Chia sẻ

Tre Làng

Cuối năm, Hà Nội kiểm tra, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm

Khoai@

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được chính quyền TP Hà Nội và các cấp, ngành liên quan đặc biệt quan tâm, bởi nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Vào đầu quý 2/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND triển khai công tác hậu kiểm về ATTP trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022.

Theo kế hoạch, 3 tháng cuối năm nay, Thành phố sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố, công tác hậu kiểm về ATTP được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục ở khắp các quân huyện và được tiến hành có trọng tâm trọng điểm. Theo đó, công tác hậu kiểm sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố và đăng ký hoặc sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm; nhóm sản phẩm OCOP dùng làm thực phẩm.

Bên cạnh việc hậu kiểm, thì UBND Thành phố cũng chỉ đạo công tác kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, các trường học, tại các lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và ngay cả các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Hiện nay, TP Hà Nội có hơn 83.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đây là con số khổng lồ và còn có thể phát sinh vào các dịp lễ tết hoặc các sự kiện xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Thanh phố đã lập hơn 900 đoàn thanh tra chuyên ngành và liên ngành để kiểm tra ATTP. Các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm gần 7.000 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại cho sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm ATTP cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Trong năm 2022, thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch số 111/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã thẩm định, xếp loại 249 lượt cơ sở. Trong đó có 222 cơ sở xếp loại B, 10 cơ sở không đánh giá do sai địa chỉ kinh doanh, 17 cơ sở xếp loại C; 27 cơ sở được nâng hạng từ C lên B. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã cấp 242 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó có 20 giấy chứng nhận cấp lại, đạt gần 89,2% tổng số cơ sở được Thành phố đánh giá, phân loại.

Theo kế hoạch của UBND Thành phố, Tết Quý Mão đang đến gần, việc kiểm tra, giám sát ATTP phải được tổ chức bài bản, chặt chẽ và bao quát được hết các địa bàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các nhóm mặt hàng. Theo đó, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dịch vụ do ngành công thương quản lý như: rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến từ tinh bột, hàng công nghệ phẩm; Phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; kinh doanh, vận chuyển và chế biến thịt, các sản phẩm từ thịt; động vật tươi sống, thủy hải sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, phải duy trì việc tiếp cận các thông tin phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng; kịp thời phân loại, xác minh làm rõ thông tin, giải quyết kịp thời mọi kiến nghị của ngươi tiêu dùng đảm bảo khách quan, trung thực tạo lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam và trên hết là đảm bảo an toàn tới tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog