Chia sẻ

Tre Làng

Hà Nội đã thành công khi không để dịch bùng phát

Từ 6h ngày 21-9, Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã khống chế không để dịch bùng phát. Điều đó cho thấy, các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc triển khai giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đạt được thành công. Dù vậy, khi nới lỏng giãn cách xã hội, thành phố cần tiếp tục tập trung cao độ các biện pháp phòng, chống dịch.

Quận Hai Bà Trưng tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trong khu vực phong tỏa phường Minh Khai.

Kịp thời khoanh vùng đúng và trúng

Trước diễn biến dịch phức tạp, từ 6h ngày 24-7, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Trong thời gian thực hiện đợt giãn cách thứ nhất (từ ngày 24-7 đến 7-8), trung bình trên địa bàn thành phố ghi nhận 71,2 ca Covid-19/ngày.

Thế nhưng, đến đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, Hà Nội ghi nhận 353 ca Covid-19, trung bình là 27,7 ca/ngày. Cùng với đó, số ca mắc cộng đồng cũng giảm mạnh từ 35 ca/ngày ở đợt giãn cách thứ nhất xuống còn 2,7 ca/ngày ở đợt giãn cách thứ tư.

Từ kết quả này cho thấy, Hà Nội đã không chỉ bám sát tình hình, dự báo chính xác mà còn đưa ra giải pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao. Các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đã dần được kiểm soát thông qua các biện pháp cách ly và xét nghiệm diện rộng.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Hà Nội là "vùng trũng" của dịch nên nguy cơ cao. Đặc biệt, trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để khống chế được triệt để 100% F0 ra khỏi cộng đồng, đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 được. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, các ca bệnh mới được phát hiện, nhất là các ca cộng đồng trên địa bàn thành phố có chiều hướng giảm.

"Hà Nội đã khống chế không để dịch bùng phát như vậy, theo tôi đó là thành công. Các chùm ca bệnh cũng đã được khoanh vùng trong diện hẹp", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong 1 tuần qua, một chiến dịch xét nghiệm "thần tốc" đã được thành phố triển khai cả ngày lẫn đêm với sự hỗ trợ của gần 10.000 nhân viên y tế tại các bệnh viện trung ương, bộ, ngành và 12 địa phương khu vực phía Bắc. Hàng chục nghìn điểm xét nghiệm được triển khai, thậm chí, nhân viên y tế đến tận nhà người dân để lấy mẫu, thành phố đã đánh giá được nguy cơ trên toàn địa bàn và đối chiếu với các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm, nhóm chỉ số những ca bệnh mắc mới trong cộng đồng. Dựa trên kết quả xét nghiệm, Hà Nội không chỉ khoanh vùng được ca bệnh mà còn đưa ra các chiến dịch phòng, chống dịch trong thời gian tới, nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi nền kinh tế.

Phường Việt Hưng, quận Long Biên, triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tổ dân phố số 4, 5, 7.

Cẩn trọng cao độ khi nới lỏng giãn cách

Với chùm ca bệnh mới được phát hiện tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đây là sự việc đã được lường trước. Bởi như phân tích ở trên, chúng ta không thể khống chế triệt để dịch 100%. Hơn nữa, dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ vùng dịch về, nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%. Do đó, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra.

Thời gian tới, thành phố vẫn có thể phát hiện những chùm ca bệnh mới, bởi không thể nói trong thời gian giãn cách đã hết hẳn ca bệnh tại cộng đồng và cũng không thể kiểm tra hết được các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào. Bởi vì tình hình dịch trên thế giới cũng như cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Hà Nội vẫn có người dân đi từ vùng dịch về mà không kiểm soát được.

"Để giữ vững thành quả đã đạt được, khi nới lỏng giãn cách xã hội, chúng ta càng phải cẩn trọng cao độ, không được chủ quan, lơ là. Nếu chúng ta chủ quan, nhất là không kiểm soát tốt người đi từ vùng dịch về thì nguy cơ dịch sẽ tái diễn. Thêm vào đó, tại các địa phương, cần tiếp tục tập trung bảo vệ "vùng xanh", tăng cường giám sát và tiến hành xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân ho, sốt... Đồng thời, tiếp tục xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao như: Lái xe, người tham gia vào chuỗi cung ứng... Nếu phát hiện ổ dịch, cần truy vết mạnh, truy vết nhanh, rồi tiến hành xét nghiệm và đánh giá nguy cơ, phong tỏa ở mức hẹp nhất, chặt nhất để không ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội", PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch đối với Thủ đô trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, các ngành như: Giao thông, Công Thương, Y tế, Công an..., cần xây dựng phương án rất cụ thể để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bùng phát. Cùng với đó, người dân phải được tiêm chủng mũi 2 để bảo đảm an toàn. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong thời gian tới cần phải làm. Nếu không tiêm chủng tốt, việc nới lỏng giãn cách không thể bền vững được. Ngoài ra, người dân phải thực hiện tốt "5K", vừa bảo vệ cho bản thân, gia đình, vừa cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

"Mỗi người dân phải tự ý thức nâng cao các biện pháp phòng dịch và phải cảnh giác cao độ. Bởi vì, bên cạnh những người có ý thức tốt sẽ có những người ý thức không tốt, lơ là, chủ quan với các biện pháp phòng dịch. Những người có ý thức không tốt khi trở thành F0 thì có thể lây ra cộng đồng và nếu không kiểm soát được, chúng ta phải giãn cách lại từ đầu", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Nhị Hà cũng đưa ra khuyến cáo, người dân sau khi được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh vẫn phải bảo đảm tuân thủ "5K", nhất là hạn chế tiếp xúc. Bởi, trên thực tế, sau khi tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm vi rút. Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch. Khi có biểu hiện, triệu chứng nghi nhiễm bệnh, người dân cần chủ động khai báo y tế, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Cùng với đó, khi phát hiện những hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng.

Đặc biệt, khi phát hiện những người đi, đến, ở những vùng có dịch về địa phương, cần phải khai báo kịp thời với tổ Covid-19 cộng đồng và chính quyền địa phương. Từ đó, nhanh chóng đưa người đó đi xét nghiệm sàng lọc, cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.

7 nhận xét:

  1. Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác chống dịch ngay từ khi làn sóng dịch thứ nhất bùng phát tại VN. Những tín hiệu khả quan trong làn sóng dịch thứ tư này tại HN cho thấy sự phối hợp hành động tích cực của nhân dân và các cơ quan chức năng, bước đi đúng hướng của chính quyền thủ đô. Để có thể được nới lỏng giãn cách như hiện nay là kết quả của sự nỗ lực to lớn của Thủ đô. Do đó, chúng ta không thể chủ quan, lơ là, vẫn phải nêu cao tinh thần chống dịch một cách cao nhất để những nỗ lực trong thời gian vừa qua không uổng phí.

    Trả lờiXóa
  2. Khi nới lỏng giãn cách, Hà Nội cần có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để tránh bùng phát dịch trong cộng đồng một lần nữa. ĐỒng thời người dân cũng không nên nóng vội ra đường khi không cần thiết để chúng ta có thể bảo vệ thành quả trong suốt thời gian qua.

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và từng bước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng và người dân không được phép lơ là, chủ quan vì các biến thể của Covid-19 rất nguy hiểm và dịch có thể bùng phát bất kỳ khi nào. Do đó, để giữ vững thành quả đã đạt được, khi nới lỏng giãn cách xã hội, chúng ta càng phải cẩn trọng cao độ, không được chủ quan, lơ là. Nếu chúng ta chủ quan, nhất là trong công tác kiểm soát người đi từ vùng dịch về không tốt, không đảm bảo thì nguy cơ dịch bệnh sẽ tái diễn. Từ các đợt dịch Covid-19 xảy ra, cứ sau mỗi đợt giãn cách dài, tâm lý chủ quan rất hay xuất hiện, đặc biệt khi số lượng người đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao như hiện nay. Khi mọi người không còn tâm lý e dè dịch, sẽ tăng tiếp xúc xã hội và tự thấy không cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, cũng sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh. Thời gian qua, Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch vì không chủ quan, luôn chủ động, khoanh vùng, cách ly, dập dịch quyết liệt, “chống dịch như chống giặc”. Chính vì vậy, khi thành phố bắt đầu nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch, cuộc sống bình thường mới dần trở lại thì các biện pháp phòng dịch tại nơi kinh doanh, sản xuất, nơi làm việc, đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách giữa người với người… càng phải tiếp tục được duy trì.

    Trả lờiXóa
  4. Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng khen ngợi trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên không được vì thế mà chủ quan lơ là, cả về chính quyên và người dân. Về chính quyền cần tiếp tục duy trì, kiểm soát mọi mặt để tránh tái bùng dijhc, còn người đân vẫn cần ý thức bảo vệ mình , bảo vệ cộng đồng, thực hiện tốt khẩu hiệu " 5K".

    Trả lờiXóa
  5. Với những chủ trương quyết liệt của Chính quyền thành phố Hà Nội thì hiện tại TP đã đạt được kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên với những kết quả ban đầu mà chúng ta đạt được chúng ta không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh vì dịch này vẫn con nhiều phức tạp, khó khăn. Vì thế chúng ta mặc dù đạt được thành kết quả tốt trong phòng chống dịch nhưng người dân cần nêu cao tinh thần phòng chống dịch, thực hiện đúng chỉ thị 5k của Bộ Y Tế thì dịch bệnh mới nhanh chóng được dập tắt.

    Trả lờiXóa
  6. Hà Nội là trung tâm thủ đô, đầu não về trung tam chính trị của cả nướ, HN không thể giống TPHCM hay các tỉnh phía Nam...Về phương pháp thì như nau, tổ chức lấy mẫu, khoanh vùng xét nghiệm, quan trọng là tinh thần chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt, trọng tâm và đúng phương pháp. Điều này HN đã đi những bước rất đúng, rất chắc và phù hợp. Thành quả chống dịch là của cả hệ thống chính trị + ý thức của nhân dân. Nhưng nó đang bị thách thức sau đem trung thu 21/9...Cầu mong HN sẽ được bình yên trở lại, khỏe mạnh và an toàn.

    Trả lờiXóa
  7. Bằng sự chủ động và quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp chống dịch, Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác chống dịch ngay từ khi làn sóng dịch thứ nhất bùng phát tại VN. Những tín hiệu khả quan trong làn sóng dịch thứ tư này tại HN cho thấy sự phối hợp hành động tích cực của nhân dân và các cơ quan chức năng, bước đi đúng hướng của chính quyền thủ đô. Để có thể được nới lỏng giãn cách như hiện nay là kết quả của sự nỗ lực to lớn của Thủ đô. Do đó, chúng ta không thể chủ quan, lơ là, vẫn phải nêu cao tinh thần chống dịch một cách cao nhất để những nỗ lực trong thời gian vừa qua không uổng phí. Thủ đô sẽ chiến thắng dịch bệnh.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog