Chia sẻ

Tre Làng

THỰC HƯ THÔNG TIN NÚI ĐẠI BÌNH Ở TP BẢO LỘC, LÂM ĐỒNG BỊ ĐỔI TÊN THÀNH NÚI THIÊN PHONG LĨNH Ở TRUNG QUỐC?


Thời gian gần đây, xuất phát từ bức ảnh chụp một hình chóp đặt trên khu vực núi Đại Bình (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) có dòng chữ “Thiên Phong Lĩnh”; một số cư dân mạng xã hội nhanh tay “tra cứu bằng Google” phát hiện cái tên “Thiên Phong Lĩnh” này trùng với tên một ngọn núi ở Trung Quốc; sau đó trở thành câu chuyện “núi Đại Bình ở TP Bảo Lộc bị đổi tên thành ngọn núi ở Trung Quốc”? Không dừng lại ở đó, một số trang mạng tiếp tục thổi bùng sự việc trên, lan truyền cái bài viết với tít giật gân “NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ÂM THẦM BÁN NƯỚC CHO TRUNG QUỐC”, “TRUNG QUỐC ĐÃ CHIẾM ĐẤT VIỆT NAM, ĐỔI TÊN NÚI ĐẠI BÌNH THÀNH THIÊN PHONG LĨNH”, "CÔNG TY ĐẠI BÌNH LÀ TAY SAI CỦA TÀU"…, gây hoang mang, ngờ vực trong xã hội và nhân dân ở địa phương. Tuy nhiên, bản chất của sự việc trên như thế nào?

NGUỒN GỐC CỦA HÌNH CHÓP ĐẶT TRÊN NÚI ĐẠI BÌNH?

Tháng 09/2017, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Du lịch và Tư vấn du học Đại Bình (Đai Bình Travel) hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực du lịch. Công ty này đã xây dựng Đề án thí điểm mô hình du lịch canh nông và trải nghiệm văn hóa tại núi Đại Bình, TP Bảo Lộc. Sau đó, phía Công ty đã hợp đồng thuê lại gần 10.000m2 đất của một số hộ dân đang khai thác, canh tác trồng trà, cà phê từ trước năm 1991 trên khu vực núi. Diện tích đất do Công ty đầu tư nằm ngoài khu vực rừng phòng hộ theo bản đồ quy hoạch; tuy không nằm ở các đỉnh cao nhất của núi Đại Bình nhưng đây là vị trí chụp hình rất đẹp, có thể nhìn toàn cảnh, bao quát TP Bảo Lộc. Trong giai đoạn thử nghiệm, Công ty trên có dẫn một số đoàn khách lên tham quan, lưu trú, chụp hình; từ đó, nảy sinh ý tưởng đặt một số mốc định danh trên khu vực đất trên để khách du lịch thuận tiện trong chụp ảnh, “check in” khi leo lên đỉnh núi tương tự như đỉnh núi Phan Si Păng ở tỉnh Lào Cai hay núi Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh…

Đại Bình Travel đã đặt một số chóp bằng chất liệu nhôm nhựa (Alu) cao 70cm, gồm 3 mặt, hình tam giác, nội dung ghi trên mỗi chóp gồm các tên như “Thiên Phong Lĩnh”, “núi Đại Bình”, “núi Spung”…, còn lại đều có các thông tin giống nhau gồm “Biểu tượng lá cờ Việt Nam (ngôi sao 5 cánh), logo công ty, độ cao, tọa độ”. Ngày 10/5/2018, nhân viên công ty trên đã xếp một chồng đá trên khu vực đất; sau đó dùng xi măng gắn hình chóp đầu tiên có dòng chữ “Thiên Phong Lĩnh” trên chồng đá này. Ngày 12/5, sau khi mạng xã hội phản ánh việc Công ty tự ý đổi tên núi Đại Bình, phía Công ty đã gỡ bỏ hình chóp trên; riêng phần chân đế bằng đá tự nhiên hiện vẫn còn nguyên trên đỉnh núi.

Ý NGHĨA CỦA CÁI TÊN “THIÊN PHONG LĨNH” TRONG HÌNH CHÓP?

Qua tìm hiểu từ số nhân viên Đại Bình Travel được biết, phía Ban lãnh đạo Công ty khi có ý định đặt tấm bia “check in” trên phần đất dự án; họ không hề có suy nghĩ đổi tên núi Đại Bình mà chỉ nêu ý tưởng đặt 01 tên riêng để định danh “check in” cho phần đỉnh núi tại khu vực đang đầu tư (thực tế núi Đại Bình có rất nhiều đỉnh, mỏm núi với chiều cao khác nhau) đồng thời kèm logo công ty để quảng bá về dự án này; trong đó dự kiến đặt một số tên gọi như “Thiên Phong Lĩnh”, “núi Đại Bình”, “núi Spung”... Trong đó, tên gọi “Thiên Phong” (gió trời) xuất phát từ đề xuất của 01 thành viên góp vốn trong Công ty vì ấn tượng với gió trời rất mạnh tại khu vực đỉnh núi này. Ban đầu lãnh đạo và nhân viên thống nhất tên gọi “Đỉnh Thiên Phong”; tuy nhiên khi đặt làm chóp đã quyết định sửa lại thành “Thiên Phong Lĩnh” (lĩnh có nghĩa là đỉnh núi) để nghe xuôi tai, ấn tượng hơn. Điều đáng tiếc khi đặt tên như trên; phía Công ty đã không rà soát việc tên “Thiên Phong Lĩnh” vô tình lại trùng với 01 đỉnh núi thuộc dãy Hằng Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

CÓ HAY KHÔNG YẾU TỐ TRUNG QUỐC TRONG SỰ VIỆC TRÊN?

Qua tìm hiểu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, đến các công nhân viên của công ty trên và từng người dân đang sinh sống, trồng trọt tại khu vực núi Đại Bình, xin khẳng định: KHÔNG CÓ BẤT CỨ YẾU TỐ TRUNG QUỐC NÀO LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN ĐANG TRIỂN KHAI TRÊN NÚI ĐẠI BÌNH. Hiện Công ty Đại Bình chỉ có 08 công nhân viên, trong đó có 03 thành viên góp vốn và 05 nhân viên hợp đồng, họ đều là người Việt Nam, sinh ra, lớn lên tại TP Bảo Lộc; không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào là người nước ngoài nói chung cũng như Trung Quốc nói riêng tham gia trong dự án trên.

Qua khảo sát thực tế tại khu vực núi, hiện Công ty chỉ mới dựng 01 nhà sàn bằng tre nứa, một số tiểu cảnh và công trình phụ. Từ thời điểm dựng nhà sàn đến nay, lá cờ Việt Nam vẫn tung bay phất phới trên đỉnh nhà sàn. Không có chuyện người Trung Quốc vào đây chiếm đất và dựng bia trên khu vực đất này. Ngay cả việc đặt hình chóp có tên “Thiên Phong Lĩnh” của Công ty Đại Bình, có thể để ý tại phần đỉnh của chóp là biểu tượng ngôi sao năm cánh của quốc kỳ Việt Nam và tất cả thông tin trên chóp không có một biểu tượng nào là của Trung Quốc hoặc có chú thích bằng tiếng Hoa. 

VIỆC CÔNG TY TỰ ĐẶT MỐC ĐỊNH DANH TRÊN ĐỈNH NÚI LÀ ĐÚNG HAY SAI VÀ BẢN CHẤT SỰ VIỆC?

Có thể khẳng định việc Công ty Đại Bình tự đặt mốc định danh như trên là trái với các quy định của pháp luật. Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về “Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng” đã quy định “Không đổi tên công trình công cộng (bao gồm cả công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí) đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ”, “Việc đặt tên công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định. Các công trình công cộng khác UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc đặt tên hoặc ủy quyền cho UBND thành phố trực thuộc tỉnh, UBND quận, huyện, thị xã quyết định”. Do đó, Công ty Đại Bình không có thẩm quyền tự đặt hay đổi tên đối với bất cứ đỉnh núi, mỏm núi nào tại khu vực núi Đại Bình. Trong trường hợp Công ty trên có ý định dựng bảng hiệu để quảng cáo cho doanh nghiệp và dự án đang đầu tư cũng phải chấp hành theo quy định của Luật Quảng cáo và phải xin phép các cơ quan chức năng thẩm định trước khi tiến hành. 

Sau sự việc, các cơ quan chức năng tại địa phương (gồm Phòng Văn hóa – Thông tin, Công an thành phố Bảo Lộc) đã kiểm tra, xử lý đối với Công ty Đại Bình; yêu cầu Công ty này tạm dừng tất cả các hoạt động tại dự án cho đến khi đáp ứng các thủ tục pháp lý liên quan. Về phía Công ty đã thừa nhận việc đặt tên như vậy là sai với các quy định của Nhà nước và cam kết không tái phạm; đồng thời đã gửi thư xin lỗi đến chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Có thể nói, bản chất của thông tin gây xôn xao dư luận nói trên là việc một doanh nghiệp tự ý cắm bảng hiệu (hình chóp), tự đặt tên địa danh sai với quy định của pháp luật; vô tình cái tên này trùng với một địa danh ở nước khác. Tuy nhiên từ cái sai của một doanh nghiệp; một số trang mạng lại tuyên truyền rằng Nhà nước ta “đi đêm” với Trung Quốc, hoặc đã “bán đất” cho Trung Quốc thì đó là một chiêu trò thâm độc của những kẻ chống phá. Với những người hiểu thì không có vấn đề gì, nhưng với những người thiếu thông tin cộng với tâm lý “bài Tàu” cực đoan trong xã hội như hiện nay thì đây quả là một luận điệu xuyên tạc vô cùng nguy hiểm và cần phải hết sức cảnh giác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog