Chia sẻ

Tre Làng

Nguyên văn báo cáo của Bộ GDĐT về hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Khoai@

Báo cáo hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng

I. Báo cáo kết quả làm việc của Đoàn công tác về việc thành lập Hội đồng trường (HĐT) và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ĐHTĐT)

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Công văn số 359/TB-VPCP ngày 10.10.2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Trường Đại học Tôn Đức Thắng), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Đoàn công tác liên ngành để rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thành lập HĐT và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường ĐHTĐT. Trên tinh thần khách quan và xây dựng, vì sự phát triển của Trường, Đoàn công tác đã làm việc với nhiều bên liên quan và có hướng dẫn để Trường ĐHTĐT triển khai, sớm kiện toàn bộ máy tổ chức và ổn định các hoạt động. Trên cơ sở kết quả làm việc của Đoàn công tác, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Phó Thủ tướng như sau:

1. Về quá trình thành lập và hoạt động của Trường ĐHTĐT

Trường ĐHTĐT được thành lập năm 1997 là một trường dân lập do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và đầu tư[1], năm 2003 được chuyển đổi thành trường bán công trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh[2] và năm 2008 được chuyển thành trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây viết tắt là TLĐ)[3].

Từ ngày thành lập cho đến nay, Trường ĐHTĐT được giao quyền tự chủ cao trong nhiều lĩnh vực đồng thời tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Các cơ quan chủ quản hỗ trợ đầu tư đối với Trường ĐHTĐT về tài chính, tài sản, thủ tục xin cấp đất và huy động vốn; thực hiện vai trò quản lý chủ yếu thông qua quy chế tổ chức và hoạt động, công tác tổ chức, nhân sự Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng trường) và Ban giám hiệu (BGH). Trong các nhiệm kỳ trước đây, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Chủ tịch TLĐ luôn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng trường.

Năm 2015, Trường ĐHTĐT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động[4]. Theo đó, Trường ĐHTĐT được thực hiện một số nội dung theo Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, căn cứ pháp luật về giáo dục đại học và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Khác với hầu hết cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống, Trường ĐHTĐT là một trong số ít trường đại học công lập và là trường duy nhất trong số 23 trường đại học thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP mà cơ quan quản lý trực tiếp không nằm trong hệ thống hành chính Nhà nước.

Phát huy ưu thế của một trường đại học công lập được giao quyền tự chủ cao, trong những năm qua, Trường ĐHTĐT đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả được xã hội ghi nhận, đặc biệt trong đầu tư mở rộng khuôn viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất và môi trường học tập, thúc đẩy hội nhập và tăng vị trí xếp hạng quốc tế.

Những kết quả có được chủ yếu nhờ sự đóng góp của cả tập thể nhà trường trong đó có vai trò quan trọng của ông Lê Vinh Danh; đồng thời nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của TLĐ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành hoạt động, lãnh đạo trường và cá nhân ông Lê Vinh Danh đã có những sai phạm tới mức bị kỷ luật; trong một thời gian dài, HĐT và BGH chưa được kiện toàn theo quy định của pháp luật.

2. Về việc thành lập HĐT và kiện toàn BGH của Trường ĐHTĐT theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34)

HĐT Trường ĐHTĐT nhiệm kỳ 2014-2019 được công nhận vào ngày 3.11.2014 [5], kết thúc nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng vào ngày 20.7.2019 [6]. Trong thời gian từ tháng 5.2019 đến tháng 9.2019, Trường ĐHTĐT đã hai lần thực hiện quy trình thành lập HĐT nhưng không được TLĐ công nhận. Bộ GDĐT cũng đã có công văn trao đổi, hướng dẫn [7] và cử cán bộ tham gia tổ công tác do TLĐ thành lập vào giữa tháng 8 năm 2019, tuy nhiên TLĐ đã không nhất trí với tập thể lãnh đạo Trường ĐHTĐT về quy trình nhân sự HĐT và Chủ tịch HĐT [8].

Do chưa thành lập được HĐT nhiệm kỳ mới và vì thế cũng chưa thực hiện được quy trình nhân sự BGH nhiệm kỳ mới, TLĐ đã hai lần ra quyết định kéo dài thời gian nhiệm kỳ của HĐT và BGH trên cơ sở đề nghị của HĐT nhiệm kỳ 2014-2019, lần cuối theo quyết định đến khi có hướng dẫn của Chính phủ thực hiện Luật 34/2018/QH14 (Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15.2.2020) [9]. TLĐ cũng yêu cầu trong thời gian tối đa 60 ngày làm việc kể từ khi có hướng dẫn của Chính phủ, Trường ĐHTĐT có trách nhiệm thực hiện quy trình, thủ tục thành lập HĐT nhiệm kỳ mới theo đúng quy định.

Tại thời điểm Nghị định 99 có hiệu lực, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy trường và cá nhân đồng chí Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng[10]. Trong khi thời gian kéo dài nhiệm kỳ của HĐT và BGH đã hết, đại diện TLĐ và tập thể lãnh đạo Trường[11] đã có quyết định không phù hợp khi thống nhất tạm dừng triển khai thành lập HĐT cho đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh[12]. Một phần do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cuối tháng 7.2020 Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới kết thúc quá trình kiểm tra và có thông báo kết luận.

Trong thời gian từ tháng 4.2020 đến tháng 9/2020, Bộ GDĐT đã có nhiều công văn trao đổi và đôn đốc [13], tuy nhiên việc thành lập HĐT của Trường ĐHTĐT vẫn chưa được triển khai, nguyên nhân chính cũng xuất phát từ những bất ổn liên quan tới các nhân sự chủ chốt của Trường ĐHTĐT và căn cứ pháp lý khi HĐT nhiệm kỳ cũ không còn hoạt động.

Tháng 8.2020, sau khi có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh, TLĐ mới có quyết định giao cho ông Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019, thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động nhà trường, là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của Trường ĐHTĐT; được thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐHTĐT và theo quy định của pháp luật[14].

3. Về hướng giải quyết các vấn đề thành lập HĐT và kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Trường ĐHTĐT

a) Khó khăn, vướng mắc hiện nay của Trường ĐHTĐT trong việc triển khai thành lập HĐT và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý

- Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐHTĐT chưa được ban hành mới để cập nhật các quy định phù hợp với Luật 34. Theo quy định của Nghị định 99, trong trường hợp này tập thể lãnh đạo sẽ phải thống nhất được với đại diện TLĐ và các thành viên đương nhiên khác của HĐT một số nội dung chi tiết về cơ cấu, số lượng và quy trình giới thiệu, bầu thành viên HĐT.

- Tập thể lãnh đạo có vai trò chỉ đạo quy trình thành lập HĐT, nhưng hiện nay chỉ có 3 người, trong đó 2 người là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy trường và 1 người thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng[15]. Đảng ủy trường nhiệm kỳ mới chưa được bầu nên Đảng ủy trường nhiệm kỳ 2015-2020 được lưu nhiệm, trong đó có nhiều người đã bị kỷ luật đảng.

- Quy hoạch các chức danh Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐT và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khác chưa được phê duyệt. Nhân sự dự kiến được phê duyệt quy hoạch chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, công nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý (nhất là về tiêu chuẩn cao cấp lý luận chính trị). Quy trình xem xét kỷ luật, khiếu nại về hình thức kỷ luật của các cấp có thẩm quyền đối với một số đảng viên, cán bộ chủ chốt có thể còn kéo dài [16].

- Việc điều hành Trường ĐHTĐT được giao cho một viên chức là Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019 nhưng hiện không có chức danh lãnh đạo, quản lý chính thức nên gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trường chưa đồng thuận việc quyết định hay không quyết định giao quyền Hiệu trưởng cho một người trong thời gian chưa có HĐT [17]. Việc lựa chọn một nhân sự đứng đầu bộ máy lãnh đạo, quản lý ngay trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Thực tế cho thấy, uy tín đối với đội ngũ cán bộ, viên chức cũng như vai trò và ảnh hưởng đối với sự phát triển Trường ĐHTĐT của cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh là khá lớn so với các đồng chí khác trong bộ máy lãnh đạo, quản lý Trường ĐHTĐT.

b) Kiến nghị hướng giải quyết

Để giải quyết những khó khăn trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5363/BGDĐT-TCCB ngày 11.12.2020 gửi Trường ĐHTĐT hướng dẫn thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý theo hướng như sau:

- Tập thể lãnh đạo Trường ĐHTĐT khẩn trương thực hiện quy trình thành lập HĐT, trong đó để khuyết một số vị trí thành viên đương nhiên. Nếu chưa có nhân sự đáp ứng ngay tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Chủ tịch HĐT thì chỉ thực hiện giới thiệu và bầu các thành viên HĐT và đề nghị TLĐ công nhận HĐT; chưa tiến hành thủ tục giới thiệu và bầu Chủ tịch HĐT.

- Sau khi thành lập, HĐT thống nhất với tập thể lãnh đạo quy trình giới thiệu nhân sự và quyết nghị giao một người phù hợp đảm nhiệm vị trí quyền Hiệu trưởng từ nguồn nhân sự tại chỗ; hoàn thiện và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động mới, trong đó bổ sung tiêu chuẩn và quy trình nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với quy định của Đảng, quy định của pháp luật và hướng dẫn của TLĐ. Thực hiện quy trình giới thiệu và bầu Phó Chủ tịch phụ trách điều hành HĐT; quy trình bổ nhiệm một số vị trí Phó Hiệu trưởng để Trường ĐHTĐT sớm ổn định hoạt động.

- Khi có nhân sự đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn Hiệu trưởng thì có thể thực hiện quy trình nhân sự Hiệu trưởng và bổ sung thành phần đương nhiên trong HĐT. Khi có nhân sự đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn Chủ tịch HĐT thì thực hiện quy trình giới thiệu bổ sung, kiện toàn HĐT; tiến hành bầu Chủ tịch HĐT và đề nghị TLĐ công nhận. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Đảng ủy trường xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên về việc xem xét các tiêu chuẩn, vận dụng giải quyết cho phù hợp đặc điểm thực tế của Trường ĐHTĐT.

II. Báo cáo tổng hợp ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp về việc tạm đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh

Trong thời gian qua, bên cạnh việc chưa thành lập được HĐT và chưa kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt như báo cáo của Đoàn công tác đã làm rõ, một số vấn đề khác của Trường ĐHTĐT cũng được các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội và xã hội quan tâm, đặc biệt việc tạm đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh. Thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo như sau:

Luật Giáo dục đại học năm 2012 có quy định về hình thức xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục đại học (Điều 71), nhưng không quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm. Luật số 34 có quy định về việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học công lập (khoản 10 Điều 1), nhưng cũng không có quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục tạm đình chỉ công tác và kỷ luật hiệu trưởng. Tuy nhiên, ông Lê Vinh Danh là đảng viên và khi giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn là viên chức quản lý nên việc xử lý vi phạm được áp dụng theo quy định của Đảng, Luật Viên chức và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Cụ thể, khoản 5 Điều 52 Luật Viên chức quy định: “Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức”. Khoản 1 Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức quản lý[18]. Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng[19].

Ông Lê Vinh Danh được TLĐ bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng theo Quyết định số 789/QĐ-TLĐ ngày 2.7.2014. Tại thời điểm tháng 8/2020, Trường ĐHTĐT không có HĐT theo quy định tại Luật số 34, TLĐ đã áp dụng Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; đồng thời căn cứ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, khoản 1 Điều 71 Luật Phòng chống tham nhũng và khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP[20] để ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh do có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ngày 17.9.2020, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 04-QĐ/ĐUK thi hành kỷ luật đồng chí Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT nhiệm kỳ 2015-2020 bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Khoản 6 Điều 2 Quy định số 102-QĐ/TW[21] quy định: “Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể”.

Tại thời điểm tháng 10/2020, Trường ĐHTĐT không có HĐT theo quy định tại Luật số 34 và cũng không có khả năng thành lập HĐT theo Luật số 34 trong thời hạn 30 ngày, TLĐ đã áp dụng Khoản 1 Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP và những quy định liên quan khác để tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh.

------

Trích dẫn:

[1] Quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24.9.1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng.

[2] Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ ngày 28/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển loại hình tổ chức và đổi tên Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng.

[3] Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 11/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

[4] Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 – 2017.

[5] HĐT Trường ĐH TĐT nhiệm kỳ 2014-2019 được công nhận theo Quyết định số 1378/QĐ-TLĐ ngày 03/11/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

[6] Đây cũng là nhiệm kỳ thứ hai giữ chức vụ Hiệu trưởng của ông Lê Vinh Danh.

[7] Công văn số 499/BGDĐT-GDĐH ngày 14/02/2019 của Bộ GDĐT về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Công văn số 2554/BGDĐT-GDĐH ngày 13/06/2019 về việc trả lời Công văn số 831/TLĐ của Tổng Liên đoàn; Công văn số 3188/BGDĐT-GDĐH ngày 25/07/2019 về việc trả lời Trường ĐH Tôn Đức Thắng theo công văn số 6023/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ.

[8] (1) TLĐ đã yêu cầu Trường ĐHTĐT phải thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo quy định của Đảng và của TLĐ; (2) Trường ĐHTĐT đã tổ chức từng thành phần đại biểu giảng viên, viên chức và người lao động khác bầu riêng cho đại diện của mình, không đúng với quy định của Luật số 34; (3) TLĐ đã không nhất trí với việc tập thể lãnh đạo Trường thay đổi thành viên ngoài trường do TLĐ giới thiệu; (4) TLĐ không nhất trí công nhận thành viên HĐT có tỉ lệ phiếu bầu đạt dưới 50% như tập thể lãnh đạo Trường ĐHTĐT đề nghị, trong khi thể lệ bầu cử không quy định chi tiết nội dung này.

[9] Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gia hạn nhiệm kỳ 2 lần: Lần 1 vào ngày 19/7/2019 (Quyết định 1180/QĐ-TLĐ, kéo dài đến ngày 20/9/2019) và lần 2 vào ngày 18/9/2019 (Quyết định 1456/QĐ-TLĐ kéo dài cho đến khi có hướng dẫn của Chính phủ thực hiện Luật 34).

[10] Ngày 31.12.2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quyết định kiểm tra, thời gian kiểm tra theo kế hoạch là 45 ngày, tuy nhiên do dịch COVID-19 nên đã kéo dài tới cuối tháng 7 năm 2020.

[11] Tập thể lãnh đạo Trường tham gia họp bao gồm Ban giám hiệu, Thường vụ Đảng ủy trường (vắng mặt một người), Chủ tịch Công đoàn trường và Bí thư Đoàn thanh niên trường.

[12] Điều 14 Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị chỉ quy định “Cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn”.

[13] Công văn số 1171/BGDĐT-TCCB ngày 3.4.2020 về việc trả lời Công văn số 321/2020/TĐT-VB của Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Công văn số 1289/BGDĐT-TCCB ngày 15.4.2020 về việc trả lời Công văn số 134/TLĐ của Tổng LĐLĐVN; Công văn số 1582/BGDĐT-TCCB ngày 7.5.2020 về việc trả lời Công văn số 644/2020/TĐT-VB của Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Công văn số 3191/BGDĐT-TCCB ngày 21.8.2020 phúc đáp Công văn số 791/TLĐ của Tổng LĐLĐVN). Ngoài ra, Bộ GDĐT còn có các văn bản chung gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc và đề nghị báo cáo về việc thành lập Hội đồng trường trong các trường đại học, học viện công lập (Công văn số 2225/BGDĐT-TCCB ngày 22.6.2020 và Công văn số 3794/BGDĐT-TCCB ngày 25.9.2020).

[14] Quyết định số 1229/QĐ-TLĐ ngày 21.8.2020 của TLĐ về việc giao quản lý, điều hành Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

[15] Ban Thường vụ hiện tại gồm ông Võ Hoàng Duy, Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy và bà Nguyễn Thị Lý, Ủy viên BTV - Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy. Ông Trần Trọng Đạo được giao thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng nên cũng cần được coi là thuộc thành phần của tập thể lãnh đạo.

[16] Việc kiểm điểm trách nhiệm đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Trường ĐH TĐT chưa được tiến hành theo Thông báo số 788-TB/UBKTTU của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Quy trình giải quyết các khiếu nại về việc kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh có thể còn kéo dài.

[17] Tại cuộc họp của Đoàn công tác với tập thể lãnh đạo trường có một số ý kiến đề nghị trong thời gian chưa thành lập được HĐT và thực hiện quy trình nhân sự hiệu trưởng theo quy định có thể giao quyền Hiệu trưởng để điều hành trường và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Tuy nhiên tại cuộc họp của Đoàn công tác với cán bộ chủ chốt, có 14/18 ý kiến không thống nhất việc thực hiện giao quyền Hiệu trưởng ở thời điểm này.

[18] Khoản 1 Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định: “Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu cử thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”.

[19] Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định: “Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người giữ chức vụ quản lý do mình bổ nhiệm”.

[20] Điểm d khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi: “Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

[21] Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15.11.2017 của Bộ Chính trị quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.NHÓM PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog