Chia sẻ

Tre Làng

ÔI TIẾNG VIỆT NHƯ BÙN VÀ NHƯ LỤA

"Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa"

Cụ nay mới phiêu diêu ngồi ngó lại bài thơ của Vũ tiên sinh. Quả thực là lòng tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước.

Cái xứ này muốn bày tỏ tình yêu thôi nhiều khi cũng nguy hiểm. Lắm người đã vêu mồm. Để tránh những trừng phạt tiềm năng giáng xuống, người ta chọn cách sống an toàn. Yêu theo nghị quyết và ghét theo đường lối.

Văn chương cũng không ngoài đời sống ấy. Những từ có tiềm năng bị suy diễn sẽ được thay thế bởi từ khác. Bởi đâu đó có những kẻ ngu xuẩn thật và những kẻ vờ ngu xuẩn vì động cơ 100kg nào đó luôn sẵn lòng đẩy ngòi bút vào chốn khốn khổ khốn nạn. Một nền học thuật như vậy hẳn đẻ ra những giáo viên dạy văn như vậy. Sẵn sàng nhét chữ vào mồm tác giả, nâng những thứ họ phát ngượng và đâm những nhát họ bất ngờ.

Phạm Tiến Duật khi đứng vai biên tập cũng chỉ là một thợ thơ quốc doanh. Nhà thơ PTD đã chết ở đường Trường Sơn một thủa. Việc sửa "như bùn" thành "như đất cày" thực ra là một việc tử tế và tài hoa của Duật. Tử tế trong sự chịu đựng và tài hoa trọng dụng ngôn để sát với nguyên gốc. Duật đương nhiên hiểu như bùn có hàm ý rộng hơn, nhạc tính cao hơn hẳn như đất cày. Cái từ bùn ấy tuy thấp mà trầm, nó dịu dàng hơn đất cày gấp bội. Cái từ bùn ấy nó chứa cả cái nỗi niềm đau đáu bốn nghìn năm của người Việt, cái chịu đựng, đắng cay, nỗ lực nhưng thật hiền hoà. Bùn và lụa là hai thuộc tính đối lập về vị thế nhưng lại đồng nhất về sự uyển chuyển. Nó là tiếng lòng của người Việt.

Tiên xư cái thời mà cả xã hội chỉ biết hùng hổ giơ búa giương liềm tiến lên xây dựng cái gì đó. Thân phận con người biến mất. Cái tôi hoà vào cái chúng ta. Mọi thứ không đẻ ra từ lí tưởng đều được coi là suy thoái. Tiếng Việt của Vũ cũng đành phải chuyển từ bùn sang thành đất cày. Giữa hồ sen thì cày bằng b*** cụ ấy mà cày.

Nói như Vũ tiên sinh với các nhà uyển ngữ, xin lỗi, ông không phải là bố tôi.

Bản gốc:

"Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm 
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về 
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm 
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng 
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya 
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng 
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa 
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi 
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ 
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt...” 
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương 
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót 
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói 
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ 
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa 
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát 
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh 
Như gió nước không thể nào nắm bắt 
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy 
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn 
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối 
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận 
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta 
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất 
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng 
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi 
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán 
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng 
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi 
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người 
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ 
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay 
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay 
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết 
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi 
Như vị muối chung lòng biển mặn 
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất 
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu 
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt 
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển 
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya? 
Ai ở phía bên kia cầm súng khác 
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ 
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn 
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá 
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình..."

Nguồn: Cụ Chánh

1 nhận xét:

  1. Khi mà chúng ta có thêm những thông tin khác về nhiều phiên bản của bài thơ những gì mà trong đề thi của chúng ta có thể có thêm những sự kiện như vậy được nữa. Không thể nào mà chấp nhận được những sự sai xót trong khi mà chúng ta co thể có thêm được. Với một kỳ thi THPT quốc gia như vậy.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog