Chia sẻ

Tre Làng

Nhập cảnh trái phép cận tết gia tăng: Cách ly, xử nghiêm

Dự báo số lượng người nhập cảnh trái phép về Việt Nam thời gian tới tiếp tục gia tăng, trong khi đó nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID - 19 vẫn rất cao nếu lơ là cảnh giác.

Vào hồi 1 giờ 30 ngày 22/1, tại đường mòn thuộc khu vực mốc 963, thuộc thôn Đoàn Kết, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tổ công tác thuộc đồn biên phòng Pò Mã phát hiện 9 người (6 nam, 3 nữ) là công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua biên giới để vào Lạng Sơn.

Một chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh

Đây là số công dân ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, sang Trung Quốc làm thuê nhiều tháng nay, áp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, họ bàn nhau thuê người đưa vượt biên trái phép để về quê ăn tết.

Lực lượng biên phòng Pò Mã tiến hành lấy lời khai ban đầu, thăm khám sức khỏe và bàn giao 9 người kể trên cho cơ quan chức năng ở địa phương đưa đi cách ly phòng dịch COVID-19 theo quy định.

Trước đó, ngày 21/1, đơn vị đồn Pò Mã cũng đã phát hiện, thu dung 17 công dân có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lai Châu, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Long. 

Duy trì 100% quân số trực

Thời điểm này, đồn biên phòng các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk (2 địa phương có chung đường biên giới với Campuchia) duy trì 100% các tổ, chốt và quân số làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chốt chặn trên biên giới; riêng các khu vực trọng điểm, phức tạp, được điều thêm người, phương tiện, kịp thời phát hiện, ngăn chặn triệt để các đối tượng vượt biên trái phép.

Trung úy Nguyễn Văn Tươi- Phó Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Bo Heng (Biên phòng Đắk Lắk) cho biết: “Nước ở suối Đắk Đăm (dọc biên giới Campuchia) đã cạn. Rất có thể các đối tượng, người dân lợi dụng cơ hội này vượt biên trái phép. Nhận chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, tổ chốt chúng tôi trực, tuần tra 24/24, kịp thời ngăn chặn người nhập cảnh trái phép”.

Hiện, trên đoạn biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), Bộ đội biên phòng (BĐBP) Đắk Lắk đang triển khai 6 chốt cố định, 2 tổ, chốt cơ động và 18 tổ tuần tra khu vực biên giới với hàng trăm cán bộ chiến sĩ ngày đêm thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đảm bảo an ninh biên giới, các tổ, chốt biên phòng còn triển khai phòng chống dịch COVID-19 tại chỗ như: Đăng ký, kiểm tra sức khỏe, sát khuẩn… đối với các công dân thường xuyên qua lại khu vực biên giới làm ăn.

Gia Lai, cũng có chung đường biên giới với Campuchia (dài khoảng 90km); đa số là đường rừng nên việc quản lý, tuần tra gặp nhiều khó khăn. Trong giá lạnh nơi rừng sâu, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai vẫn bám trụ từng đường biên, cột mốc, kiểm soát từng đường mòn lối mở, đảm bảo an ninh biên giới và phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, các chiến sĩ biên phòng còn tuyên truyền, phát khẩu trang y tế, hướng dẫn người dân khu vực biên giới cách phòng chống dịch.

Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn- Ya Toan Ênuôl cho biết, bảo vệ an ninh biên giới và phòng chống dịch bệnh là 2 nhiệm vụ xuyên suốt. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, nhu cầu người lao động ở Campuchia về ăn tết rất cao, Huyện ủy cũng đã yêu cầu các cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở cùng vào cuộc, ngăn người nhập cảnh trái phép, giữ vững biên giới, đón xuân an lành.

Theo đại diện Sở Y tế Gia Lai, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào tỉnh qua đường biên giới và Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai) vẫn còn cao. Nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, công dân người Việt làm ăn, sinh sống tại Campuchia về nước sum họp gia đình.

Túc trực 24/24

Dọc tuyến biên giới gần 50km, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp bố trí 14 chốt cố định và 17 tổ tuần tra lưu động để kiểm soát, quản lý người xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở.

Trong 2 tuần đầu năm 2021, lực lượng Biên phòng đã phát hiện, tiếp nhận và đưa đi cách ly tập trung 89 trường hợp người Campuchia gốc Việt trở về, trong đó có 62 trường hợp nhập cảnh trái phép. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, số lượng kiều bào về nước qua biên giới của tỉnh sẽ tăng cao, do đó, bên cạnh yêu cầu tăng cường lực lượng kiểm soát, tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng các nhà tạm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19 cho các chiến sỹ an tâm làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Lê Hoàng Em, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà cho biết, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID - 19, ngay từ đầu tháng 3/2020, đơn vị đã triển khai 04 tổ cố định và 05 tổ lưu động trên biên giới với trên dưới 40 đồng chí ngày đêm bám chốt, tổ chức các hoạt động tuần tra, quan sát khép kín biên giới, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vượt biên trái phép, không cho dịch bệnh xâm nhập qua biên giới. Qua đó các tổ chốt trên biên giới đã kịp thời phát hiện và đẩy đuổi hàng trăm người có ý định vượt biên, bắt và xử lý hành chính, đưa đi cách ly tập trung 33 vụ/44 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt chức năng quản lý cửa khẩu kiểm soát và giải quyết người nhập cảnh, phương tiện, hàng hóa qua lại, hoạt động trong phạm vi cửa khẩu theo quy định trong điều kiện dịch bệnh. Qua đó đã tiếp nhận, tạo điều kiện và làm thủ tục đưa đi cách ly 354 người nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam đảm bảo chặt chẽ, an toàn.

Cách ly 14 ngày

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị các phương án để đón người Việt từ Campuchia nhập cảnh về nước. Cụ thể, đối với người nhập cảnh theo đường chính ngạch, tỉnh đã bố trí khu cách ly tập trung khoảng 400 chỗ, thực hiện 14 ngày cách ly xong, họ sẽ được về đón tết cùng gia đình. Đối với người nhập cảnh trái phép, cũng sẽ đưa vào khu cách ly, xử lý theo quy định; tuy nhiên sau đó tùy trường hợp xem xét để cho về đón tết cùng gia đình hay không.

"Không còn con đường nào khác?"

Tại Đồng Tháp, hiện có 4 hộ (21 nhân khẩu) diện nhập khẩu trái phép, đang ở tạm tại điểm phụ trường tiểu học Thống Nhất, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước mắt cho họ ở tạm, đồng thời hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để sinh sống và chờ các thủ tục khác theo quy định của pháp luật. 

Ông Lê Văn Hoàng, 63 tuổi, nhập cảnh trái phép từ Campuchia về cách ly ở huyện Hồng Ngự rồi được đưa đến ở tạm tại đây, cách nay gần 3 tháng. Ông Hoàng kể, sinh ra ở Campuchia, sống bằng nghề câu lưới trên sông, nhưng vài năm gần đây cuộc sống khó khăn và cuối cùng không còn đường nào khác phải quay trở về Việt Nam, trong khi không có giấy tờ gì về nhân thân. “Biết nhập cảnh trái phép là sai quy định nhưng không còn con đường nào khác nên đành làm liều”, ông Hoàng nói. Hằng ngày ông cùng con trai xuống sông giăng lưới, hay ai có thuê làm hồ hoặc phụ việc gì khác thì làm để có tiền phụ thêm đắp đổi qua ngày. Cùng hoàn cảnh, bà Lê Thị Cúc (62 tuổi) bộc bạch: “Nhờ nhà nước hỗ trợ, lo đầy đủ gạo và nhu yếu phẩm nên lần đầu tiên cả nhà ăn tết ở quê cha đất tổ mà không lo sợ đói”.

Hòa Hội
HÒA HỘI - DUY CHIẾN VÀ PVTN

6 nhận xét:

  1. Càng gần Tết Nguyên đán thì tình trạng nhập cảnh trái phép lại càng có nguy cơ tăng cao mang theo nhiều tiềm ânr về dịch bệnh phức tạp quay trở lại do vậy phải có biện pháp mạnh tay để xử lí

    Trả lờiXóa
  2. Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện trong khả năng để đón người dân về nước trong điều kiện dịch bệnh tuy nhiên người dân cũng phải hết sức bình tĩnh, không bất chấp mọi cách, mọi con đường để trở về làm tình hình thêm phức tạp

    Trả lờiXóa
  3. Có thể thấy càng đến dịp Tết, thì số lượng người nhập cảnh trái phép lại có xu hướng tăng lên, vậy nên mỗi lực lượng có liên quan phải phối hợp với nhau để giải quyết tình trạng trên, tránh các hậu quả về sau

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã, đang diễn biến phức tạp nên việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hành vi vô cùng nguy hiểm và đáng bị lên án. Với hành vi đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép thì tùy vào từng mức độ, hậu quả xảy ra người có hành vi vi phạm có thể phải chịu xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự

    Trả lờiXóa
  6. Càng gần ngày Tết thì tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ngày càng tăng. Mức phạt hành chính cao nhất với người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là 05 triệu đồng. Ngoài ra, trường hợp người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog