Chia sẻ

Tre Làng

Tiếp về việc tách Luật giao thông đường bộ 2008

Khoai@

Câu chuyện tách luật giao thông đường bộ 2008 thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được trình ra Quốc hội để xin ý kiến nhưng đã có không ít luận điệu xuyên tạc, lu loa rằng Bộ Công an đòi tách luật để “chia quyền lợi”. Xin nói ngay, đó là tâm địa của những kẻ ươn hèn, bẩn thỉu.

Trước hết, cơ sở khoa học để tách luật là phạm vi, đối tượng điều chỉnh của 2 luật là khác nhau, đã đến lúc không thể để chung trong một luật được. Một bên là "hạ tầng, dịch vụ giao thông đường bộ" do Bộ GTVT quản lý và một bên là "Trật tự an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Công an quản lý. Rõ ràng đây là 2 vấn đề tách bạch. Trong phạm vi bài viết chỉ xin bàn đến vấn đề "chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an". 

Liên quan đến vấn đề này, một số người nhân danh là "nhà quản lý" và "chuyên gia" không muốn tách vì lo ngại rằng có 2 luật thì sẽ chồng chéo và làm xáo trộn bộ máy quản lý. 

Về cơ bản, đó chỉ là ngụy biện, chưa kể lý lẽ mà các "nhà quản lý" và "chuyên gia" đưa ra chỉ là cảm tính, thiếu số liệu chứng minh. Thậm chí có "chuyên gia" như Tiến sĩ VAT còn nói khơi khơi rằng, "trên thế giới không có nước nào tách luật như thế" và rằng, "nếu chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an thì Bộ công an vừa đá bóng vừa thổi còi".

Xin thưa anh Tiến sĩ VAT, ở Nhật, việc đào tạo, quản lý, cấp phép lái xe là do lực lượng cảnh sát đảm nhận. 

Chính phủ Nhật giao Cảnh sát Nhật thành lập các Trung tâm Quản lý giao thông (mỗi tỉnh, thành phố có 2 đến 3 trung tâm) có nhiệm vụ quản lý, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe.

Trên trang web chính thức của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản ghi rõ thông tin: 

- "Cảnh sát có trách nhiệm quản lý giấy phép lái xe." 

- Và "Cảnh sát có thể nhanh chóng thu hồi hoặc đình chỉ bằng lái của những người vi phạm giao thông nghiêm trọng hoặc gây tai nạn, và yêu cầu họ phải đào tạo thêm". Mời xem ảnh chụp màn hình bên cạnh.

Có lẽ chỉ cần một ví dụ nhỏ xinh đó thôi đã cho thấy ông Tiến sĩ VAT đã phát biểu liều.

Thế có đúng là "nếu chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an thì Bộ công an vừa đá bóng vừa thổi còi" không?

Dưới góc độ chuyên môn, những luật chuyên ngành thì phải giao cho các Bộ chuyên ngành chủ trì xây dựng. Luật liên quan đến Quốc phòng thì đương nhiên phải giao cho Quân đội chủ trì xây dựng, liên quan đến thuế thì phải giao cho Bộ Tài chính, liên quan đến Ngân hàng, tín dụng thì đương nhiên phải giao cho cơ quan Ngân hàng chủ trì xây dựng... Tương tự như thế, liên quan đến luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tất nhiên phải giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng. Điều này phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các luật khác liên quan đến ngành công an.

Không lẽ, theo Tiến sĩ VAT thì xây dựng Luật phòng chống tội phạm ma túy phải giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì xây dựng?

Nói như thế để thấy, ở đây không có chuyện "nếu chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an thì Bộ công an vừa đá bóng vừa thổi còi" mà tất cả vì lợi ích chung mà cốt lõi là lợi ích của người dân. 

Nói thêm với các "Nhà quản lý" và "Chuyên gia" rằng, có một số người lo ngại rằng, việc chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an sẽ làm tăng biên chế của Bộ này. Tuy nhiên, bằng những con số thống kê, Bộ trưởng Tô Lâm đã chứng minh trước Quốc hội rằng, "Khi chuyển nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an thì ngành công an chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế".

Thống kê cho thấy, Bộ GTVT có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX. Do đó, khi chuyển giao cho Bộ công an đảm nhiệm thì Bộ GTVT chỉ phải bố trí sắp xếp lại 650 biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm nguồn nhân lực. Đối với một Bộ như Bộ GTVT thì việc bố trí sắp xếp lại 650 cán bộ không phải là việc khó.

Hiện nay toàn quốc có 340 cơ sở đào tạo lái xe, 137 Trung tâm sát hạch, xây dựng theo hình thức xã hội hóa nên việc thay đổi cơ quan quản lý không ảnh hưởng gì. Các cơ sở này sẽ tiếp tục được sử dụng và đội ngũ giáo viên dạy lái đã được cấp giấy chứng nhận sẽ tiếp tục được tham gia công tác đào tạo lái xe.

Với cơ cấu tổ chức như hiện nay, Bộ Công an được bố trí ở 4 cấp là Bộ, Tỉnh, Huyện và Xã trên phạm vi toàn quốc. Trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (Bộ, Tỉnh và Huyện), gồm 769 đầu mối. Vì vậy khi thêm thẩm quyền này, ngành công an chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, đủ điều kiện tiếp nhận công tác chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành GTVT.

Để phục vụ công tác quản lý, Bộ Công an đã đầu tư, triển khai và lắp đặt hệ thống hơn 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại 63 địa phương, phân cấp quản lý thành 3 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện; xây dựng phần mềm quản lý giấy phép lái xe và phần mềm in giấy phép lái xe trên chất liệu nhựa tại 63 công an các địa phương để cấp và quản lý GPLX trong công an nhân dân.

Khi chuyển giao nhiệm vụ, công tác quản lý GPLX sẽ được phân cấp đến công an cấp huyện, việc tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại của người dân sẽ được thực hiện từ cấp xã. Bên cạnh đó, Bộ công an sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ triển khai cấp, đổi GPLX trên cổng dịch vụ công, kết hợp tiếp nhận hồ sơ theo phương pháp thủ công dành cho người dân thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, địa bàn chưa phát triển về khoa học, công nghệ. Lái xe tiếp tục sử GPLX đã cấp cho đến khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu đổi, cấp lại. Người dân có thể nộp hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe qua Công an xã, tương tự như nộp hồ sơ về căn cước công dân. 

Với cách triển khai này, suy cho cùng, người dân là đối tượng được hưởng lợi nhất khi Luật này được thông qua.

Cuối cùng, thay cho lời kết, xin trích dẫn lời PGS.TS Ngô Huy Cương - giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Khi xây dựng riêng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ đảm bảo chi tiết, cụ thể để điều chỉnh được hầu hết các vấn đề phát sinh về giao thông đường bộ, mà còn đảm bảo tính khả thi khi triển khai trong thực tế. Điều đó hoàn toàn mang tính khoa học biện chứng, bởi khi xây dựng quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình quản lý, Bộ Công an sẽ “thuận tay”, thiết thực, sát với thực tế hơn rất nhiều so với việc giao bộ, ngành khác làm “trái tay”. Việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không gây xáo trộn hay tốn kém, lãng phí về nhân lực, vật lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog