Chia sẻ

Tre Làng

Lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga: Con dao hai lưỡi

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang làm cho nền kinh tế Nga nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nhưng cũng khiến phương Tây chịu tổn thất không ít.

Wu Zhenglong, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, bình luận trên trang web chinausfocus.com mới đây rằng, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ ​​trước đến nay đối với Moskva, liên quan đến hầu hết lĩnh vực và có ý định làm tê liệt nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt - với quy mô chưa từng có - cũng đang tạo ra những tác dụng ngược.

Xung đột Nga-Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây đang đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters

Sau lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga do Mỹ và Anh khởi xướng, EU cho biết họ sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030.

Ngoài ra, phương Tây đã phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Nga, loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT và thu hồi quy chế tối huệ quốc của Nga, khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có.

Thị trường chứng khoán của Nga đã sụt giảm nghiêm trọng, tín dụng quốc gia của nước này bị hạ xuống mức thấp, đồng rúp lao dốc, giá thực phẩm leo thang và một số công ty đa quốc gia của châu Âu đã rút khỏi thị trường Nga. Ngoại trừ dầu thô và khí đốt tự nhiên, các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư và văn hóa của Nga với phương Tây gần như tê liệt.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông phương Tây, nền kinh tế Nga có thể suy giảm 1/3 trong năm nay. Ngay cả khi các hoạt động quân sự chấm dứt vào lúc này, nền kinh tế Nga sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Tuy nhiên, theo ông Wu, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng có 2 mặt, thậm chí có thể thất bại. Các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang hứng chịu những phản ứng ngược từ các lệnh trừng phạt chống Nga.

Do giá năng lượng tăng, EU đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại nghiêm trọng, cùng với lợi nhuận doanh nghiệp bị suy giảm và kinh tế khó khăn do lạm phát gây ra. Các doanh nghiệp bắt đầu đóng cửa hoặc định hình lại hoạt động ở Nga bất chấp sự đầu tư trong nhiều năm, từ ô tô đến hàng tiêu dùng xa xỉ và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Theo Reuters, niềm tin của nhà đầu tư Đức sụt giảm kỷ lục trong tháng 3. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có nguy cơ rơi vào suy thoái, và do đó nền kinh tế châu Âu cũng đối mặt với rủi ro.

Do lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Mỹ, giá dầu thô đã tăng vọt, đồng thời kéo theo giá xăng tăng mạnh. Mỹ cũng đang chịu áp lực với tư cách là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Ngoài ra, sự gia tăng giá hàng hóa do các lệnh trừng phạt đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm, tạo ra một thách thức khác đối với sự phục hồi kinh tế của Mỹ.

Nga là nước đóng vai trò quan trọng trong bốn lĩnh vực chính của thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực năng lượng, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai và nước xuất khẩu than đá lớn thứ ba thế giới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nga và Ukraine được mệnh danh là "vựa lúa mỳ" của thế giới, chiếm 1/3 thương mại toàn cầu về lúa mì, ngô, lúa mạch, yến mạch và các sản phẩm nông nghiệp khác. Trong lĩnh vực phân bón, Nga là một trong ba nhà xuất khẩu hàng đầu, dẫn đầu thế giới về thương mại kali, phân lân và phân đạm. Nga cũng là nhà kinh doanh kim loại hàng đầu và là nhà sản xuất chính về titan, niken, palađi, bạch kim và các kim loại khác.

Vì vậy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ đe dọa an ninh kinh tế, năng lượng, lương thực và kim loại toàn cầu. Các vòng trừng phạt của phương Tây đã xâm nhập đến tất cả các khía cạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong bốn lĩnh vực chính nói trên ở Nga. Chúng tạo ra các hiệu ứng lan tỏa, nguy cơ lan rộng nhanh chóng và phá vỡ sự cân bằng cung cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng và sản xuất, làm trầm trọng thêm vấn đề giá cả sản phẩm.

Bên cạnh đó, biến động của giá dầu thô toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Sự gián đoạn trong xuất khẩu lúa mì, ngô và phân bón có thể làm trầm trọng thêm nạn đói và an ninh lương thực toàn cầu, trong bối cảnh các nước Trung Đông và châu Phi phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực của Nga và Ukraine. Giá kim loại tăng cao sẽ làm tăng chi phí trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như hàng không vũ trụ, ô tô và chất bán dẫn.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang đe dọa làm trật bánh phục hồi kinh tế toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố một báo cáo dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm thêm 1 điểm phần trăm do xung đột Nga-Ukraine. Và lạm phát, vốn đã ở mức cao vào đầu năm, sẽ cao hơn ít nhất 2 điểm phần trăm so với trước khi xảy ra xung đột. Lạm phát và tác động của đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm những thách thức mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt và là lực cản đối với quá trình phục hồi.

Ngoài ra, kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 3 triệu người đã phải đi sơ tán, cuộc di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc và nó chưa có dấu hiệu dừng lại. Cách duy nhất để thoát khỏi câu hỏi hóc búa này là chấm dứt xung đột ngay lập tức.

Ông Wu cho rằng, đến nay, Nga và Ukraine đã có bốn vòng đàm phán, do đó cộng đồng quốc tế không nên đổ thêm dầu vào lửa hoặc gia tăng căng thẳng, như cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc khuyến khích tiếp tục đối đầu giữa Ukraine và Nga. Điều cần làm là đưa ra các sáng kiến đàm phán hòa bình, ủng hộ các cuộc đàm phán Nga-Ukraine nhằm đạt được những kết quả thực chất và làm dịu tình hình để có thể sớm đạt được một lệnh ngừng bắn.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Chinausfocus.com)

11 nhận xét:

  1. Điều này là quá rõ ràng khi sự phụ thuộc và quan hệ lẫn nhua giữa phương Tây và Nga rất là gắn siết với nhau đặc biệt trên lĩnh vựa dầu mỏ và khí đốt. Dù rằng lệnh trừng phạt có tác động đến nền kinh tế Nga tuy nhiên một số nước phương Tây đã ban bố lệnh khẩn cấp về khí đốt.

    Trả lờiXóa
  2. Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và Châu Âu đang khiến Nga ngạt thở, nhưng Hoa Kỳ và Châu Âu cũng đang gặp khó khăn vì chính những lệnh trừng phạt này. Ngoài việc thay đổi cục diện quân sự thế giới, Chiến tranh Ukraine-Nga năm 2022, bá quyền tài chính và bá quyền công nghệ do Hoa Kỳ thiết lập trong quá trình toàn cầu hóa cũng cho thấy sức mạnh to lớn lần này.

    Trả lờiXóa
  3. Thông qua các biện pháp trừng phạt, Mỹ và các nước phương Tây khác hy vọng sẽ định hình lại chuỗi cung ứng năng lượng và nông nghiệp của thế giới, cô lập Nga, khiến nền kinh tế Nga gặp khó khăn càng sớm càng tốt, làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh quốc gia của Nga, và cuối cùng khiến ông Putin thất bại.Tuy nhiên, lệnh trừng phạt lần này khác với các lệnh trừng phạt trước đây đối với các nước nhỏ, vì mục tiêu của lệnh trừng phạt là Nga, mặc dù khoảng cách sức mạnh của Nga với Mỹ tính theo tổng GDP là lớn bất thường.

    Trả lờiXóa
  4. Về cung cấp năng lượng dầu khí, Châu Âu đã phụ thuộc vào Nga trong nhiều năm. Riêng về khí đốt , 27 quốc gia thành viên EU phụ thuộc vào Nga với 40% nhu cầu của họ. Do đó, hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với Nga khác xa với các lệnh trừng phạt kinh tế dài hay ngắn mà Mỹ đã thực hiện ở Cuba, Myanmar, khu vực Crimea, Iran, Iraq, Lebanon và các nước khác.

    Trả lờiXóa
  5. Lần này, Hoa Kỳ có rất ít bất đồng về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, với sự đồng thuận của lưỡng đảng. Nhưng vấn đề xảy ra sau đó vài ngày, giá xăng tăng gấp N lần 10 xu cho mỗi gallon. Theo Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ (AAA), giá xăng trung bình thông thường tại Hoa Kỳ chạm mức 4,173 USD/gallon vào ngày 7/3, mức cao nhất kể từ năm 2000, và mức giá đó đã tăng 15% so với tuần trước và 21% so với tháng trước.

    Trả lờiXóa
  6. Ngoài xung đột, các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu , với tác động thế chấp đối với các quốc gia khác. IMF tin rằng sự gia tăng giá năng lượng và nguyên liệu thô đã làm trầm trọng thêm sự gia tăng lạm phát mà thế giới đang trải qua khi nó xuất hiện sau đại dịch.

    Trả lờiXóa
  7. ông Biden cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể đạt được hiệu quả đánh bại ông Putin. Trên thực tế, ảnh hưởng lớn nhất của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Châu Âu đối với Nga là chia cắt thị trường thống nhất toàn cầu mà các công ty đa quốc gia phương Tây và các chính phủ phương Tây đã dày công xây dựng thành hai nửa, một là thị trường phương Tây từ chối Nga, hai là châu Á , Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, những nước duy trì quan hệ kinh tế với Nga.

    Trả lờiXóa
  8. Điều ta có thể thấy rằng, việc cấm USD thật ra chỉ là lệnh cấm chuyển USD từ Mỹ sang Nga. Và tất nhiên, Mỹ không thể cấm các quốc gia bên ngoài phương Tây dùng USD thanh toán cho các hợp đồng thương mại với Nga. Cho nên, xét về lý thuyết, Điện Kremlin vẫn có nguồn khác để thu vào USD nhằm gia tăng nhập khẩu hàng hóa của thế giới, bình ổn giá cả trong nước trước các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây.

    Trả lờiXóa
  9. Nga là một trong những quốc gia giàu có nhất về nguyên liệu thô, đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên và thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ. Các nước phương Tây phụ thuộc đáng kể vào dầu khí, quặng, kim loại, phân bón của Nga và việc thay thế tất cả tài nguyên đó không phải là dễ dàng, nếu không nói là bất khả thi

    Trả lờiXóa
  10. Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Vì vậy, việc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt, cấm dùng đồng USD và Euro sẽ tạo động lực để Nga chuyển sang nhận thanh toán bằng đồng NDT, gián tiếp khiến đồng Rube và NDT trở thành lựa chọn duy nhất cho các đối tác khi thanh toán các hợp đồng thương mại với Nga

    Trả lờiXóa
  11. Trước đó, ông Putin từng nói: "Các biện pháp trừng phạt này sẽ được phương Tây áp dụng trong mọi trường hợp. Có một số rắc rối và khó khăn, nhưng quá khứ đã cho thấy chúng tôi vượt qua chúng và giờ chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua", "Cuối cùng, tất cả điều này sẽ dẫn đến sự tăng cường độc lập, tự cường và chủ quyền của chúng tôi"

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog