Chia sẻ

Tre Làng

Tích trữ cho mùa dịch.

Một điều mà kẻ già này tới giờ vẫn không hiểu, đó là việc tuyên truyền “người dân không nên tích trữ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm”. Tôi cho rằng tuyên truyền thế này là rất sai, chỉ mang tính trấn an tinh thần, chúng ta không những không nên hạn chế tích trữ, mà thậm chí phải khuyến khích và xây dựng được một văn hoá tích trữ khoa học, hiệu quả trong dân chúng để giảm bớt các áp lực khi có tình huống xấu xảy ra. Và điều này đáng lẽ đã phải làm từ suốt hơn 1 năm qua khi còn yên ổn.

Chúng ta hiểu cơ chế con vi rút tấn công cơ thể, nhưng chưa thấy ai nói về cơ chế nó tấn công các xã hội. Với một xã hội, thì kháng thể chống dịch duy nhất chính là trình độ quản lý, hay cụ thể hơn là tính toán, phân bổ các nguồn lực hạn chế của quốc gia.

Anh em sẽ bất ngờ, nhưng nếu giở bảng kết quả Olympic toán ra, thì sẽ thấy những nước toang nặng nhất đều chính là các nước đội sổ về toán học (trừ Mỹ, do đưa các cháu gốc Hoa đi thi). Nếu lãnh đạo kém về toán tương ứng mức sàn dân chúng, điều này có nghĩa họ không có tư duy toán học, định lượng, và không có khả năng tổ chức điều tiết các nguồn lực, như cách người Trung Hoa - nước luôn vô địch về toán đã làm và thoát ra khỏi dịch dù bị ảnh hưởng đầu tiên.

Vào giai đoạn phong thành Vũ Hán, người Trung Hoa đã có thể tổ chức hậu cần, tiếp tế cho hơn 10 triệu người với zero sai sót, không hề có bất kỳ một phàn nàn gì về thiếu thốn nhu yếu phẩm. Họ tính chuẩn từng suất cơm, hộp sữa, gói condom và băng bịt bướm cho một tập nhu cầu đa dạng của một siêu đô thị trong thời gian kéo dài hàng tháng trời, điều này không chỉ đến từ năng lực vận tải, logistics đỉnh cao, mà còn do tư duy dùng toán học, định lượng để giải quyết mọi vấn đề - thứ đã có từ thời Tôn Tử viết Binh Pháp hơn 2500 năm về trước.

Bùng phát của dịch là việc bất khả tri, chỉ vài tháng trước, chẳng ai nghĩ rằng chúng ta sẽ có lúc lên tới gần 6000 ca/ngày và phải phong toả 1/3 lãnh thổ ở mức cao nhất. Chúng ta cũng không thể tiên tri được sự nguy hiểm của biến chủng delta, không thể dự đoán được các biến cố Thiên Nga Đen, mà có thể sau một đêm, đưa một quốc gia từ chỗ hình mẫu của chống dịch hình lâm vào cảnh thiếu cả nhân lực lẫn vắc xin để chống lại một dịch bệnh tưởng như đã bị quét sạch.
Vì vậy nên việc khuyến khích tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm theo khả năng là cần thiết. Tính toán đơn giản, Hanoi có hơn 2 triệu hộ gia đình, nếu mỗi hộ chỉ cần tích trữ 5kg thịt, thì tương đương việc chúng ta đã có 10.000 tấn thịt được dự trữ hoàn hảo và phân phối sẵn tới từng ngóc ngách trên địa bàn, điều mà không một hệ thống hậu cần nào, thậm chí của cả quân đội, có thể lo được trong thời gian ngắn như vậy.

Tích trữ đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cũng giúp người dân đỡ phải ra đường, tập trung trong các siêu thị đông đúc đầy nguy cơ lây nhiễm. Văn hoá tích trữ cần phải được xây dựng và khuyến khích, không chỉ dịch bệnh, mà còn để sẵn sàng cho thiên tai, thảm hoạ thậm chí chiến tranh. Một hộ gia đình tự lo được nhu cầu tối thiểu của mình trong 1 tuần, thì quốc gia đã giảm được rất nhiều áp lực, với những hộ tích trữ được nhiều, thậm chí có thể giải toả bớt áp lực cho những hộ xung quanh.

Kẻ già này, cũng là người có chút kinh nghiệm trong tích trữ, qua mấy mùa dịch, đã học được cách dự trữ để đủ sống từ 3 tháng tới 1 năm mà không cần ra khỏi cửa, nên nếu anh em muốn biết, thì cũng chẳng ngại mà chia sẻ vài bí quyết vậy:

Rau: Bí xanh là chân ái, điều này không cần bàn cãi. Đây là loại quả thần thánh, nó có thể luộc, nấu với xương, xào với thịt bò hoặc trứng. Chỉ cần vài quả bí cất nơi thoáng mát, chúng ta có thể yên tâm ngồi nhà vài tháng mà không lo trĩ dài như cà vạt, bí xanh có thể bảo quản được 1 năm, vỏ ngoài mốc trắng nhưng không ảnh hưởng gì. Ngoài ra anh em nên dự trữ vài kg rau Tiến Vua (hay còn gọi là rau cần biển, công sôi…), loại này được phơi khô, hút chân không, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được 1 năm, trước khi ăn ngâm nước 3 tiếng, nó sẽ nở ra gấp 5 lần, ăn giòn và siêu ngon, luộc xào muối nộm đều rất vừa miệng, có thể ăn vài tuần liền không ngán, nên mua từng gói tầm 250gr, với một hộ 4 miệng ăn, mỗi bữa nửa gói này là đủ.

Thịt, cá: Nên mua thật nhiều hộp nhựa CÓ NẮP CÀI, tính toán kích thước để khi xếp vừa khít với ngăn đông tủ lạnh. Thịt cá bảo quản trong hộp nhựa lèn thật chặt rồi cài khoá nắp lại, sẽ tối đa hoá được thể tích. Kẻ này từng thử với cùng một tủ lạnh, khi dùng khay thịt sẵn của siêu thị xếp vào so với dùng hộp nhựa lèn chặt, thì hộp nhựa giúp bảo quản được số thịt cá nhiều gấp đôi. Có thể dùng giấy nến bọc từng phần vừa bữa ăn lại rồi mới bỏ vào hộp, khi lấy ra sẽ không bị dính, không cần cho xuống ngăn mát rã đông. Thịt cá trong ngăn đông để được 1 năm, yên tâm không lo đói, nhớ dán mác ngày tháng trữ đông cho từng hộp kẻo quên.

Trứng: Nên mua hộp nhựa có nắp loại chuyên trữ trứng, loại 24 quả/hộp có thể xếp chồng lên nhau, trứng gà bỏ hộp cất ngăn mát có thể dùng được 3 tháng, ngoài nấu nướng có thể dùng pha cafe trứng ngắm đường phố qua ngày buồn chán.

Hành, tỏi: Hành tỏi củ có thể bỏ vào hộp kín, rang muối hạt lên cho tới khi chuyển vàng, nhồi vào trong 1 giẻ sạch bỏ vào cùng, có thể bảo quản 1 năm không mọc mầm. Mua thêm 1 chút lá hành sấy khô (100 gram là đủ dùng vài tháng), có thể dùng rán trứng hoặc nhiều món thay cho hành hoa tươi, hương vị cũng đạt tầm 70-80%, và để được rất lâu. Đầu hành, sả cắt vừa ăn (không rửa) bỏ vào hộp có lót giấy ăn bên dưới, có thể bảo quản được hơn 1 tuần.

Đồ khô: Khô cá thường bảo quản được 3 - 6 tháng, cá cơm, cá lóc, cá dứa…tuỳ khẩu vị nên dự trữ mỗi thứ 1 ít, ăn không ngon lành gì nhưng có thể giúp bữa cơm đa dạng hơn. Ruốc khô cũng nên có 1 hộp, bỏ trong ngăn mát có thể để được 3 tháng.

Đồ hộp: Spam thịt là cơ bản, đừng mua loại của Mỹ vừa đắt vừa mặn, hãy mua loại nắp vàng của Hàn ăn ngon hơn. Loại này có thể thái lát làm trứng cuộn, thái hạt lựu rán sơ cho bớt mỡ & mặn rồi dùng rang cơm, xào rau… khuyến khích mua nhiều vì hạn sử dụng tới 3 năm. Ngoài ra mua thêm các loại thịt, cá, pate… tuỳ khẩu vị, mục đích ngoài dự trữ thì còn làm đa dạng hơn cho bữa cơm mùa giãn cách, nên chọn loại có hạn sử dụng dài.

Hoa quả: Mua một số loại hoa quả đóng hộp, kẻ này mua ít nho khô Mỹ đóng hộp, đào, quýt ngâm hộp của Trung Quốc, hầu hết có thể để được từ 1-3 năm, khi không thể mua hoa quả tươi, có thể dùng ăn tạm khá ổn.

Muối: Nên dự trữ vài kg muối hạt, không thừa đâu, muối rất rẻ và đa năng, có thể muối dưa ăn, bảo quản thực phẩm, khi bí thậm chí có thể dùng giặt áo quần.

Nhu yếu phẩm: Kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội, xả, nước giặt, nước tẩy bồn cầu, xịt muỗi….hầu hết có hạn sử dụng vài năm, hãy tích trữ mỗi thứ đủ dùng trong 3 - 6 tháng.

***

Xây dựng được văn hoá tích trữ văn minh, khoa học, chúng ta sẽ chủ động hơn trong đối phó với dịch bệnh, hạn chế được tập trung đông người và xếp hàng mất thời gian. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi mái nhà là một pháo đài, mỗi tủ lạnh side by side là một nơi tập kết quân nhu. Hàng trăm nghìn kho lương, hàng hoá thiết yếu nhỏ trải sẵn trên khắp địa bàn như du kích, mới là cách quản lý nguồn lực hiệu quả nhất, và cũng chính là tư duy đã giúp chúng ta thắng mọi cuộc chiến từ xưa đến nay.

Cổ nhân đã dạy: Kẻ muốn làm nên Vương nghiệp, thì của cải tích trữ trong dân, kẻ muốn làm nên bá nghiệp, thì của cải tích trữ trong công khố, chỉ có kẻ sắp vong quốc, thì mới tích trữ của cải trong cung điện, đó chính là chân lý muôn đời vậy.

Quả là:
Biến tích trữ trở thành văn hoá,
Từ đồ khô, thịt cá, rau xanh.
Kẻo mà gặp lúc phong thành,
Tiếp tế chẳng kịp, rất nhanh ăn lon.

@
Phú Ngẫn

3 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay,đúnh là chún ta cần tuyên truyền cho người dân không nên tích lũy lương thực thực phẩm,nhưng đôi khi cách tuyên truyền của chúng ta lại chưa thực sự đi sâu làm cho người dân thực sự hiểu bởi vì trình độ văn hóa của mỗi người dân là khác nhau không phải ai cũng như ai cho nên câu chuyện ra sao và như thế nào cho hiệu quả nhất cần phải nhanh chóng tìm ra và phổ biến sâu rộng cho người dân

    Trả lờiXóa
  2. Người dân không nên tích trữ quá nhiều lương thực thực thực phẩm,nói chung việc tích lũy lương thực thực phẩm sẽ mang lại cho mỗi người cảm giác an toàn,nhưng việc tích trữ đó là quá thừa thãi không cần thiết,bởi vì virjt nam là một cường quốc về lương thực có phải như ở châu phi đâu.

    Trả lờiXóa
  3. Xây dựng được văn hoá tích trữ văn minh, khoa học, chúng ta sẽ chủ động hơn trong đối phó với dịch bệnh, hạn chế được tập trung đông người và xếp hàng mất thời gian. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi mái nhà là một pháo đài, mỗi tủ lạnh side by side là một nơi tập kết quân nhu. Hàng trăm nghìn kho lương, hàng hoá thiết yếu nhỏ trải sẵn trên khắp địa bàn như du kích, mới là cách quản lý nguồn lực hiệu quả nhất, và cũng chính là tư duy đã giúp chúng ta thắng mọi cuộc chiến từ xưa đến nay.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog