Chia sẻ

Tre Làng

Vì sao một số F0 ở TPHCM có giấy đi đường?

'Số người này thuộc diện được cấp giấy nhưng sau đó mắc Covid-19 chứ không phải họ đang nhiễm mà vẫn được cấp giấy', thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định.

Chiều 19/9, TP.HCM tiếp tục tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ về tình hình dịch Covid-19 trong 24 giờ qua.

Nhu cầu đi chợ hộ ở TP.HCM giảm 4,15%

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 18/9, nhu cầu đi chợ hộ của người dân trong ngày 18/9 là 52.760 hộ, giảm 4,15% so với ngày 17/9 - tương đương 2.287 hộ. Nguyên nhân giảm mạnh là các hộ dân có thêm nhiều lựa chọn để đi chợ. Trong đó, người dân quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi được đi chợ 1 lần/tuần.

Tỷ lệ cung ứng đơn hàng đi chợ hộ ngày 18/9 đạt 102,8%, tương đương 54.247 hộ (bao gồm đơn hàng tồn từ hôm trước).

Đối với công tác an sinh xã hội, từ 15/8 đến 19/9, hơn 1,8 triệu túi an sinh đã được chuyển đến 22 địa phương.


TP.HCM có 2.637 bệnh nhân xuất viện và 182 trường hợp tử vong. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 13.281 người và số xuất viện cộng dồn là 169.201 trường hợp.

TP.HCM đang điều trị cho 41.193 bệnh nhân, trong đó có 2.350 ca nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân cần can thiệp ECMO.

Về công tác xét nghiệm, trong ngày 18/9, TP.HCM đã lấy 298.576 mẫu xét nghiệm, trong đó có 201.754 mẫu test nhanh, còn lại là PCR.

Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến 18/9 là hơn 8,7 triệu liều. Trong đó, số mũi 1 là hơn 6,7 triệu; số mũi 2 khoảng 2 triệu. Hơn 1 triệu người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đã được tiêm vaccine.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Hơn 18.600 hộ dân quận 7 đã được phát phiếu đi chợ

Tại họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thông tin về tiến độ phát phiếu đi chợ tại quận 7. Theo đó, đến nay, 18.620 hộ trên tổng số 46.438 hộ của 416 tổ dân phố thuộc 10 phường đã được phát phiếu đi chợ. Phiếu này có giá trị trong tuần vì sau một tuần, quận sẽ đánh giá lại vùng xanh để mở rộng hoặc thu hẹp việc phát phiếu tùy thuộc vào công tác phòng, chống dịch.

Về mô hình chợ dã chiến mà quận 5 mới đề xuất, ông Phương cho biết các phương án, kế hoạch của địa phương phải báo cáo lên TP và chờ được chấp thuận. Nếu được chấp thuận, ngày 22/9, quận 5 sẽ triển khai mô hình này.

Tài xế sửa giấy xét nghiệm dương tính thành âm tính

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho biết bộ tiêu chí an toàn của ngành GTVT trong giai đoạn dịch bệnh được áp dụng trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, bộ tiêu chí này được xây dựng kỹ nên các địa phương khác có thể nghiên cứu, còn việc quyết định phụ thuộc UBND từng tỉnh, thành.

Về việc tổ chức giao thông liên vùng, thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam thường xuyên họp và tạo thuận lợi trong quá trình lưu thông giữa các tỉnh. Nhưng giai đoạn dịch bệnh sẽ có xuất hiện khó khăn nhất định. Đặc biệt, một số địa phương có cách làm chưa phù hợp và phải điều chỉnh.

Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với các địa phương để báo cáo với Bộ GTVT để đề xuất vướng mắc và cơ bản được kịp thời giải quyết.

Với luồng xanh tại TP.HCM, từ khi triển khai đến nay, ông Bằng cho biết hiện không có vướng mắc và hoạt động ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình lái xe hoạt động có sự vi phạm. Ví dụ như hôm qua có tài xế cố tình sửa giấy xét nghiệm từ dương tính thành âm tính để qua chốt. Điều này gây ra sự mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Về nguyên tắc, các chốt không bắt buộc kiểm tra giấy xét nghiệm nhưng lực lượng chức năng vẫn có thể kiểm tra ngẫu nhiên. Do đó, ông Bằng đề nghị các tài xế đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình lưu thông.

Nguyên nhân F0 có giấy đi đường

Lý giải việc Công an TP.HCM phát hiện hàng loạt trường hợp F0 có giấy đi đường, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM gửi giấy đi đường về đơn vị chức năng để cấp cho các cá nhân trong diện được đi lại.

Qua xác minh, Công an TP.HCM xác nhận không có vi phạm trong việc cấp giấy. “Số người này thuộc diện được cấp giấy, nhưng sau đó mắc Covid-19 chứ không phải họ đang nhiễm bệnh mà vẫn được cấp giấy”, ông Hà lý giải.

Ngay khi phát hiện, Công an TP.HCM yêu cầu chỉ đạo xác minh làm rõ ngay đối với các đơn vị cấp giấy; rà soát phát hiện người F0 có vi phạm giãn cách, quy định phòng, chống dịch hay không. Tuy nhiên, đa số khi lưu thông đều chưa biết mình là F0.

Thượng tá Hà cho hay kết quả thông báo ca bệnh có độ trễ nhất định, thời gian bệnh nhân nhận kết quả dương tính đến khi được cập nhật vào hệ thống mất từ 3-5 ngày, do đó, người lưu thông chưa kịp biết mình là F0. Trường hợp F0 đến cơ sở khám chữa bệnh và phát hiện mình là F0, di chuyển về nhà cách ly thì vẫn được phép. Mặt khác, nếu người dân biết mình là F0 nhưng vẫn di chuyển thì sẽ bị xử lý nghiêm và có thể bị xử lý hình sự.

Trao đổi thêm với báo chí về phản ánh Công an TP.HCM vừa kiểm tra mã QR vừa kiểm tra giấy đi đường, thượng tá Hà khẳng định lực lượng làm không sai. Ông cho biết hiện nay Công an TP.HCM yêu cầu lực lượng trực chốt phải kiểm tra song song do dữ liệu cập nhật vẫn chưa đầy đủ. “Nếu chiến sĩ trực chốt quét mã thấy đã cập nhật giấy đi đường thì không cần kiểm tra, trường hợp chưa thấy thì vẫn kiểm soát”, thượng tá Hà nói thêm.


Tình nguyện viên tôn giáo có chế độ đặc biệt

Tại họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin về quy trình tiếp nhận tình nguyện viên tôn giáo.

Bà Mai khẳng định nhóm tình nguyện viên (TNV) này có chế độ đặc biệt, khác hẳn với các tình nguyện viên khác. Thời gian qua, lực lượng này đã góp sức rất nhiều với các bệnh viện, đặc biệt là trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến thu dung F0...

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Để thể hiện sự quan tâm đặc biệt với nhóm đối tượng này, việc tổ chức tiếp nhận được tiến hành chặt chẽ. Cụ thể, trước khi TNV tôn giáo muốn đến bệnh viện chăm sóc sẽ có bảng đăng ký. Sau khi đăng ký, lãnh đạo các tôn giáo sẽ xem xét từng đối tượng để tập trung xét nghiệm, sau đó kiểm tra lại các điều kiện như tiêm vaccine, đảm bảo sức khỏe cho nhóm này khi tham gia phục vụ.

Sau khi đã qua các điều kiện đảm bảo thì TNV này sẽ được tập huấn kiến thức y học cơ bản để chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Cơ quan chức năng sẽ tổ chức lễ ra quân, xuất quân và giao TNV đến các bệnh viện bằng quyết định chính thức. Sau khi các TNV này hoàn thành thời gian làm việc, bệnh viện sẽ lập danh sách, báo cáo quá trình làm việc của các TNV này và xem xét hỗ trợ tiêm mũi 2, xét nghiệm. Nếu dương tính, TNV sẽ được giữ lại để chăm sóc. Nếu âm tính, TNV được về khách sạn để nghỉ dưỡng, lấy lại sức khỏe.

Lãnh đạo TP và các sở, ngành sẽ làm thêm một lễ tri ân, trả ơn lực lượng này. Đến nay, ngành chức năng đã tổ chức 3 đợt tri ân.

Thu Hằng - Thư Trần

2 nhận xét:

  1. Với tình hình hiện tại ở TP HCM, việc triển khai đồng bộ các giải pháp là việc làm cần thiết và hợp lí. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp một số cá nhân không tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch và hiện tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dư luận vẫn còn tồn đọng. Do đó, chính quyền thành phố cần siết chặt hơn nữa công tác quản lí, lãnh đạo, thanh kiểm tra để từng bước khắc phục những hạn chế, kiểm soát ngày một tốt tình hình dịch bệnh để có những chuyển biến khả quan.

    Trả lờiXóa
  2. Công tác chống dịch cần phải được siết chặt hơn nữa để các biện pháp phát huy hết hiệu quả. Có như vậy thì thành phố mới thực sự kiểm soát được dịch bệnh, khắc phục khó khăn một cách linh động, sáng tạo mới là việc cần làm ngay lúc này

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog