Chia sẻ

Tre Làng

Phạm Ngọc Hiền: Trao đổi với Chu Mộng Long về bài "Thi pháp học đồ đểu"

Tác giả: Phạm Ngọc Hiền

Năm 2016, tôi có xuất bản cuốn sách Thi pháp học, do công ty văn hóa Đông Tây và NXB Văn học phát hành. Cuốn sách được nhiều người đánh giá cao nhưng cũng có một ý kiến nhận xét trái chiều. Đó là bài Thi pháp học đồ đểu đăng trên blog cá nhân của Chu Mộng Long (tức Châu Minh Hùng). Bài viết có nhiều chi tiết bịa đặt, vu khống làm cho một số bạn đọc hiểu nhầm cuốn sách của tôi.

Mở đầu bài viết là một câu chửi. Và trong bài còn có nhiều từ ngữ nặng nề nhằm hạ nhục người khác. Tôi không rõ bài viết này thuộc thể loại nào. Nó không nghiêm túc như văn khoa học, nghị luận, báo chí… Những lời lẽ thông tục của nó chỉ thích hợp cho phong cách khẩu ngữ và văn chương (truyện Chí Phèo cũng mở đầu bằng tiếng chửi). Bài của Mộng Long tuy có nhiều chỗ hư cấu nhưng không hẳn là văn chương. Tôi tạm xếp nó vào thể loại văn chửi, một thể văn rất phổ biến trên mạng xã hội hiện nay.

Tôi có điện thoại nói với Châu Minh Hùng rằng: viết phê bình thì phải viết nghiêm túc, khách quan, sao lại dùng từ ngữ nặng nề như vậy. Anh ta nhắc đi nhắc lại hai lần rằng: chữ “đồ đểu” là của Trần Đình Sử, cứ điện thoại ra Hà Nội mà hỏi Trần Đình Sử. Sau cuộc đàm thoại này, cũng như qua nhiều nguồn tin của đồng nghiệp từ Quy Nhơn cung cấp, tôi mới phát hiện ra nhiều điều. Tôi hiểu lý do vì sao Châu Minh Hùng là người không am hiểu về Thi pháp học mà vẫn dám viết bài về lĩnh vực này. Phải có người đứng đằng sau chỉ vẽ mới có thể viết được như vậy. Và một điều làm cho tôi bất ngờ hơn nữa là thái độ của Trần Đình Sử đối với tôi. Sau khi sách được in xong, tôi tìm địa chỉ của ông và ra bưu điện gửi sách với lời đề tặng: “Kính tặng thầy Trần Đình Sử”. Như vậy, tôi vừa tốn tiền sách, tốn tiền bưu điện lại tốn công đi gửi sách. Nhưng chờ mãi không thấy tin nhắn: “Tôi đã nhận sách, xin cảm ơn”. Thay vào đó, tôi nhận được câu chửi. Vấn đề này thuộc về kỹ năng ứng xử. Qua đây, tôi cũng có đôi lời nhắn nhủ với các bạn văn nghệ sĩ rằng: cần phải cẩn thận trong việc tặng sách. Nếu bạn tặng cho người rộng lượng, họ sẽ vui vẻ và bỏ qua vài nhược điểm trong cuốn sách của bạn. Nếu bạn tặng sách cho người có bụng dạ hẹp hòi ích kỷ, họ sẽ bới lông tìm vết và mượn tay người khác để công kích tác phẩm của bạn.

Mở đầu bài văn chửi, Chu viết: “tôi đang ở trong chăn, cái chăn của thời đại sinh ra thế hệ trí thức cơ hội chuyên sản xuất đồ đểu”. Tôi không hiểu Chu nói ai là trí thức cơ hội: tôi, hay Trần Đình Sử, hay Châu Minh Hùng. Theo tôi hiểu, trí thức cơ hội là những kẻ không có tư tưởng lập trường rõ ràng. Hôm nay họ chửi mướn cho phe này, hôm sau lại chửi mướn cho phe kia. Khi thấy một giáo sư đầu ngành nhờ chửi dùm một cuốn sách, cảm thấy đây là cơ hội để nổi tiếng trong làng khoa học, họ đã vội vàng chửi ngay, mặc dù chưa đọc cuốn sách (tính đến thời điểm viết bài). Đó là những kẻ “cơ hội, láu cá”. Nhưng họ giỏi ăn nói lươn lẹo, khéo dùng từ ngữ đó chửi người khác để che giấu bản chất thật của mình.

Trong toàn bộ bài viết, Chu Mộng Long tạo cho người đọc ngộ nhận là tôi phê phán Trần Đình Sử. Và có khá nhiều tín đồ của Chu đã tin điều này. Có một anh hùng bàn phím chạy qua chạy lại lăng xăng giữa các facebook trong băng nhóm của mình với câu hỏi: “Phạm Ngọc Hiền là ai mà dám phê phán Trần Đình Sử nhỉ ?”. Những người quen biết tôi thì thở dài trách móc tại sao tôi nỡ phủ nhận công lao của người mở đường cho Thi pháp học. Như vậy, có thực sự là tôi phê phán Trần Đình Sử không ? Xin thưa là không mà ngược lại, tôi còn ca ngợi Trần Đình Sử. Hãy xem các đoạn văn sau:

“Trần Đình Sử là người có công đầu trong việc phổ biến Thi pháp học ở Việt Nam. Sau thời gian du học ở Liên Xô, ông đã mang về nước những lý thuyết của Thi pháp học văn hóa - lịch sử. Công trình mang tính đột phá của ông là Thi pháp thơ Tố Hữu (1987). Sau đó là hàng loạt công trình khác như: Giáo trình dẫn luận Thi pháp học, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Thi pháp Truyện Kiều…” (trang 78)

“Từ năm 1987, Thi pháp học Việt Nam được đánh một dấu mốc quan trọng bởi sự ra đời của cuốn sách Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1987). Trần Đình Sử đã tân trang thơ Tố Hữu bằng cái nhìn “thi pháp”. Mọi người nhận thấy rằng, phương pháp này không “lệch chuẩn”. Nó chỉ mới lạ ở chỗ gia tăng việc phân tích hình thức nghệ thuật tác phẩm. Chuyên luận của Trần Đình Sử ra đời đúng vào giai đoạn đầu Đổi mới nên công cuộc bành trướng Thi pháp học diễn ra rất thuận lợi. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời hàng loạt công trình khác như: Giáo trình Dẫn luận Thi pháp học (1998), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1999), Thi pháp Truyện Kiều (2002)… Có thể thấy phần nào chân dung của chủ tướng Trần Đình Sử qua tuyển tập Thi pháp học ở Việt Nam (2010).

Năm 1989, có hai bài viết hậu thuẫn cho Trần Đình Sử là Một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng: về “Thi pháp thơ Tố Hữu” chuyên luận của Trần Đình Sử (Lã Nguyên), Thi pháp học và thi pháp thơ Tố Hữu (Đỗ Lai Thúy)” (trang 470 – 471, bản in lần 1).

Đọc nội dung trên, học sinh tiểu học cũng biết là Phạm Ngọc Hiền ca ngợi Trần Đình Sử. Không rõ Châu Minh Hùng học hành tới đâu mà không hiểu đoạn văn này. Đoạn văn chỉ có một nghĩa mà không hiểu đúng thì làm sao hiểu được những đoạn văn đa nghĩa. Bởi vậy, trong nhà trường phổ thông, cần phải chú trọng kỹ năng đọc hiểu văn bản. Trong trường hợp này, có hai khả năng xảy ra: Một là Châu Minh Hùng có khả năng đọc hiểu kém nên nhìn gà hóa cuốc, tưởng là tôi “mỉa mai” Trần Đình Sử. Hai là ông chưa đọc Thi pháp học nên không hiểu tinh thần của cuốn sách như thế nào, bịa ra nói lung tung.

Phần nội dung, Chu viết: “Khoan đọc vào nội dung, chỉ nhìn vào Mục lục và Thư mục tham khảo, rồi kiểm tra vào phần chú thích dưới mỗi trang sách, các bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về khả năng cóp nhặt, xào nấu rất láu cá của tác giả”. Để đánh giá một cuốn sách, không thể chỉ căn cứ vào mục lục mà phải đọc trực tiếp nội dung. Chỉ có những kẻ “láu cá”, chưa đọc nội dung tác phẩm thì mới căn cứ vào mục lục để phán xét người khác. Vậy, Chu nhìn thấy mục lục này ở đâu ? Đó là mục lục mà tôi chụp hình cuốn sách giới thiệu trên trang web phamngochien.com. Có thể Chu thấy loáng thoáng có vài từ ngữ giống cuốn sách Thi pháp học hiện đại của Trần Đình Sử nên suy diễn tôi “cóp nhặt”. Phải nói thêm một chút cho những người không chuyên môn rõ: Trong các giáo trình, người ta phải viết theo một cái khuôn nhất định. Ví dụ, các giáo trình Mỹ học thường có mục lục quen thuộc như: 1. Khái quát về quan hệ thẩm mỹ; 2. Chủ thể thẩm mỹ; 3. Khách thể thẩm mỹ; 4. Nghệ thuật… Nhưng không thể căn cứ vào mục lục giống nhau như vậy để cho rằng tất cả các giáo trình đều xào nấu lẫn nhau. Cũng như bài giảng của giáo viên Văn thường theo kết cấu: 1. Tìm hiểu chung; 2. Đọc hiểu văn bản; 3. Tổng kết. Nhưng không thể căn cứ vào cái khung chung như vậy để cho rằng tất cả giáo viên dạy Văn trong cả nước đều xào nấu bài giảng lẫn nhau. Đánh giá một cuốn sách mà chỉ nhìn mục lục thì chẳng khác gì chấm bài Văn của học sinh mà không đọc nội dung, chỉ nhìn hình thức bề ngoài rồi cho điểm. Đến khi học sinh khiếu kiện thì giáo viên dùng tài ngụy biện để chê nội dung bài viết của học sinh sai chỗ này, thiếu chỗ kia. Chứ giáo viên là người rất có đạo đức nghề nghiệp, không bao giờ bỏ việc chấm bài để lang thang trên mạng làm anh hùng bàn phím (!)

Hãy xem hình chụp dưới đây để thấy rằng, Thi pháp học hiện đại (Trần Đình Sử) và Thi pháp học (Phạm Ngọc Hiền) có cùng đề mục “thi pháp nhân vật” nhưng cách viết và quan điểm trái ngược nhau:



Cuốn Thi pháp học của tôi (cũng như Giáo trình Thi pháp học của Hoàng Trọng Quyền, 2015) cũng có một số tên đề mục gần giống như cuốn Thi pháp học hiện đại của Trần Đình Sử: Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, kết cấu, cốt truyện… Nhìn bề ngoài, có vẻ như tôi theo trường phái của Trần Đình Sử. Nhưng thực ra, nội dung, quan điểm của hai cuốn sách trái ngược nhau (chính vì vậy nên mới có người tức giận). Có thể tóm tắt sự khác nhau của hai cuốn sách như sau: Hai cuốn sách in cách nhau 23 năm. TPHHĐ của TĐS (1993) vẫn còn nằm trong cái vòng kim cô của Liên Xô thì TPH của tôi (2016) đã thoát sang Âu – Mỹ và cập nhật nhiều lý thuyết mới của thế giới. Nếu TPH của TĐS nghiêng về nội dung tư tưởng thì TPH của tôi nghiêng về hình thức nghệ thuật. TPH của TĐS nghiên cứu tách rời các yếu tố thi pháp, còn tôi nghiên cứu các yếu tố đó trong mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau (theo tinh thần của chủ nghĩa cấu trúc phương Tây). TPH của TĐS chuyên về lý thuyết, khó hiểu, TPH của tôi chuyên về thực hành, dễ hiểu. TPH của TĐS chủ yếu lấy các ví dụ trong văn học Liên Xô và thơ Tố Hữu, còn TPH của tôi lấy ví dụ trong văn học phương Tây, văn học đô thị miền Nam, văn học Việt Nam hải ngoại… Ngoài ra, tôi còn lấy ví dụ trong các lĩnh vực: ca nhạc, sân khấu, điện ảnh, điêu khắc, hội họa… Không chỉ lấy các ví dụ có sẵn mà tôi còn sáng tác ra các ví dụ mới: “Những nàng thiên nga sải những đôi cánh thần tiên bay lên miền tự do cao xa và mất hút trong màu thủy tinh xanh ngợp mắt” (P.N.H). “Bốn năm đại học trôi vèo như một chiếc xe tốc hành qua xa lộ tri thức”, “Bốn năm đại học dài lê thê như con lạc đà gãy chân trườn qua sa mạc” (P.N.H). Như vậy, cuốn sách của tôi có sự kết hợp của lý thuyết, phê bình, sáng tác, có cả văn chương và các loại hình nghệ thuật khác. Trên đây, tôi chỉ nêu sơ lược vài điểm khác nhau giữa hai cuốn sách. Nếu Trần Đình Sử và Chu Mộng Long muốn diễn giải thêm thì tôi sẽ viết vài bài nữa. Trước đây, tôi không dám so sánh như vậy vì sợ sẽ làm cho TĐS buồn. Nhưng sau sự việc này, tôi không ngần ngại nữa.


Về dung lượng, cuốn sách Thi pháp học của tôi (bản in 2016) dày gấp 6 lần cuốn Thi pháp học hiện đại của Trần Đình Sử (in năm 1993). Cuốn Thi pháp học của tôi dày 560 trang khổ lớn, còn cuốn Thi pháp học hiện đại dày 165 trang khổ nhỏ. Khi thấy tôi có ý định viết bài trả lời, một anh bạn đồng nghiệp khuyên không cần thiết vì chỉ cần cầm trên tay hai cuốn sách là biết ngay sự khác nhau như thế nào. Nhưng tôi nghĩ mấy ai có trong tay cả hai cuốn sách. Mà nếu có sách thì các chư hầu của nhà Chu chưa chắc đã đọc nổi một trang. Họ là những người lười đọc sách, siêng chửi bới, giỏi ăn theo nói leo. Giống như thời bao cấp, có một nhà phê bình chửi Tự lực văn đoàn, thế là cả nước cũng hùa nhau chửi theo. Mặc dù chưa ai đọc cuốn sách nào của Tự lực văn đoàn. Đến đầu thế kỷ XXI này, tư duy bầy đàn vẫn còn. Đó là mảnh đất màu mỡ cho các anh hùng bàn phím dụng võ.

Chu Mộng Long viết:


Ở đây, Châu Minh Hùng có sự lầm lẫn hết sức ngô nghê giữa hai thuật ngữ “Tài liệu tham khảo” và “Phụ lục”. Tài liệu tham khảo là những sách báo mà tác giả có đọc, tham khảo nội dung để viết sách. Phần này, tôi có chú thích ở cuối trang. Còn phần Phụ lục là những nội dung phụ ở cuối sách, bổ sung cho phần nội dung chính. Nó bao gồm: tranh ảnh, biểu đồ, hay thống kê những tác phẩm trong một lĩnh vực nào đó… Nhiều học sinh THPT đã hiểu được sự khác nhau này. Còn sinh viên thì dĩ nhiên ai cũng biết. Không rõ Châu Minh Hùng học hành tới bậc nào mà không biết điều này. Cái con số 340 tài liệu mà ông đưa ra là thuộc phần Phụ lục 2 chứ không phải là Tài liệu tham khảo. Nhưng Chu lấy ở đâu ra con số 340 tài liệu ? Có thể Chu căn cứ vào trang cuối của cuốn sách mà tôi chụp hình đưa lên trang web phamngochien.com. Chu không biết rằng, ở phần Phụ lục 2: “Những công trình liên quan tới Thi pháp học”, tôi chia làm hai phần: Phần các tác giả Việt Nam (gồm 510 tài liệu) và Các tác giả nước ngoài (gồm 340 tài liệu). Hai phần được đánh số riêng. Tổng cộng là 850 tài liệu liên quan tới Thi pháp học. Mới nhìn thấy có 340 tài liệu mà Chu đã cho là quá hoành tráng. Nếu phát hiện ra sự thật là 850 tài liệu thì chắc... ngất xỉu. Qua sự việc này, có thể đưa ra ba khả năng: Một là: Chu không phân biệt được sự khác nhau giữa Tài liệu tham khảo và Phụ lục (lỗi do yếu kém chuyên môn); Hai là, Chu chưa đọc cuốn sách Thi pháp học nên cứ tưởng là chỉ có 340 tài liệu (lỗi này do “láu cá”); Ba là, Chu vẫn biết Tài liệu tham khảo khác với Phụ lục, và vẫn biết có 850 tài liệu nhưng chỉ nói là 340 tài liệu tham khảo (lỗi này do tính xảo trá, nói láo quen mồm).


Đối với những tài liệu nằm ở phần Phụ lục, không nhất thiết tác giả phải đọc trực tiếp. Chẳng hạn, trong thống kê danh mục động vật ăn cây cỏ, tôi có quyền nêu tên hươu cao cổ, mặc dù chưa sang châu Phi sờ vào nó lần nào. Trong cuốn Thi pháp học, phần mà tôi tốn nhiều thời gian nhất là thống kê danh mục những công trình có liên quan tới Thi pháp học. Suốt hơn 10 năm trời, tôi vùi đầu vào các thư viện để lục tìm những tài liệu có liên quan. Tôi thường xuyên cập nhật các báo, tạp chí để xem ghi chép tỉ mỉ tên bài viết, tác giả, số tạp chí… Tôi còn vào trang web các thư viện trên thế giới, nhất là thư viện quốc hội Mỹ, gõ tìm những từ có liên quan tới thi pháp, rồi dịch nhan đề tác phẩm. Mục tiêu của việc làm này là giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về vấn đề mình cần nghiên cứu. Chẳng hạn, có ai đó muốn nghiên cứu “điểm nhìn nghệ thuật”, họ xem danh mục tác phẩm do tôi cung cấp để biết được trên thế giới và Việt Nam đã có ai nghiên cứu vấn đề này rồi. Tôi chỉ giới thiệu nhan đề tác phẩm, còn nội dung thì họ phải tự tìm đọc. Trong lần in thứ nhất, tôi giới thiệu 850 tài liệu liên quan tới Thi pháp học. Còn trong lần in thứ 2 (đầu năm 2019), con số này đã lên tới 930. Và tôi sẽ còn tiếp cập nhật. Cần nói thêm, cuốn sách của tôi vốn là một đề tài khoa học đã qua thẩm định của hội đồng khoa học gồm 5 người, đạt loại Tốt. Sau đó, tôi còn nhờ nhiều chuyên gia đọc góp ý. Tổng cộng có ít nhất 10 người đọc thẩm định và biên tập cuốn sách. Họ gồm 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 3 tiến sĩ và nhiều biên tập viên các nhà xuất bản ở Sài Gòn và Hà Nội. Đây là những người có tinh thần trách nhiệm cao và siêng năng làm việc chứ không cẩu thả và rỗi việc như loại trí thức giả danh. Người siêng năng phải mất nhiều năm để xây cây cầu, còn kẻ bất lương chỉ mất vài phút để phá cây cầu.

Chu nói: “Theo anh ta, những sách nào có nói đến nghệ thuật đều là thi pháp học, từ sách của Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố… đến sách của Hoài Thanh, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức…”. Phần này thuộc về Phụ lục 1: “Tổng quan Thi pháp học ở Việt Nam”. Có lẽ Chu chưa đọc sách nên đoán mò hoặc nói theo ai đó mà người này già cả, mắt mũi kèm nhèm, đọc không rõ nên truyền đạt sai. Đối với tác phẩm của các tác giả nêu trên, tôi nói đó là “những công trình mang tính học thuật về thơ ca” chứ không phải là công trình Thi pháp học. Tôi có nêu cuốn Thi nhân Việt Nam và kết luận, Hoài Thanh “có chú trọng phân tích hình thức nghệ thuật, tuy nhiên, đây vẫn chưa hẳn là công trình chuyên về Thi pháp học” (tr. 462). Trong phần Phụ lục 1 và 2, tôi có nêu tên một số tác phẩm gần gũi với Thi pháp học. Đối với tôi, bất cứ công trình nào nghiên cứu hình thức nghệ thuật cũng cần được xem là có liên quan tới Thi pháp học. Tuy nhiên, nếu có ai đó nói rằng, Thi pháp học phải nghiên cứu cả nội dung như Thi pháp thơ Tố Hữu, Thi pháp văn học Việt Nam trung đại, Thi pháp Truyện Kiều (Trần Đình Sử) thì tôi cũng không cãi vì mỗi người có một cách hiểu khác nhau. Cũng như hiện nay, có 164 định nghĩa về văn hóa. Ta không nên cãi cái nào đúng, cái nào sai. Trong xã hội dân chủ, người ta chấp nhận sự khác biệt. Chứ không phải thấy ai khác mình là chụp mũ hoặc vung rìu đánh nhau giống như bầy người thời đồ đá. Chu nói rằng cuốn sách của tôi là “Thi pháp học tạp pí lù”. Tôi không cãi lại điều này, vì cuốn sách của tôi dung nạp nhiều trường phái đông tây kim cổ chứ không chỉ có độc hai món Nga và Tàu. Tôi dung nạp nhiều thứ nhưng chỉ lọc lại những cái gì liên quan tới hình thức nghệ thuật chứ không phải là một mớ hỗn độn cả nội dung và hình thức nhưng nhiều cuốn Thi pháp học đồ giả khác.

Về việc chú thích tài liệu trích dẫn, Chu thắc mắc tại sao có chỗ tôi ghi nguồn, có chỗ không ghi nguồn (nhưng chỉ nói chung chung chứ không chỉ ra cụ thể chỗ nào). Tôi giải thích như sau: Chẳng hạn như câu nói “Nghệ thuật bắt đầu từ nơi mà hình thức bắt đầu” của Vưgotski ở trang 110, tôi chỉ ghi tên người phát biểu mà không ghi câu đó nằm ở sách nào, in năm mấy, trang mấy, ai dịch… Lý do thứ nhất, đó chỉ là nội dung phụ, không có gì phải tranh cãi nên cũng không cần diễn giải dài dòng. Thứ hai, câu nói đó đã quá phổ biến, nhiều người biết và trích lại nhiều lần nên không cần phải truy tìm chú thích bản gốc. Chẳng hạn, khi trích câu: “Văn học là nhân học”, bạn chỉ cần nói câu đó là của M. Gorky là được. Không nhất thiết phải nói ai dịch câu đó, nó nằm trong sách nào, in ở đâu, trang mấy… Nếu bạn ghi chi tiết những nội dung đó cũng tốt nhưng nếu không ghi cũng không sao. Cũng như việc bạn sưu tầm một hình ảnh trên mạng để đăng vào facebook. Nếu bạn ghi chú thích ảnh đó là của bạn thì rất sai. Nhưng nếu bạn không ghi gì hoặc ghi “ảnh sưu tầm” thì không sao. Những người quân tử sẽ không bắt bẻ những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Tuy nhiên, đối với những câu nói quan trọng, có khả năng gây tranh cãi và còn mới mẻ đối với nhiều người, tôi có chú thích nguồn đầy đủ. Chẳng hạn, ở trang 354, tôi có chú nguồn đầy đủ nhà xuất bản, năm in cuốn sách Lược sử thời gian của nhà Vật lý học người Mỹ S. Hawking. Đây là dẫn chứng do tôi tìm kiếm được trong quá trình đọc cuốn sách Lược sử thời gian (chứ không phải trích lại của Trần Đình Sử). Tuy nhiên, nếu sau này, có ai trích lại câu đó mà không ghi nguồn cuốn sách của tôi thì cũng không sao. Tôi không thích cà khịa, sinh sự, bắt bẻ những chuyện nhỏ nhặt.


Trong học thuật, hình như trí thức của ta xưa nay chưa có sự độc lập trong tư duy. Thời trung đại, các nhà Nho nói câu nào cũng trích dẫn lời các Tử bên Tàu. Nào là Khổng Tử nói, Trang Tử cho rằng, Theo Tuân Tử… Từ giữa thế kỷ XX, ta lại rơi vào cái vòng tư tưởng của Liên Xô. Nói cái gì cũng: Theo ông ốp, nói như ông ép, ông ski có lý khi cho rằng, vẫn theo ông tin… Rồi rất nhiều người trích dẫn sách Dẫn luận Thi pháp học của TĐS dù chưa đọc sách đó lần nào. Vẫn là: theo TĐS, TĐS cho rằng, TĐS viết, TĐS quan niệm… Nhưng những câu nói đó có đúng là của TĐS hay là của mấy ông ốp, ép, ski, tin bên Liên Xô ? Chu Mộng Long nói rằng, TĐS “có những kiến giải rất riêng xoay quanh một trục tư tưởng “hình thức mang tính quan niệm”, “hình thức trong tương quan với nội dung tác phẩm”. Trước kia, tôi cũng như nhiều người khác tin rằng, ý tưởng hình thức mang tính nội dung / quan niệm là của TĐS phát minh ra. Nhưng sau này mới biết, ý tưởng đó là của M. Bakhtin (xem thêm trong Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, T1 (Lộc Phương Thủy chủ biên), Những vấn đề thi pháp Dostoevski (M. Bakhtin) .v.v…). Không phải cái gì có trong sách của TĐS cũng là do TĐS sáng tạo. Bởi vậy, phải cẩn thận khi trích nguồn. Nếu không rõ nguồn thì ta tự nói theo cách khác, không nhất thiết phải nói theo ai cả.

Có thể chia bài viết của Chu Mộng Long làm hai nội dung nhỏ: Một là phần chửi bới thô tục, không có thông tin gì bổ ích, phần này thuộc bản quyền của Chu. Hai là phần Chu cóp nhặt, xào nấu từ nội dung các bài viết của những người khác. Chu cứ thản nhiên cóp nhặt ý tưởng của người khác mà không trích nguồn, vừa xào vừa chửi. Tôi chỉ nêu một trường hợp điển hình cho việc xào nấu các tư liệu từ bài viết “Lược sử Thi pháp học Việt Nam” của tôi đăng trên vanchuongviet.org (2008) và nhiều trang khác. Chu viết: “Ai cũng biết Thi pháp học của thế giới đa dạng với nhiều khuynh hướng, trào lưu khác nhau. Khi du nhập sang Việt Nam, trừ sự thống nhất theo cách của Trần Đình Sử, người ta cũng tiếp cận với nhiều hướng khác nhau. Chẳng hạn thi pháp cấu trúc luận và hiện tượng luận của các học giả miền Nam trước 1975 như của Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến…, thi pháp cấu trúc – kí hiệu học, phong cách học ngôn ngữ sau thời kì đổi mới ở miền Bắc như của Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Phan Cảnh, Hoàng Trinh, Phan Ngọc…”. Xét đến thời điểm năm 2008, ngoài tôi ra, chưa có ai đề cập đến Thi pháp học ở miền Nam trước 1975. Sau này, nhiều sách báo khi nhắc đến Thi pháp học ở miền Nam đều nêu trích nguồn từ bài viết của tôi rất đàng hoàng:



Có lẽ Chu cáu tiết nhất là câu ở bìa sau của sách: “Có người ví Thi pháp học như một con kỳ đà luôn thay hình đổi dạng. Nó thường thay đổi màu sắc theo thời gian và cũng có sự khác biệt về diện mạo theo không gian sống. Mỗi người nhìn nó qua một lăng kính và tọa độ khác nhau, bởi vậy, ta phải chấp nhận hiện tượng “chín người mười ý”. Có thể nói, Thi pháp học là bức tranh muôn màu và dang dở, đang chờ đợi mỗi nhà nghiên cứu phê bình vẽ vào đấy những màu sắc, đường nét theo quan niệm của mình”. Chu và nhiều đệ tử của mình cho rằng tôi ví Thi pháp học như con kỳ đà. Thực ra, đây là ý kiến của một nhà phê bình đã đăng trên báo (bởi vậy tôi nói: “Có người ví…”). Tôi thấy cách ví von này rất hay nên dẫn lại. Ban biên tập Nhà sách Đông Tây và NXB Văn học thấy câu này cũng hay nên họ đưa ra bìa sách để quảng cáo. Như vậy, có nhiều người thích câu này. Tuy nhiên, nếu Chu không thích thì cũng là việc bình thường. Nhưng phải ăn nói thế nào đó cho có văn hóa, chứ không thể dùng cái lưỡi không xương để chửi bới người khác. Càng chửi, Chu càng lòi ra nhiều cái ngu dốt của mình: “Thi pháp học có các trường phái với lập trường khoa học khác nhau chứ “thay hình đổi dạng” kiểu gì? Mà con tắc kè hoa hay con kì nhông thì mới thay hình đổi dạng chứ con kì đà là con gì mà lại thay hình đổi dạng ?”. Chu thắc mắc hỏi: "con kì đà là con gì". Trẻ con mầm non cũng biết "kỳ đà là cha cắc ké". Ai muốn hiểu rõ hơn thì lên google tra chữ “Kỳ đà” sẽ ra định nghĩa: “Kỳ đà cũng có khả năng biến đổi màu da để thích ứng với môi trường” (vi.wikipedia.org/wiki). Nói chung, bất cứ ai là Con Người cũng đều biết kỳ đà có thể thay đổi màu da. Nếu Chu không biết điều đó thì cũng không sao. Nhưng không biết thì im lặng chứ đừng to mồm khoe cái gì cũng biết, không khéo người ta nói mình mắc chứng vĩ cuồng.

Sau khi bài viết của Chu tung lên mạng, có rất nhiều anh hùng bàn phím tán tụng, phát tán trên facebook và tin nhắn messenger… Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản ứng lối viết “lấy ngôn đè người”, mượn danh nghĩa phê bình để mạt sát, làm nhục người khác. Có người nói: đọc xong bài viết của Chu Mộng Long mà vẫn không biết cuốn sách của Phạm Ngọc Hiền có nhược điểm gì. Nói một cách khách quan, bài viết của Chu có chỉ ra được một lỗi nhỏ li ti trong cuốn Thi pháp học (mà tôi nghĩ rằng có ai đó mách chứ Chu không đủ trình độ để nhận ra). Đó là việc ghi nhầm một con số trong năm xuất bản cuốn sách Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp của Nguyễn Thái Hòa. Đúng ra, sách này in năm 1997 nhưng tôi ghi nhầm một con số thành 1977. Với bạn đọc, việc sai một con số trong năm xuất bản cuốn sách là chi tiết không quan trọng. Nhưng có lẽ Trần Đình Sử rất tức giận chuyện này và cho rằng tôi cố tình viết sai để phủ nhận công lao của ông. Vì nếu cho rằng Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp in năm 1977 thì cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu (1987) không còn là cuốn sách đầu tiên về Thi pháp học ở Việt Nam nữa. Nhiều người cho rằng, Trần Đình Sử là người mở đầu cho Thi pháp học ở Việt Nam. Trước đây, tôi cũng từng tin như vậy. Nhưng trong quá trình nghiên cứu chuyên sâu, tôi mới phát hiện rằng, cuốn Thi pháp học đầu tiên ở Việt Nam đã có từ cuối thế kỷ XIX. Đó là cuốn Thi pháp nhập môn của Thế Tải, Trương Minh Ký xuất bản ở Sài Gòn năm 1898. Còn trong giai đoạn 1955 – 1975, tất cả các trường phái Thi pháp học đều có ở miền Nam. Nhưng sau 1975, kho sách của miền Nam bị niêm phong nên nhiều người tưởng rằng, chỉ sau 1986 mới có Thi pháp học. Tôi cho rằng, Thi pháp học đã có từ trước 1975 nhưng chỉ từ khi có cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu mới nổ ra phong trào nghiên cứu Thi pháp học. Như vậy, tôi vẫn khẳng định công lao của Trần Đình Sử chứ không phủ nhận ông như giới giang hồ đồn đại.

Một vấn đề nữa đặt ra là: bài viết của Chu Mộng Long có làm nhục Trần Đình Sử hay không ? Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như vậy vì thấy nhiều blogger có tư tưởng rất phức tạp (giống như luật sư hai mang). Trong khi làng khoa học đang yên tĩnh, bỗng có một bài chửi bới ầm ĩ về Thi pháp học. Mọi người hỏi ra thì mới biết có tin đồn PNH phê phán TĐS. Việc phê phán một giáo sư đầu ngành không phải là chuyện nhỏ. Mọi người bàn tán: chắc Thi pháp học của TĐS có sai lầm gì đấy nên mới có người phê phán chứ, nếu không có lửa thì sao có khói. Và nhiều người nhìn TĐS bằng cặp mắt nghi ngờ, thương hại có, giễu cợt có. Cách ăn nói hồ đồ của CML đã làm mất mặt một nhà giáo nhân dân: “Phạm Ngọc Hiền gần như xem Trần Đình Sử là kẻ theo đuôi (…) Không chỉ xem Trần Đình Sử là kẻ theo đuôi mà còn là kẻ ăn may”. Thực ra, cuốn Thi pháp học của tôi không hề có câu nào nói TĐS là kẻ “theo đuôi” hoặc “ăn may”. Chu còn dựng lên chuyện có hay không việc TĐS cóp nhặt các công trình lý luận của Liên Xô: “Trần Đình Sử không bê nguyên xi hay cóp nhặt một trường phái thi pháp học nào của Nga”. Từ lâu, người ta cũng bàn tán nhiều về trường phái Thi pháp học Văn hóa – lịch sử. Họ không nói thẳng nhưng nói bóng gió về loại “giả thi pháp”, “ngụy thi pháp”, “phản thi pháp”. Và những lời bàn tán này đã lắng xuống từ lâu. Nay, bài viết của CML lại bới tung lên lần nữa. Những người không thích TĐS có dịp trở lại những câu hỏi cũ: Thi pháp học của TĐS có phải là Thi pháp học chính hiệu hay đó chỉ là sự nhầm lẫn “thi pháp” và “phương pháp”, là vỏ thi pháp nhưng ruột xã hội học ? TĐS có cóp nhặt, xào nấu các công trình lý luận của Liên Xô hay không ?… (xem thêm các bài viết liên quan tới Trần Đình Sử ở cuối bài này).

Nhân đây, tôi nói luôn, cuốn Thi pháp học hiện đại của TĐS có đến 80 % kiến thức có nguồn gốc từ Liên Xô. Còn 20 % còn lại là các ví dụ minh họa của ông (nếu cần thiết, tôi sẽ viết riêng một bài để chứng minh điều này). Nhưng trong cuốn Thi pháp học, tôi cũng không nói TĐS xào nấu các kiến thức từ Liên Xô. Nói đúng ra, TĐS là người có công chuyển tải Thi pháp học từ Liên Xô về Việt Nam và ông có công “Trần Đình Sử hóa” một cách sâu sắc (như CML đã nói). Nhưng ông không đưa ra một lý thuyết mới nào. Và có lẽ ông cũng dị ứng với những lý thuyết mới mà tôi đưa ra ở mục “Góp phần xác lập một khoa học về thi pháp ở Việt Nam”. Ngoài phần này, tôi còn đưa ra nhiều lý thuyết mới, cách tiếp cận mới. Đặc biệt là ở mục: “Mối quan hệ giữa không gian và thời gian nghệ thuật”. Chu nói: “Tôi dám cá chắc với tác giả và với ai hiểu biết về Thi pháp học có thể dẫn ra một công trình thi pháp học nào đó của thế giới có hệ thống chương mục như thế”. Tôi thiết kế các chương mục theo kiểu liên kết các thành tố thi pháp (theo tinh thần của chủ nghĩa cấu trúc). Bởi vậy nên mới có các mục: mối quan hệ giữa thể loại và ngôn từ, mối quan hệ giữa không gian và thời gian, mối quan hệ giữa cốt truyện và điểm nhìn... (trong khi sách của TĐS tách rời các yếu tố này). Ở Việt Nam, chưa có ai nghiên cứu các yếu tố này trong sự liên kết, chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu kết cấu công trình của tôi không giống với sách nào thì tốt chứ sao ! Tôi làm theo ý của mình, đúng hay sai thì tôi chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho các “Tử” bên Tàu hoặc các ông ốp, ép, ki, tin bên Nga.

Chu Mộng Long là thành viên tích cực trong phong trào đả phá thần tượng (giải thiêng, giải trung tâm…). Trong năm 2017, có hai thần tượng khoa học rơi vào tầm ngắm của dư luận: GS Nguyễn Lân và GS Trần Đình Sử. Hoàng Tuấn Công viết sách phê bình cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân. Bài viết của Chu Mộng Long đã dựng chuyện Phạm Ngọc Hiền phê phán Trần Đình Sử, làm dấy lên phong trào đòi “giải thiêng” Trần Đình Sử, giải trung tâm lý luận Xô viết… Thêm vào đó, các phát ngôn của Trần Đình Sử trên facebook (vấn đề biển Đông, đề thi trung học, cải cách chữ quốc ngữ...) cũng gây những ý kiến trái chiều. Lời nói của các giáo sư bỗng mất thiêng. Công trình của các giáo sư bị đem ra xét lại, làm cho người ta giảm bớt cái nhìn tin tưởng tuyệt đối vào các giáo sư. Nhiều người chán ghét các giáo sư cố cựu cản mũi kỳ đà, không muốn cho các nhà nghiên cứu trẻ thể hiện các quan điểm mới. Những độc giả ủng hộ cái mới đã tìm mua các sách trên để đọc. Sau khi Chu đăng bài được nửa năm, cuốn sách Thi pháp học được bán hết sạch trơn. Sau nửa năm vắng bóng trên thị trường, cuốn sách xuất hiện trở lại nhưng bìa sách có màu sắc không giống với bản gốc. Tôi nghĩ là sách in nối bản hoặc in lậu. Qua đó, cho thấy bài viết của Chu cũng có tác dụng tích cực đối với thị trường sách. Để nâng tầm cho bài viết của mình, Chu đã phóng đại quá mức cuốn Thi pháp học của tôi: đó là “viên ngọc sáng chói làm lu mờ hết mọi tên tuổi”, “Rất oai phong lẫm liệt”… Thực ra, tôi không bao giờ dám nghĩ cuốn sách của mình sẽ làm mờ tên tuổi của Trần Đình Sử. Mặc dù nếu xét về dung lượng, cuốn sách Thi pháp học của tôi dày nhất trong các sách Thi pháp học xuất bản ở Việt Nam từ trước đến nay. Nhưng tôi không xem độ dày của trang sách là thước đo chất lượng. Chất lượng của nó phải để cho bạn đọc thẩm định. Sau vụ Chu làm ồn ào, nhiều bạn đọc đi tìm mua sách Thi pháp học về đọc và nhận xét: đây là cuốn sách viết rất hay và dễ hiểu (xem các ý kiến bạn đọc ở phần cuối bài viết). Như vậy, Chu đã làm giảm bớt uy tín Trần Đình Sử và vô tình góp phần quảng bá cho cuốn sách của tôi và trang web phamngochien.com.

Trong bài viết của Chu Mộng Long, có đến khoảng 90% nội dung là bịa đặt, vu khống hoặc suy diễn chủ quan. Có thể do Chu không ưa tôi nên cố tình bịa chuyện vu khống để làm nhục. Nhưng cũng có thể do Chu chưa đọc cuốn sách Thi pháp học mà làm theo dàn ý chỉ đạo từ xa của ai đó. Mà dàn ý này chung chung nên Mộng Long cũng chửi chung chung, không chỉ ra được một lỗi cơ bản nào của cuốn sách. Cũng giống như một mụ chửi mướn được sai chửi thuyết tương đối. Nhưng bản thân mụ cũng chưa đọc thuyết tương đối nên nói lung tung, như gà mắc tóc. Nhưng Mộng Long có ưu thế “lợi khẩu”, ưa dùng những từ ngữ đao to búa lớn, biến cái đúng thành cái sai, biến cái thật thành cái giả. Bởi vậy, nên cũng có nhiều tín đồ bị dắt mũi. Trong đó, có cả những công chức nhận bổng lộc cao nhưng trốn việc cơ quan để lên mạng gõ phím ca tụng cái ác. Bài viết của Chu sai nhiều như vậy nhưng tôi không nói đó là công trình phản học thuật nhất của thời đại sản xuất đồ đểu vì nó không phải là "công trình" gì hết (để nói phản hay không phản). Chẳng ai nói những câu chửi mất gà ở nông thôn là một "công trình".

Nhiều người hỏi tại sao tôi không "phê bình" lại một công trình nào đó của Chu Mộng Long. Thực ra, Chu không có một công trình khoa học nào theo đúng nghĩa của nó. Chu Mộng Long là một blogger viết đủ mọi thứ: võ thuật, bóng đá, cà phê trộn pin… Hầu như ở đâu trên mạng có việc cãi cọ xôn xao thì ở đó có mặt Chu. Thỉnh thoảng, thấy Chu có bàn về giải huyền thoại, giải trung tâm, giải… giải gì đó rất nhiều thứ. Nhưng điều đáng nói ở đây là Chu có những suy nghĩ rất ngờ nghệch về giải huyền thoại. Có một sinh viên khoa Nhân học của trường Đại học KHXH và NV TP.HCM đã phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng của Châu Minh Hùng trong cách hiểu về giải huyền thoại. Vốn là người có văn hóa, sinh viên đó đã không chửi là “giải huyền thoại đồ đểu”. Cứ để cho sinh viên trường Đại học KHXH và NV và các trí thức khác (như Tô Huy Thịnh…) giải quyết cái ung nhọt giải huyền thoại, giải trung tâm của Chu. Tôi chỉ can thiệp vào khi thực sự cần thiết. Trong bài viết này, tôi không tiện nói hết cái sai của Chu. Vì không khéo Chu sẽ lẳng lặng mở facebook / blog ra sửa lại bài rồi lu loa nói rằng người ta bịa chuyện nói xấu chứ Chu không bao giờ viết sai. Hình ảnh sau đây trích từ facebook của sinh viên:



Bài viết Thi pháp học đồ đểu xuất hiện năm 2017 nhưng tại sao suốt hai năm qua, tôi im lặng ? Có nhiều lý do. Khi bạn đứng trước một bầy trâu điên đang hùng hổ lao tới thì tốt nhất không nên đứng giữa đường giở luật pháp ra mà lý luận với chúng. Tốt nhất cứ né tránh, nhẫn nhịn chờ đợi, tìm thêm cứ liệu đầy đủ rồi mới lên tiếng. Một lý do khác nữa, bài viết của Chu đã chia rẽ độc giả làm hai phe: một phe ủng hộ Trần Đình Sử và một phe ủng hộ tôi. Nếu lúc đó, tôi lên tiếng nói rằng tôi ca ngợi Trần Đình Sử thì sẽ làm mất lòng phe ủng hộ mình. Nên tôi im lặng. Lý do thứ ba, trước đây, tôi vẫn còn tin vào câu nói: “Một sự nhịn, chín sự lành”, “Lùi một bước, biển rộng trời cao”. Nhưng càng thấy tôi im lặng, Chu càng tiếp tục khiêu khích tôi thêm ba lần nữa, tổng cộng là bốn lần. Tôi thấy các câu châm ngôn này không đúng khi đối phương không còn khả năng cải hóa. Bởi vậy, tôi phải lên tiếng để mọi người biết rõ thực hư. Từ trước đến nay, blogger này đã viết rất nhiều bài chửi bới người khác nhưng phần lớn nạn nhân đã nhẫn nhục chịu đựng vì họ không có khả năng viết bài để thanh minh. Tôi đã từng viết trên 350 bài báo, nếu tính cả các tin bài đăng trên 3 trang web do tôi quản lý thì con số đó lên tới gần 1000 bài. Nhưng tôi chưa từng viết bài đả kích ai. Tôi viết phê bình với mục đích tìm ra cái hay, cái đẹp trong tác phẩm của người khác. Nếu có tác phẩm nào còn non kém thì tôi cũng viết sao để động viên tác giả viết tiếp. Nay, lần đầu tiên tôi viết một bài với tinh thần phê phán. Nhưng để tránh gây tổn thương cho người khác, trước khi đăng bài, tôi đã báo cho các bên liên quan yêu cầu gỡ bài viết Thi pháp học đồ đểu. Chu Mộng Long không chịu gỡ. Điều này cũng dễ hiểu, vì nếu chiến tranh diễn ra thì nhà Chu không có gì để mất. Còn Trần Đình Sử tán thành ý kiến của tôi là nên gỡ bài viết, không làm ồn ào thêm nữa. Vì thấy Trần Đình Sử sẵn sàng hợp tác, nên trong lần đăng chính thức này, tôi đã cắt bỏ nhiều đoạn nói về ông. Như vậy, Trần Đình Sử muốn gỡ bài nhưng Châu Minh Hùng không chịu gỡ. Điều đó cho thấy Châu Minh Hùng viết bài không vì mục đích bảo vệ Trần Đình Sử mà chỉ vì muốn nổi tiếng. Sau khi đạt được mục tiêu rồi thì bỏ mặc đồng minh khốn khổ.

Điều gì xảy ra nếu như 20 năm sau, có ai đó viết cuốn sách Thi pháp học dày hơn gấp 6 lần cuốn sách của tôi và cập nhật nhiều tin tức mới mẻ hơn tôi ? Nếu họ không đụng chạm tới tôi thì tôi cũng sẽ không đụng chạm đến họ. Tôi sẽ lẳng lặng cố gắng viết một cuốn sách khác hay hơn họ. Nếu không viết được nữa thì tôi chấp nhận quy luật “tre già măng mọc”, để cho xã hội phát triển.

Phạm Ngọc Hiền

Link bài viết:
http://phamngochien.com/trao-doi-voi-chu-mong-long-ve-bai-thi-phap-hoc-do-dieu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog