Chia sẻ

Tre Làng

Australia phản đối yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông

Công hàm lên Liên hợp quốc của Australia nhấn mạnh nước này nhận thấy "không có cơ sở pháp lý" cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.

Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+) 25/07/2020 14:39 GMT+7 

Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. (Ảnh minh họa. Hồ Cầu/TTXVN)

Trong một tuyên bố chính thức trình Liên hợp quốc, Australia đã bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngày 23/7, Australia đã gửi công hàm số 20/026 lên Liên hợp quốc bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Công hàm nhấn mạnh Australia nhận thấy "không có cơ sở pháp lý" cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm.

Đáng chú ý, công hàm của Chính phủ Australia cũng khẳng định không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong Công hàm gửi Liên hợp quốc ngày 17/4, nói rằng "các yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận.”

Trước đó, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, theo đó coi "các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp."


Liên quan vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 15/7 nêu rõ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này./.

Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+)

1 nhận xét:

  1. Những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông vi phạm nghiêm trọng các điều ước quốc tế về luật biển, đe dọa tới an ninh an toàn khu vực biển Đông. Đây là các hành vi đơn phương từ phía Trung Quốc và đang bị các nước trên thế giới lên án, phản đối. Việc tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế phản đối hoạt động của Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta giữ vững độc lập chủ quyền và lên án hành động ngang ngược vi phạm lãnh thổ của Trung Quốc.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog