Chia sẻ

Tre Làng

Gia tăng trừng phạt Nga, EU tiệm cận hoảng loạn, Moscow đang làm chủ 'cuộc chơi' năng lượng

Đối với nguồn cung năng lượng, Nga là người làm chủ "cuộc chơi". Nước này có thể điều tiết nhịp độ cung cấp khí đốt cho EU tùy ý, thậm chí là ấn định các mức giá cao chót vót.

Các nước EU đang xem xét kế hoạch áp định mức khí đốt để quản lý đối phó với tình trạng thiếu khí đốt Nga. Hình ảnh một nhà máy nhiệt điện ở Garzweiler, Đức. (Nguồn: AFP)

Trước nguy cơ Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị đưa ra kế hoạch khẩn cấp như hạn chế nhu cầu tiêu thụ, chuẩn bị sẵn một số phương án đa dạng hóa nguồn cung, kết hợp thay thế khí đốt bằng các loại nhiên liệu khác, cho dù điều này ảnh hưởng đến mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Chưa đến mức độ hoảng loạn, nhưng tình thế hiện nay tại EU bắt đầu tiệm cận tới mức độ này.

Nga đi nhanh hơn châu Âu một bước

Ngày 11/7, tập đoàn năng lượng Gazprom bắt đầu tiến hành bảo dưỡng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), qua đó cắt giảm mạnh lưu lượng giao hàng.

Đây là hoạt động thường niên, nhưng Paris, Berlin, Rome và nhiều thủ đô châu Âu đặc biệt lo ngại vì không biết sau khi quy trình hoàn tất, dự kiến vào ngày 21/7, Gazprom có viện lý do gì để ngừng hoàn toàn dịch vụ cung cấp khí đốt hay không.

Nếu trường hợp này xảy ra, mùa Đông châu Âu sẽ đặc biệt khắc nghiệt, vì trước khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Nga cung cấp đến 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của EU.

Theo một báo cáo do trung tâm nghiên cứu Bruegel công bố ngày 7/7, toàn bộ 27 nước thành viên EU phải cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt so với thời điểm trước khi cuộc xung đột xảy ra nếu như Nga khóa hẳn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Đây mới là kịch bản mà thời tiết chưa diễn biến quá khắc nghiệt. Một số nước như Pháp, Italy, Tây Ban Nha sẽ ít bị ảnh hưởng do hệ thống khí đốt của những nước này kết nối chặt chẽ với nhau và có những nguồn thay thế khác.

Thế nhưng, Đức sẽ đối mặt với tình trạng nguồn cung giảm đến 29%, còn các nước Baltic thì giảm đến 54%.

Trong buổi phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg ngày 6/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo: “Chúng ta phải sẵn sàng với những biến động mới liên quan đến nguồn cung khí đốt, kể cả việc Nga cắt giảm hoàn toàn”.

Theo Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck, nếu như một ngày nào đó Gazprom tuyên bố không thể tái khởi động Dòng chảy phương Bắc 1 thì đó “không phải là bất ngờ lớn”.

Một quan chức cao cấp Đức giấu tên thì cánh báo, trong trường hợp đó Nga hoàn toàn có thể gợi ý Đức “vẫn có thể sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2”.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Berlin đã quyết định hủy bỏ đường ống mới hoàn thành này. Một điều chắc chắn là vào thời điểm hiện tại, không ai ở châu Âu đề cập đến việc cấm vận khí đốt Nga nữa.

Cho đến cuối tháng 5/2022, đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi giữa một số thành viên như Ba Lan hay ba nước Baltic. Họ cho rằng, không thể chấp nhận việc EU tiếp tục tài trợ cho cuộc xung đột Nga-Ukraine bằng cách mua năng lượng.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Nga đã đi nhanh hơn châu Âu một bước. Từ đầu cuộc xung đột, Gazprom không ngừng giảm lượng khí đốt giao cho EU.

Cuối tháng 3/2022, khi EU tiến hành đợt trừng phạt mới trong đó có việc cấm vận nhập khẩu than đá Nga, Điện Kremlin đã đáp trả.

Ngày 1/4, Tổng thống Putin công bố sắc lệnh buộc các công ty năng lượng phải giao dịch bằng đồng Ruble theo một hệ thống thanh toán phức tạp cho phép Ngân hành trung ương Nga (BoR) hỗ trợ đồng nội tệ, lách các biện pháp trừng phạt của EU. Những nước không chấp nhận đã bị Nga "khóa van" khí đốt.

Đó mới chỉ là một phần của cuộc chơi. Giữa tháng 6/2022, khi EU xem xét trao cho Ukriane quy chế ứng cử viên, Gazprom đột nhiên chỉ trích các biện pháp trừng phạt của châu Âu nhằm cản trở họ mua sắm các phụ tùng cần thiết để bảo đảm cho hoạt động của hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Ngay sau đó, nguồn cung khí đốt cho Pháp, Đức, Italy, Áo, Czech, Slovakia đã giảm mạnh.

Đến nay, khoảng hơn 10 nước thành viên EU đã rơi vào tình cảnh tương tự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin kí tên lên đoạn đường ống khí đốt ở vùng Viễn Đông. (Nguồn: Getty Images)

EU sắp tung kế hoạch khẩn cấp

Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu đang xem xét kế hoạch áp định mức khí đốt để quản lý đối phó với tình trạng thiếu khí đốt có thể xảy ra đối với một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng sẽ không phải thực hiện những biện pháp này.

Châu Âu đang bước vào kỳ nghỉ Hè thường niên, sau hai năm dịch Covid-19 và tất nhiên lãnh đạo các nước không muốn gây bức xúc cho người dân.

Một quan chức EC cho hay, Pháp dự kiến sẽ tung ra một chiến dịch truyền thông kêu gọi người tiêu dùng chú ý, nhưng không muốn người dân quá lo ngại.

Ngày 20/7, EC dự kiến sẽ đưa ra “kế hoạch khẩn cấp cắt giảm nhu cầu năng lượng”, dựa trên kế hoạch mà các nước thành viên đệ trình. Trong giới lãnh đạo, một bộ phận chủ trương áp đặt định mức tiêu thụ đối với một số ngành công nghiệp để không ảnh hưởng để mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Thế nhưng ý tưởng này có thể khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp tạm thời.

Một bộ phận khác lại lo ngại về tác động tiêu cực của lựa chọn trên và bảo vệ quyết liệt cho giải pháp đa dạng hóa nguồn cung.

Theo tính toán của Ủy viên châu Âu về thị trường nội bộ Thiery Breton, trước cuộc xung đột, Nga cung cấp cho châu Âu khoảng 155 tỷ m³ khí đốt. Trong vòng một năm nữa, Mỹ, Ai Cập, Qatar, Tây Phi, Na Uy và Azerbaidjan có thể bảo đảm được 1/3 số này.

Việc đẩy nhanh quá trình là rất khó do còn nhiều hạn chế về nguồn khai thác.

Thế nhưng, nhiều nhà máy có thể chuyển sang chạy bằng dầu lửa thay cho khí đốt, chẳng hạn như ngành công nghiệp xi măng, lọc dầu, mà không cần phải đầu tư lớn để chuyển đổi. Quy trình như vậy sẽ giúp EU giảm tiêu thụ từ 7-8 tỷ m³ khí đốt.

Nếu tăng công suất hoặc mở cửa lại các nhà máy nhiệt điện than, trong ngắn hạn sẽ tạo ra sản lượng tương đương 30 tỷ m³ khí đốt Nga. Pháp, Đức, Hà Lan, Áo đã đi theo hướng này, Italy sẽ sớm bắt tay hành động.

Những nước mà nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn như Ba Lan, Bungaria thì không có ý định cắt giảm công suất.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh: "Cho dù chúng ta có phải trì hoãn mục tiêu chống biến đổi khí hậu tham vọng, thì đó cũng là điều cần thiết để làm cho châu Âu mạnh hơn, đủ khả năng đối phó với Nga và hỗ trợ Ukraine".

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ phải tìm ra lối đi hẹp để cân bằng mục tiêu bảo vệ khí hậu và giải quyết thách thức năng lượng cấp bách, một lựa chọn phải được tất cả các nước thành viên đồng thuận, nếu không sẽ không thể áp dụng.

Dù quyết định thế nào đi nữa, Chủ tịch EC sẽ phải đưa ra một cơ chế cho phép điều phối hiệu quả các kế hoạch áp trần tiêu thụ của từng nước, qua đó bảo vệ thị trường nội địa của EU và chuỗi giá trị công nghiệp.

Đến nay, khối lượng dự trữ mới đạt 56%, nguồn khí đốt chảy vào rất chậm vì từ giữa tháng 6/2022, Moscow hạn chế mở van. Thỏa thuận của EU không nói rõ trong trường hợp thiếu khí đốt, các nước sẽ sử dụng kho dự trữ theo quy tắc như thế nào.

Theo bà Ursula von der Leyen, khi đó EU sẽ phải điều tiết để “khí đốt được đưa đến nơi nào cần nhất”.

(theo Le Monde/TTXVN)

5 nhận xét:

  1. Bình Minh20:58 14/7/22

    Nếu tìm kiếm được nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ thì thế giới đã làm được bao năm nay rồi chứ không đợi đến khi Nga hạn chê nguồn cung cho châu Âu, trong một khoảng thời gian ngắn mà muốn làm điều phi thường là không thể, châu Âu cũng chỉ đang lên gân để hao oai với thế giới thôi, một thời gian nữa thái độ sẽ khác, cứng mãi làm sao được

    Trả lờiXóa
  2. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga-Ukraine đang ở đỉnh điểm, việc tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga của Liên minh châu Âu (EU)... đang khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và các quốc gia Trung - Đông Âu đang đối mặt với những tác động trực tiếp trước hành động răn đe này.

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay, Nga - nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai trên toàn cầu - là nơi đáp ứng khoảng 25% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu. Với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay của EU, giới phân tích cho biết khu vực Trung - Đông Âu có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng từ quyết định trừng phạt này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mùa Xuân08:29 15/7/22

      Mùa đông thì sắp đến mà Nga nó chơi cái bài hạn chế dần nguồn cung thì châu âu không biết sống kiểu gì qua mùa đông năm nay, Mỹ nó vẫn có dầu bơm lên để dùng chứ châu âu thì làm sao làm ra đủ dầu mà ăn được, kinh tế tăng trưởng thập, thu nhập quốc dân chậm cải thiện mà giá dầu cứ tăng vọt thì dễ phát sinh tiêu cực trong xã hội lắm

      Xóa
  4. các quốc gia như Bulgaria, Estonia, Hy Lạp, Litva, Latvia, Ba Lan, Séc và Slovakia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự căng thẳng giữa Nga và châu Âu, điều này cũng càng có cở sở hơn khi Đức tuyên bố dừng Dòng chảy phương Bắc 2

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog