Chia sẻ

Tre Làng

Vụ án “chuyến bay giải cứu” từ những tiết lộ của Bộ Công an

Sau hơn một năm khởi tố vụ án tổ chức các "chuyến bay giải cứu", những tiết lộ từ Bộ Công an đã làm rõ chân dung các bị can và nhóm tội danh bị khởi tố.


Ngày 28/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố các bị can tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao liên quan đến việc tổ chức các "chuyến bay giải cứu" về tội nhận hối lộ. Bốn bị can đầu tiên bị khởi tố gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự và ba thuộc cấp tại Cục Lãnh sự.

Theo Bộ Công an, sai phạm này phát sinh trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.

Từ ngày khởi tố vụ án đến ngày 5/1/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng hơn 40 bị can liên quan đến các nhóm tội danh: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bắt đầu từ Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cơ quan điều tra lật mở từng manh mối và điều tra sự liên quan của các bị can đang công tác tại các Bộ gồm: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công an; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Ban Đối ngoại Trung ương. 

Với cáo buộc nhận hối lộ, cơ quan điều tra khởi tố nhiều bị can tại các bộ, ngành, địa phương, bao gồm các bị can: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; ông Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; nhiều đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola;

Ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực; ông Trần Văn Dự, nguyên Cục phó Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an;

Mới đây, vào cuối tháng 12/2022, Cơ quan An ninh bắt giam ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng về tội nhận hối lộ.

Ở nhóm tội danh đưa hối lộ chủ yếu xảy ra ở các bị can làm việc tại công ty du lịch hoặc nghề nghiệp tự do. Có thể kể đến các bị can như: Nguyễn Diệu Mơ, TGĐ Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình; Nguyễn Tường Vi – Giám đốc công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam

Được biết, các chuyến bay giải cứu được thực hiện từ tháng 12/2020 với tổ công tác gồm 5 bộ gồm: Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, trong đợt dịch Covid-19, có khoảng 2.000 chuyến bay được thực hiện, số tiền nghi đưa nhận hối lộ lên đến hàng trăm nghìn USD. Hiện nay, Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, bị can nộp khắc phục hậu quả trong vụ án là 80 tỷ đồng.

Nhận định về vụ án nêu trên, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết: Các bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các đơn vị, địa phương "hoạt động rất tinh vi". Ngoài ra, số đối tượng đông, phạm vi cả trong và ngoài nước gồm một số cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương.

"Các đối tượng đối phó rất quyết liệt, khiến cơ quan điều tra tốn nhiều thời gian trong xác minh vụ việc", ông Xô nhấn mạnh.

9 nhận xét:

  1. vụ án này chắc vẫn sẽ còn rất nhiều mắt xích bên trong mà chúng ta vẫn chưa điều tr ẩ được hết, các cơ quan chức năng cần đào sâu, tìm kiếm manh mối từ lời khai của những đối tượng để có thể đi đến tận gốc của vụ án, nếu không thì vụ án vẫn sẽ chưa kết thúc ở đây

    Trả lờiXóa
  2. Hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng, xảy ra trong thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tốn nhiều thời gian trong công tác điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

    Trả lờiXóa
  3. Tất cả cho thấy quy mô và tính chất vụ án rất lớn và nghiêm trọng. Một vụ án xét về tính chất còn nguy hiểm, gây tác động rất lớn về mặt xã hội, nghiêm trọng hơn cả vụ án Việt Á.

    Trả lờiXóa
  4. Mục đích và ý nghĩa tốt đẹp của những chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch Covid-19 là không thể nghi ngờ. Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp đã bị nhiều cán bộ biến chất làm cho hoen ố, mất uy tín với người dân lẫn với quốc tế, khi họ bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền và họ phải trả giá!

    Trả lờiXóa
  5. Ngay từ khi những chuyến bay giải cứu công dân Việt ở nước ngoài được tiến hành, dư luận và người Việt ở nước ngoài đã ngạc nhiên vì sao mang danh là những chuyến bay "giải cứu", có tính nhân đạo nhưng giá vé lại quá đắt như vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Đây là vụ án rất phức tạp, không kém vụ Việt Á về tính chất và quy mô phạm tội, các bị can bị khởi tố, tạm giam bước đầu đã nhận tội và phối hợp với CQĐT.

    Trả lờiXóa
  7. Thời điểm ấy, do số lượng người Việt Nam có nhu cầu về nước rất lớn, trong khi số “chuyến bay giải cứu” lại có hạn, việc kiếm được một tấm vé về nước quý giá hơn bao giờ hết. Nhưng cũng vì chuyện này, dư luận dần xôn xao với thông tin chi phí cho mỗi chiếc vé trên các “chuyến bay giải cứu” là quá cao, thủ tục lại rườm rà, phức tạp.

    Trả lờiXóa
  8. Một vụ Đại án mà táng tận lương tâm nhất trong lịch sử, một vụ đại án đi vào lịch sử mà có số lượng cán bộ lãnh đạo chỉ huy bị dính chàm rất nhiều, cùng với vụ Việt Á đã tốn rất nhiều bút mực của không ít báo giới và nhà quan sát trong nước. Những đối tượng trục lợi như này phải kiên quyết xử lý thật nghiêm khắc, không được buông lơi, không được ngơi nghỉ. Hoan hô tinh thần của TBT của Bộ Công an

    Trả lờiXóa
  9. Vụ đại án đã thay đổi nhân sự của Cả một cục lãnh sự, biết bao nhiêu Đại sứ đã phải rời nhiệm kỳ. Cá nhâ là một người dân, tôi hết sức ủng hộ việc cơ quan điều tra tiếp tục làm sáng tỏ vụ án, kịp thời tìm ra được kẻ cầm đầu, chủ mưu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhà nước Việt Nam

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog