Chia sẻ

Tre Làng

Chiêu trò tấn công dự án Luật Phòng thủ dân sự

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã họp thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự do Bộ Quốc phòng chủ trì tham mưu. Ngay sau đó, một số đối tượng xấu đã xuyên tạc, đưa ra những luận điệu sai trái nhằm tấn công dự án luật này.

“Luật Phòng vệ dân sự: Cần hay không?” là tiêu đề bài viết được Đài Á châu tự do - RFA đăng tải. Việc đóng góp ý kiến để xây dựng pháp luật là điều cần thiết và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, RFA lại đang cố tình lợi dụng danh nghĩa thảo luận, nêu ý kiến về dự án luật để lồng ghép, rêu rao những quan điểm, nhận định, đánh giá chủ quan, phiến diện, sai trái, xuyên tạc, thiếu tính xây dựng. Liên quan đến dự án Luật Phòng thủ dân sự, RFA cho rằng: “ưu tư của nhà cầm quyền Việt Nam là vấn đề người bất đồng chính kiến, lo sợ người dân nổi loạn phản kháng… cho nên họ cần có những quy định để thực hiện việc tăng đàn áp”, “bây giờ người ta đưa cái này cũng là vì lý do ngăn chặn phản kháng của người dân”, “luật Phòng vệ dân sự được ban hành nhằm luật hóa những hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19”… Sau khi những luận điệu sai lệch này được tung ra, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã “tát nước theo mưa”, chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội nhằm đánh lừa nhận thức của cộng đồng.

Với chính sách củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các quy định về bảo vệ Tổ quốc nói chung và phòng thủ đất nước nói riêng. Phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh, thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra. Điều 13, Luật Quốc phòng năm 2018 chỉ rõ: “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”. Có thể thấy, phòng thủ dân sự là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc giữ nước.

Việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết. Hiện nay, quy định về phòng thủ dân sự được ghi nhận tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2-1-2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự... Nhiều quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhưng được quy định phân tán trong nhiều văn bản, thiếu thống nhất, chưa có tính bao quát, toàn diện. Cùng với đó, tình hình trong nước, khu vực và thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, các nhân tố gây mất an ninh phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh…) diễn ra theo chiều hướng khó lường đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Do vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng thủ dân sự để đáp ứng yêu cầu thực tế, cụ thể hóa quan điểm được Đại hội XIII của Đảng đề ra: “chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu…”, “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”.

Theo dự thảo, Luật Phòng thủ dân sự quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự, phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, lực lượng phòng thủ dân sự, quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự. Nội dung của Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 nhóm vấn đề bao gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; tổ chức của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; quy định về tình trạng khẩn cấp trong phòng thủ dân sự. Mục đích của việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, thông qua quy định của pháp luật để nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác như Liên bang Nga, Nhật Bản, Thụy Điển, Trung Quốc… cũng đã ban hành đạo luật riêng để điều chỉnh về phòng thủ dân sự hoặc các vấn đề liên quan.

Rõ ràng, các quy định về phòng thủ dân sự là cần thiết, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, củng cố nền quốc phòng, an ninh của đất nước. Những luận điệu cho rằng chính quyền đang xây dựng pháp luật để “đàn áp, ngăn chặn người dân” là sự xuyên tạc hết sức trắng trợn, thể hiện rõ mưu đồ chống phá nền hòa bình, ổn định của đất nước.

Việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và Luật Phòng thủ dân sự nói riêng là vấn đề khó, liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội. Vì vậy, cùng với các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu và toàn thể người dân cần phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm trong việc đóng góp ý kiến để dự luật sớm được thông qua.

Trần Anh

1 nhận xét:

  1. Về Phòng thủ dân sự thì các quốc gia phát triển, tiên tiến trên thế giới đều đã áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, Việt Nam mình giờ mới làm là muộn chứ luật này rất cần thiết cho tình hình hiện tại của đất nước, còn lời lẽ phản đối của đám phản động không đáng chấp, chúng luôn phản đối tất cả dự luật mà chúng ta đưa ra.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog