Chia sẻ

Tre Làng

Nóng: Trump tuyên bố tấn công Syria, Anh - Pháp cùng tham chiến

Sau một tuần cân nhắc, Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định tấn công Syria. Cả Anh và Pháp cũng cùng tham gia với Mỹ trong cuộc tấn công.

Trump tuyên bố tấn công Syria "Cách đây vài phút, tôi đã ra lệnh quân đội Mỹ tấn công chính xác vào các mục tiêu có liên hệ với cơ sở vũ khí hóa học của nhà độc tài Syria", Tổng thống Trump tuyên bố tối 13/4.

"Vài phút trước tôi yêu cầu quân đội Mỹ tấn công những địa điểm liên quan đến vụ tấn công hóa học tại Syria ngày 8/4", Tổng thống Trump nói trong bài phát biểu lúc 9h tối giờ Washington DC (8h sáng nay giờ HN). 

Quân đội Anh và Pháp cũng tham gia cùng Mỹ trong chiến dịch tấn công này. Ông Trump đồng thời gửi thông điệp đến Nga và Iran, hai nước đồng minh của Syria: "Vì sao lại có quốc gia muốn dính líu đến việc giết chóc hàng loạt người vô tội, trong đó có trẻ em?"

Tổng thống Trump tuyên bố tấn công Syria tối 13/4. Ảnh: Reuters. 

Syria bắn rơi 13 tên lửa

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Thủ tướng Anh Theresa May cũng thông báo quân đội Anh đã phối hợp tấn công vào các vị trí có vũ khí hóa học của chính quyền Syria. 

Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Washington đã sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk nhắm vào các mục tiêu quân sự tại Syria. Từ Damascus, thủ đô của Syria, Reuters cho biết đã nghe thấy vài tiếng nổ lớn và khói bốc lên từ phía đông thành phố. 

Các vụ tấn công được nhắm vào Damascus và Homs. Truyền hình Syria đưa tin lực lượng phòng không nước này đã đáp trả lại các cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp và đã bắn hạ ít nhất 13 tên lửa.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết 4 máy bay Tornados thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia đã được điều động đến Syria. Đồng thời, nhiều tên lửa hành trình đã được phóng đến những căn cứ quân sự gần thành phố Homs, nơi được cho là điểm cất giấu vũ khí hóa học của chính quyền Syria.

"Đây là lần đầu tiên trên cương vị thủ tướng tôi đưa ra quyết định đưa quân ra chiến đấu - đây là quyết định tôi không đưa ra dễ dãi", Thủ tướng May nói. 

"Tôi làm vậy sau khi đánh giá nó phục vụ cho lợi ích của Anh. Chúng ta không thể chấp nhận việc sử dụng vũ khí trở thành bình thường - dù là ở Syria, trên đường phố của Anh hay bất cứ nơi đâu trên thế giới. Chúng ta muốn có lựa chọn khác nhưng trong trường hợp này, chúng ta không có giải pháp nào", bà May nói. 

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngay lập tức đã có phản ứng quyết liệt với vụ tấn công khi những cảnh báo của Moscow đã không được tôn trọng. "Chúng tôi đã cảnh báo những hành động như này chắc chắn sẽ có hậu quả", ông nói. "Xúc phạm tổng thống Nga là điều không thể chấp nhận được". 

Ông cho rằng việc Mỹ, một nước còn giữ vũ khí hóa học, không có tư cách đạo đức gì hơn để chỉ trích các nước khác. 

Chiến dịch tấn công kéo Mỹ vào sâu hơn cuộc xung đột phức tạp ở Syria, nơi mà mới tuần trước Tổng thống Trump tuyên bố muốn rút lui hoàn toàn. Nó cũng tăng nguy cơ xung đột giữa Mỹ với Nga và Iran - hai nước có quân triển khai ở Syria. 

Tuy nhiên, ông Trump cho biết Mỹ không định hiện diện quân sự vô hạn định tại Syria. "Tôi mong chờ ngày có thể đưa quân đội của mình trở về nhà", ông Trump nói.

Tuyên bố của Tổng thống Trump kết thúc chuỗi ngày đe dọa và tính toán của Nhà Trắng về kế hoạch đối phó vụ tấn công, được cho là có sử dụng vũ khí hóa học, tại Syria tuần trước.

Hình ảnh cho thấy cơ sở nghiên cứu khoa học tại quận Barzah, thủ đô Damascus, đã bị tấn công. Ảnh: Steven Nabil.

Nguy cơ đối đầu Mỹ - Nga - Iran

Nguy cơ xung đột leo thang sau khi Nga cho biết sẽ "bắn rơi mọi tên lửa Mỹ bay đến" còn Tổng thống Trump viết trên Twitter là "tên lửa mới và thông minh đang đến".

Giới chức quân sự Nga cũng cho biết phát hiện 7 máy bay của Mỹ do thám ở phía đông Địa Trung Hải, gần bờ biển Syria. Đây là khu vực có căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân tại cảng Tartus của Nga.

Cuộc xung đột ở Syria vẫn chưa đi đến hồi kết dù quân đội Syria đã chiếm lại được hầu hết cứ điểm quan trọng từ tay lực lượng nổi dậy. Hôm 12/4, lực lượng chính phủ, với sự hỗ trợ của Nga, đã đánh bật quân nổi dậy khỏi thành trì cuối cùng ở thị trấn Douma, Đông Ghouta.

Bầu trời Damascus sáng lên vì các vụ tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp. Ảnh: AP.

Douma cũng là nơi xảy ra vụ tấn công làm 70 người chết và hơn 500 người bị thương hôm 8/4. Phương Tây cáo buộc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học để tiến hành vụ tấn công.

Các dự thảo tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về điều tra vụ tấn công hóa học do Nga hoặc Mỹ đề xuất đều bị phía kia bỏ phiếu phủ quyết.

Khác với lần Mỹ bất ngờ nã 59 tên lửa Tomahawk vào Syria đầu năm 2017, các cuộc tấn công của Mỹ lần này được Tổng thống Trump liên tục đe dọa trước đó. Tổng thống Trump hôm đầu tuần tuyên bố tên lửa đang đến Syria, dù tại thời điểm đó, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Sau đó, ông lại cho biết cuộc tấn công Syria có thể "diễn ra rất sớm hoặc rất trễ".

Washington Post nhận định cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp nhằm vào Syria có thể kéo theo sự trả đũa của Nga và Iran, hai nước đang hỗ trợ quân sự cho chính quyền Assad và làm tăng nguy cơ đối với 2.000 binh sĩ Mỹ đang ở Syria để tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Dù quân đội Mỹ không trực tiếp tham chiến với quân chính phủ Syria, họ thường đối đầu với các nhóm do Iran hoặc Nga bảo trợ.

Chi Mai - Phương Thảo

11 nhận xét:

  1. Chưa nghe danh tên lửa thông minh này rồi. Quỹ đạo bay khó chiệu, vừa bay vừa cập nhật mục tiêu. 1 số tên lửa bị đánh chặn là tên lửa mồi nhử thôi. S400 chưa chứng thực đánh chặn dc. Máy cái phòng thủ tầm ngắn thì đánh chặn khỉ khô gì. F15 iseren quay sâu vào lãnh thổ ném bom mà có phát hiện dc đâu

    Trả lờiXóa
  2. Anh, Mỹ luôn cáo buộc còn Nga luôn bác bỏ, như vậy Nga là người gây ra vấn đề còn Mỹ đi giải quyết vấn đề, xem ra Nga có vẻ yếu thế hơn.Nhiều khả năng quân đội Mỹ đã giới hạn quy mô tấn công, tránh hoàn toàn những khu vực đóng quân của Nga trên lãnh thổ Syria.Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được!

    Trả lờiXóa
  3. Tội nghiệp cho dân lành Syria quá. Tại sao lại cứ muốn chiến tranh vậy ? Tại sao kg hòa bình? Tại sao kg hòa đồng gắn kết chia sẻ để cùng nhau tiến tới Hòa bình cho cả thế giới?Hy vọng mỹ-nga đừng tuyên bố chiến tranh. Để tôi còn cơ hội ăn cơm bên cạnh người thân.Cuộc chiến mà anh nào cũng bảo là chiến thắng cho mà xem.

    Trả lờiXóa
  4. Không muốn động vào Nga, lịch sự quá nhỉ, chắc Mỹ cũng không muốn nổ ra chiến tranh TG III đâu, chỉ răn đe thôi mà. Hai bên cùng kiềm chế cho dân bớt khổ.cầu mong cho thế giới hòa bình! không có chiến tranh. Chiến tranh là chết chóc!Ai đúng ,ai sai!...Quyền lợi thuộc về kẻ mạnh,chỉ khổ dân thường Syria thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Sao hòa bình mong manh thế. Hòa bình giữa các nước và hòa bình trong mỗi quốc gia, mỗi mối quan hệ.Hãy phản đối hành động với những ai gây ra chiến tranh. Dù đó là Lý do gì đều làm chết những người dân vô tội.Rất dễ leo thang nếu những cái đầu nóng không biết kiềm chế !tôi chỉ quan tâm là có bao nhiêu dân thường bị thiêt mạng hay ko thôi?

    Trả lờiXóa
  6. Tôi nghĩ Syria chẳng dại gì làm chuyện này vì năm ngoái họ đã bị Mỹ tấn công bằng 59 quả tomahawk với một cáo buộc tương tự. Vụ tấn công hoá học lần này có khả năng là do một bên thứ 3 đã ném đá dấu tay nhằm trục lợi.Chiến tranh ơi đạn bom ơi đừng rơi nữa. Hận thù ơi, xin hãy tha cho, những trái tim tội tình.

    Trả lờiXóa
  7. Syria giờ đây chỉ còn là một bãi hoang tàn, không một bóng dân thường còn ở mà thực sự là một bãi chiến trường thực sự với những tiếng nổ vang trời của những quả tên lửa và những vụ đụng độ giữa các bên giao tranh. Đây chính là nơi cụ thể hoá cho những xung đột ngầm về lợi ích giữa các bên, đặc biệt là những mâu thuẫn sâu sắc giữa các cường quốc với nhau, tất cả được giải quyết trên chiến trường Syria này.

    Trả lờiXóa
  8. Việc Mỹ và phương Tây tham chiến sẽ khiến diễn biến ở Syria ngàybiê càng phức tạo hơn. Bởi vì Mỹ với Nga-Syria đang có mâu thuẫn gay gắt đặc biệt là sau vụ Mỹ quy kết Nga và SYRia đứng sau vụ việc này. Đây là hành động của Mỹ nhằm tranh giành ảnh hưởng của mình ở vùng Trung Đông. Sự kiện này sẽ khiến cho ngày hòa bình ở nơi đây thêm xa vời mà thôi. Nội chiến sắp bước sang năm thứ 9 rồi. Ngày người dân Syrea khốn khổ sẽ còn kéo dài.

    Trả lờiXóa
  9. lại một cuộc chiến nữa nổ ra và người chịu đau khổ vẫn là người dân Syria, chiến tranh chẳng mang lại lợi lộc gì cả mà chỉ mang lại sự đau khổ, chết chóc mà thôi. hy vọng lần này, người dân Syria sẽ tai qua nạn khỏi. sự tranh giành giữa các nước lớn chỉ làm tổn hại đến các nước nhỏ, điều này là khó tránh khỏi nhưng nó là thể hiện sự bất công, không hợp lý. tất cả mọi mâu thuẫn nên giải quyết trên bàn đám phán là tốt nhất để tránh gây thương vong cho người dân

    Trả lờiXóa
  10. Vụ tấn công hoá học chẳng biết là ai làm, hay chính là do những kẻ muốn kiếm cớ gây chiến tranh tạo ra rồi đổ lỗi cho phe đối diện. Người dân Syria đã khố lắm rồi, chiến tranh chẳng mang lại lợi lộc gì mà chỉ đẩy họ đến đường cùng mà thôi. Trump hãy dừng lại việc này đi, tất cả mâu thuẫn của Nga và Mỹ đừng lôi những người dân vô tội vào!

    Trả lờiXóa
  11. Những nước lớn đang cho mình cái quyền cao hơn cả mạng sống của người khác, đó là sát sinh và đẩy những người dân vô tội vào cảnh bần cùng. Chả biết ai là người gây ra chiến tranh hoá học, nhưng việc tấn công của Mỹ chắc chắn sẽ gây ra hậu quả lớn hơn 70 mạng người nhiều lần. Dừng lại đi!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog