Chia sẻ

Tre Làng

Gom rác làm… cải bắc thảo

Gom rác làm… cải bắc thảo

bắp cải dập nát, hư hỏng, thải bỏ ở chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) được một nhóm người thu gom đem đi chế biến thành “cải bắc thảo” bán cho các quán ăn.

Trưa 2.10, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an TP.HCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kết hợp với Công an Q.11 (TP.HCM) kiểm tra một cơ sở sản xuất cải bắc thảo tại căn nhà không số ở hẻm 247 Lạc Long Quân (P.3, Q.11).

Nguồn cung cấp cho quán ăn

Tại hiện trường, công nhân của cơ sở đang xay lá bắp cải hư hỏng, thải đi, cho xuống bể ngâm. Nơi làm việc là một lán dựng tạm, lá bắp cải đổ trên nền bê tông dơ bẩn. Gần đó, một bể ngâm dài khoảng 6 m, được ngăn thành nhiều ô, chứa đầy nước đục ngầu. Cơ sở sản xuất hôi nồng mùi chua.

Tại nơi đóng gói, lực lượng chức năng phát hiện hơn một tấn lá bắp cải đã chế biến. Một số sản phẩm đã được đóng gói, hoặc ủ trong thùng nhựa lớn để trên nền nhà. PC49 còn phát hiện 3 bịch bột màu trắng, vàng và đỏ sẫm. Chủ cơ sở cho biết số bột này mua ở chợ Kim Biên, dùng để chế biến bắp cải. Thành phẩm được bán cho các đầu mối ở chợ Bình Tây, từ đó phân phối đi các địa phương khác; bán cho một số quán ăn ở khu vực lân cận...

Người làm tại cơ sở đang xay bắp cải thải để cho xuống bể ngâm

Theo một cán bộ PC49, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sản phẩm chưa được công bố phù hợp an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ... Lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số bắp cải tại cơ sở trên để tiếp tục điều tra, xử lý.

Nguyên liệu từ rau thải

Trước đó, liên tục nhiều đêm cuối tháng 9, PV Thanh Niên đã theo dõi quy trình thu gom lá bắp cải thải ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (viết tắt chợ Bình Điền, Q.8, TP.HCM) rồi đưa về cơ sở trên.

Tại các sạp bán bắp cải, bao tải lớn bắp cải được thương lái đổ ra, dùng dao gọt bỏ phần lá dập nát, thối rữa bên ngoài. Phần lá bắp cải hư này vứt ngay dưới nền nhà lồng, hòa lẫn với rác, bao bì, giấy báo... và thường xuyên bị người làm ở các sạp giẫm đạp lên. Thông thường, số rau thải này sẽ được công nhân vệ sinh của chợ thu gom về bãi tập kết rác, nhưng thực tế luôn có người đến thu gom đem đi chế biến thành cải bắc thảo.

Sau khi thu gom lá bắp cải do các sạp thải ra trên nền nhà lồng, người đàn ông đưa lên xe đẩy đến một bãi tập kết rác thải, ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi hôi thối, cách nhà lồng chợ khu B khoảng 300 m. Tại đây, một nhóm 4 - 5 người túc trực sẵn, nhanh chóng đổ lá bắp cải trong sọt do người đàn ông trên mang đến, rồi phân loại, đóng vào những sọt lớn. Hai người phụ nữ trong nhóm thay nhau bước lên miệng sọt, giẫm đạp cật lực cho lá bắp cải xẹp xuống để nhồi nhét thêm vào.

Từ chợ Bình Điền, một chiếc xe ba gác chở số rau thải mang về căn nhà không số ở hẻm 247 Lạc Long Quân (P.3, Q.11) nói trên.

Qua thâm nhập, đây là cơ sở sản xuất nhỏ nhưng chứa một lượng lớn bắp cải hỏng được đổ thành đống trên nền lót bạt sơ sài, một số ủ trong thùng nhựa lớn. Dụng cụ làm, chổi, bao bì, đồ dùng sinh hoạt... vứt ngay trên đống bắp cải.

Rau cải bị vứt đi được cơ sở này chế biến cải bắc thảo bán cho các quán ănẢNH: TIỂU THIÊN

Trong vai người đến hỏi mua cải bắc thảo, PV được người đàn ông đang đóng gói giới thiệu có 2 loại.

Loại màu đỏ giá 20.000 đồng/kg được chia thành nhiều gói nhỏ thì ghi chung chung: “Vạn Hưng - Cải bắc thảo. Đảm bảo chất lượng 6 tháng”. Loại màu vàng giá 25.000 đồng/kg, được đóng vào bịch ni lông trong suốt, không có thông tin nhãn mác.

Tiểu Thiên - Trần Tiến

13 nhận xét:

  1. Không thể chấp nhận những hành vi táng tận lương tâm như vậy được. Chỉ vì lợi ích của mình mà làm hại biết bao nhiêu người khi ăn phải những thực phẩm trên. Cần phải xử lý nghiêm hành vi táng tận lương tâm của cơ sở sản xuất cải bắc thảo từ là bắp cải dập nát hư hỏng...

    Trả lờiXóa
  2. Thật không ngờ vì để kiếm tiền mà chính người việt mình đang hại người việt. Các cơ quan chức năng cần thành lập nhiều đoàn kiểm tra giám sát, để phát hiện ra những cơ sở sản xuất không đảm bảo và xử lý để người dân yên tâm khi mua hàng.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thắc mắc là tại sao đều là con người với nhau mà họ lại dã man đến như vậy. Tại sao họ lại ra tay giết chính đồng loại của mình. Tất cả đều vì lợi nhuận vì lợi nhuận mà họ bất chấp tất cả, vì lợi nhuận mà họ làm mọi thứ. Biêta rằng những chất đó ăn vào gây nguy hiểm cho cơ thể con người, gây ung thư trăm ngàn thứ bệnh nhưng họ vẫn làm. Thật là dã man và tàn độc quá. Đối với những đối tượng này phải quy vào tội giết người mới đúng.

    Trả lờiXóa
  4. Cứ như này bảo vì sao người dân thường hay có xu hướng mua đồ ngoại nhiều hơn hàng trong nước. Chính người Việt mình đang tự làm mất đi chỗ đứng trên thương trường cạnh tranh với hàng nước ngoài nhập về Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  5. Cùng là con người với nhau vậy mà lại có những cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận mà bất những ảnh hưởng về sức khỏe của người tiêu dùng. Những hành vi như vậy cần phải nên án và đưa vào danh sách đen công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông để mọi người biết.

    Trả lờiXóa
  6. Bảo sao bây giờ có nhiều căn bệnh y học phải bó tay, cứ đầu độc qua đường ăn uống như này thì làm sao con người ta có thể không bị bệnh tật được. Cần có những phạt nặng đối với các cơ sở như trên không thể chỉ phạt hành chính thôi được. Nếu cần có thể xem xét khởi tố hình sự vì đó là hành vi giết người.

    Trả lờiXóa
  7. toàn người việt tự hại nhau,vì đồng tiền mà sát hại nhau như thế thì nghiệp để lại lớn lắm.đến khi ung thư ra đầy thì lại đổ tội do cộng sản,đm đã lắm văn,vì đồng tiền mà hại nhau như này thì đừng đổ lỗi cho ai cả

    Trả lờiXóa
  8. Loại màu đỏ giá 20.000 đồng/kg được chia thành nhiều gói nhỏ thì ghi chung chung: “Vạn Hưng - Cải bắc thảo. Đảm bảo chất lượng 6 tháng”. Loại màu vàng giá 25.000 đồng/kg, được đóng vào bịch ni lông trong suốt, không có thông tin nhãn mác.

    Trả lờiXóa
  9. Nguyễn Văn01:15 4/10/17

    Chuyện này cuối năm 2016 báo phụ nữ viết một vụ rồi mấy anh thanh niên "xào lại" hay làm tiếp đây?
    Vấn đề là cơ quan chức năng không xử lý triệt để hoặc chế tài chưa đủ mạnh,khiến các cơ sở như này vẫn tiếp tục mọc lên và ngang nhiên hoạt động.
    Nó cũng phản ánh sự yếu kém trong công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta.
    "Bao giờ người Việt thôi ác với nhau"? Câu hỏi này biết ai trả lời đây?

    Trả lờiXóa
  10. Tiết kiệm là quốc sách...nên phát huy.

    Trả lờiXóa
  11. thế này bảo sao dân ta không bị ung thư nhiều, chưa cần đến giặc ngoại xâm chính chúng ta đang tự giết hại đồng bào mình đấy thôi, đúng là táng tận lương tâm mà, họ làm như vậy họ có nghĩ đến hậu quả không, chỉ vì những nguồn lợi trước mắt mà họ bán rẻ lương tâm, bất chấp sức khỏe của người khác liệu có đáng, có nhiều cách khác để làm giàu mà, thử hỏi giàu như họ có được hạnh phúc không chứ, hi vọng cơ quan chức năng xử lí nghiêm những vụ việc này

    Trả lờiXóa
  12. Tại hiện trường, công nhân của cơ sở đang xay lá bắp cải hư hỏng, thải đi, cho xuống bể ngâm. Nơi làm việc là một lán dựng tạm, lá bắp cải đổ trên nền bê tông dơ bẩn. Gần đó, một bể ngâm dài khoảng 6 m, được ngăn thành nhiều ô, chứa đầy nước đục ngầu. Cơ sở sản xuất hôi nồng mùi chua.

    Trả lờiXóa
  13. ực lượng chức năng phát hiện hơn một tấn lá bắp cải đã chế biến. Một số sản phẩm đã được đóng gói, hoặc ủ trong thùng nhựa lớn để trên nền nhà. PC49 còn phát hiện 3 bịch bột màu trắng, vàng và đỏ sẫm. Chủ cơ sở cho biết số bột này mua ở chợ Kim Biên, dùng để chế biến bắp cải. Thành phẩm được bán cho các đầu mối ở chợ Bình Tây, từ đó phân phối đi các địa phương khác; bán cho một số quán ăn ở khu vực lân cận...

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog