Chia sẻ

Tre Làng

BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC VÀ Y TẾ KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI LÀ GIÁO SƯ

'Bộ trưởng Giáo dục và Y tế không nhất thiết phải là giáo sư'

Theo TS Lê Viết Khuyến, quan chức gắn với giáo sư, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện ham muốn chức danh.

Câu chuyện rà soát giáo sư, phó giáo sư đang nhận được sự quan tâm của dư luận sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn năm 2017 với số lượng tăng đột biến. Dư luận lo ngại chất lượng giáo sư, phó giáo sư không đảm bảo, với "chuyến tàu vét" trước khi quy định 174 hết hiệu lực. 

Vì sao quan chức, bộ trưởng không nên làm giáo sư?

Theo quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, quan chức nói chung, bộ trưởng nói riêng, không nên làm giáo sư và phó giáo sư. Chức danh này chỉ nên dành cho những người giảng dạy tại các cơ sở đại học. 

Xu hướng trên thế giới không có chuyện quan chức, bộ trưởng là giáo sư, bởi công việc chính của họ làm hành chính, chính sách. “Khi quan chức gắn liền giáo sư, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện tính háo danh”, ông Khuyến nói.

Ông Khuyến cho rằng ở nước ta, trước đây có văn bản quy định Bộ trưởng GD&ĐT là chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Nhưng các quốc gia khác không quy định điều này.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 tăng đột biến được cho là "chuyến tàu vét" trước khi quy định 174 hết hiệu lực. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ngoài ra, theo Quyết định số 20 của Thủ tướng năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 174 năm 2008, tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục ĐH, có tham gia giảng dạy từ trình độ ĐH trở lên tại cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao; được tặng giải thưởng lớn trong nước hoặc ở nước ngoài.

“Nhiều người quản lý thường đứng đầu các công trình đề tài lớn nhưng nói thật người làm lại là nhân viên của họ. Chính quy định của chúng ta đang tạo nên tiêu cực. Ngày xưa, bộ trưởng tương đương thượng thư chứ đâu có chức danh học vị gì”, TS Lê Viết Khuyên nêu quan điểm.

Giáo sư nên gắn với đào tạo và 5 năm kiểm định một lần

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, bày tỏ ông nhận chức danh giáo sư vì làm nghiên cứu khoa học trong nhiều năm và hiện vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh và thạc sĩ. Đến khi không đủ sức tham gia đào tạo, nghiên cứu, ông sẽ trả lại chức danh đó.

GS Phạm Tất Dong cho rằng giáo sư là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Họ mẫu mực, có lương tâm và đạo đức với nghề.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, ngành Tâm lý học, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh H.T.

Một trong số những quyền cao quý không gì sánh bằng của giáo sư là được đào tạo tiến sĩ. Thêm nữa, họ được phụ trách học thuật để có thể đứng ngang hàng so với thế giới, nhiều giáo sư đứng đầu các trường phái khoa học.

Nhìn chung, giáo sư chỉ làm công tác quản lý, không làm đúng nghề giảng dạy, đào tạo, sẽ rất lãng phí và vô nghĩa. 

“Trường hợp Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không nhất thiết phải có chức danh giáo sư, khi bộ trưởng làm công tác quản lý, không giảng dạy. Người làm công tác khoa học nhưng gắn với nghiên cứu mà không phải đào tạo thì có thể phong là viện sĩ.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, mặc dù là chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, cũng không nhất thiết phải là giáo sư, vì bộ trưởng làm công tác quản lý, thay mặt Nhà nước để phong chức danh. Điều này tách bạch với việc bộ trưởng có trình độ giáo sư hay không? Một số quốc gia khác, người không làm bác sĩ vẫn là Bộ trưởng Y tế”, GS Phạm Tất Dong nói. 

GS Dong đề xuất bổ nhiệm chức danh giáo sư phải gắn liền nơi đào tạo, vùng miền cần họ để đạt hiệu quả cao nhất cho việc cống hiến. Giáo sư nên được kiểm định 5 năm một lần. Nếu không còn đào tạo hay giảng dạy, giáo sư nên dành lại chức danh cho người khác. 

Tiêu cực trong bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

TS Lê Viết Khuyến cho rằng tiêu cực trong bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư là "thiên biến vạn hóa", không phải ai cũng dũng cảm nói ra. Nó giống như việc một số nơi có tham nhũng nhưng không bằng chứng để cáo buộc cá nhân. 

Ông Khuyến cũng không tin tưởng vào việc Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước rà soát tìm ra tiêu cực. 

“Người bảo nghiêm túc, người nói không, điều này khó lòng phân xử được. Chỉ đến khi nào việc công nhận giáo sư, phó giáo sư được nêu trong Luật Giáo dục Đại học, đồng thời xóa bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư cấp Nhà nước, giao về cho các trường, Bộ GD&ĐT kiểm soát, mới có thể bỏ tiêu cực”, ông Khuyến nói.

Nguyên nhân để xảy ra tiêu cực trong việc xét duyệt giáo sư là do chức danh này có một số quyền lợi. Phó giáo sư được kéo dài thêm biên chế 5-7 năm. Hiện cũng có quy định giáo sư chắc chắn là giảng viên cao cấp, trong khi trước kia giáo sư chưa chắc là giảng viên cao cấp. Lương của giáo sư tăng nhanh trong khi nhiều người giỏi mà không có chức danh thì vẫn có thang bảng lương bình thường.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: X.T.

Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Tất Dong nói rằng bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư có thể tiêu cực. Điều này đòi hỏi các hội đồng phải công tâm và có trình độ.

“Có lần tôi góp ý tại sao hội đồng phong giáo sư lại có phó giáo sư? Bởi thành viên hội đồng xét công trình, bài báo khoa học thì bắt buộc phải có trình độ hơn ứng viên? Thứ hai là tồn tại việc bỏ phiếu ở hội đồng liên ngành công nhận giáo sư không ghi tên, không minh bạch. Những người làm khoa học thực sự chân chính phải dám ghi tên và chịu trách nhiệm với Nhà nước. Để công tâm, khi phong giáo sư, tất cả hội đồng phải ký và có tên tuổi đàng hoàng”, GS Phạm Tất Dong nói.

Ông cũng thông tin cách đây hơn 7 năm, khi nhiều năm làm việc trong hội đồng công nhận giáo sư, ông chỉ nhận được 500.000 tiền thẩm định cho mỗi ứng viên.

“Số tiền người thẩm định hiện nay nhận được khoảng 1-2 triệu đồng, trong khi họ phải làm rất nhiều việc, đọc nhiều bài báo, công trình nghiên cứu khoa học. Có những ứng viên gửi rất nhiều tài liệu, thậm chí 60 quyển sách", GS Dong thông tin.

Nếu không đầu tư chi phí cho người thẩm định cao hơn, làm sao họ hăng hái, công tâm và tận tụy được? Thậm chí, vì chi phí thấp, họ có thể nhận tiền "đút lót" của ứng viên.

"Tôi lấy ví dụ khi ứng viên biết người thẩm định chỉ được 2 triệu đồng, họ biếu luôn 10 triệu thì kết quả thẩm định có thể sẽ khác, nếu người thẩm định không công bằng và có lương tâm", GS Dong chia sẻ.

***

Ngày 7/2 tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức hội nghị phản biện về đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài. Trong đó, vấn đề về chức danh phó giáo sư, giáo sư nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia.

TS Hồ Ngọc Hải, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường ví von: “Sư phải gắn liền với chùa, nếu không gắn với chùa thì không còn làm sư nữa. Giống như việc phong phó giáo sư, giáo sư phải gắn liền cơ sở đào tạo. Theo tôi, bộ trưởng hay chính khách đừng làm giáo sư làm gì nữa”.

Ông Hải nói những người làm giáo sư thường là chủ nhiệm bộ môn hay dẫn đầu bộ môn, bởi đào tạo phải đi liền nghiên cứu khoa học. Giáo sư hay người thầy phải nghiên cứu mới có thể giảng dạy và đem cái mới cho sinh viên được.

Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, cho rằng giáo sư nên giảng dạy ở bậc sau đại học trở lên. “Bộ trưởng, thứ trưởng không cần làm giáo sư bởi họ không có thời gian. Nếu họ đi dạy nên kiểm điểm vì họ bận với công việc quản lý như vậy lại lơ là đi dạy học?”, ông Hào Quang nói.

Quyên Quyên

22 nhận xét:

  1. Nhiều người quản lý thường đứng đầu các công trình đề tài lớn nhưng nói thật người làm lại là nhân viên của họ. Chính quy định của chúng ta đang tạo nên tiêu cực. Ngày xưa, bộ trưởng tương đương thượng thư chứ đâu có chức danh học vị gì. Có công là lên chức, chứ đâu có chuyện muốn lên chức phải có thời gian, phải có bằng cấp này nọ?

    Trả lờiXóa
  2. Hãy xem trên thế giới có quan chức chính phủ đi kèm danh xưng giáo sư, phó giáo sư không. Chỉ riêng nước ta các danh học hàm, học vị luôn đi đầu trong giới thiệu nhân vật. Và một điều người dân muốn biết họ có tham gia đứng lớp để truyền thụ kiến thức hay có những sáng kiến, phát minh tầm cỡ quốc tế nói chung và lợi ích quốc gia nói riêng ... Để xứng đáng với danh hiệu. Chẳng qua để lương cao, thêm thời gian làm việc...

    Trả lờiXóa
  3. Bản thân chữ Giáo sư rõ ràng là gắn với công việc giảng dạy. Làm quản lý thì ham hố chức danh này để làm gì. Khi anh đi đạy bao nhiêu năm chẳng kiếm được đủ công trình để làm cái PGS, GS thì khi làm công tác lãnh đạo thì những công trình ấy ở đâu ra. Ai cũng hiểu nhưng không nói ra cái bệnh háo danh đã ăn sâu trong máu của người Việt Nam khó mà thay đổi được nên mới ra cái cơ sự như thế này

    Trả lờiXóa
  4. Tôi thấy ở các nước Hoa Kỳ, Nhật, Úc... Chức danh Giáo sư luôn gắn liền với tên Trường ĐH mà người đó đang giảng dạy. Khi không còn giảng dạy ở trường đó nữa thì chức danh Giáo sư đó cũng không còn. Còn tại VN chức danh Giáo sư có vẽ như được thần thánh hoá. Có đất nước nào có nhiều giáo sư tiến sĩ như nước ta không? Đủ loại ngành nghề, đủ lĩnh vực, mà đến cả cái ốc vít còn phải nhập khẩu nước ngoài?

    Trả lờiXóa
  5. Chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ nên dành cho những người giảng dạy. Những người không tham gia vào quá trình giảng dạy thì không nên được phong các học hàm học vị đó. Ngoài ra, cần có những tiêu chuẩn cụ thể, chính xác, rõ ràng, hợp lí đối với chức danh GS,PGS tránh hiện tượng tiêu cực trong bộ nhiệm cùng với tệ nạn "hám danh".

    Trả lờiXóa
  6. Cơ chế dạy, học, phong GS, PGS ở Việt Nam thực sự rất khác biệt. Ở nước ngoài mỗi giáo sư nếu ko đạt yêu cầu về nghiên cứu hay bị report giảng dạy quá kém nhiều lần vẫn bị trưởng khoa đuổi như thường. Sau đó ra ngoài thành giảng viên trường ngoài, vài năm sau lại lên pgs rồi GS. Không ai giống VN, lỡ làm PGS hay GS rồi là cả đời là PGS với GS mặc dù những năm sau đó chẳng làm gì.

    Trả lờiXóa
  7. Giáo sư tiến sĩ cũng nhiều. Tiền ngân sách rót đều đều, ít đâu .Công trình khoa học, bấy lâu. Đều đều... xếp ở dưới sau, thua người. Tầm tầm, chỉ đến thế thôi. Hay rằng nghiên cứu còn lười chưa ham...Thế bộ trưởng có dạy đủ 190 tiết dạy/năm, 50% trực tiếp đứng lớp không nhỉ...Phen này thì nghiên cứu sinh không phải ra nước ngoài nữa rồi. Có khi lại là nghiên cứu sinh các nước trên thế giới lại đổ dồn về Việt Nam tu nghiệp thôi

    Trả lờiXóa
  8. Phong giáo sư, phó giáo sư điều đó phản ánh đất nước ngày càng phát triển, nhiều phát minh được ra đời. Phục vụ đất nước Nhưng phong làm sao phải đạt hiệu quả thực tế. Chứ như phó giáo sư Bùi Hiền cải cách tiếng Việt sau 40 nghiên cứu làm cả dân tộc Việt Nam phải học lại và còn phát âm, viết, hiểu khó quá và bên cạnh đó số đông không đồng tình ủng hộ, trong đó nhiều nhà khoa học, giáo sư cũng không nhất trí. Từ 'Giáo sư' trong Hán Việt có nghĩa là thầy giáo, thầy dạy học. Bà Tiến gần chục năm nay là bộ trưởng, có dạy ai không, có nghiên cứu khoa học gì không (rất khó xảy ra ở cương vị bộ trưởng)?

    Trả lờiXóa
  9. Công việc của Bộ trưởng bận rộn như thế mà vẫn còn thời gian và sức lực để phấn đấu đạt chuẩn Giáo sư. Chúc mừng Hội đồng chức danh nhà nước. Chúc mừng Bộ Y tế. Chúc mừng tân Giáo sư tài năng. Mong sao không còn thuốc giả, người bệnh không bị tiêm nhầm thuốc, chết oan.
    Đúng không nào người dân mình ơi?

    Trả lờiXóa
  10. Công việc của Bộ trưởng bận rộn như thế mà vẫn còn thời gian và sức lực để phấn đấu đạt chuẩn Giáo sư. Chúc mừng Hội đồng chức danh nhà nước. Chúc mừng Bộ Y tế. Chúc mừng tân Giáo sư tài năng. Mong sao không còn thuốc giả, người bệnh không bị tiêm nhầm thuốc, chết oan.
    Đúng không nào người dân mình ơi?

    Trả lờiXóa
  11. Chức danh giáo sư và phó gia sư tăng gấp đôi so với năm ngoái. Có những nhân vật mà sự cống hiến không đạt tầm phó giáo sư mà cũng thấy được, quá nhiều tiêu cực

    Trả lờiXóa
  12. Chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chỉ dành cho những người trực tiếp giảng dạy ở các trường học. Những người giữ chức vụ trong ban ngành các cấp, lãnh đạo các cấp không nhất thiết phải có chức danh này. Và thực tế đã chứng minh được điều này là đúng, bởi vì nếu không có một tiết dạy thực tế nào, không có công trình nghiên cứu nào thì chức danh này cũng chỉ để thỏa mãn cái háo danh mà thôi.

    Trả lờiXóa
  13. Chính tôi cũng đang hoang mang với tiêu chuẩn, trách nhiệm và nghĩa vụ của chức danh giáo sư. Bản chất chức danh giáo sư được dùng trong ngành giáo dục đào tạo, được bổ nhiệm là giáo sư thì sức cống hiến cũng phải nhiều và liên tục hơn để xứng đáng với chức danh đó. Nhưng hiện tại thấy nhiều nhà chính khách cũng là giáo sư, mà họ có giảng dạy gì đâu và giảng dạy cũng không phải công việc chính của họ?

    Trả lờiXóa
  14. Câu chuyện rà soát giáo sư, phó giáo sư đang nhận được sự quan tâm của dư luận sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn năm 2017 với số lượng tăng đột biến. Dư luận lo ngại chất lượng giáo sư, phó giáo sư không đảm bảo, với "chuyến tàu vét" trước khi quy định 174 hết hiệu lực.

    Trả lờiXóa
  15. Nguyên nhân để xảy ra tiêu cực trong việc xét duyệt giáo sư là do chức danh này có một số quyền lợi. Phó giáo sư được kéo dài thêm biên chế 5-7 năm. Hiện cũng có quy định giáo sư chắc chắn là giảng viên cao cấp, trong khi trước kia giáo sư chưa chắc là giảng viên cao cấp. Lương của giáo sư tăng nhanh trong khi nhiều người giỏi mà không có chức danh thì vẫn có thang bảng lương bình thường.

    Trả lờiXóa
  16. TS Hồ Ngọc Hải, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường ví von: “Sư phải gắn liền với chùa, nếu không gắn với chùa thì không còn làm sư nữa. Giống như việc phong phó giáo sư, giáo sư phải gắn liền cơ sở đào tạo. Theo tôi, bộ trưởng hay chính khách đừng làm giáo sư làm gì nữa”.
    tôi đồng ý với ý kiến này!

    Trả lờiXóa
  17. Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, cho rằng giáo sư nên giảng dạy ở bậc sau đại học trở lên. “Bộ trưởng, thứ trưởng không cần làm giáo sư bởi họ không có thời gian. Nếu họ đi dạy nên kiểm điểm vì họ bận với công việc quản lý như vậy lại lơ là đi dạy học?”, ông Hào Quang nói.

    Trả lờiXóa
  18. Những ý kiến trên được đưa ra bởi chính những vị giáo sư chân chính, có tâm và có đức. Với việc phong chức danh giáo sư hàng loạt, tiêu chuẩn lỏng lẻo, dùng chức danh để bổ nhiệm vị trí chính trị, họ đang bị xúc phạm và cảm thấy không được trân trọng với cống hiến của mình. Đề nghị nhà nước xem xét cân nhắc những kiến nghị trên

    Trả lờiXóa
  19. ở các nước Hoa Kỳ, Nhật, Úc... Chức danh Giáo sư luôn gắn liền với tên Trường ĐH mà người đó đang giảng dạy. Khi không còn giảng dạy ở trường đó nữa thì chức danh Giáo sư đó cũng không còn. Không phải sính ngoại nhưng hình như ở VN chức danh này đang bị thần thánh hóa, không giống với các nước phát triển kia. Có đất nước nào có nhiều giáo sư tiến sĩ như nước ta không? Đủ loại ngành nghề, đủ lĩnh vực, mà đến cả cái ốc vít còn phải nhập khẩu nước ngoài?

    Trả lờiXóa
  20. Cũng chả phải không nên nhưng bộ trưởng những ngành đấy thì chức danh là tiêu chí phụ thôi, quan trọng là số năm kinh nghiệm làm việc, thành tựu và năng lực làm việc, nếu là nhà giáo tốt thì chắc chắn khả năng quản lý cũng tốt. Nên xét theo hướng đấy chứ đừng nặng bằng cấp.

    Trả lờiXóa
  21. Cũng chả phải không nên nhưng bộ trưởng những ngành đấy thì chức danh là tiêu chí phụ thôi, quan trọng là số năm kinh nghiệm làm việc, thành tựu và năng lực làm việc, nếu là nhà giáo tốt thì chắc chắn khả năng quản lý cũng tốt. Nên xét theo hướng đấy chứ đừng nặng bằng cấp.

    Trả lờiXóa
  22. Nhìn chung, giáo sư chỉ làm công tác quản lý, không làm đúng nghề giảng dạy, đào tạo, sẽ rất lãng phí và vô nghĩa. Chức danh nên là tiêu chí phụ thôi, quan trọng là số năm kinh nghiệm làm việc, thành tựu và năng lực làm việc, nếu là nhà giáo tốt thì chắc chắn khả năng quản lý cũng tốt. Nên xét theo hướng đấy chứ đừng nặng bằng cấp.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog