Chia sẻ

Tre Làng

Hà Nội: 6 câu hỏi về quy định công dân không được ghi âm, ghi hình khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân

Khoai@

Dư luận đang tranh cãi về tính hợp hiến xung quanh câu chuyện UBND.TP.Hà Nội ký ban hành Nội quy tiếp dân, trong đó có quy định "Công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Trước hết, tôi tôn trọng các ý kiến của các bạn. Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ có mấy vấn đề thế này, xin chia sẻ cùng bạn đọc.

1. Ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký văn bản đó có đúng thẩm quyền không?

Trước hết phải khẳng định, văn bản mà ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội ký là Nội quy, không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Định nghĩa phổ biến nhất về nội quy: (1) Nội quy là những quy định do nội bộ một cơ quan tổ chức xã hội tự đặt ra buộc những người làm việc hoặc tham gia cơ quan, tổ chức đó phải tuân theo. (2) Những điều quy định để bảo đảm trật tự và kỉ luật trong một tập thể, một cơ quan.

Xin lưu ý, nội quy không phải là một văn bản quy phạm pháp luật và không nằm trong danh mục 12 loại văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 12 của luật Tiếp công dân có quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh”. Do đó, Chủ tịch TP. Hà Nội ký Nội quy là đúng luật và không xâm phạm quyền lợi của người dân, cũng không hề ảnh hưởng đến người dân. 

Luật tiếp công dân nghiêm cấm: "... 4. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; 5. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; 6. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; 7. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân; 8. Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân".

Khoản (d), Điểm 2, Điều 7 của Luật Tiếp công dân có ghi "Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân".

Như vậy, công dân có quyền nhưng lại đồng thời có nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan tiếp dân. Ở đây là Nội quy mà ông chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký.

Nội quy do Chủ tịch UBND TP vừa ký không xâm phạm quyền của công dân mà chỉ tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc cho cả người tiếp dân và công dân được tiếp, đồng thời ngăn chặn các trường hợp đến trụ sợ tiếp dân để thực hiện các mục đích xấu, cực đoan.

2. Quy định trong Nội quy Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp dân của Hà nội có phải là CẤM công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm không?

Câu trả lời rất đơn giản: Không phải là cấm.

Tôi thực sự khỏng hiểu tại sao người ta có thể biến một câu có tính nhắc nhở, khuyên nhủ rất lành mạnh, nhằm tạo ra một môi trường văn minh, lịch sự, nghiêm túc thành một điều CẤM (xem ảnh ở trên). Trong khi, bất kỳ ai cũng thấy nghĩa của câu này không phải là CẤM.

Nếu là cấm thì câu trên sẽ thành: "Cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi tiếp công dân".

Có thể khẳng định Nội quy này không ảnh hưởng đến 6 quyền theo quy định của Điều 7, Luật Tiếp công dân và phù hợp với nghĩa vụ của công dân được quy định tại khoản 2, Điều 7, Luật Tiếp công dân.

3. Giám sát có phải là quay phim, chụp ảnh, ghi âm không?

Hầu hết các anh chị phóng viên đều có xu hướng đồng nhất "giám sát" thành "quay phim, chụp ảnh, ghi âm" để dẫn dụ người đọc theo hướng, UBND TP Hà Nội đã phạm luật (các luật được liệt kê ở khổ dưới đây). Giám sát không nhất thiết phải quay phim, chụp ảnh. 

Đây là 2 khái niệm khác nhau, mặc dù có những nội dung chồng lấn.

Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Giám sát là quyền hiến định và được nhắc lại nhiều lần trong các loại văn bản luật, như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức HĐND, UBND; Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật MTTQ Việt Nam; Luật Tiếp công dân...Tuy nhiên, không có bất cứ dòng nào của các Luật này định nghĩa "giám sát là quay phim, chụp ảnh, ghi âm".

Luật không phải là văn chương nên không được suy diễn. Trong phần giải thích từ ngữ của các văn bản Luật nêu trên không có dòng nào giải thích giám sát có nghĩa là quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Do đó không thể đồng nhất 2 khái niệm trên được.

Tôi cho rằng, những ai đang biến câu "Công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" thành điều cấm là đang đánh tráo khai niệm.

Đơn giản, Giám sát chỉ là việc "theo dõi, xem xét, đánh giá". Tất nhiên, có nhiều loại hình công việc thì việc ghi âm ghi hình là bắt buộc. Nhưng cũng có những công việc, không nhất thiết phải ghi âm ghi hình bởi nó tác động đếm tâm lý, tình cảm, sự tự tin của người thực thì công việc, hoặc phía chính quyền đã có sẵn công cụ ghi âm, ghi hình, nếu cần thiết có thể trích xuất sử dụng .

Việc đồng nhất 2 khái niệm này là vô cùng nguy hiểm. Nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang bùng phát, trong khi số khác lười đọc.

4. Công dân được phép làm những việc mà pháp luật không cấm?

Một số anh chị nói rằng, "công dân được phép làm những việc mà pháp luật không cấm" và viện dẫn ngay trong Luật tiếp công dân và ngay cả văn bản của Hà Nội, "không có dòng nào cấm công dân chụp ảnh, quay phim, ghi âm". Do đó công dân có quyền ghi âm ghi hình....

Lập luận này không hoàn toàn đúng. 

Đương nhiên là pháp luật cấm cái gì thì không được làm cái đó. Nhưng có những điều mà pháp luật không cấm thì công dân có thể (1) vẫn không được làm hoặc (2) không nên làm.

Pháp luật không thể điều chỉnh hết mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó có những trường hợp luật không cấm, nhưng nếu đã có quy định khuôn khổ như: nội quy của một cơ quan, phong tục, tập quán của từng địa phương, đạo đức xã hội... thì người dân vẫn buộc thực hiện trong khuôn khổ đó. Ở đây, luật Tiếp công dân không có dòng nào quy định cấm "quay phim, chụp ảnh, ghi âm", có nghĩa là luật không cấm, nhưng nội quy của cơ quan thì công dân phải chấp hành. Điều này tương tự như bạn vào làm việc tại một cơ quan tổ chức nào đó (ví dụ như trường học, bệnh viện, chùa chiền...), dù luật không cấm, nhưng bạn sẽ phải tuân thủ những quy định có tính chất nội quy của cơ quan, tổ chức đó.

Nếu nói rằng, "công dân được phép làm những việc mà pháp luật không cấm" và viện dẫn Luật tiếp công dân và ngay cả văn bản của Hà Nội, "không có dòng nào cấm công dân chụp ảnh, quay phim, ghi âm", do đó công dân có quyền ghi âm ghi hình....", thì tôi cũng có thể mặc quần đùi (vì tôi thấy đẹp), áo in hình chim bướm, thậm chí có cả hình cực kỳ phản cảm tới Trụ sở tiếp dân vì luật không cấm.

5. Có phải Hà Nội là nơi duy nhất có quy định này?

Câu trả lời: Không phải.

Theo thống kê dựa trên quyết định ban hành nội quy tiếp dân của đã có 33 tỉnh, thành và 7 bộ, ngành có quy định như Hà Nội. Trong số các tỉnh có quy định "không được ghi âm, ghi hình khi chưa xin phép" có hầu hết các TP lớn và hầu hết các bộ, ngành. Chỉ có Bộ Tư pháp không có quy định trên.

Thậm chí, TP. HCM có quy định chặt hơn cả Hà Nội. Nội quy tiếp công dân do Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành có quy định: "không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, treo băng rôn, biểu ngữ khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền". 

Và ngay cả Trụ sở tiếp dân Trung ương cũng có quy định này. Xem hình bên.

Trên thế giới, hiện tại người viết mới liên hệ được với anh Hồ Ngọc Thắng là người Đức gốc Việt và được anh cho biết, ở CHLB Đức cũng có quy định tương tự. Xin trích nguyên văn: 

"Ở Đức cấm quay phim chụp ảnh, ghi âm tại phòng làm việc của quan chức. Vì lý do an ninh, cửa ra vào, hành lang và phòng chờ đợi của khách được ghi hình và lưu lại một thời gian ngắn. Nếu sau đó không có việc gì xảy ra, hình ảnh được xóa. Trong trường hợp báo chí ghi âm thanh và hình ảnh, thí dụ khi tiến hành phỏng vấn, phải xin phép trước và phải được sự đồng ý. 

Cho đến khi tôi rời nhiệm sở hôm 1-4-2018, Cơ quan Liên bang phụ trách di cư và tị nạn (BAMF) thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Ðức có quy định cụ thể cấm quay phim chụp ảnh, ghi âm tại phòng làm việc của quan chức. 

Khi bắt đầu phỏng vấn người nộp đơn xin tị nạn, tôi đều nhắc nhở Luật sư, phiên dịch viên, và những người khác có mặt trong phòng là việc quay phim chụp ảnh, ghi âm trộm sẽ bị trừng phạt theo quy định của Bộ luật hình sự. Vì điện thoại di động có chức năng thu âm nên tôi yêu cầu họ tắt máy trước mặt tôi. 

Khi phỏng vấn, một máy thu âm được sử dụng, nhưng quan chức phỏng vấn sử dụng nó để đọc chính tả câu hỏi và câu trả lời. 

Sau khi thư ký nghe bản ghi âm ở một phòng làm việc khác, có thể là ở một TP khác để viết Biên bản phỏng vấn, đoạn ghi âm đó sẽ được xóa sau khi quan chức phỏng vấn hoàn tất việc kiểm tra lỗi đánh máy".

Như vậy, Hà Nội không phải là địa phương duy nhất có quy định này.

6. Công dân có cần thiết phải quay phim chụp ảnh ghi âm ở Trụ sở tiếp dân không?

Phải khẳng định ngay là không cần thiết.

Ngoài hệ thống camera an ninh thì hiện tại tất cả các Trụ sở tiếp dân của Hà Nội đều được trang bị phương tiện ghi âm, ghi hình để (1) quản lý, giám sát cán bộ tiếp dân cũng như công dân đến làm việc; (2) ghi lại, lưu giữ thông tin phục vụ lâu dài và (3) đề phòng những trường hợp công dân có hành vi xấu. 

Việc trang bị những phương tiện này đảm bảo tính khoa học, không làm ảnh hưởng tới tâm thế, thái độ làm việc của cả cán bộ lẫn công dân. Điều này thể hiện một cách rõ ràng rằng, Hà Nội đã chủ động đảm bảo cho các quyền lợi của công dân khi đến làm việc và nó cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng các quy địh trong Nội quy tiếp dân này.

Ở đây cần nhấn mạnh việc việc trang bị các phương tiện ghi âm, ghi hình trên là để (1) đảm bảo quyền lợi của công dân, ngăn ngừa, xóa bỏ tình trạng cán bộ tiếp dân không làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình; (2) Hạn chế những bình luận phiến diện khi tiếp nhận thông tin một chiều, và vạch trần và có cơ sở xử lý những hành vi đến Trụ sở tiếp dân không phải để khiếu nại, tố cáo, hay trình bày nguyện vọng mà là để gây mất an ninh trật tự; và (3) để cung cấp lại một cách trung thực nhất toàn cảnh buổi tiếp công dân cho người dân có nhu cầu sao lưu. Công dân có thể sử dụng các dữ liệu đó để đảm bảo quyền của mình.

Việc công dân đến trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo hay đòi hỏi chính quyền giải thích điều gì đó là bình thường. Nhưng thay vì làm những việc như đã nêu, anh lại lăm lăm máy ảnh, máy quay và ghi âm thì nó cho thấy động cơ không trong sáng của mình.

Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy, công dân đến trụ sở tiếp dân không cần thiết phải ghi âm, ghi hình.

12 nhận xét:

  1. Sáu câu hỏi trên cũng trả lời được phần nào cái đúng đắn và tính chính xác của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc đưa ra nội quy về chụp ảnh quay phim quan chức đang làm việc rồi. Đấy ví dụ hôm qua ở Đức cũng có đấy sao không thấy ai nói gì mà cứ có cái gì mới về Việt nam là cư dân cộng đồng mạng lại xồn lên như kiểu ai cắn hay cháy nhà thế nhỉ, rõ ràng Hà Nội đã làm vô cùng chính xác rồi

    Trả lờiXóa
  2. Theo tôi được biết thì hầu như tất cả các Trụ sở tiếp dân của Hà Nội đều được trang bị phương tiện ghi âm, ghi hình để quản lý, giám sát cán bộ tiếp dân cũng như công dân đến làm việc; ghi lại, lưu giữ thông tin phục vụ lâu dài và đề phòng trường hợp người có hành vi xấu. Do đó công dân đến trụ sở tiếp dân không cần thiết phải ghi âm, ghi hình.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh11:47 11/1/19

    Việc công dân đến trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo hay đòi hỏi chính quyền giải thích điều gì đó là bình thường. Nhưng thay vì làm những việc như đã nêu, anh lại lăm lăm máy ảnh, máy quay và ghi âm thì nó cho thấy động cơ không trong sáng của mình.

    Trả lờiXóa
  4. Mọi người cần tìm hiểu văn bản này một cách kĩ càng, nắm được những nội dung quan trọng của nó chứ không phải là nghe thông tin từ những tờ báo lá cải để rồi có cách nhìn nhận sai lệch. Không hề có chuyện cấm quay phim chụp ảnh nhé. Chỉ là phải có sự cho phép, thỏa thuận từ hai bên. Điều này là hoàn toàn hợp lí.

    Trả lờiXóa
  5. Quy đinh mà UBND Hà Nội đưa ra nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả của bộ máy. Vậy mà báo chí mạng lại đưa tin sai lệch sự thật, định hướng dư luận làm người dân hiểu sai bản chất vấn đề. Mọi người cần tìm hiểu kĩ càng văn bản này, không để mình trở thành đứa trẻ bị nhồi sọ những thông tin sai sự thật để rồi bị các thế lực thù địch lợi dụng.

    Trả lờiXóa
  6. Bản nội quy trên được ra đời đáp ứng yêu cầu trong tình hình tiếp công dân hiện nay nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền bởi không phải công dân đến đó muốn làm gì thì làm. Do vậy mọi người hãy hiểu thật cho đúng, đừng chưa nghĩ thấu đáo đã hành động thiếu suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  7. . Lợi dụng vấn đề này thì các đối tượng xấu lợi dụng vào việc chống phá đất nước.Do vậy, mọi người hãy tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin mới, lạ; đặc biệt trên các trang mạng không chính thống. Có như vậy mới không nhìn nhận sai vấn đề, thậm chí bị lôi kéo vào thực hiện các mưu đồ chính trị của những kẻ xấu./.

    Trả lờiXóa
  8. đây chỉ là nội quy không phải là văn bản pháp luật và nó cũng không phải là cấm việc ghi âm ghi hình như một số thông tin trên các trang mạng đăng tải. Chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những thông tin thất thiệt tránh việc chúng ta nghĩ sai về quyết định của thành phố HN

    Trả lờiXóa
  9. hóa ra đó chỉ là nội quy, muốn quay phim ghi hình thì phải xin phép thế mà mấy trang tin khác nó cứ giật tít kêu rằng chính quyền HN cấm quay phim, ghi hình cơ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành ủy HN không điên mà làm việc đó đâu, việc này ảnh rất nhạy cảm nên nếu đưa ra những văn bản mà sai thì lập tức bị người dân phản đối và thậm chí có thể là cái cớ để cho số chống đối ở HN nó chông đối chính quyền

      Xóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog