Chia sẻ

Tre Làng

BOT CAI LẬY: CÓ 300 TỶ VIỆC NÀY MỚI XONG ?

BOT Cai Lậy liên tục thất thủ: Có 300 tỷ việc này mới xong?

An Chi/TheLEADER

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, giải pháp cho BOT Cai Lậy là sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán 300 tỷ tiền đầu tư cho nhà thầu về việc nâng cấp đoạn đường cũ qua thị xã và dời trạm thu phí vào đầu đoạn đường tránh mới xây.

BOT Cai Lậy liên tục thất thủ từ ngày thu phí trở lại. Ảnh Tuổi trẻ

Chi ngân sách để giải quyết

Đưa ra giải pháp cho những mâu thuẫn, bất đồng giữa tài xế và chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, đối với dự án BOT Cai Lậy, Nhà nước nên sử dụng ngân sách để thanh toán 300 tỷ tiền đầu tư cho nhà thầu về việc nâng cấp đoạn đường cũ qua thị xã. Phương án thế nào là do thoả thuận giữa hai bên. 

Đồng thời, yêu cầu kiểm toán, thanh tra lại dự án để đảm bảo giá thành và chất lượng. Mục đích của việc này là biến đoạn đường qua thị xã thực sự trở thành một hàng hoá công.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng đề nghị dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đầu đoạn đường tránh mới xây, nằm sau ngã ba vì đây là đoạn đường được coi là hàng hoá tư hoặc công tư hợp doanh (PPP). 

Mức phí về cơ bản do chủ đầu tư quyết định nhưng có một khả năng nhỏ chính quyền vẫn được phép can thiệp nếu thấy có yếu tố độc quyền với một số loại xe.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Theo Viện trưởng VEPR, về nguyên tắc, chính quyền có quyền đặt thêm một trạm thu phí ở đầu đường vào thị xã. Trạm này độc lập với trạm bên đường tránh, và tiền thu về thuộc ngân sách Nhà nước. 

Trạm này có hai mục đích là thu hồi một phần vốn sửa chữa và chi phí duy tu con đường (điều này phải được sự đồng ý của Chính phủ vì đây là tài sản quốc gia) và mang tính chính sách, nhằm điều tiết lượng xe đi qua Thị xã Cai Lậy theo ý chí của chính quyền, đặc biệt nhằm hạn chế các xe hạng nặng đi qua khu dân cư, bảo vệ đời sống người dân thị xã, ông Thành cho biết.

Trước đó, sáng 30/11, Trạm BOT Cai Lậy - Tiền Giang đã chính thức thu phí trở lại sau hơn 3 tháng tạm ngưng. Điều này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt và đối phó bằng nhiều cách của các tài xế qua trạm. Tình hình căng thẳng tại đây lại một lần nữa được tái diễn. 

Để phản đối các trạm thu phí này, các tài xế ngoài cách trả tiền mệnh giá nhỏ còn đậu ngay trạm thu phí, không chịu di chuyển, gây ách tắc giao thông. Tình trạng kẹt xe kéo dài hàng km liên tục xảy ra khiến Ban quản lý BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm nhiều lần.

Chỉ trong 3 - 4 giờ đồng hồ chiều 2/12, BOT Cai Lậy đã phải xả trạm liên tục đến 4 lần. Chỉ khi giao thông trở lại bình thường, nhân viên tại đây mới bắt đầu thu phí tiếp. Tuy nhiên, những căng thẳng tại trạm thu phí này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo nhiều tài xế cho rằng, nguyên nhân khiến họ bức xúc tại Trạm thu phí Cai Lậy là nhà đầu tư chỉ xây dựng tuyến đường tránh, do đó, trạm thu phí phải được đặt trên đường tránh chứ không thể đặt trên quốc lộ 1 để thu tiền của những người không đi đường tránh.

Hơn nữa, quốc lộ 1 là hạ tầng cơ bản, được xây dựng từ ngân sách nhà nước, nhà đầu tư chỉ bỏ tiền tráng một lớp mặt đường mà vẫn thu phí với mức rất cao thì không thể chấp nhận. 

Tranh cãi vị trí đặt trạm thu phí

Trước những thông tin liên quan đến Trạm thu phí Cai Lậy, chiều 1/12, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi thông cáo báo chí về dự án này.

Theo Bộ Giao thông vận tải, phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe có kinh phí đầu tư quá lớn, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên Quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tốc độ khai thác nhỏ hơn 60km/h do đi qua đô thị. Với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 vẫn phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn.

Trong khi đó, nếu đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu thì tốc độ khai thác tuyến tránh cho phép đến 80km/h. Như vậy, phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên Quốc lộ 1 hiện hữu.

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản lấy ý kiến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Bộ Giao thông vận tải cũng đã phân tích, so sánh phương án đặt trạm thu giá trên Quốc lộ 1 hiện hữu với phương án đặt trạm trên tuyến tránh, cụ thể:

Phương án trạm thu giá đặt trên Quốc lộ 1: Phạm vi dự án bao gồm xây dựng tuyến tránh và đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường, cầu, hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1. Với phương án này, sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án; mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến Quốc lộ 1 và tuyến tránh.

Phương án trạm thu giá đặt trên tuyến tránh: Phạm vi dự án chỉ đầu tư xây dựng tuyến tránh. Phương án này có ưu điểm là chỉ thu giá phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh (không thu giá các phương tiện đi vào nội thị thị trấn Cai Lậy) nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua thị trấn Cai Lậy trên Quốc lộ 1 hiện hữu do các phương tiện sẽ tránh trạm thu giá bằng việc không sử dụng tuyến tránh.

Cuối cùng, Bộ Giao thông vận tải đã "nhận được văn bản đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về vị trí đặt trạm trên Quốc lộ 1 hiện hữu".

Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư là 1.398,18 tỷ đồng (chưa quyết toán), nguồn vốn 100% tư nhân. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 210 tỷ đồng (Bắc Ái góp 136,5 tỷ đồng (65%); TRICO góp 73,5 tỷ đồng (35%)), chiếm 15% tổng mức đầu tư; phần còn lại là vốn vay ngân hàng.

Theo Hợp đồng BOT ký tắt số 20/HĐ.BOT-BGTVT ngày 19/02/2014 giữa Bộ Giao thông vận tải và Liên danh nhà đầu tư dự án BOT Cai Lậy, liên danh chủ đầu tư dự án này gồm Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (TRICO).

Đến Hợp đồng BOT chính thức số 43/HĐ.BOT-BGTVT, ký ngày 28/08/2014, liên danh trên vẫn được giữ nguyên.

Tuy nhiên, đến Phụ lục Hợp đồng BOT ký tắt số 03/PL01-43/HĐ.BOT-BGTVT (để điều chỉnh, bổ sung Hợp đồng số 43/HĐ.BOT-BGTVT ngày 28/08/2014) ký ngày 30/01/2015, thì BVEC biến mất và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái) đã xuất hiện để thay thế.

Công ty này thành lập ngày 25/11/2004, có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thiết kế chuyên dụng, đăng ký trụ sở tại số 215, đường Mê Linh, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Theo Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 10/07/2017, vốn điều lệ của Bắc Ái là 900 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là ông Lê Tiến Thắng (sinh năm 1977) sở hữu 82% cổ phần. Các cổ đông sáng lập khác là ông Lê Văn Duẩn (5%); Lê Thanh Bình (10%); Nguyễn Phú Hiệp (3%).

Ngoài dự án BOT Cai Lậy, Bắc Ái còn tham gia đầu tư một dự án BOT khác, cũng nằm trên tuyến quốc lộ 1 huyết mạch như dự án “Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc 1 đoạn Km 1125 - Km 1153, tỉnh Bình Định” (dự án BOT Hoài Nhơn) và dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1).

24 nhận xét:

  1. thiết nghĩ cái này thì cơ quan chức năng nên có hướng xử lí sớm,chứ để tình hình như thế này kéo dài sẽ có nhiều mâu thuẩn xẩy ra, ảnh hưởng tới an ninh của trạm, các tuyến hàng cũng chậm giờ, lực lượng chức năng phải căng mình ra đảm bảo an ninh trật tự

    Trả lờiXóa
  2. nếu dân họ lên án mạnh như thế thì theo mình nghĩ chính quyền địa phương sở tại nên tính toán dừng trạm thu phí lại vài ngày để theo dõi xem thực hư thế nào rồi mới quyết định tiếp nếu dân họ đấu tranh gay gắt quá thì phải để quyền lợi người dân lên trên hết chứ

    Trả lờiXóa
  3. Mấy ngày hôm nay tình trạng ở BOT đang rất là căng thẳng, lộn xộn mất trật tự. Giờ mà lại có thêm mấy tên phản động vào cho lửa vào dầu thì có mà loạn à. Có thể nhận thấy rằng điểm nóng Bot Cai Lậy cũng là miếng mồi để câu lũ dân chủ, lũ chống phá này nhỉ, chúng mò đến nhiều thế này chắc cũng sẽ bắt được nhiều tên zận lắm đây. Do đó mọi người cần phải cảnh giác tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động gây rối, phá hoại an ninh trật tự

    Trả lờiXóa
  4. Bọn phản động la liếm nhanh thật, đâu cũng thấy mặt mũi chúng nó. Bà con ở đấy biết thông tin này thì hãy chia sẻ cho mọi người để cùng nhau cảnh giác. Đừng để bọn khốn đó làm gì trên đất nước chúng ta. Hy vọng rằng phải nhanh chóng giải quyết vấn đề BOT cai lậy này , giải quyết triệt để những bức xúc của người dân , ổn định lại an ninh trật tự trên địa bàn BOT cai lậy này.

    Trả lờiXóa
  5. Vấn đề BOT Cai Lậy hi vọng sẽ được giải quyết triệt để để người qua đường tại nơi này có thể chấp hành tốt quy định không gây cản trở giao thông. Cũng mong vấn đề giải quyết sớm cho dân được nhờ, vị trí đặt BOT đã được sự đồng tình của các cấp lãnh đạo liên quan, nhưng đa số người dân không cho là vị trí đặt BOT là phù hợp.ứ để tình trạng BOT Cai Lậy này mãi kiểu gì cũng không xong, một khi người tham gia giao thông đã kiên quyết phản đối thì cơ quan chức năng nên làm rõ vấn đề và tìm cách giải quyết ổn thỏa

    Trả lờiXóa
  6. Qua vấn đề lần này có thể thấy rằng vấn đề đặt BOT hay thay đổi cái gì liên quan đến BOT cũng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng để người dân không phải thắc mắc, phản đối nhiều như thế này nữa. Theo bản thân tôi nghĩ giải quyết vấn đề này thì phải có sự đồng nhất từ cấp trên cho đến nhân dân, do đó hai bên cần trao đổi đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất. Mọi người cần cảnh giác tránh để những kẻ xấu lợi dụng vào những hoạt động sai trái

    Trả lờiXóa
  7. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, giải pháp cho BOT Cai Lậy là sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán 300 tỷ tiền đầu tư cho nhà thầu về việc nâng cấp đoạn đường cũ qua thị xã và dời trạm thu phí vào đầu đoạn đường tránh mới xây.
    300 tỉ? Nhưng tôi thấy rằng sau BOT Cai Lậy thì đang đến BOT Ninh an Khánh hòa cũng như vậy đó? Vậy cứ bot nào như thế đều lấy tiền ngân sách sao?

    Trả lờiXóa
  8. Trạm này có hai mục đích là thu hồi một phần vốn sửa chữa và chi phí duy tu con đường (điều này phải được sự đồng ý của Chính phủ vì đây là tài sản quốc gia) và mang tính chính sách, nhằm điều tiết lượng xe đi qua Thị xã Cai Lậy theo ý chí của chính quyền, đặc biệt nhằm hạn chế các xe hạng nặng đi qua khu dân cư, bảo vệ đời sống người dân thị xã, ông Thành cho biết.
    Đây chỉ là thu phần tiền sửa chữa, khi thu hồi đủ vốn rồi thì sẽ dừng mà.

    Trả lờiXóa
  9. Vừa rồi tình hình thu phi tại BOT Cai lậy nóng quá. Tài xế thì tìm đủ mọi cách để gây khó dễ cho nhân viên bán vé, còn nhân viên BOT thì liên tục xả BOT để tránh ùn tắc giao thông. Haiz, dân ơi là dân, muốn đi đường đẹp, nhưng lại không muốn mất tiền. Haiz!

    Trả lờiXóa
  10. Đất nước mình ngộ quá phải ko em

    Trả lờiXóa
  11. Qui định cũng có thể sai, vì qui định là do con người làm ra mà, nếu qui định, qui trình sai thì sửa, có sai có sửa mới khá lên được chứ. sai mà không sửa thì chừng nào mới khôn lên được.Quy định do các bộ đưa ra nên các Bộ thực hiện sao sai được, cần xem cái quy định ấy đúng hay sai chứ không phải xem Bộ Giao thông vận tải thực hiện đúng quy định không.

    Trả lờiXóa
  12. Bộ GTVT không sai khi thực hiện dự án theo luật giao thông đường bộ. Nhưng theo luật đấu thầu xây dựng bộ có vẻ sai khi chọn nhà thầu không đủ năng lực tài chính. Nếu tôi nhớ không lầm trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 18/11, Thủ tướng có nói: không vì xã hội hoá mà đè gánh nặng cho dân. Hy vọng rằng sau cơn mưa trời lại sáng.

    Trả lờiXóa
  13. Tuyến tránh TX Cai Lậy là dự án mà người dân TX Cai Lậy được hưởng lợi từ việc giảm xe qua Quốc lộ 1A để người dân có cuộc sống tốt, an toàn hơn. Các xe qua đây chỉ theo con đường Quốc lộ 1A từ xưa đến giờ, tại sao các xe phải đóng tiền để qua tỉnh Tiền Giang ? Quốc lộ 1A từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp...Các tỉnh đều cải tạo và bảo trì Quốc lộ 1A chứ đâu chỉ riêng Tiền Giang đâu? Tỉnh Tiền Giang phải bỏ tiền ra đầu tư tuyến tránh này chứ sao các xe qua đây phải đóng góp cho chuyện này.

    Trả lờiXóa
  14. Cần xem xét trách nhiệm của ông Thể người đã trực tiếp ký các văn bản đồng ý lập trạm thu phí tai Cai Lậy. Nếu có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Khồng ai có thể đứng trên luật pháp được.Để tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra chi phí thực tế BOT đã đầu tư cải tạo Quốc lộ 1, nhà nước bỏ tiền mua lại. Trạm thu phí đưa vào tuyến tránh, những nơi đúng bản chất là nhà đầu bỏ ra xây mới chứ không phải cứ xây đường tuyến tránh rồi đặt trạm ngoài quốc lộ để thu phí.

    Trả lờiXóa
  15. Về tính pháp lý, hiện nay không thể nói doanh nghiệp BOT là sai, vì họ đang thực hiện đúng hợp đồng với Nhà nước. Việc đấu tranh với doanh nghiệp sẽ không đạt được hiệu quả mà dễ dẫn đến việc vi phạm pháp luật nếu quá bức xúc. Vấn đề cốt lõi là Chính phủ cần xem xét một cách khách quan các quyết định của Bộ GT-VT, nếu quyết định sai thì phải tìm biện pháp sửa sai và xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm. Lưu ý là việc sửa sai phải dựa trên lợi ích của người dân và phù hợp với quy định của Pháp luật

    Trả lờiXóa
  16. Ngoài dự án BOT Cai Lậy, Bắc Ái còn tham gia đầu tư một dự án BOT khác, cũng nằm trên tuyến quốc lộ 1 huyết mạch như dự án “Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc 1 đoạn Km 1125 - Km 1153, tỉnh Bình Định” (dự án BOT Hoài Nhơn) và dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1).

    Trả lờiXóa
  17. Trong kinh doanh làm ăn thì có lời có lỗ là hết sức bình thường, việc xây 1 đoạn đường chỉ 12 km mà cả ngàn tỷ đồng đã là có vấn đề rồi. Anh làm sai thì anh sai chịu đó là lẽ công bằng, tiền thuế của dân rất lớn nếu hạn chế được tham nhũng hàng trăm ngàn tỷ thì tiền ấy dư sức đầu tư mọi thứ có lợi cho dân.

    Trả lờiXóa
  18. Dời trạm thu phí này về tuyến đường tránh là đúng với bản chất của nó. QL1 là tài sản của Quốc gia, của nhân dân cả nước, ai đi đường nào trả phí đường đó. Lái xe, chủ xe đã đóng phí bảo trì đường bộ thông qua đăng kiểm rồi. Các cơ quan công quyền được hình thành để phục vụ lợi ích nhân dân. Nói như vị đại diện của Bộ GTVT là đến giờ các vấn đề liên quan đến trạm BOT Cai Lậy nhận thấy vẫn chưa có gì sai. Xin hỏi: Nếu không sai sao dân lại phản đối kịch liệt như vậy?

    Trả lờiXóa
  19. Biết bao nhiêu cơ quan, ủy ban, hiệp hội,...được thành lập để bảo vệ lợi ích người dân, đại diện tiếng nói người dân, sao không thấy lên tiếng? Tại sao cái gì cũng đòi nhà nước bỏ ra - đây là tiền thuế của dân - mồ hôi nước mắt của dân đấy, 12 km mà 300 tỷ đồng? Mang tiền ra làm đường à?

    Trả lờiXóa
  20. Nếu người ký duyệt dự án BOT có lấy ý kiến đồng thuận của các nơi theo đúng quy trình thì ai là người ký văn bản đồng thuận cũng phải có trách nhiệm. Chúng ta cần phải rõ ràng là việc xây dựng đường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền, đặc biệt là đường quốc lộ chứ không phải cao tốc, đường ưu tiên nhanh gọn mà lấy tiền của dân được

    Trả lờiXóa
  21. Việc này căng rồi đây, giờ không để cho dân đi không được, tiền của dính với người, người dân sẽ không khoan nhượng. Nhưng nếu để dân đi thì bộ GTVT thì không muốn (có thể là không thể - vì sẽ trở thành hiệu ứng domino, khi mà có rất nhiều trạm BOT có tình trạng tương tự - đều được duyệt vị trí đặt trạm trước) xử lý theo hướng đó, mà kêu nhà đầu tư điều chỉnh giá rồi thu lại và kết quả là .... hỗn loạn. Đây sẽ là thách thức lớn với bộ GTVT đây

    Trả lờiXóa
  22. Đất nước muốn văn minh thì người dân và các cơ quan nhà nước phải hành xử theo các quy định của hiến pháp và pháp luật, không thể đứng trên pháp luật được. Tôi nghĩ là cần di dời. Sau khi dời trạm BOT về đúng vị trí của nó, cứ để cho các nhà xe tự quyết định: Đi tuyến QL1 kẹt xe liên tục, tốn thời gian công sức và cả tiền bạc so với đi tuyến tránh tốn 1 ít tiền nhưng tốc độ quay vòng xe nhanh chóng. Tự nhà xe sẽ thấy cái nào lợi và thực hiện. Còn nữa chi trả thì phải thanh kiểm tra lại xem nguồn vốn thật sự đầu tư BOT Cai Lậy là bao nhiêu, thì mới chi trả được. Tránh tình trạng vượt chi như tuyến đường sắt ở Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  23. Nếu xét đúng bản chất vấn đề thì đây là hành vi mãi lộ. Vì cánh tài xế bị buộc phải nộp tiền khi đi qua đoạn đường mà đúng ra Họ không cần phải trả phí. Dời trạm Cai Lậy là chuyện không lớn, nhưng dời hết 8 trạm kiểu này lại không nhỏ. Để giải bài toán lớn cần một chính phủ vì dân! Chứ không nên để tình trạng này kéo dài, nó có thể tạo một hiệu ứng ảnh hưởng lớn đến hình ảnh chính quyền và kinh tế việt nam ta

    Trả lờiXóa
  24. Bây giờ Nhà nước cần công bố khoản đầu tư sửa chữa ql1 trên cơ sở đó thông báo rõ thời gian và mức phí tiếp tục thu tại điểm thu phí hiện hữu để hoàn trả kinh phí cho nhà đầu tư. Chắc chắn không có chuyện 12km mà dùng hết 300 tỷ với đoạn đường quốc lộ tỉnh lẻ. Dùng ngân sách bồi hoàn cho chủ đầu tư chi phí xây dựng điểm thu phí. Buộc chủ đầu tư dời trạm thu phí vào khu vực tuyến tránh Cai lậy. Quy định thời gian lưu thông hợp lý cho các phương tiện qua tx Cai lậy đoạn ql1 để hỗ trợ công năng tuyến tránh và đảm bảo an toàn, nâng cao thời gian sử dụng cho ql1. Người dân bình tĩnh nhưng kiên quyết giám sát và hỗ trợ nhà nước hợp tình, hợp lý.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog