Chia sẻ

Tre Làng

Sau vụ Tân Việt Phát, Bộ Công an điều tra 8 dự án khác

Cáo trạng vụ Tân Việt Phát thể hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật liên quan đến 8 dự án khác tại Bình Thuận.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với 12 bị can là các cựu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Thuận về sai phạm liên quan đến việc giao diện tích hơn 9ha (3 lô đất 18,19, 20 phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho Công ty Tân Việt Phát.

Theo cơ quan tố tụng, các bị can đã áp giá đất năm 2013 để tính tiền thu đất năm 2017. Hành vi này vi phạm khoản 3, Điều 108, Luật Đất đai năm 2013 về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (tại thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất) và vi phạm điểm b, c khoản 4, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 về giá đất, khiến nhà nước thiệt hại hơn 45 tỷ đồng.

Tại kết luận định giá tài sản năm 2022, giá trị quyền sử dụng đất dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 có giá trị hơn 156 tỷ đồng.

Năm 2017, Công ty Tân Việt Phát được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty đã làm các thủ tục xin thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 trên khu đất trên và triển khai đầu tư hạ tầng, phân thành 500 lô đất, diện tích từ 100m2 - 2.009 m2.

UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp mới 500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Việt Phát. Công ty đã phối hợp với Công ty Danh Khôi, tại TPHCM ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng để huy động vốn mục đích chuyển nhượng đối với 475 lô đất trên. Công ty đã thu 50% số tiền trong hợp đồng của khách hàng với giá từ 6 triệu đồng/m2 đến 7,3 triệu đồng/m2, với tổng số tiền huy động được hơn 499 tỷ đồng.

Công ty đã triển khai các thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định. Còn lại 2 lô đất có tổng diện tích 4.015,5 m2 (2006,5 m2 và 2.009 m2) Công ty Tân Việt Phát để lại phát triển thương mại.

Để thu hồi tài sản cho nhà nước, năm 2021, Bộ Công an đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc phối hợp rà soát, cung cấp thông tin, hồ sơ pháp lý và tạm dừng giao dịch đối với các tài sản tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2. Khi cần giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất tại Dự án thì phải có văn bản lấy ý kiến của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Vào tháng 7/2022, Công ty Tân Việt Phát có công văn xin nộp bổ sung tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chênh lệch hơn 45 tỷ đồng nhưng đến nay doanh nghiệp chưa thực hiện.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan rà soát, cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch (biến động) đối với tài sản, bất động sản và tài sản gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà đứng tên của một số bị can.

Đồng thời, cơ quan điều tra có công văn gửi cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch chiều rút tiền, chuyển khoản phục vụ yêu cầu điều tra vụ án: chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch chiều rút tiền, chuyển khoản đối với tài khoản đứng tên của một số bị can.

Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát xác định, Công ty Tân Việt Phát được lợi nên có nghĩa vụ hoàn trả số tiền hơn 45 tỷ đồng do hành vi phạm tội của các bị can gây ra.

Đặc biệt, theo cáo trạng, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật liên quan đến 8 dự án khác

Bao gồm: Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (sân golf Phan Thiết); Dự án lấn biển phường Đức Long (Hamubay); Dự án Biển Quê Hương; Dự án trường mầm non Lê Quý Đôn; Dự án rừng dầu Hồng Liêm; Dự án Bồng Lai Tiên Cảnh và dự án du lịch sinh thái Xuân Quỳnh; Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa Hưng Long; Dự án Khu du lịch Hòn Lan.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Ngọc Hai – SN 1962, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lương Văn Hải – SN 1960, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bị truy tố về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cùng tội danh trên, các bị can Hồ Lâm (SN 1960); Lê Nguyễn Thanh Danh – SN 1980, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh), Ngô Hiếu Toàn – SN 1977, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh),

Đặng Hoài Nhân (SN 1965), Nguyễn Thị Thu Phong – SN 1962, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Nguyễn Thanh Cho (SN 1973, Lê Nam Hưng (SN 1980), Phạm Duy Cường (SN 1974), Lê Anh Huy – (SN 1977) nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và cán bộ Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận.

Bị can Nguyễn Văn Phong – SN 1967, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Hiện nay, một số bị can đã tự nguyện tác động người thân nộp tiền để khắc phục một phần hậu quả. Trong đó, gia đình ông Hai khắc phục 300 triệu đồng, ông Hải 500 triệu đồng, ông Danh 100 triệu đồng, ông Danh, Lâm, Nhân mỗi người nộp 100 triệu đồng.

Nguồn: Đỗ Mến

1 nhận xét:

  1. Vụ việc này có sự cấu kết của nhiều người trong ban lãnh đạo để trót lọt, việc giao đất cho doanh nghiệp trong khi thực hiện các khoản thu không đúng quy định gây thiệt hại rất nhiều cho ngân sách nhà nước, nếu tỉnh nào cũng như thế này thì tiền đâu mà chi trả.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog