Chia sẻ

Tre Làng

ĐBQH: Chính phủ nên đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Chiều nay (22/7), thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận định, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Ghi nhận chiến lược phòng, chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vắc xin rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh, song ĐBQH đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vắc xin.

“Đến nay hầu hết vắc xin có được là mua qua VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nay Quốc hội họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch…, nhưng với biến chủng Delta bây giờ, thì đó có còn là những biện pháp căn bản hay không?”, nữ đại biểu băn khoăn.

Đặc biệt, theo bà Lan, việc tập trung chống dịch cũng tạo ra một nghịch lý khác: Nhiều bệnh nhân mãn tính ngại đến bệnh viện, nên không được chăm sóc kịp thời. Công tác khám chữa bệnh cũng như chính sách bảo hiểm y tế cần có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, đại biểu bày tỏ lo lắng về những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng, tử vong.

“Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro, chưa nói cố tình vi phạm, nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân”, bà Phong Lan phản ánh.

Đây cũng là lo lắng của đại biểu Trần Hoàng Ngân khi ông bày tỏ “rất đau buồn” khi TP.HCM đã có hàng trăm ca tử vong.

“Chúng ta cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vắc xin “nội” vào sử dụng. Các nước hiện đã triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn”, ông Ngân nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam cần lượng vắc xin rất lớn, nhưng với tình hình hiện nay không biết bao giờ mới đủ vắc xin cho miễn dịch cộng đồng.

“Làm sao Chính phủ huy động được các doanh nghiệp tham gia bằng cách Chính phủ giữ vai trò cấp phép, kiểm định chất lượng, cho giá tối đa để doanh nghiệp trực tiếp đàm phán đưa vắc xin về càng nhanh càng tốt. Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các địa phương đàm phán, tiếp cận vắc xin”, ông Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì cho hay, với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng

Theo ông, có 3 tình trạng khẩn cấp (tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh), nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh; bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu.

Rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng "hà hơi, thổi ngạt"

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu vấn đề, thời gian qua việc thực hiện các gói hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn chậm. Do đó cần có giải pháp để gói hỗ trợ được giải ngân, nhanh chóng đến với các đối tượng được hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, đợt dịch lần thứ 4 phức tạp, diễn biến mạnh, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Vì vậy, gói hỗ trợ lần thứ 4 phải đủ lớn để vực dậy các doanh nghiệp. Bởi gói hỗ trợ 26.000 tỷ chỉ là “trước mắt”, gói hỗ trợ phải lớn như gói hỗ trợ 62.000 tỷ trước đây, hoặc phải lớn hơn thì đó mới là liều “vắc xin” cho doanh nghiệp.

Cùng ý kiến, ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cũng cho hay, thời gian qua dù dịch tác động song tăng trưởng 5,4% là ở mức cao, đặc biệt nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng rất khá.

Song, có khó khăn là số người thất nghiệp cao do bị ảnh hưởng của dịch, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 24,9%.

Vì vậy, Chính phủ cần biện pháp mạnh, có giải pháp căn cơ bởi gói hỗ trợ vừa qua chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn căn cơ quan trọng phải có giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thời “hậu Covid-19”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường, nếu không đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp thì nguy cơ chúng ta lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu.

“Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng "hà hơi, thổi ngạt" như vừa qua, không phải chỉ để doanh nghiệp không bị chết, không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá của doanh nghiệp”, ông Cường nói.

7 nhận xét:

  1. Ai ai cũng đau đầu băn khoăn về vấn đề dịch bệnh cả! Có thể thấy là tình hinh trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Không chỉ là khó khăn với Việt Nam mà còn là khó khăn đối với tất cả cả nước từ cả các nước phát triển. Đối đầu với dịch bênh hiện tại thì chìa khóa chính là vắc xin mà hiện tại nguồn cung cấp vắc xin chưa đủ đáp ứng số lượng lớn người dân ở Việt Nam

    Trả lờiXóa
  2. Nỗi lo lắng của Đại biểu quốc hội cũng là nỗi lo chung của toàn dân, mọi ý kiến đầu sẽ được căn nhắc xem xét. Nhưng chắc chắn rồi cũng ta cũng sẽ bước đến một giải pháp sao cho hiệu quả tốt nhất với việc chống dịch. Hi vọng việc đàm phán sẽ suôn sẻ để mua thêm được nhiều vắc xin, còn vắc xin trong nước tuy rằng ai cũng mong nhưng cũng cần xem xét sao cho đảm bảo chất lượng đã

    Trả lờiXóa
  3. Số ca nhiễm tăng nhiều thế này lo nhất chính là cái trường hợp không còn đủ vật tư y tế, các bác sĩ sức đều có hạn, có luân phiên thay nhau làm việc thì với cường độ làm việc thế rồi cũng sẽ đến lúc sức khỏe bị ảnh hưởng thôi. Chỉ mong rằng nhanh chóng đủ vắc xin để tiêm cho 70% số dân giống như nhà nước đã bày tỏ để chúng ta cơ bản sinh ra được miễn dịch cộng đồng

    Trả lờiXóa
  4. Mỗi ý kiến đều cần được xem xét và bàn bạc. Tất cả cũng đều là muốn đất nước chúng ta có thể đánh bay cơn càn quét của dịch thật là nhanh. Nhưng trước tiên ý thức mỗi người dân cần phải được nâng cao trước, hãy ở yên một chỗ hạn chế di chuyển, như vậy cũng đã là góp sức vào chống dịch rồi

    Trả lờiXóa
  5. Chỉnh phủ quả thực lần này đang phải gặp một bài toán đau đầu khó vô cùng, làm sao để có thể hài hòa, vừa đảm bảo chống dịch và đẩy lùi dịch bệnh, vừa phải khắc phục hậu quả dịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển , rồi lại phải quan tâm hỗ trợ kịp thời những người bị ảnh hưởng bởi dịch nữa

    Trả lờiXóa
  6. Một nỗi lo lắng đấy chính là nền kinh tế bị ảnh hưởng. Chống dịch thì là quan trọng hàng đầu rồi nhưng nếu như mà tình hình dịch mãi không cải thiện thì đó là một quá trình, một cuộc chiến lâu dài. Để mà theo được nó thì kinh tế đòi hỏi cần phải có sự vững chắc đủ để đáp ứng nhu cầu

    Trả lờiXóa
  7. Đòi hỏi nhiều hơn ở Chính phủ tại thời điểm này e rằng là khó. Dịch bệnh ảnh hưởng khá là nhiều đến nền kinh tế, chúng ta còn phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng âm chứ chả đùa . Chỉ cần có hỗ trợ thì ít nhiều cũng đều nên cảm thấy biết ơn và trân trọng. Y té hiện nay ngốn khá là nhiều ngân sách rồi và chính là khoản "đầu tư không hề có lãi" nhưng vì sức khỏe tính mạng người dân nên chúng ta phải chấp nhận điều đó

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog