Chia sẻ

Tre Làng

HĐBA: Cần đảm bảo an toàn, an ninh cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine

Rạng sáng 12/8 theo giờ Việt Nam (chiều 11/8 giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AFP/TTXVN

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy này nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng 3 vừa qua. Trong những ngày gần đây tại khu vực này xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự. Hiện Nga và Ukraine đang cáo buộc lẫn nhau ném bom nhà máy này.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại cuộc họp, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo tình hình ở khu vực nhà máy Zaporizhzhia rất đáng quan ngại và các chuyên gia của IAEA cần phải được tiếp cận khu vực này để xem xét tình hình.

Đại diện Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của LHQ và nhiều nước đề nghị thiết lập một khu vực phi quân sự quanh nhà máy Zaporizhzhia và thúc giục IAEA tới xem xét tình hình khu vực này càng sớm càng tốt.

Đại sứ Vassily Nebenzia, trưởng phái đoàn Nga tại LHQ nhận định "thế giới đang bị đẩy tới bờ vực thảm họa hạt nhân ở quy mô không khác gì thảm họa hạt nhân Chornobyl năm 1986". Ông cũng nhất trí IAEA có thể đến thăm nhà máy Zaporizhzhia ngay trong tháng 8.

Về phần mình, phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu Nga trả lại Ukraine quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia để đảm bảo an toàn an ninh hạt nhân cho toàn châu Âu.

Cuộc họp khẩn được tiến hành theo đề nghị của Nga, môt trong 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA sau khi các vụ ném bom hôm ngày 9/8 vừa qua khiến 14 người thiệt mạng ở vùng Đông Nam Ukraine gần nhà máy Zaporizhzhia.

Trọng thông cáo phát ra trước khi cuộc họp khẩn được tiến hành, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay các hành động quân sự gây nguy hiểm cho nhà máy Zaporizhzhia và không được nhắm vào các mục tiêu gần khu vực này.

Tại LHQ, các nước thành viên đều bày tỏ quan điểm phải đảm bảo an toàn, an ninh cho khu vực Zaporizhzhia cũng như bất cứ cơ sở sản xuất hạt nhân nào ở Ukraine nhằm tránh xảy ra thảm họa hạt nhân đối với loài người, đặc biệt là với những người dân đang sống trong vùng chiến sự giao tranh.

Hải Vân- Vũ Hiếu (TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog