Chia sẻ

Tre Làng

Bài thảo luận: Vụ CSGT bắn đạn cao su vào người vi phạm chạy trốn ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Khoai@

Hôm nay, 15/11/2018 báo Thanh Niên đăng bài: "Người vi phạm giao thông nói 'CSGT bắn', công an nói súng bị cướp cò" của anh Đức Huy Người vi phạm giao thông được xác định là anh Đào Minh Trọng và chị Trần Thị Kim Hoa (vợ của anh Trọng).

Theo mô tả của tờ Thanh Niên, anh Trọng cho biết chiều 15/11, anh chở vợ đi chợ ở TP.Tuy Hòa. Vợ anh không đội mũ bảo hiểm, còn anh thì vượt đèn đỏ, nên bị CSGT đuổi theo, chặn lại. Khi bị CSGT chặn lại, anh đã dừng xe, nhưng do thấy CSGT rút súng ra nên sợ quá quay đầu xe bỏ chạy, thì bị rượt theo. Lúc này (theo anh Trọng), CSGT rút súng bắn vào chị Hoa, rồi đánh anh Trọng. Người dân ra đưa chị Hoa đến bệnh viện. Công an TP.Tuy Hòa cũng đã làm việc với hai vợ chồng để lấy lời khai.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, vết thương trên người chị Hoa nông, bị thương nhẹ, không cần khâu. Hiện chị Hoa đang tiếp tục lưu lại bệnh viện.

Liên quan đến sự việc trên, đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng công an TP.Tuy Hòa, cho biết: Tổ CSGT khi tuần tra đã phát hiện đôi nam nữ chạy lạng lách, đánh võng, người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, hai người này không dừng lại mà tiếp tục lạng lách, đánh võng trước đầu xe CSGT.

“Do trong xe có chở một bao màu đen nên CSGT nghi vấn có vấn đề, ý định bắn chỉ thiên để yêu cầu dừng xe. Tổ CSGT dùng công cụ hỗ trợ là súng cao su loại nhỏ. Do xe công vụ bất ngờ thắng gấp nên cướp cò. Đạn đi qua phần mềm bên hông người ngồi sau”, đại tá Dũng nói.

Như thường lệ, lãnh đạo Công an TP.Tuy Hòa cho biết sẽ yêu cầu 2 CSGT tường trình vụ việc, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

He he. Đúng sai thế nào xin mời anh chị đọc tiếp

***

Súng bắn đạn cao su là một loại công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định "công cụ hỗ trợ" bao gồm:

- Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.

- Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

- Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ.

- Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su dùi cui kim loại, khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn.

- Động vật nghiệp vụ.

Ai được phép sử dụng công cụ hỗ trợ?

Người được trang bị công cụ hỗ trợ gồm:

- Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân.

- An ninh hàng không.

- Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, đơn vị hải quan cửa khẩu, Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;

- Ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

- Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn.

- Câu lạc bộ, Trường, Trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động.

- Cơ quan thi hành án dân sự.

- Thanh tra chuyên ngành Thủy sản, lực lượng kiểm ngư.

- Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

- Các đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cá nhân, tổ chức mua hay sử dụng công cụ hỗ trợ phải được cấp cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Giấy phép. Theo đó:

Khi nào mới được phép sử dụng công cụ hỗ trợ?

Theo Pháp lệnh, người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được phép sử dụng công cụ hỗ trợ trong các trường hợp:

- Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ.

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

- Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại.

- Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, (trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế):

+ Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

+ Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

+ Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

+ Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

+ Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

+ Bắt giữ người theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện phòng vệ chính đáng theo luật.

Việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ nguyên tắc được Bộ Công an quy định tại Thông tư 30/2012/TT-BCA như:

- Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm để quyết định việc sử dụng vũ khí thô sơ;

- Chỉ sử dụng công cụ hỗ trợ khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo bằng mệnh lệnh qua lời nói nhưng đối tượng không tuân theo;

- Không sử dụng công cụ hỗ trợ với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác.

- Trong mọi trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc sử dụng công cụ hỗ trợ gây ra.

Xử lý thế nào nếu sử dụng công cụ hỗ trợ trái quy định?

Đối với những hành vi vi phạm quy định về sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi:

+ Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả.

+ Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.

Ngoài mức phạt nêu trên thì người vi phạm còn bị buộc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ đã đươc quy định trong Bộ luật hình sự.

***
Mời các anh chị tham gia bình luận: (1) Vụ này CSGT nếu có bắn (trong bài là cướp cò) thì đúng hay sai; (2) CSGT có nên mang theo súng cao su khi thi hành công vụ không vì thực tế CSGT cực kỳ ngại sử dụng vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ; và (3) thái độ của lãnh đạo CSGT nên như thế nào?

Tks.

8 nhận xét:

  1. Khi tham gia giao thông thì phải chấp hành luật giao thông đường bộ chứ 2 vợ chồng này lại đi làm trái quy định , lại còn chạy nữa thì đây đang là hành động quá sai trái rồi. Còn xét về phương diện công an giao thông nổ súng do bị cướp cò vì nghi trong xe có túi màu đen nghi vấn thì việc này cần phải điều tra làm rõ hơn để đưa ra một lời giải thích cụ thể cũng như có một đáp án chính xác nhất cho người sai phạm.

    Trả lờiXóa
  2. "Nhân đạo là tự sát". Bọn nhờn luật này phải mạnh tay hơn chúng mới chấp hành. Chắc vị cảnh sát Phú Yên bắn 01 phát ăn ngay, giỏi đấy! Nếu ko cướp cò thì có thể bớt tốn ít khí trời. Lần sau bắn thẳng (ko cướp cò) nhưng chơi 02 hoặc 03 phát (có phát cảnh cáo) và dùng hẳn hàng quân dụng cho chắc ăn. Phải như vậy mới ko bị "nhơn" và ko vướng khiếu kiện!

    Trả lờiXóa
  3. Cần phải làm rõ sự việc này, ai sai phạm? sai phạm như thế nào? thì căn cứ vào pháp luật mà có hình thức xử lí. Tránh làm mập mờ sự việc vừa tạo ra những nghi vấn cho cho người dân và làm ảnh hưởng đến không chỉ một người mà còn hình ảnh của lực lượng Công an.

    Trả lờiXóa
  4. Đã sai phạm luật giao thông rồi còn bố láo, rõ ràng vợ anh không đội mũ bảo hiểm, còn anh thì vượt đèn đỏ, nên bị CSGT đuổi theo, chặn lại. Khi bị CSGT chặn lại, anh đã dừng xe, nhưng do thấy CSGT rút súng ra nên sợ quá quay đầu xe bỏ chạy, thì bị rượt theo còn gì, rõ ràng là ông vi phạm luật ông còn không bình thường, nếu bình thường thì cảnh sát giao thông nào bắn ông, tấu hài vãi

    Trả lờiXóa
  5. Thực sự cần tìm hiểu rõ vấn đề này trước khi lên tiếng, phải biết chính xác ai sai? ai đúng? chứ không phải nghe theo mấy tờ báo lá cải rồi a du

    Trả lờiXóa
  6. Theo như được biết thì chị này không chấp hành luật giao thông, còn không chịu hợp tác với lực lượng CSGT đang thực thi nhiệm vụ

    Trả lờiXóa
  7. Hành vi của hai đối tượng là hành vi bất hợp tác với lực lượng chức năng và coi thường pháp luật Việt Nam. với hành động như vậy rất dễ gây nguy hiểm cho những người xung quanh và cả chính bản thân hai vợ chồng đó.Nếu hành động của 2 vợ chồng xảy ra ở phương tây thì xác định là ăn đủ. mọi người cần phải tìm hiểu kĩ trước khi nghe theo những tờ báo lá cải mà có những suy nghĩ phán xét một cách lệch lạc

    Trả lờiXóa
  8. tôi thấy trong chuyện này phía các anh cảnh sát giao thông hoàn toàn có lý và không thể trách các anh ấy được, đi xe máy không đợi mũ bảo hiểm, chạy lạng lách đánh võng khi cảnh sát có tín hiệu dừng xe lại còn bỏ chạy hơn nữa tren xe lại chở một bao tải như thế bị cảnh sát nghi ngờ là tội phạm rồi đuổi theo thì có gì sai đâu

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog