Chia sẻ

Tre Làng

9 điểm cải cách BHXH Phó Thủ tướng tâm huyết gửi hội nghị TƯ 7

Đề án Cải cách chính sách BHXH là 1 trong 3 đề án quan trọng đang được Hội nghị TƯ 7 thảo luận. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công chỉ rõ 9 điểm cần cải cách trong BHXH để đáp ứng với tình hình mới hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách BHXH bao gồm bảo hiểm hưu trí - tử tuất; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Đây cũng là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.

Quỹ an sinh lớn nhất

Phó Thủ tướng đánh giá hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế: gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; cho cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.

Những con số ấn tượng về BHXH 
Năm 2017, tổng số tiền chi cho các chế độ hưu trí, tử tuất, mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng khác từ Quỹ BHXH là 132.140 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với thời điểm ngày 1/1/2007 (năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH).
Tổng số chi hưu trí, tử tuất năm 2017 từ nguồn ngân sách nhà nước là 44.875 tỷ đồng, chỉ còn 25,35% so với tỷ lệ 56,2% tại thời điểm ngày 1/1/2007.
Tính đến năm 2017, tổng số người tham gia BHXH là 13,9 triệu người, tăng hơn 2,3 lần so với thời điểm luật có hiệu lực; số người tham gia BHTN là 11,7 triệu người; thực hiện cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hàng tháng.
Trong năm 2017, có 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 0,7 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; trên 56 nghìn người hưởng chế độ tai nạn, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH”, Phó Thủ tướng nói. 

Ông cũng lưu ý, bên cạnh những thành tựu quan trọng nêu trên, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách BHXH cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đan xen đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo về cải cách chính sách BHXH phù hợp hơn trong bối cảnh mới.

Trong đó, xác định, cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân.

Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

9 điểm cải cách BHXH

Phó Thủ tướng chỉ rõ 9 nội dung cải cách chính sách BHXH được đề cập trong đề án Cải cách BHXH trình hội nghị TƯ 7 thảo luận.

Đề án Cải cách chính sách BHXH đang được hội nghị TƯ 7 thảo luận 

Một là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng bao gồm (lương hưu xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung) nhằm tăng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; đồng thời tạo cơ hội cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu.

Hai là sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng.

Ba là tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

Bốn là cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH.

Năm là đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH.

Sáu là sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế hiện nay đang thấp hơn so với quy định của pháp luật.

Bảy là sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp.

Tám là điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp thông lệ quốc tế.

Chín là xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người tại chức, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

“Trải qua các giai đoạn phát triển, chính sách BHXH đã đạt được những kết quả tích cực, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn cần phải cải cách, điều chỉnh nhiều nội dung để khắc phục những hạn chế, yếu kém, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển và bối cảnh mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mục tiêu cụ thể và lộ trình cải cách BHXH

Đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội); chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.

Đến 2025, tỉ lệ tương ứng với các chỉ tiêu trên lần lượt là 45%, 55% và 85%; đến 2030 là: 60%; 60% và 90%

Từ năm 2021 trở đi, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hấn đấu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp bằng mức ASEAN 4.

Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog