, phụ thộc vào TQ. Vì thế TQ không hề muốn VN thắng Mỹ và khi VN đã thắng Mỹ thì TQ hằn học là đương nhiên rồi. TQ muốn dạy cho VN bài học nhưng thực ra VN cũng đã dạy cho TQ một bài học đau đớn về lực lượng quân đội ô hợp, yếu kém của mình

    Trả lờiXóa
  7. từ này mình còn bé đã được nghe câu "thâm như tàu" vậy nên những gì trung quốc làm với chúng ta mình thấy thật đáng ngờ, người trung quốc ngoài lợi ích của họ thì họ sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ để đạt được nó. quả thực sống bên cạnh 1 nước như trung quốc thực là khó khăn và không mấy nước làm được như những gì nước việt nam ta làm được. những quyết sách của đảng vạch ra cho dân tộc để sống khỏe, sống tốt bên cạnh hàng xóm trung quốc quả thực rất hiệu quả và đạt được mục đích đề ra

    Trả lờiXóa
  8. Hồi xưa còn trẻ ba tôi cũng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới trong cuộc chiến này. Ba bảo gian khổ lắm, vấy vả lắm nhưng cũng vì độc lập

    Trả lờiXóa
  9. Năm 1992, Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Cuộc chiến biên giới phía bắc, vì nhiều lý do, trong suốt một thời gian dài đã ít được công bố. Song, với người Việt chúng ta không bao giờ quên nó.đó là bài học cho dân tộc ta luôn phải cảnh giác với người láng giềng thủ đoạn này.

    Trả lờiXóa
  10. Nhiều người dân Việt Nam và nhiều người dân Trung Quốc đến nay chưa biết rõ bản chất thật sự của chiến tranh biên giới năm 1979 do Trung Quốc gây ra ở biên giới phía bắc Việt Nam trung quốc luôn tuyên truyền cho người dân Trung Quốc biết là đây là cuộc chiến đấu nhằm tự vệ nhưng toi không biết là tự vệ ai, đó chỉ là lý do mà Trung Quốc đưa ra để che đậy âm mưu chính trị của Trung Quốc với Việt Nam và mưu đo của Trung Quốc vì thế chúng ta không thể tin được những luận điệu xuyên tạc sự thật của Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  11. Hungyen363615:08 28/2/16

    Cuốn sách là nguồn tư liệu quý báu, cung cấp nhiều thông tin giá trị để cho người dân có thể hiểu được về mối quan hệ Việt - Trung và bản chất thực sự của Trung Quốc, một kẻ ngang ngược, tham lam và bất chấp thủ đoạn để thực hiện âm mưu bành trướng lãnh thổ

    Trả lờiXóa
  12. Hoabinh03020015:16 28/2/16

    Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã qua đi nhưng lịch sử đã ghi lại bao tội ác của Trung Quốc đã gây ra cho đồng bào ta, đã có biết bao nhiêu người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam

    Trả lờiXóa
  13. Hoabinh023415:26 28/2/16

    Từ xưa đến nay Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, ý đồ xấu đối với Việt Nam chúng ta và chúng không từ mọi thủ đoạn để thực hiện ý đồ, ở gần kẻ láng giềng xấu bụng như Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác, vừa mềm dẻo vừa kiên quyết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

    Trả lờiXóa
  14. Thaibinh02340015:32 28/2/16

    Trung Quốc là kẻ sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ để đạt được lợi ích về cho mình, bất chấp mọi quy định của pháp luật quốc tế. Do đó đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối tin tưởng vào những đường lối, quyết sách đúng đắn của Đảng ta để có thể bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

    Trả lờiXóa
  15. Thaibinhquetoi23415:34 28/2/16

    Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là một trang sử đen tối và là thất bại thảm hại mà Trung Quốc không muốn nhắc lại, bởi chúng đã thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

    Trả lờiXóa
  16. Hagiang83615:38 28/2/16

    Cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm Trung Quốc năm 1979 là minh chứng cho sự đoàn kết, anh dũng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta quyết không cho kẻ thù thực hiện tham vọng, ý đồ bành trướng lãnh thổ của chúng, và chúng đã phải chịu thất bại đau đớn trong việc đem quân đi xâm lược nước khác

    Trả lờiXóa
  17. Bacgiang19015:42 28/2/16

    Chúng ta không bao giờ quên những gì mà Trung Quốc đã gây ra cho dân tộc ta, biết bao nhiêu liệt sỹ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quân dân ta đã đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù xâm lược mạnh hơn chúng ta nhiều lần, giáng cho Trung Quốc một đòn đau vào tham vọng bá quyền của chúng

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog