Chia sẻ

Tre Làng

Chiếc drone và bài học từ lòng nhân

Lâm Trực@

Tôi đọc một bản tin trên mạng, rồi gấp máy lại, ngồi lặng hồi lâu. Một người nông dân ở Gia Lai có tên Trần Văn Nghĩa đã dùng chiếc máy bay không người lái chuyên phun thuốc trừ sâu để cứu hai đứa trẻ mắc kẹt giữa dòng lũ chảy xiết. Một câu chuyện tưởng chừng như cổ tích giữa đời thực, nhưng sâu xa hơn, nó là bài kiểm tra nhân tính cho một xã hội đang bước đi loạng choạng giữa công nghệ và luật pháp, giữa lương tri và giấy phép hành chính.

Tôi viết bài này trước hết như một lời cảm ơn từ trái tim, cảm ơn một con người bình dị đã chọn đúng trong một khoảnh khắc lưỡng nan, khi chỉ cần do dự một nhịp là mạng sống sẽ bị nuốt chửng bởi dòng nước vô tình.

Và tôi viết, cũng là để gợi mở với những người làm luật, với hệ thống hành pháp đang ngày một dày đặc những quy định, thủ tục, điều khoản rằng: đôi khi, một tấm lòng nhân hậu có thể đi trước cả văn bản pháp lý. Và rằng, những việc nghĩa dù trái điều lệ cũng cần được bảo vệ.

Một trận lũ bất ngờ đổ về từ thượng nguồn dòng sông Ba. Nước ngầu đục, mênh mang như một nỗi buồn không gọi tên. Ba đứa trẻ đi chăn bò, tay còn thơm mùi cỏ non, bị mắc kẹt giữa bãi bồi, không đường lui. Chúng không khóc, chỉ đứng bám vào bụi cây, gọi tên cha mẹ, gọi những âm tiết giản dị mà ai cũng từng nghe trong đời. Nhưng hôm ấy, không một đội cứu hộ nào kịp đến.

Tôi từng nói, trong những lúc khẩn cấp, hệ thống thường chậm hơn lương tri. Và đúng như vậy. Đúng lúc tất cả đều hoảng loạn, thì một người đàn ông đang điều khiển máy bay để phun thuốc trừ sâu trên ruộng khoai lang đã chạy lại. Anh không có chức năng cứu hộ. Anh không được cấp quyền điều chỉnh công năng của thiết bị bay. Nhưng anh có một thứ mà ít người còn giữ được: sự chủ động của con người trước đau khổ đồng loại.

Anh móc dây vào máy bay, điều khiển chiếc drone bay ra giữa dòng nước xiết. Nó không phải là trực thăng quân sự. Nó chỉ là một thiết bị nông nghiệp. Nhưng hôm ấy, nó là biểu tượng cho lòng trắc ẩn. Là minh chứng cho việc: công nghệ, nếu được đặt trong tay người tử tế, có thể cứu sống hơn cả ngàn lời kêu gọi.

Tôi vẫn nhớ một câu nói xưa: “Luật pháp được viết ra để bảo vệ con người, chứ không phải để cản trở họ làm điều đúng.” Nhưng thực tế, có không ít tình huống cho thấy luật pháp, khi bị cứng nhắc hóa, lại trở thành rào cản khiến người tốt do dự.

Anh Nghĩa, trước khi cho máy bay bay ra, đã bị những người xung quanh ngăn lại: “Lỡ như cháu tuột tay, rơi xuống thì sao?”. Đó là phản xạ thường tình. Nhưng may thay, anh đã không nghe theo nỗi sợ. Anh hành động bằng lòng tin. Tin vào sự sống, và tin rằng những đứa trẻ sẽ bám được vào dây, vì chúng chưa muốn chết.

Tôi đã nhiều lần đứng giữa những quyết định lương tri như vậy. Và tôi hiểu, để làm điều đúng, con người ta cần nhiều hơn là sự can đảm. Cần một nền tảng đạo đức bền bỉ, được nuôi dưỡng bằng chính những va đập đời thường. Chỉ người từng nếm vị mặn của mất mát mới hiểu giá trị của sự cứu sống.

Sau vụ việc, chính quyền đã kịp thời khen thưởng anh. Nhưng tôi không khỏi băn khoăn: Nếu máy bay rơi? Nếu cháu bé không may sẩy tay? Anh sẽ đối diện với những gì?

Một xã hội văn minh phải là xã hội mà trong đó, cái thiện được pháp luật bảo vệ, chứ không phải chỉ được ngợi ca sau khi đã thành công. Nếu pháp luật chỉ đứng vỗ tay sau khi người tốt thắng, mà không làm gì để che chở cho họ trong lúc chọn làm điều tốt, thì luật pháp ấy vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh.

Tôi đề nghị, từ vụ việc này những người làm luật cần xem xét, bổ sung quy định, mở ra những hành lang pháp lý cho hành động nhân đạo trong tình huống khẩn cấp. Hãy trao quyền – không phải chỉ bằng văn bản – mà bằng niềm tin. Bởi không ai có thể tiên đoán một chiếc drone ngày mai sẽ cứu sống bao sinh mạng giữa mưa lũ.

Tôi viết những dòng này như một lời nhắc nhẹ: Đừng để con người bị lãng quên trong một thế giới đang ngày một tin vào máy móc. Cái làm nên giá trị của một xã hội không phải là có bao nhiêu công nghệ, mà là công nghệ ấy được dùng trong tay ai, và vì điều gì.

Một người nông dân cứu hai đứa trẻ bằng thiết bị nông nghiệp. Một hành động giản dị, không giáo điều, không khẩu hiệu, không mệnh lệnh. Nhưng nó chính là cốt lõi của đạo lý Việt: cứu người, bất kể bằng cách gì.

Đừng ngăn cản những người như anh Nghĩa. Hãy để họ được bay bằng drone, bằng đôi tay, bằng lương tri. Và cũng đừng quên: trong một xã hội tử tế, đôi khi chính người nông dân mới là những bậc thầy của lòng người.

25 nhận xét:

  1. Thực sự cảm động trước hành động nhân đạo, kiên quyết, dứt khoát của người đàn ông mang tên Trần Văn Nghĩa. Đúng như những gì tác giả viết, đã là cứu người, đã muốn cứu người rồi thì bằng mọi cách, dù là khó khăn hay kì quặc tới đâu, người ta vẫn có thể làm. Lúc cứu người thì nào đâu còn nên xem xét đến việc này, việc kia nữa, đã cứu là cứu thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều đọng lại trong tôi nhiều nhất từ bài viết này chính là thông điệp về giá trị của sự sống và lòng nhân. Câu nói "cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp" tưởng chừng đơn giản nhưng lại bao hàm một triết lý nhân sinh sâu sắc. Hành động của bác nông dân Trần Văn Nghĩa không chỉ cứu được hai đứa trẻ mà còn gieo thêm niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp, vào bản chất lương thiện của con người Việt Nam. Rất đáng để lan tỏa!

      Xóa
    2. may là chiếc máy bay không người lái này có kích thước to nên có thể dễ dàng đưa từng em một vào bờ, chứ nếu nhỏ như flycam thì cũng không biết làm thế nào, quá là may mắn

      Xóa
  2. Đọc bài này mà thấy ấm lòng thực sự! Giữa bao nhiêu tin tức tiêu cực, câu chuyện về bác nông dân Trần Văn Nghĩa dùng drone cứu người như một tia sáng vậy. Nó không chỉ đơn thuần là một hành động anh hùng mà còn là lời khẳng định đanh thép: công nghệ sinh ra là để phục vụ con người, và khi được đặt vào tay những tấm lòng nhân ái, nó sẽ phát huy sức mạnh phi thường. Thật đáng ngưỡng mộ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thông tin này đã được đưa lên thời sự cũng như các trang báo đài, mình nghe qua thôi mà thấy thật sự quá may mắn cho mấy em nhỏ kia, nếu không có người đàn ông với chiếc flycam này thì không biết xoay sở như thế nào

      Xóa
    2. nếu là ai đi chăng nữa thì họ cũng sẽ làm như vậy thôi, thật sự quá là may mắn khi có chiếc máy bay không người lái của anh chàng kia, chứ để người thường mà bơi xuống dòng nước siết thế kia cũng rất nhiều rủi ro

      Xóa
    3. giữa dòng nước cuốn siết thế kia, nếu là người thường nhảy xuống cứu các em thì đúng là người hùng, nhưng điều đó ẩn chứa quá nhiều rủi ro, may mắn là có chiếc máy bay không người lái

      Xóa
  3. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả về việc cần có sự linh hoạt trong luật pháp, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp. Luật sinh ra là để bảo vệ và điều hướng xã hội, nhưng nếu nó trở thành rào cản cho lòng tốt và những hành động cứu người thì cần phải xem xét lại. Hành động của bác Nghĩa, dù có "vượt rào" kỹ thuật, nhưng mục đích cuối cùng là cứu sống hai đứa trẻ. Đó mới là giá trị cốt lõi mà chúng ta nên trân trọng và bảo vệ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn tác giả Lâm Trực đã có một bài phân tích sâu sắc đến vậy! Từ một câu chuyện nhỏ về chiếc drone, tác giả đã mở rộng ra thành những vấn đề lớn hơn về đạo đức, pháp luật và giá trị con người trong xã hội hiện đại. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, dù cuộc sống có phát triển đến đâu, lòng trắc ẩn và tinh thần tương thân tương ái vẫn luôn là nền tảng vững chắc nhất của một cộng đồng văn minh.

      Xóa
    2. một pha xử lí vô cùng nhanh trí của bác nông dân, và đó cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh khi đang trong thời gian nghỉ hè của các bé, có nhiều nguy hiểm có thể xảy ra với khu vực ao hồ, sông suối, vì vậy phải nâng cao cảnh giác

      Xóa
    3. công nghệ sinh ra để phục vụ con người, đó là điều quan trọng nhất, và may mắn hơn là để cứu hộ cho con người trong những tình huống nguy cấp như thế này đây

      Xóa
  4. Câu chuyện này khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về mối quan hệ giữa con người, công nghệ và các quy tắc xã hội. Chiếc drone vốn là công cụ canh tác, nhưng trong khoảnh khắc sinh tử, nó đã trở thành "cầu nối" của sự sống. Điều này cho thấy rằng, sức mạnh thực sự không nằm ở bản thân công cụ, mà ở trí tuệ, sự quyết đoán và đặc biệt là lòng nhân ái của con người khi sử dụng nó. Một bài học quá ý nghĩa!

    Trả lờiXóa
  5. Tác giả đã đặt ra một vấn đề rất thời sự và đáng để cả xã hội cùng suy ngẫm: Làm sao để khuyến khích và bảo vệ những hành động dũng cảm, nhân ái mà không bị vướng mắc bởi các thủ tục hành chính hay quy định cứng nhắc? Thiết nghĩ, cần có những điều khoản pháp lý rõ ràng hơn để "bật đèn xanh" cho những nghĩa cử cao đẹp trong tình huống cấp bách, tránh để người tốt phải lo lắng về rắc rối pháp lý sau khi làm việc thiện.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết thực sự mang lại cảm giác ấm lòng, giống như cơn mưa giữa mùa hạ, làm người ta cảm thấy thư thái giữa bao thông tin trái ngang trong xã hội phức tạp hiện nay. Hành động của anh xứng đáng được các cấp ghi nhận, khen thưởng, được nhiều người biết tới là một tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội

    Trả lờiXóa
  7. Đồng thời, câu chuyện cũng đặt ra câu hỏi về luật pháp và lòng người. Liệu pháp luật đã đủ linh hoạt để bảo vệ những người tốt? Và liệu xã hội đủ nhân ái để bảo bọc những tấm lòng trượng nghĩa quên mình? Trong xã hội cũng không thiếu cảnh làm ơn mắc oán, nhưng gáo nước lạnh vào lòng tốt của những người trong xã hội, để lòng nhân ái ngày càng lạnh đi. Cần có cơ chế phân minh để bảo vệ những người cố gắng cứu giúp người trong trường hợp khẩn cấp bằng những cách thức có thể hơi “sáng tạo”, qua đó giúp họ có thể sống trung thực với lòng tốt của mình

    Trả lờiXóa
  8. Một câu chuyện rất ấm lòng, anh đã cứu được ba con người, thật là công đức vô lượng. Trong khi đó, nếu mà không quyết đoán, không dám nghĩ, dám làm thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Mặc dù anh nói cũng khá mạo hiểm, nhưng bối cảnh đó là phương án cuối cùng rồi, phải thử và may mắn đã thành công. Tôi rất ngưỡng mộ anh, ngưỡng mộ việc anh làm. Xã hội cần nhiều người tốt như anh

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh02:49 6/7/25

    Một người nông dân " đặt cược " tài sản lớn của mình ( chiếc máy trị giá 300 triệu đồng ) để cứu 2 mạng người . 2 cán bộ đứng đầu tỉnh Hòa bình , mang tổng gần 10 triệu $ , tiền thuế của dân nghèo , đi đánh bạc . 2 hình ảnh đấy trái ngược vô cùng

    Trả lờiXóa
  10. Báo chi cần tăng cường đưa tin gương người tốt, việc tốt; hạn chế bớt các tin giật gân. Chính những hành động như thế này càng làm cho người dân yên tâm, càng kích hoạt lòng tốt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong họ. Những người tốt như ngọn lửa trong đêm tối, từng bước, từng bước thắp sáng, lan tỏa và ấm áp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc mà nghẹn lòng. Ba đứa trẻ nhỏ bị kẹt giữa dòng nước lũ cuốn, không ai dám bơi ra vì nước quá xiết, vậy mà một người nông dân không ngần ngại vắt óc nghĩ cách, rồi mạo hiểm điều khiển chiếc drone ra giữa sông để cứu từng cháu một. Cảm ơn anh đã không đứng nhìn. Những câu chuyện như thế này khiến chúng ta thêm tin vào tình người, vào lòng trắc ẩn vẫn luôn hiện hữu quanh ta mỗi ngày.

      Xóa
  11. Giữa dòng nước lũ cuồn cuộn, không ai dám liều mình thì một người nông dân lại nghĩ ra cách dùng drone để cứu các cháu bé. Việc làm tưởng như chỉ có trong phim lại xuất hiện giữa đời thực, và chính là nhờ vào sự dũng cảm và nhanh trí của anh Nghĩa. Đây không chỉ là hành động cứu người mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái, của tinh thần hành động trong thời khắc sống còn. Cần lan tỏa những hình ảnh đẹp như thế này để xã hội ngày càng có nhiều người biết hành động vì cộng đồng

    Trả lờiXóa
  12. Thật sự bất ngờ khi một chiếc drone nông nghiệp – vốn chỉ dùng để phun thuốc – lại trở thành thiết bị cứu người trong tình huống khẩn cấp. Điều đó cho thấy công nghệ không chỉ là công cụ sản xuất, mà còn là phương tiện cứu mạng nếu được ứng dụng đúng lúc, đúng chỗ.

    Trả lờiXóa
  13. Rất may là các cháu nhỏ đã được cứu kịp thời. Nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo về việc để trẻ em ra sông suối khi mùa lũ về. Cần tăng cường giáo dục và kiểm tra thực địa để đảm bảo an toàn cho trẻ ở vùng nông thôn. Đừng để một phút bất cẩn của người lớn khiến các em rơi vào nguy hiểm.

    Trả lờiXóa
  14. 1. Tôn Vinh Một Nghĩa Cử Đẹp Giữa Lúc Nguy Nan

    Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ tác giả khi dành những lời trân trọng cho người dân Trần Văn Nghĩa ở Gia Lai. Dù biết rõ hành động điều khiển drone bay vào vùng nguy hiểm mà chưa có giấy phép có thể vi phạm quy định, nhưng trước tính mạng của một người đang bị dòng lũ cuốn trôi, anh Nghĩa đã không ngần ngại mà lựa chọn cứu người.

    Trong khoảnh khắc sinh tử ấy, việc đặt tính mạng người khác lên trên các quy định hành chính cứng nhắc là điều mà bất cứ con người tử tế nào cũng sẽ làm. Hành động ấy không chỉ là sự can đảm mà còn là biểu hiện đẹp của tinh thần nhân nghĩa, của truyền thống “thương người như thể thương thân” mà cha ông ta đã gìn giữ bao đời.

    2. Nhấn Mạnh Bài Học Về Lương Tri So Với Cứng Nhắc Của Thủ Tục

    Tác giả rất khéo léo khi đặt ra bài học sâu sắc: Giữa lương tri và giấy phép hành chính, giữa lòng nhân và các quy định, điều gì nên được ưu tiên trong những tình huống cấp bách?

    Tôi hoàn toàn đồng tình khi bài viết nêu rõ, các quy định pháp luật là cần thiết, song điều đó không có nghĩa là chúng ta được quyền làm ngơ trước sinh mạng đồng loại chỉ vì vướng mắc một thủ tục nào đó. “Những việc nghĩa dù trái điều lệ cũng cần được bảo vệ” — câu kết bài rất đắt, như một lời nhắc nhở với cả hệ thống quản lý rằng, ngoài luật pháp, còn có tình người.

    Trả lờiXóa
  15. 3. Một Thông Điệp Tỉnh Táo, Nhân Văn Giữa Xã Hội Nhiều Biến Động

    Điểm đặc biệt đáng quý ở bài viết này là tác giả không cực đoan phủ nhận quy định pháp luật, mà khéo léo đặt bài học lương tri vào đúng ngữ cảnh thực tế. Tôi ủng hộ cách nhìn nhận đó bởi lẽ, một xã hội phát triển không phải là xã hội chỉ biết cứng nhắc theo điều luật, mà còn phải biết đề cao và bảo vệ những hành động nhân nghĩa, biết điều chỉnh các quy định cho phù hợp với tình huống thực tiễn.

    Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi đôi lúc sự vô cảm đang len lỏi trong từng ngõ ngách, bài viết này là một lời nhắc nhẹ nhàng mà sâu sắc rằng: Con người với con người cần nhất là lòng nhân ái, là sẵn sàng hành động đúng lúc, đúng chỗ dù phải đánh đổi chút rắc rối.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog