Chia sẻ

Tre Làng

Ông Đinh La Thăng: 'Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người'


Nêu ý kiến sau phần đối đáp của Viện kiểm sát sáng 24.3, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN, đề nghị đối xử với bị cáo “như số phận một con người”. 

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa ngày 24.3
ẢNH V.H

Các bị cáo không cố tình làm sai mà cố tình làm đúng?

Trong hơn 30 phút bảo vệ quan điểm của mình, bị cáo Đinh La Thăng cho biết việc trình bày lại không phải cho riêng bị cáo mà cho các nguyên lãnh đạo PVN thời điểm năm 2006 - 2011. Dù thay đổi quan điểm luận tội của Viện kiểm sát không hề đơn giản, nhưng bị cáo mong muốn sự thật được sáng tỏ.

Lý giải việc tháng 3.2017 đã nhờ các thành viên HĐTV PVN ký xác nhận việc HĐQT đã thống nhất chủ trương góp vốn vào OceanBank từ năm 2008, bị cáo Đinh La Thăng cho biết “việc ký xác nhận này hoàn toàn tự nguyện, bị cáo không trực tiếp gặp các anh chị ở HĐTV”.

“Đây là chủ trương để giải quyết hậu quả của việc dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, xử lý hàng trăm tỉ đồng, hàng trăm nhân sự đã chuẩn bị. Khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nói về việc này, bị cáo có đề nghị các thành viên HĐTV xác nhận lại. Tại phiên tòa, chị Hoà (bà Phan Thị Hòa, nguyên thành viên HHĐTV PVN - phóng viên) cũng xác nhận chủ trương này là đúng, xác nhận việc trong pháp luật, quy chế hoạt động của PVN, ký thỏa thuận không nhất thiết phải có sự đồng ý của HĐQT. Sự thật là như vậy, chứ không phải bị cáo loanh quanh chối tội”, bị cáo Thăng nêu quan điểm.

Bị cáo Đinh La Thăng cho biết, ngay khi ký, biên bản thỏa thuận đã được gửi trực tiếp cho các thành viên HĐQT, họp thống nhất thông qua. Việc này là công khai, dân chủ, minh bạch.

Về việc đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Đinh La Thăng đã có ý tưởng đầu tiên, chỉ đạo cấp dưới đi đàm phán với các đối tác về việc góp vốn vào ngân hàng, nên dẫn đến các sự việc tiếp theo, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng nếu bị cáo không chỉ đạo thì hàng trăm tỉ đồng đã bỏ ra đầu tư cho Ngân hàng Hồng Việt sẽ mất, chưa kể đến hàng trăm con người đã tuyển dụng.

“Nếu Chủ tịch PVN không chỉ đạo đi tìm đối tác giải quyết hệ luỵ đó thì ai là người chỉ đạo? Nếu bỏ đi mấy trăm tỉ thế thì bị cáo đã không có tội, đề xuất phương án giải quyết mấy trăm tỉ đó thì lại có tội”, bị cáo Đinh La Thăng nêu.

Bày tỏ rất day dứt về việc các thành viên HĐQT PVN bị quy kết đồng phạm trong tội cố ý làm trái, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng đây là những người đã cả đời cống hiến cho ngành dầu khí, không bao giờ cố tình làm sai, mà đây là cố tình làm đúng, nên không thể coi là đồng phạm, mong Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát xem xét.

Chỉ chọn những gì bất lợi cho bị cáo để đưa vào cáo trạng?

Về việc không thực hiện yêu cầu trong công văn của Bộ Tài chính mà Viện kiểm sát cho rằng là một trong những bằng chứng của hành vi cố ý làm trái, bị cáo Đinh La Thăng cho biết: Chính đại diện Bộ Tài chính tại phiên tòa cũng nói đây là công văn trả lời Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ tập hợp, báo cáo Thủ tướng, chứ không phải gửi PVN. Trong kết luận của Thủ tướng lại không có nội dung yêu cầu PVN báo cáo.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN tại tòa
ẢNH L.T

Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định không biết và không ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN, ký Nghị quyết 4266 góp vốn lần ba 100 tỉ đồng vào OceanBank. Bị cáo Đinh La Thăng cũng nêu việc tháng 3.2011, bị cáo đã có chỉ đạo và HĐTV đã ra nghị quyết chuyển nhượng một phần vốn để giảm tỷ lệ sở hữu xuống. Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng cũng có biết việc này.

“Tôi nêu cái này không phải đổ lỗi cho anh Thắng, mà khẳng định là tôi đã có chỉ đạo thoái vốn, không cố ý làm trái”, bị cáo Đinh La Thăng nêu và cho biết đã nộp lại nghị quyết này cho Viện kiểm sát và cơ quan điều tra, nhưng cơ quan điều tra và Viện kiểm sát lại chỉ lấy những cái không có lợi cho bị cáo để đưa vào cáo trạng.

“Đề nghị Viện kiểm sát đánh giá chứng cứ toàn diện, khách quan, chứ không thể chỉ chọn cái gì bất lợi cho bị cáo để đưa vào cáo trạng”, bị cáo Đinh La Thăng nêu.

“Chưa ai nói bị cáo độc đoán, chuyên quyền”

Về việc Viện kiểm sát cho rằng bị cáo độc đoán, chuyên quyền khi khai chỉ cần 1 thành viên HĐQT không đồng ý, bị cáo sẽ dừng ngay không làm, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng đây là việc làm dân chủ. “Mọi việc phải được tất cả mọi người đồng ý. Cách làm của HĐTV PVN là phải thống nhất cao mới thông qua. Trong cả quá trình làm việc, cả ở PVN và các đơn vị khác, chưa từng ai nói bị cáo độc đoán, chuyên quyền”, bị cáo Đinh La Thăng nói.

Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định tất cả các lần góp vốn của PVN đều được Thủ tướng đồng ý là sự thật và hiệu quả đầu tư cũng là sự thật. “Việc đầu tư đã mang lại lợi nhuận 244 tỉ, chưa kể toàn bộ giá trị tiền đã đầu tư vào Ngân hàng Hồng Việt mà OceanBank nhận lại. Khi đầu tư, (tôi) không bao giờ và không thể nghĩ được khi thoái vốn sẽ không được đồng ý và sẽ bị mua với giá 0 đồng. HĐQT phải là thánh mới biết được năm 2015 bị mua 0 đồng”, bị cáo Đinh La Thăng nêu.

Về việc Viện kiểm sát nói rằng công văn tạm dừng việc thoái vốn của PVN tại OceanBank là có cơ sở vì khi đó kết luận thanh tra ngân hàng cho thấy OceanBank đã âm 2,5 lần vốn chủ sở hữu, không có gì để chuyển nhượng, bị cáo Đinh La Thăng cho biết: Quan trọng là đối tác vẫn mua sau khi đã xem xét kết luận thanh tra.

“Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành Ngân hàng TNHH một thành viên thì Ngân hàng Nhà nước đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa? Ngân hàng này vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng. Số tiền này ở đâu, rõ ràng vẫn là của các cổ đông... Ngân hàng Nhà nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy? Nếu NHNN lấy tiền ngân sách bỏ vào là vi phạm luật Ngân sách nhà nước, vì theo quy định, không thể lấy tiền của nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp”.

“Đại diện Bộ Tài chính đã nêu, anh Hà Văn Thắm cũng đã trình bày, năm nay lỗ là do dự phòng rủi ro, năm sau đòi được thì hết lỗ. Tài sản bảo đảm phải được đánh giá...”, bị cáo Đinh La Thăng lý giải.

Bị cáo Đinh La Thăng cũng cho rằng, tháng 8.2011 bị cáo đã chuyển công tác. “Trong 3 năm sau đó, đến năm 2013, OceanBank vẫn có lãi, sao bị cáo lại phải chịu trách nhiệm được? Xin lỗi HĐXX, xin lỗi đại diện Viện kiểm sát, nó giống như chuyện một ông lấy người vợ mà chồng trước đã chết, ông này cứ đi ra mộ ông chồng kia khóc vật vã, vì ông chết nên tôi mới phải lấy vợ của ông”, bị cáo Đinh La Thăng ví von.

Trình bày việc mình đã chịu 1 bản án 13 năm và đang phải đối mặt với một mức án còn nghiêm khắc hơn do Viện kiểm sát đề nghị, bị cáo Thăng mong HĐXX, Viện kiểm sát “hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người”.

6 nhận xét:

  1. Hi vọng Viện kiểm soát và các cơ quan chức năng phải dốc sức vào vụ án này, làm việc thật công tâm. Mọi tội trạng của các bị cáo phải được chứng minh với chứng cứ rõ ràng, bản án phải khiến các bị cáo cũng như dư luận tâm phục khẩu phục

    Trả lờiXóa
  2. Tất nhiên bị cáo Thăng là con người, con người bình đẳng như bao người khác. Nếu đã vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý bình đẳng như nhau. Số phận con người khác nhau ở chỗ đó đó thưa ông Thăng

    Trả lờiXóa
  3. Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Không ai phủ nhận những cống hiến của ông Đinh La Thăng trong suốt sự nghiệp của mình. Nhưng nó hòan toàn không thể tháo gỡ được cho những vi phạm mà ông gây ra cho nền kinh tế nước nhà. Là người đứng đầu thì ông phải là người chịu trách nhiệm

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh01:25 25/3/18

    Ô hô, khi ra tòa ông "nức nở" nhắc đến cha, nức nở về số phận, nức nở về mức án...
    để thiên hạ "tội nghiệp" mà "bênh" ông như thời gian trước . Ông quả có tài "mị dân", vuốt ve đám rận. Tiếc thay công sức "chui sâu, trèo cao"...té nặng... Chống tham nhũng, thoái hóa cũng là chống sách lược "cài người" của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa
  5. Những hậu quả mà Ông gây ra thì thật sự không thể chấp nhận được, tội ác rành rành, sự thật được phơi bày ra như vậy thì ông có xứng đáng để cho mọi người " thường" hay là những lời khinh bỉ của mọi người. Sự vi phạm nghiêm trọng về kinh tế làm thất thoát vốn ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ , vậy có phải là vô ý là không cố tình không.Nếu biết có ngày hôm này thì đừng làm cái này , đã làm rồi thì phải chịu lấy hậu quả thôi .

    Trả lờiXóa
  6. "Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền" có lẽ bây giờ mới đúng" Mọi người bình đẳng trước pháp luật" . Cảm ơn lãnh đạo nhà nước , những nhà thực thi luật pháp đã và đang , vã sẽ mãi mãi lôi những con sâu mọi ra ánh sáng để trừng trị lấy lại tài sản cho dân , củng cố lòng tin của dân để thực sự là "nhà nước của dân do dân và vì dân"

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog