Chia sẻ

Tre Làng

Ông Tề Trí Dũng bị đề nghị phạt 12-14 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ có thời hạn

VKS xác định bị cáo Tề Trí Dũng có vai trò chính trong vụ án đề nghị mức án 12-14 năm tù trong sai phạm thứ 3.

Ngày 20-9, TAND TP.HCM tiếp tục với phần tranh luận vụ Tề Trí Dũng (sinh năm 1981, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận - IPC) cùng sáu đồng phạm về tội vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Dũng có vai trò chính trong vụ án

Mở đầu, đại diện VKS đã phát biểu quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án. Theo VKS, năm 1997, UBND TP có Quyết định giao cho Công ty đầu tư và xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư Dự án khu tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, với tổng diện tích 47 ha để phục vụ tái định cư cho người dân bị giải toả xây dựng tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh và cụm đô thị D, E - Khu đô thị Nam Sài Gòn.

Đến ngày 23-4-2001, UBND TP chuyển giao Dự án An Phú Tây cho Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (viết tắt là Công ty SADECO) làm chủ đầu tư thay cho Công ty đầu tư và xây dựng Bình Chánh.

VKS phát biểu quan điểm luận tội vụ án. Ảnh: H.YẾN

Tháng 9-2006, Công ty IPC có văn bản đề nghị Ban quản lý khu Nam bố trí nền đất tái định cư để Công ty IPC phục vụ tái định cư cho người dân, nhưng do không còn đủ nền đất theo đề nghị của Công ty IPC, nên Ban quản lý Khu Nam đề nghị Công ty IPC liên hệ SADECO để mua lại nền nhà mà Công ty Sadeco đang dùng để kinh doanh tại dự án An Phú Tây.

Sau đó, SADECO đã bán cho Công ty IPC 25.083 m2 đất nền nhà (151 nền) thuộc phần diện tích kinh doanh với giá 6,6 triệu đồng/m2 và 17.932 m2 đất xây dựng Khu chung cư R1 với đơn giá: 2,75 triệu đồng/m2, thành tiền 49,313 tỉ đồng.

Từ tháng 7-2008 đến tháng 11-2016, Công ty IPC đã chuyển tổng cộng 208,9 tỉ cho SADECO và các nền đất đã được cập nhật tên cho Công ty IPC trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty IPC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đã sử dụng vốn để mua đất nền tại SADECO, nên số đất nền này được xác định là tài sản của Nhà nước.

Các bị cáo nghe VKS đề nghị mức hình phạt. Ảnh: H.YẾN

Như vậy, các lãnh đạo, cá nhân được phân công nhiệm vụ tại Công ty IPC, khi thực hiện nhiệm vụ được giao, phải tuân thủ đúng quy định, phải bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển nhượng các nền đất tại khu tái định cư An Phú Tây, bị cáo Dũng và các đồng phạm là những người có trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại Công ty IPC đã không thực hiện đúng, quyết định việc chuyển nhượng 149 nền đất tại dự án An Phú Tây không đảm bảo hiệu quả, gây thiệt hại cho tài sản của Công ty IPC, là tài sản của Nhà nước số tiền là hơn 127,6 tỉ đồng.

Kết quả quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, quá trình thẩm vấn trực tiếp đã làm rõ vai trò, trách nhiệm, tính chất, mức độ của hành vi trái pháp luật.

VKS xác định bị cáo Dũng có vai trò chính trong vụ án. Hậu quả bị cáo đã gây ra cho nhà nước, cho xã hội cần có một bản án nghiêm khắc mới đủ tính răn đe đối với bị cáo và mang tính giáo dục, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Dũng có thái độ khai báo thành khẩn, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải; có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen; gia đình có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định nên cũng cần giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo.

Các bị cáo Trần Đăng Linh, Hồ Thị Thanh Phúc có vai trò chỉ đứng sau bị cáo Dũng. Tuy nhiên, bị cáo Linh chỉ phải chịu trách nhiệm đối với 50 nền đất do bị cáo trực tiếp ký hợp đồng bán. Vai trò của các bị cáo là đồng phạm giúp sức trực tiếp cho bị cáo Dũng, nên trách nhiệm hình sự thấp hơn nhưng cao hơn các bị cáo khác trong vụ án…

Các bị cáo còn lại Vũ Xuân Đức, Phạm Xuân Trung, Mai Văn Đường và Mai Bửu Tâm là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm tương xứng với số tiền Nhà nước bị thất thoát tương ứng với hành vi phạm tội của mình.

VKS đề nghị 12 - 14 năm tù

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, VKS cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo theo luật định. Ngoài ra, tất cả các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội gây thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng chưa có căn cứ xác định bản thân các bị cáo được hưởng lợi ích vật chất.

Quá trình tòa án chuẩn bị xét xử, các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả. Do vậy, VKS đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các bị cáo Linh, Phúc, Đức, Trung, Đường và Tâm.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bố các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Về hình phạt chính, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dũng mức án từ 12 - 14 năm tù; Linh, Phúc mức án từ 5 - 6 năm tù; Trung, Đức 4 – 5 năm tù. Bị cáo Đường, Tâm mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

VKS đề nghị áp dụng tổng hợp hình phạt với Bản án trước đối với các bị cáo Dũng, Linh, Phúc Phạm Xuân Trung, Đức và đề nghị cấm đảm nhiệm chức vụ có thời hạn cụ thể...

***
Hoàng Yến

1 nhận xét:

  1. Hoa Co May16:59 20/9/22

    "Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, VKS cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo theo luật định. Ngoài ra, tất cả các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội gây thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng chưa có căn cứ xác định bản thân các bị cáo được hưởng lợi ích vật chất. Quá trình tòa án chuẩn bị xét xử, các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả" có vẻ như quá trình xét xử đã lấy hết các tình tiết giảm nhẹ cho các bị can rồi nhỉ

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog